Tùng Dương: “Tham vọng để trở thành nghệ sĩ có tư tưởng”

Đó là những lời mở đầu của Tùng Dương trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Chính xác là lời mở đầu vì người hỏi chưa hỏi mà người trả lời đã nói. Cái cách Dương dẫn chuyện, khiến chúng tôi không cần phải hỏi đáp nhau nhiều, có lẽ giống một cuộc trò chuyện về Nguyên Lê, về tư duy nghệ thuật của Dương.

Nói vậy có nghĩa là đến khi đã gặp, đã đứng chung sân khấu và sắp cùng thực hiện một sản phẩm âm nhạc chung, nhìn lại, Dương thấy có một mối duyên tiền định với anh Nguyên Lê?

– Năm 16 tuổi khi mới chân ướt chân ráo vào học Nhạc viện tôi đã được nghe nói về một nghệ sĩ tên là Nguyên Lê. Thế là tìm lên phố Bảo Khánh lùng được 2 hay 3 đĩa CD thu lại album của anh Lê với giá chỉ khoảng 10 ngàn đồng. Nói thật nhé, về nghe lúc đầu chỉ thấy một thứ lùng nhùng của hòa thanh và thực sự là không thể cảm được!

Nhưng cùng với những thứ mình được học trong trường, cùng sự tích lũy của bản thân, dần dần bắt đầu hiểu nhạc của anh ấy và cuối cùng là bị mê và thần tượng anh ấy luôn.

Chả biết chính xác từ khi nào, nhưng từ khi bắt đầu đi hát đã có suy nghĩ: “Một ngày nào đó mình sẽ đứng chung sân khấu với nghệ sĩ Nguyên Lê”. Mặc dù khi đó mình ở Việt Nam, anh Lê ở Pháp. Chính xác là không có bất cứ một sự liên hệ nào. Vậy mà cuối cùng những điều tưởng như viển vông mà mình mơ ước thành hiện thực. Vậy thì có nên tin không?

Tôi cảm thấy mối quan hệ của Dương và anh Nguyên Lê có lẽ là một mối tri giao trong nghệ thuật?

– Đúng. Anh Lê như một người bạn mình đã từng được gặp trong tiền kiếp. Chúng tôi tìm thấy sự đồng điệu trong mọi thứ. Người ngoài có thể cảm thấy điều đó qua sự đồng điệu và cùng nhau thăng hoa của chúng tôi trên sân khấu hay trong phòng tập. Người nghệ sĩ, còn gì sung sướng hơn khi gặp được đúng người bạn tri giao nghệ thuật của mình.

Gần đây Dương có hay nghe nhạc của anh Lê?

– Có. Mới sáng nay vừa nghe lại album “Manghred & friends”. Tôi rất thích đĩa này. Mở rộng và khác hẳn với những CD trước của anh ấy. Nó mang nhiều màu sắc âm nhạc châu Phi và ở đây anh Lê không đưa nhiều chất liệu âm nhạc Việt Nam vào.

Tôi cũng nghĩ rằng đó mới chính là điểm đặc sắc trong âm nhạc của Nguyên Lê. Anh ấy không chỉ thành công vì đưa chất liệu cổ truyền Việt Nam và âm nhạc đương đại mà anh ấy thử nghiệm với âm nhạc dân gian của nhiều quốc gia và châu lục. Cá nhân tôi cho rằng chữ “world music” đầy đủ ý nghĩa nhất với âm nhạc của Nguyên Lê?

– Khái niệm world music bản thân nó đã rất rộng, luôn có tính mở. Và những nghệ sĩ theo đuổi phong cách này giống như những người lữ hành nghệ thuật với những chuyến đi không có hồi kết.

Đó là điều tôi cảm nhận được từ âm nhạc của anh Lê. Các tác phẩm của anh ấy giống như những chuyến đi nối tiếp nhau. Mỗi hành trình là một cuộc khám phá mới. Nhưng xuyên suốt cả sự nghiệp của anh ấy là sợi chỉ đỏ của tinh thần hướng về nguồn gốc của bản thể con người nghệ sĩ. Chính vì thế tôi thường gọi anh Lê là người đàn ông “phi thường” – “phi thường” bởi cái anh ấy đã làm được, chẳng giống ai cả và thứ âm nhạc anh ấy tạo ra, chúng “hỗn hợp” nhưng rất khoa học.

Cách đây mấy năm, khi nghệ sĩ Thom Yorke ra mắt album solo của ông ấy mang tên “The Eraser”, tôi nhớ tờ Rolling Stones khi đó đã gọi ông ấy là “Thinker” – nhà tư tưởng. Không ít nhà phê bình âm nhạc và nghệ sĩ trên thế giới cũng gọi anh Nguyên Lê như vậy.

Chính xác phải gọi anh Lê là một nghệ sĩ có tư tưởng hơn. Có nhiều người, âm nhạc của họ như một cuộc phim kể về những góc cạnh cuộc đời, những bĩ cực, những khó khăn con người phải đối mặt hay những dày vò tâm can. Nhưng anh Nguyên Lê là một sự thảnh thơi. Một sự phiêu lưu có sự hiểm nguy nhưng vẫn luôn ở tâm thế đầy kiêu hãnh, bình thản và đón nhận mọi thứ. Anh ấy là người biết rõ nguồn gốc mình và biết mình đang tới đâu. Kể cả tương lai không biết cụ thể dẫn tới đâu nhưng vẫn rất ung dung, tự tại hiểu rõ con đường mình đang đi.

Mới thực sự tiếp xúc với nhau trong một khoảng thời gian ngắn, Dương đã có những phát biểu như vậy về anh Nguyên Lê. E rằng có quá lời?


– Dương có điểm chung với anh ấy vì có thể cảm nhận qua trực giác rất nhanh khi tiếp xúc với đồng nghiệp. Lật lại tuổi thơ của mình, Dương thấy mình cũng “khác thường” đấy! Sáu hay bảy tuổi gì đó mình đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc rồi. Mà không bao giờ thích hát những thứ đúng tuổi. Cứ những bài người lớn hoặc khó hát, trúc trắc thì mình thích và tập hát bằng được. Càng lớn mình càng hiểu rằng con đường của mình là như thế. Mình sẽ đi theo con đường riêng, có khó khăn đến mấy thì mình vẫn đi vì đó là sứ mệnh rồi !

Hồi sang Pháp, tới chơi nhà anh Nguyên Lê, anh ấy có cho mình xem bức hình hồi bé. Một cậu bé gày gò, ốm yếu đang ôm cây đàn. Dương giật mình, giống mình quá. Những bức ảnh hồi nhỏ cũng gầy gò, ốm yếu và đang mở mồm ra hát.

Bạn có thể chia sẻ ít nhiều về dự án ghi âm với anh Nguyên Lê?

– Đã chung sân khấu với anh Lê vài lần, chúng tôi đã hiểu nhau và thực ra thì không nói ra nhưng cả tôi và anh ấy đều muốn làm một cái gì đó cùng nhau. Hồi đầu năm rồi Dương có sang Pháp biểu diễn và tới chơi với anh Lê. Nhân dịp này, anh Lê có làm cho mình phần nhạc bài “Chiếc khăn Piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho mà sau đó tôi hát ở Lễ trao giải Cống hiến. Tôi hát với bài phối ấy như “cá gặp nước” vậy nên rất “phê”. Vì thế tôi quyết định chính thức đặt vấn đề làm một đĩa nhạc Nguyên Lê – Tùng Dương. Anh Lê nhận lời ngay và công việc chuẩn bị đã bắt đầu từ năm nay để năm sau có thể ra mắt.

Chia sẻ về dự án này với tôi, anh Nguyên Lê tỏ ra rất vui và tin tưởng rằng sẽ thành công. Còn Dương thì sao?

– Làm việc với anh Lê lúc nào cũng đem lại cho mình cảm giác hân hoan. Sự hân hoan từ âm nhạc và từ cả con người anh ấy truyền sang mọi người. Chưa thể nói ngay là sẽ thế nào vì mọi thứ mới chỉ khởi động. Nhưng mình tin rằng đây sẽ là một đĩa nhạc thú vị và chắc chắn là phải có tư tưởng!

Với cá nhân Dương, đây là một sự thử sức mới trong nghề nghiệp. Mong muốn không phải Tùng Dương ra thế giới đâu mà mong là khi cầm trên tay cái CD Tùng Dương – Nguyên Lê giới thiệu bạn bè trên thế giới thì cũng có gì đó hãnh diện. Vì mình là người Việt Nam mình không đánh mất nguồn gốc Việt Nam nhưng vẫn có sự hòa nhập thế giới. Nó thể hiện tinh thần hướng nội cũng như nhu cầu hướng ngoại.

Vậy là chỉ mới dừng “mơ ước viển vông” ở chuyện được làm việc với nghệ sĩ Nguyên Lê. Còn bước ra thế giới hay được ghi nhận bên ngoài biên giới thị trường âm nhạc Việt Nam thì Tùng Dương lại không nghĩ tới?

– (Cười) Thế thì tôi trả lời lại câu trước nhé. Với đĩa nhạc này thì tôi chỉ mong như vậy. Còn sự nghiệp của mình, bước ra thế giới thậm chí thành danh ngoài Việt Nam là mơ ước lớn nhất của Tùng Dương đấy.

Ờ thì cũng không ai đánh thuế ước mơ cả. Thỉnh thoảng có người “kích động” một chút để ước mơ nó được hâm nóng lại cũng tốt phải không?

– Tôi chẳng giấu diếm những mơ ước chính đáng ấy. Nhưng quan trọng là luôn phải cẩn trọng, quá đà thì lại thành “ảo tưởng”… Thay vì tuyên ngôn to lớn tôi cố gắng thực thi thành hành động, còn đi xa bao nhiêu là ở sức mình cộng với “trời cho” nữa chứ!

Dương theo đuổi con đường thể nghiệm khá rõ nét. Có một nhạc sĩ từng nói với tôi thế này: nghệ thuật phải cực đoan và tin tưởng hoàn toàn ở cái tôi của mình. Dù chỉ có 1 khán giả cũng vẫn chơi đúng thứ nhạc của mình. Bạn nghĩ gì về quan niệm đó?

– Cách đây nhiều năm khi tham gia “Nhật thực” của ông Ngọc Đại. Buổi diễn tại Tp.HCM cuối cùng chỉ còn vài khán giả và chúng tôi vẫn biểu diễn tới hết chương trình. Trải nghiệm rồi nhưng tôi không lựa chọn con đường đó.

Tôi quan niệm nghệ sĩ có cực đoan nhưng không thể tới mức ngang tàng không nghe ai mà “mũ ni che tai”. Nhiều người trở nên “cùn” lắm! Cái sự “cùn” ấy nó hạn chế khủng khiếp đến cái tương lai của họ, cộng với cái tôi quá lớn, họ tụt hậu với thời thế cũng là đúng thôi!

– Tôi tin con đường của mình chứ không quá cực đoan. Vì cực đoan thì chỉ là bản năng mà bản năng quá thì không thể đi xa được. Bạn có nghĩ anh Nguyên Lê là người ngang tàng? Âm nhạc của anh ấy là câu trả lời không. Nếu ngang tàng anh ấy không thể tạo ra tính mở cho âm nhạc của mình như vậy được. Tôi học tập được điều đó ở anh Lê.

 

Nhiều người nghe nhạc một cách nghiêm túc và có tính chất thưởng thức nói với tôi rằng những album của bạn như “những ô hình khối lập phương” hay “Li ti” họ vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn. Nhưng họ vẫn mua chúng và nghe chúng vì 2 lý do: nhạc đáng nghe và sự tôn trọng với những nghệ sĩ Việt Nam trong cái mặt bằng chung của thị trường âm nhạc nhộn nhạo này vẫn cố gắng vượt ra để sáng tạo nghệ thuật.

– Cho tôi gửi lời cảm ơn tới những thính giả đáng quý đó. Đối với Dương, ca sĩ Việt Nam khổ hơn ca sĩ nước ngoài vì phải loay hoay để kiếm sống. Chưa có gì mới thì cứ “nhai” lại cái cũ để kiếm tiền. Cái gì số đông công chúng thích thì mình phải làm theo. Phải hát quá nhiều thể loại bằng phương tiện và nhiều không gian. Còn nghệ sĩ nước ngoài là chỉ có một không gian riêng của họ mà thôi. Hay nói cách khác ở họ có bản sắc riêng thì mới sống được, còn ở ta thì phải làm “tắc kè hoa”. Thôi thì cứ hy vọng cái khó nó ló cái khôn vậy!

Cứ cuốn vào cái sự loay hoay đó, chẳng còn tâm trí và cảm hứng để sáng tạo nữa. Nhưng nghệ sỹ Việt Nam nhiều khi trong chính cái sự loay hoay đó lại là cái khoảng lặng để họ nạp tiếp vào đầu để làm công việc sáng tạo.

Nhưng nếu cứ làm mãi việc mình không muốn làm thì cái cảm hứng cho việc mình thích, mình muốn liệu có dần dần nhạt đi và thậm chí biến mất.

Cứ nghĩ thế thì mới không sáng tạo được. Thời đại ngày nay thì chúng ta phải đẩy lùi sự kém cỏi của mình bằng cách học cách yêu cái mình không thích. Phải như thế mới chiến thắng bản thân mình. Rất nhiều những tác phẩm mình từng “chê”, có khi cố “nhằn” lại được thích. Đấy! Thế có phải là “loay hoay” không?

Tôi thấy quan niệm đó nhìn trên một phương diện nào đó cũng là cực đoan đấy chứ?

– Không. Đó là… mở rộng cực đoan! Có khi trong bạn luôn là cuộc đấu tranh của bản ngã ác liệt, có lúc buông hết nhưng cũng có lúc tìm được những cảm giác mới ở một sự khởi đầu mới…

Mọi thứ đều có giá trị của nó. Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông cả. Giá trị cũ đúng đẹp nhưng phù hợp khán giả của thời điểm đó. Còn giờ đây không thể hát như thế được. Phải khác. Phải phù hợp thời đại này.

Và đó là lý do Dương làm show nhạc trữ tình?

– Để tôi kể với bạn chuyện này. Có một người có gửi email cho tôi với nội dung như sau: “Tôi rất hâm mộ giọng hát Tùng Dương nhưng chỉ giọng hát thôi. Những bài hát theo kiểu quái, lập dị tôi không nghe được. Nhưng tôi nghe anh hát một vài bài trữ tình thì tôi thay đổi quan niệm về anh và rất thích anh. Tôi khuyên anh đừng hát lập dị nữa, hát trữ tình đi”. Ký tên: Fan 65 tuổi.

Có rất nhiều đối tượng khán giả. Họ vốn không thích mình nhưng tự nhiên có một kẽ hở nào đó mình làm họ thích mình được thì mình phải chinh phục họ. Làm nghệ sĩ, chinh phục được khán giả và phải bắt họ thay đổi quan điểm về mình thì là điều đáng nói hơn là ăn miếng trả miếng nhau trên báo chí mà nhiều người đang làm hiện nay.

Vượt qua chính mình rồi lại chinh phục khán giả. Hết đối tượng quan tâm của Tùng Dương chưa?

– Còn chứ. Đó là nghệ sĩ nước ngoài. Tôi muốn vươn ra thế giới nên mỗi cơ hội làm việc với nghệ sĩ nước ngoài là một lần cọ xát quý giá đối với Dương. Đạt kết quả hợp tác tốt với họ không chỉ là mong muốn mà hơn nữa là đòi hỏi khắt khe với bản thân mình.

 

 Nguyên Lê là một nhạc sĩ Pháp gốc Việt có tên tuổi ở tầm thế giới, từng được nhận Huy chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học do chính phủ Pháp trao tặng. Tùng Dương là một tài năng âm nhạc của Việt Nam. Cuộc gặp gỡ tình cờ của họ, nói như Tùng Dương là “định mệnh nghệ thuật” và “tri giao trong âm nhạc”.

TTVH & Đàn Ông thực hiện cuộc phỏng vấn song song với Nguyên Lê và Tùng Dương để nghe họ nói về nhau và về dự án âm nhạc “world music” mà hai nghệ sĩ tài năng này chuẩn bị thực hiện.

Mời các bạn đón đọc:

>> Tùng Dương: “Tham vọng để trở thành nghệ sĩ có tư tưởng”

>> Nguyên Lê: Tùng Dương là một sự khám phá

Text: Độc Cầm 



From the same category