Tùng Dương: “Tôi không sợ vợ mà là nể vợ”

Mười năm, Tùng Dương chăm chỉ cách tân, và chăm lên báo nữa, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ là “sốc, sex, sến”. Ngay cả thời điểm đang cần quảng bá cho live show “Tùng Dương  Một thập kỷ hoan ca” (sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 12 13/12 tới), Dương cũng từ chối nói về chuyện riêng tư, mà nhẽ ra có thể giúp… “bán vé”. Duy ánh mắt thì khó mà giấu được những niềm vui song hành, trong câu chuyện riêng có với Đẹp…

Từng bế tắc, nhưng vẫn hân hoan

– “Một thập kỷ hoan ca” – Nghe thì hay nhưng thật ra là “ăn gian” đấy nhỉ, nếu tính từ mốc Sao Mai Điểm hẹn 2004…

– Ừ thì chính ra là đã… 11 năm rồi, nhưng thôi nói thế cho… chẵn (cười)! Song “hoan ca” thì là đúng đấy chứ, vì ngay cả khi quằn quại, lên đồng, thì đó cũng vẫn là một trạng thái cực lạc, cực khoái trong âm nhạc. Đã bao giờ chị nghe tôi hát những bài buồn mà thấy sến súa, bi lụy chưa? Kể cả những ca khúc căng đầy sự bức bối, ẩn ức, tưởng chừng không lối thoát như trong album “Những ô màu khối lập phương” thì cũng vẫn có thể tìm thấy ở đó ít nhất một chút “ánh sáng cuối đường hầm”, đúng không? Thường tôi luôn cố buồn đến tận cùng, là để đi xuyên qua nó, thoát ra khỏi nó chứ không phải để chết chìm trong nó. Đó là lý do vì sao tôi luôn thấy mình hân hoan trong âm nhạc.

– Giữa những cuộc chuyện trong suốt hơn 10 năm qua của chúng ta, không ít khoảnh khắc tôi đã bắt gặp ánh mắt miên viễn của anh, như “ý đang rời khỏi chữ” vậy! Hẳn đó là khi sự hân hoan đi vắng, hay nói cách khác, những niềm vui trong âm nhạc không song hành cùng đời sống?

– Đã từng có những bế tắc, đúng! Dù nghệ sỹ thì thường được cuộc đời ưu ái cho nhiều thứ, nhưng mặt khác, vẫn phải “có vay có trả” khi về với đời thường. Hơn thua là lúc đó anh có biết cách giải quyết bế tắc bằng lăng kính nghệ thuật hay không. Tôi từng yếu đuối, ngay cả bây giờ vẫn vậy, không tránh khỏi. Vì có thể nó có sẵn trong bản năng rồi, là một phần của cái gọi là “nghệ sỹ tính”. Nhưng biết đâu cũng chính nhờ vào cái phần “nghệ sỹ tính” ấy mà mình dễ xem nhẹ mọi sự hơn, bế tắc được “thông” nhanh hơn. Điều gì không thể giải quyết được trong thực tại thì hãy hóa giải nó bằng âm nhạc. Ấy là lúc âm nhạc song hành cùng đời sống, cứu rỗi đời sống…

– “Vui thì nhanh, buồn thì lâu”. Một “thập kỷ hoan ca”, với anh, liệu có là một cái “chớp mắt”?

– Nó không quá dài, nhưng cũng đủ để mình đôi lần chớp mắt, sau những lần mở mắt. Chớp mắt vì như vừa mới đây thôi, từng có một Tùng Dương mặc quái, hát quái, làm “phiền mắt” bao người. Chớp mắt vì tận tới giờ cũng vẫn là cái “quái” đó, nhưng đã biết ẩn vào trong, lặn sâu hơn, để làm nên những con sóng ngầm có thể còn dữ dội và âm vang hơn thế.

Sáng tạo của người nghệ sỹ chẳng phải luôn là những con sóng nối tiếp, chồng lấn lên nhau, chẳng bao giờ đứng yên sao? Và mỗi con sóng, cũng có thể ví như một chớp mắt, trước một cánh cửa vừa được mở ra…

– Những câu hỏi từng ám ảnh anh: “Mình là ai? Mình từ đâu đến? Mình đang làm gì? Mình đi về đâu?…”, tới giờ này đã khép lại chưa?

– Chúng vẫn ở đó, sau 10 năm. Nhưng giờ thì đã có được những câu trả lời chân thực nhất, ổn định nhất, sâu sắc nhất và xác đáng nhất. Rằng, tôi chắc chắn không phải là một con tắc kè hoa hay khối rubic nhiều màu như tôi từng muốn thế, mà tôi tốt nhất chỉ cần là một nghệ sỹ, theo cái nghĩa giản dị và nguyên sơ nhất của nó. Đừng trách Tùng Dương hát nhiều thể loại, hay lắm lúc cũng chiều lòng khán giả, cũng hài hòa khôn khéo như ai… Hãy trách Tùng Dương khi anh ấy là một chân dung nhờ nhờ trong làng nhạc!

Phải “ác” với mình nhất có thể

– Cái còn lại, đáng giá nhất, sau 10 năm, là gì?

– Chính là điều tôi vừa nói: nghệ sỹ tính. Chị không thấy trước giờ, những cộng sự của tôi toàn là những nhạc sỹ “chất” đấy sao, từ Trần Tiến, Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo… đến Lưu Hà An, Giáng Son, Sa Huỳnh… Bạn sẽ không thể có được họ, nếu như bạn không có “chất”, hay cũng có thể gọi là “nghệ sỹ tính”. “Nghệ sỹ tính” ở đây không có nghĩa là “sống trên mây” mà là luôn nhớ mình đang trên mặt đất. Chính vì biết rõ mình đang đứng trên mặt đất mà cách duy nhất tôi có để đi tiếp là nghiêm túc khổ luyện và chắt chiu giọng hát đến tận cùng. Phải không ngừng nghiêm túc và khắt khe với chính mình, phải “ác” với mình nhất có thể thì mới không tụt hậu…

– Điều gì làm nên sức nặng của 10 năm?

– Sự đa chiều. Vì có đa chiều, có đặt mọi việc dưới nhiều góc nhìn, nhiều sự soi rọi, bạn mới có thể giải quyết được mọi vấn đề của mình một cách thấu đáo và giàu triết lý. Triết lý đây không phải để dạy đời mà để tưới tắm cho những ý tưởng nghệ thuật, giúp phác thảo ra chân dung của bạn một cách rõ ràng hơn. Luôn luôn có thể có những nhánh rẽ được mở ra trên con đường nghệ thuật, nhưng đừng quên, sự linh hoạt khác xa với sự dao động, sự thận trọng rất khác với sự lửng lơ, cập nhật khác với chạy theo trào lưu, làm tới nơi tới chốn khác với “đâm lao, theo lao”, nỗ lực cách tân lại càng khác với cả thèm chóng chán…

– 10 năm, vòng nguyệt quế thì ai cũng thấy, nhưng liệu đã có những khoảnh khắc, vòng nguyệt quế cũng chính là “sợi dây thòng lọng”?

– Có chứ, nhiều là khác! Ngay cả trong những đêm nhạc khán giả lấp kín khán phòng, như live show “Tùng Dương hát tình ca 2”. Với nhiều người, đó đã là một thành công. Nhưng với tôi thì không. 
Đêm hôm đó, tôi thậm chí đã nặng nề trở về, không ngủ nổi và chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong, tự giận mình để cảm xúc dẫn lối quá đà, đã hứng chí hát tới gần 30 bài, phá hỏng toàn bộ kịch bản, làm mất đi cái mạch lạc, khúc chiết như lẽ ra đã có, khiến ê kíp phải mệt nhoài chạy theo chuyến tàu mà tôi đã làm cho nó trật bánh… 
Hay cũng có những album, từng rất thành công trên thị trường, nhưng khi nghe lại, vẫn cứ cảm thấy thiếu thiếu, thừa thừa một cái gì đấy, ở đâu đấy. Hoặc cũng có những cái, mình hài lòng về tinh thần, tư tưởng, thông điệp… của nó, nhưng về chi tiết, thì không… Đấy, cứ phải mở to mắt nhìn thẳng vào thất bại và sai lầm của mình thì mới đi ra khỏi nó được và không để nó quay lại “phá” mình thêm lần nữa. 

– Nhưng anh có nghĩ rằng, khi kỹ năng và kinh nghiệm càng dày lên, thì đấy cũng là lúc con người nghệ sỹ trong anh mất dần hồn cốt?

– Con người ta luôn luôn tiến đến chữ cạn. Càng đầy càng cạn, càng lấp càng trống. Đi gần hết con đường càng thấy mình lực bất tòng tâm và dần lặp lại chính mình. Chúng ta tạo ra những giá trị, nhưng đôi khi chúng ta lại phải chịu thua và bị đào thải bởi chính nó. Chẳng hạn như lúc này tôi hát “Ôi quê tôi”, sự hào sảng tất nhiên vẫn còn, nhưng sự thô ráp cần có của nó có thể đã biến mất.

Ai cũng có thể bị cạn, bị cũ, bị trì níu bởi sức ì, học hỏi, động não dần là việc khó. Nhất là khi họ bị ru ngủ bởi sự mãn nguyện. Rất may là cho đến thời điểm này trong tôi vẫn chưa có sự mãn nguyện ấy.

– Chẳng phải anh đã có được một sự nghiệp, một tổ ấm, và hai cái đó hiện đang chung sống hài hòa với nhau sao? Sự viên mãn và mãn nguyện, với anh, có phải là một? 

– Giống mà khác. Viên mãn là tràn đầy, và đôi khi bạn có thể lấp đầy sự không hoàn hảo này bằng một sự không hoàn hảo khác. Nó có thể là một thoáng chững lại của đời sống, nhưng vô hại. Còn mãn nguyện, nếu không cẩn thận, sẽ thành ra tự mãn – đó là một căn bệnh khá phổ biến và cố hữu ở nghệ sỹ, khi cái tôi trong họ quá lớn – rồi lâu dần trở thành vô phương cứu chữa. Lúc đó, nó sẽ quay ra hại bạn.

Lúc hai mình, đã chắc gì bớt cô đơn?

– Cô đơn, như người ta vẫn nói, là một trạng thái khá lý tưởng để làm nghệ thuật. Anh có nghĩ, điều hôm nay anh “đầy” cũng chính là cái anh đã “vơi” đi?

– Nó là những trạng thái khác nhau mà chúng ta đều phải đối mặt. Khi một mình, cô đơn đã hẳn! Nhưng lúc hai mình, đã chắc gì bạn bớt cô đơn? Cũng có lúc bạn cô đơn chứ, do chính tự thân con người bạn. Đời sống vợ chồng như là đi trên dây, có lúc chúng ta đi gần nhau, cũng có lúc bị đẩy ra xa nhau, khi vợ chồng vốn dĩ là hai người khác biệt, làm sao có thể giống hệt nhau… Gần hay xa, đầy hay vơi, trạng thái nào cũng cần thiết cả.

– Tùng Dương, từ chỗ kén show, kén khán giả, giờ đây đã trở nên “rộng dài” hơn. Những mối bận tâm mới cho tổ ấm liệu có đang khiến anh dần có những cái gật đầu mang tính tặc lưỡi, thỏa hiệp?

– Bản năng của nghệ sỹ là luôn muốn được làm những điều mình thích. Nhưng khi có một gia đình phải lo, một tổ ấm phải không ngừng vun đắp, gầy dựng, thì anh phải có trách nhiệm với nó. Nếu nói không lo là nói dối. Đã qua rồi cái thời thích gì làm nấy và mọi sự “cân đo đong đếm” lúc này đều cần uyển chuyển hơn, để dung hòa được giữa nghệ thuật và gia đình. Mình dựa vào nghệ thuật thế nào, thì cũng phải để gia đình dựa vào mình như thế…

– Đàn bà chỉ thực sự chín khi họ có chồng. Còn đàn ông chỉ thực sự chín khi họ có con. Khi anh chín, anh muốn là một buồng chuối trĩu quả hay là một quả hồng treo lơ lửng trước mặt con?

– Làm một cái bóng cũng tốt, nhưng đừng nên là một cái bóng quá khổng lồ làm con sợ. Nếu được, tôi muốn con tôi coi bố nó như một chỗ dựa vững chắc, tự hào về bố và hiểu được những giá trị mà bố nó tạo ra, nhưng đừng bị ngộp thở và cớm nắng bởi cái bóng của bố.

– Con thì chưa biết có sợ bố không nhưng anh thì có vẻ… sợ vợ nhỉ, đến nỗi “được lệnh” giấu biệt là bèn giấu biệt?

– Đó không phải là sợ mà là nể. Nếu tôi thích nói, mà cô ấy không, thì tôi cũng sẽ thôi. Tôi luôn có phản xạ tôn trọng và nhường nhịn phụ nữ, huống hồ đó còn là người phụ nữ đặc biệt quan trọng với mình. Chúng tôi không muốn đưa nhau lên mặt báo vì cô ấy là người bình thường, và một lý do nữa là không ai có thể nói trước được chuyện tình cảm, nên tốt nhất “giấu đi cho lành”.

– Điều gì khiến anh nể cô ấy nhất?

– Tri thức. Khi người phụ nữ có tri thức, họ thường làm được những điều đúng đắn. Đương nhiên, ai cũng có “gót chân Achilles” của mình thôi nhưng quan trọng là nắm được những “gót chân” ấy của nhau và gieo vào nhau một cái tâm sáng. Ấy hẳn cũng là một khúc “hoan ca” trong đời sống!

– Chính xác cô ấy là một “fan” của anh?

– Đương nhiên cô ấy phải mê tiếng hát của tôi chứ!

– “Vác” một “fan” về nhà thì cũng hơi “phiền” đấy nhỉ? “Thần tượng” chẳng phải chỉ nên nhìn từ xa sao?

– Tình yêu là cộng hưởng của nhiều yếu tố chứ đâu chỉ có mỗi cái gạch đầu dòng. Khi cơ duyên đến từ sự giao ước của định mệnh thì sự thay đổi nó mang lại là rất lớn và đáng để chúng ta đón nhận.

– Có lúc nào một Tùng Dương bản lĩnh là thế, lại cũng sợ bị chán, bị bỏ rơi trong đời sống không?

– Có chứ! Những người thừa tự tin luôn là những người quán chiếu bản thân mình rõ nhất, cả những điểm yếu và điểm mạnh. Mình tự tin không có nghĩa mình không thừa nhận người khác. Chưa kể, trong mỗi chúng ta, khơi tận ngọn nguồn ra có khi đều cùng ẩn chứa một sự yếu đuối nào đó, từ trong mẫn cảm. Chúng ta đâu phải là rô bốt để được miễn nhiễm trước mọi tổn thương.

Sự nhạy cảm của người nghệ sỹ đôi khi cũng là một điểm yếu nặng nề. Trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật, tôi luôn sợ sự viên mãn là vậy. Cảm giác nếu chạm được vào nó, thì cũng chính là lúc nó tan biến. Vì vậy, xin hãy cho tôi bản năng để nó dẫn dắt tôi trên sân khấu, còn trong đời sống thì hãy cho tôi sự tinh tế của lý trí để không bị lạc.

– Vì thế mà anh nhất thiết phải lựa chọn một người phụ nữ mạnh mẽ?

– Tôi là người rất chịu khó nghe lời phụ nữ, vì tôi đủ tự tin để không sợ mang tiếng là bị họ dẫn dắt. Nhưng cái tôi cần nhất lại không phải là sự mạnh mẽ mà chính là sự tinh tế ở họ, thứ mà trong bản thể người đàn ông thường khuyết thiếu. Giá trị dung dưỡng từ người phụ nữ là rất lớn. Tâm sức mà họ bỏ ra cho sự ảnh hưởng ấy cũng rất lớn…

– Có lời “tán tụng” rằng: Người phụ nữ của anh hẳn phải “tốt vía” lắm, tướng “vượng phu ích tử” lắm thì sự nghiệp của anh trong mấy năm gần đây mới lên như diều gặp gió thế. Chưa kể, còn… béo lên và mặc đẹp hơn?

– Béo lên là do tôi bắt đầu biết để ý chăm sóc bản thân hơn đấy! Đến một thời điểm nào đó, tôi tự cho phép mình ăn uống “chất” hơn. Còn mặc đẹp hơn thì đúng là có sự cộng hưởng từ vợ tôi thật. Thẩm mỹ của cô ấy thật sự là một sự tiếp sức và ảnh hưởng tốt đối với tôi…

Xem thêm clip: Kỷ niệm “đau thương” về thời trang của Tùng Dương:

– Anh nghĩ mình có gì trong hành trang làm bố?

– Tôi nghĩ người ta sẽ trưởng thành và chín chắn hơn khi làm cha làm mẹ, là một cái gì đấy để con cái có thể nhìn vào. Tới lúc đó, quán chiếu bản thân mình cũng chưa là muộn. Khi làm bố, chắc chắn mình sẽ bao dung hơn, vững chãi hơn, hy sinh hơn, can đảm hơn…, như bố mình đã từng thế, với mình. May mắn cho tôi là tôi có được một ông bố thật tuyệt vời, nhân từ, hiền hậu, vui tính và hiểu biết… Tôi đã lớn lên trong từng bữa ăn với bố, vì ngay cả trong bữa ăn, ông cũng tranh thủ dạy tôi. Tôi nghĩ tôi cũng sẽ “bắt chước” bố, khi tôi được làm bố.

– Cụ thể là anh sẽ làm gì?

– Nhà thì đã có bác giúp việc rồi, nhưng nếu cần, tôi cũng có thể tự vo gạo thổi cơm. Tôi cũng biết luộc thịt nữa. Và nói chung là nấu ăn hơi bị ngon nhé! 12 năm ở với bà bác là giáo viên trường Chu Văn An cơ mà, bà đã thay bố mẹ tôi (lúc đó còn ở bên Nga) dạy cháu kỹ từng ly từng tý. Tôi cho là mình đã từng được dung dưỡng trong một bầu khí quyển tốt, đủ để ngày hôm nay tôi có sự ngăn nắp, sạch sẽ khi làm bố…

– Cảm ơn anh!

 
Thực hiện: Thư Quỳnh
Sản xuất: Hellos
Nhiếp ảnh & Stylist: Tam Mure
Trang điểm: D.Y
Trợ lý: Hồng Đức, Uyên Vũ, Bò
Trang phục & phụ kiện: I Hate Fashion

logo


From the same category