Tùng Dương, Quốc Trung: Cơm áo không đùa với khách...show - Tạp chí Đẹp

Tùng Dương, Quốc Trung: Cơm áo không đùa với khách…show

Review

1. Cách đây 2 năm, khi Tùng Dương lần đầu tiên làm liveshow cá nhân “Tùng Dương hát tình ca”, rất nhiều người e ngại cho khả năng thành công của anh. Khi đó Tùng Dương, sau rất nhiều giải thưởng âm nhạc, vẫn chưa được coi là một cái tên đại chúng. Và thực tế là show lần đó tại Hà Nội bán được vé phần lớn vì các mối quan hệ cá nhân của Tùng Dương (về mặt này Dương làm rất tốt), và khi mang show vào chinh phục khán giả Tp.HCM, kết quả không được như mong đợi.

Tuy vậy, sau 2 năm, có nghĩa là sau hai kỳ Giải thưởng Âm nhạc Cống Hiến và một lần Bài hát yêu thích, tình hình đã thay đổi rõ ràng. Trong buổi họp báo, Dương tỏ ra vẫn chưa tự tin vào khả năng bán vé của show, nhưng trước đêm diễn vài ngày vé đã bán hết sạch.

Tùng Dương, bên cạnh bản năng âm nhạc, là một ca sĩ kiên định và thông minh. Cách đây 6 -7 năm, trong một lần phỏng vấn với Đẹp, Dương đã nhiều lần khẳng định quyết tâm đeo đuổi con đường nghệ sĩ indie (nghệ sĩ độc lập). Khi đó tôi đã rất băn khoăn, bởi tôi vốn không thích tuyên ngôn, và thời điểm đó còn quá sớm cho cả Tùng Dương lẫn dòng indie. Nhưng cuối cùng thì Dương đã thành công với lựa chọn của mình.

Xem “Tùng Dương hát Tình ca 2”, có thể thấy rõ những suy tính khôn ngoan của chàng ca sĩ Hà Nội này. Anh gọi tên show là “hát tình ca” nhưng tình yêu ở đây không chỉ là tình yêu đôi lứa như lần thứ nhất, mà còn là tình yêu tổ quốc, tình mẫu tử, và tình yêu âm nhạc… Có nghĩa là… cái gì cũng hát được. Anh lựa chọn bài hát trên phổ rộng, từ các nhạc sĩ thế hệ cũ đến tác phẩm của nghệ sĩ trẻ, từ những bài hát kinh điển đi cùng năm tháng tới những ca khúc mới chưa phổ biến. Trong một liveshow dành cho số đông, Dương cũng đưa vào đó một số tác phẩm trong album “Độc đạo” vốn được coi là không đại chúng. Ấy là con đường vòng, khi Dương chiều khán giả rồi âm thầm hướng họ tới những giá trị âm nhạc mà anh theo đuổi.

Cũng phải nói thêm rằng hiệu ứng bán vé được cộng hưởng từ cả cái tên khách mời Mỹ Linh – Trọng Tấn, một diva và một ca sĩ nhạc trữ tình cách mạng đắt show nhất Hà Nội. Hãy xem những màn song ca Tùng Dương – Trọng Tấn, khi giọng hát thông minh của Dương hòa cùng chất trữ tình của Trọng Tấn, khán giả đã phản ứng cuồng nhiệt thế nào. Khán phòng hôm ấy chật kín, cả người ngồi lẫn người đứng, ai ra về cũng hài lòng.

2. “Cầm tay mùa hè” của nhạc sĩ Quốc Trung đã qua ba lần thành công, được nhạc sĩ định danh là “Quốc Trung Signature”. Trong một lần phỏng vấn hồi tháng 5, anh có nói, “Qua ba năm thực hiện chương trình âm nhạc ‘Cầm tay mùa hè’, mọi người vẫn thường thắc mắc rằng tại sao năm nào đêm nhạc này cũng có sự xuất hiện của diva, còn năm nay lại không. Tôi muốn khẳng định với khán giả của mình là ‘Cầm tay mùa hè’ không phải là một đêm nhạc chỉ dành cho các diva. Tất nhiên, những số đầu thì tôi cũng cần thu hút cả về danh tiếng lẫn chuyên môn. Mà những tên tuổi như Thanh Lam, Hà Trần… đều hội tụ đủ hết yếu tố này”. Như vậy có nghĩa là sau ba mùa, nhạc sĩ Quốc Trung đã tự tin vào danh tiếng của “Cầm tay mùa hè” để tìm đến những nghệ sĩ trẻ vốn là những cái tên khó bán vé như Năm dòng kẻ và Nguyễn Đình Thanh Tâm, hay không thực sự hấp dẫn khán giả Hà Nội như Hương Lan. Nhưng cuối cùng hóa ra, trên cả việc “hát gì”, điều khán giả quan tâm nhất vẫn là “ai hát”.

Bài toán này cũng từng được ê-kíp những chuỗi chương trình “Không gian âm nhạc”, “In the spotlight” đặt ra, khi tin rằng danh tiếng chương trình và sự ủng hộ của báo chí có thể khiến những chương trình với ca sĩ “không ăn khách” cũng bán được vé tốt. Và câu trả lời là: Không!

Tất nhiên, bên cạnh lý do rất hiển nhiên này, vẫn còn những vấn đề phía sau. Trong bài phỏng vấn Hương Lan trên “Đẹp+…” tháng vừa rồi, bà có nói,  “Nói về Quốc Trung, thì xem ra Hương Thanh là hợp quá, còn Hương Lan thì… Tôi chưa nhận lời Trung ngay cho đến khi cậu ấy gửi cho tôi danh sách bài hát, thì tôi đã hiểu là Trung có nghe và nghiên cứu giọng hát và âm nhạc của tôi. Và tôi nhận lời với điều kiện Trung làm nhạc sớm để gửi cho tôi nghiên cứu và trao đổi thêm cho phù hợp. Hy vọng rằng, Trung đừng làm cho tôi quá trẻ trung, lúc đó tôi cũng không biết mình sẽ phải làm sao. Chẳng hạn mà Trung đưa tôi nhạc Jazz giống Hương Thanh hát là tôi chết liền, tôi không hát được. Tôi hiểu Quốc Trung muốn làm mới hình ảnh của tôi hơn như bất cứ một nhạc sĩ hòa âm nào. Cầm tay ai để làm mới mẻ hình ảnh của mình cũng tốt, nhưng cốt lõi âm nhạc là vẫn phải giữ cho Hương Lan.” Rõ ràng cả hai đều có thiện ý, nhưng có thể những thiện ý đó lại không khớp nhau trong âm nhạc.

“Cầm tay mùa hè” phải tạm dừng, nhạc sĩ Quốc Trung buồn là chắc chắn, nhưng hiện giờ anh lại đang miệt mài với một dự định mới: Festival âm nhạc quốc tế tại Hà Nội. Anh chia sẻ, “Sao mình cứ đi ngược với mọi người, khi tất cả đều chạy theo reality show thì mình bỏ nó. Thực tế thì mình muốn làm cái gì cho đời sống tinh thần của thành phố, tạo nên một hoạt động nghệ thuật thường niên như một dấu ấn của Hà Nội. Chứ cứ như hiện nay thì buồn quá.” Với dự định này, vấn đề đau đầu của anh cũng là kinh phí thực hiện. 


3. Để giải thích rốt ráo lý do bán được vé hay không của show này show kia không phải chuyện dễ. Tôi chỉ muốn kết bài bằng một hiện tượng nhận thấy trong liveshow “Tùng Dương hát tình ca 2”: Kết thúc chương trình, sau những “Ôi quê tôi”, “Chiếc khăn Piêu”, “Nơi đảo xa”… khi Dương hỏi khán giả muốn được hát tặng bài gì, thì nhiều nhất vẫn là “Đường xa tuyết trắng”, một bản nhạc phim được phát đi phát lại trên truyền hình cả năm trời.

Bài: Vũ Thủy

Ảnh: Giang Huy 


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Cả nền ca hát đi trong an toàn của những thói quen chung, thì Tùng Dương – với nhu cầu phô diễn cá tính và cái Tôi mạnh mẽ, đã nhắc người ta về giá trị của sự khác biệt. 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

11/06/2014, 09:46