Tùng Dương đã có màn tranh cãi gay gắt với Hồ Quỳnh Hương về bài hát ”Không quan tâm” do Minh Như thể hiện
Minh Như
Quan điểm thẳng thắn của Tùng Dương được số đông ủng hộ, nhưng cũng có những bình luận cho rằng anh đang bị ”lạc đề” và ngộ nhận, bởi thông điệp bài hát đưa ra là chỉ không quan tâm đến sự ghen ghét dèm pha “xấu” chứ không hề nói về không quan tâm đến những góp ý dạy bảo chân thành. Chưa kể, khi Tùng Dương lên tiếng phản ứng bài hát của nhạc sĩ Dương Khắc Linh như vậy ”chẳng khác nào tạt nước lạnh vô mặt nhạc sĩ”.
Toàn bộ nội dung đoạn status của Tùng Dương như sau:
“Trách nhiệm thuộc về người lớn !!!
Định hướng cho các ca sỹ tương lai là thế này ư? Một thái độ vô cảm trước thực tế ư? Không cần quan tâm tới ai nói gì, trách gì ư ? Một thí sinh trẻ lẽ ra phải được chuẩn bị với một tâm thế tốt cả về thẩm mỹ âm nhạc lẫn định hướng nhân cách, thái độ, lối sống cũng như trách nhiệm của những người trẻ tuổi với cuộc sống. Khoan hãy nói tới việc anh Dương Khắc Linh và ekip có dụng ý cá nhân gì trong việc giao bài hát này cho MInh Như hay không nhưng thật đáng tiếc là một sản phẩm âm nhạc như thế lại được vội vã trao cho một cô bé tuổi đời còn non nớt, kinh nghiệm cũng như sự trải nghiệm chưa có bao nhiêu. Trách nhiệm ấy thuộc về những người lớn. Những người lớn chúng ta hãy làm đúng trách nhiệm và lương tâm, đừng chạy theo những lợi ích trước mắt và phi nghệ thuật, gây những hệ luỵ không mang tính tích cực cho những ca sỹ trẻ ở cột mốc đầu tiên.
Chức năng của văn học nghệ thuật là nâng cao nhận thức, giáo dục tư tưởng và giáo dục thẩm mỹ. Việc định hướng cho các thí sinh trong bất kỳ một cuộc thi nào trên truyền hình cho dù mang tính giải trí nhiều hơn thì vẫn không thể xem nhẹ các chức năng trên. Tôi phản ứng gay gắt với thông điệp đưa ra trong bài hát là “không quan tâm”. Không quan tâm tới bất cứ điều gì thì chức năng giáo dục nằm ở đâu? Đối với các thí sinh càng nhỏ tuổi thì việc này càng quan trọng vì đó chính là việc giúp các em hình thành nhân cách. Không lẽ chờ cho đến 30 tuổi rồi mới giáo dục nhân cách cho họ trong khi các nhà giáo dục học đã khẳng định việc giáo dục nhân cách phải làm từ rất sớm. Quá 3 tuổi mới bắt đầu quá trình đó thì không còn tác dụng. Chưa nói đến thông điệp bài hát, ngôn từ của bài hát suồng sã, dễ dãi, không giúp ích gì cho các em. Trong chương trình cũng có khá nhiều bài hát mang tính xã hội hoá cao như tình cảm con người, sự cảm thông với những số phận không may mắn trong xã hội. Đó là việc làm tích cực và cần thiết. Thiết nghĩ những bài hát như bài hát này của Dương Khắc Linh không nên đưa vào cuộc thi. Và huấn luyện viên ra sức bảo vệ với lý do chỉ cần thể hiện tinh thần của bài hát và bất chấp chức năng đinh hướng giáo dục là khó chấp nhận được .
Không thể lý luận theo kiểu là chương trình giải trí nên phải chiêu trò, gây scandal nhằm thu hút khán giả. Con đường nghệ thuật vốn đầy chông gai và cần nhiều hy sinh không lẽ chỉ qua một cuộc thi là có thể giải quyết được. Đừng vội sớm đưa ra những lời tung hê quá đà để rồi phải trả giá cho những việc làm thiếu suy nghĩ vì những lợi ích trước mắt. Việc sớm tạo ra cho các em vầng hào quang giả chỉ góp phần làm cho các em ảo tưởng mà thôi. Đã có rất nhiều người không được sống thật với chính mình. Cuộc sống của chúng ta đã có quá nhiều những sai lầm như thế. Các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế, các vị hãy tỉnh táo !!!
Chúng ta đang sống trong một xã hội và với sự nhập nhèm mọi giá trị của nghệ thuật. Hãy đọc kỹ những lời tôi viết trước khi comment nhé! Tks mọi người.