“Tới giờ này, tôi đủ đầy (theo như cách tôi quan niệm), hẳn cũng vì tôi là người dám chịu thiệt, luôn dám lùi một bước khi cần, trong các mối quan hệ mà mình trân quý…” – Tùng Dương nói về cách anh chọn “sang” thay vì chọn “giàu”, “tinh” thay vì “đa”, “bạn” thay vì “bè”… Mà live show riêng sắp tới (“Áo mùa đông”, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 12) có thể coi là một minh chứng: Thêm lần nữa, người bạn lớn Nguyên Lê của anh lại trở về, vì anh, ngay cả khi sức khỏe gần như không cho phép…
Không còn “lúc nào lòng cũng như lửa đốt” nữa!
– Tưởng đâu là sau “Độc đạo”, anh đã “tha” cho Nguyên Lê được rồi chứ?
– “Tha” thế nào được! Nguyên Lê phải về, để giúp tôi chơi lại những bản chỉ – có – thể – là – anh trong “Độc đạo”. Cũng là những ca khúc mà hiếm khi tôi có cơ hội được trình diễn trên sân khấu, nếu thiếu đi sự song hành của anh. Dù sức khỏe với Nguyên Lê đang là một vấn đề và quả thực, chúng tôi đã rất khó khăn để có được nhau trong lần này.
– Vậy mà khi nghe ba chữ “Áo mùa đông”, tôi lại cứ tưởng đây sẽ là một live show dành cho số đông?
– Như đã nói, không có nhiều cơ hội cho “Độc đạo” trên sân khấu nên khách mời Nguyên Lê sẽ cho nó một lý do chính đáng hơn bất kỳ ai. Nhưng bên cạnh Nguyên Lê, “Áo mùa đông” cũng sẽ có Nguyên Thảo, và những bản tình ca, có trong album Tùng Dương “Hát tình ca” 2 tôi phát hành trước đó. Lại cũng là một khách mời không dễ mời, vì Thảo vốn dĩ là một ca sĩ có tiếng kén show, nhất là lúc này.
– Ai cũng “Nguyên” nhỉ, chả ai chịu “sứt mẻ”! Nhưng biết đâu, mùa đông đất Bắc sẽ không còn được “nguyên” vì… Nguyên Thảo?
– Thường thì khi người ta thiếu cái gì, người ta sẽ nghĩ về nó mãnh liệt hơn, tôi tin là vậy. Có “thiếu” mùa đông, Thảo mới hát ra được một mùa đông nhẹ nhõm như Thảo thấy. Nhưng lý do chính để tôi mời bằng được Nguyên Thảo, cũng chính là vì cô ấy ít lên báo, ít xuất hiện trên băng-rôn, bằng một sự kén chọn đầy tư chất của một người nghệ sĩ có cá tính. Một người hoạt động nghệ thuật thực sự có tài nhưng có phần lặng lẽ, không đao to búa lớn, không tuyên ngôn hành xử thất thường…, hiếm đấy nhé!
– Anh có vẻ ưa kết giao với mấy giọng nữ mà không còn bị… “cơm áo đùa” nữa nhỉ: nào Thanh Lam, nào Nguyên Thảo…? Anh biết họ thiếu gì sao?
– Hơn ai hết, họ mới là người biết. Những nghệ sĩ có cá tính thực sự, họ sẽ luôn biết họ thiếu gì, hơn cả những gì họ có và những gì người ngoài có thể đong đếm. Tôi thì tôi không nghĩ Thanh Lam hay Nguyên Thảo… đang “thừa mứa” một điều gì đấy, mà ngược lại, họ có thể “thiếu thốn” hơn bất kỳ ai thì mới có thể thủy chung được đến thế với nghệ thuật, ngay cả khi họ không cần phải “sống nhờ” nó nữa – theo cách hiểu thường tình.
– Người giàu thì nhiều, nhưng người sang thì hiếm; giàu thì có thể chỉ biết mình đủ, nhưng sang thì có thể còn biết mình thiếu…, anh có thấy vậy không?
– Đúng. Phải ý nhị lắm mới “sang” được, và mang được lại sự “sang” cho nhau. Không bỗ bã, không se sua, không đắp điếm. Con người ta, sang hay không, tôi cho là ở cái “vóc”. Anh có thể không giàu, anh thậm chí còn xấu xí nữa, nhưng anh nhất quyết phải cho người ta thấy được cái “vóc” ấy của anh, quyết không lẫn vào đâu được. Với tôi, cái “vóc” ấy, nó mới chính là chữ “sang”!
– Chẳng phải anh từng nghĩ mình là “những ô màu khối lập phương” sao? Lúc đó, thực ra, anh nghĩ mình đủ hay thiếu?
– Đúng là tôi đã từng nghĩ thế thật, ô, sao chị biết? Nhưng hóa ra là tôi đã nhầm. Không phải mình mà chính cuộc đời mới là rubic, mình chỉ là một mặt, hay cùng lắm là hai mặt của nó mà thôi. Sáng tối vô chừng, nơi sáng nhất biết đâu cũng chính là nơi tối nhất, hay ngược lại. Càng lúc, tôi càng không muốn biến mình thành một người “biết tuốt”, lan man, ôm đồm cũng chính là vì tôi đã biết thế nào là đủ, cũng như cái gì mình có thể thiếu (nhưng với mình, sẽ không sao).
– Facebook (của cả hai) cho thấy: anh và Thanh Lam thân nhau như “hai con chấy” ở cả ngoài đời. Anh tìm thấy điều gì ở “ánh mắt như dao cau” ấy?
– Tôi tìm thấy một tình bạn tri kỷ, chân thành qua năm tháng. Đủ để muốn gắn kết thêm lên ở nhiều nơi, nhiều lúc và quan trọng hơn hết, là giúp nhau nuôi giữ những đam mê trong nhau. Dù có thể thiếu nhau, họ (nhất là Nguyên Lê, Thanh Lam…) vẫn sống được, sống tốt, vẫn không sao cả, vẫn yêu nghệ thuật bằng một tình yêu bất biến… Nhưng một mặt, trên con đường thênh thang ấy, họ vẫn cần đến những người bạn đồng hành, những cái nắm tay để thấy nguôi ngoai bớt nỗi đường xa ngái. Tình nghệ sĩ đôi khi là khởi thủy từ nỗi cô đơn thường trực trong họ, bất luận cuộc sống thường nhật của họ thế nào, đủ đầy hay thiếu thốn, hồng hay xám…
– Bầu không khí để Dương và Lam thở, lúc này, là gì?
– Khá là dễ chịu, vì sau những tìm kiếm, bứt phá, không phải là không có lúc lúng túng loay hoay, có vẻ như chúng tôi đã chuyển được từ động sang tĩnh. Không còn lúc nào lòng cũng như lửa đốt nữa. Không còn khát vọng phá phách nữa. Điều đó đã qua. Sau thác ghềnh, đây có lẽ là lúc dòng chảy cảm xúc trong hai chúng tôi dãn ra, dềnh lên và “đựng” được nhiều hơn, hơn bao giờ. Âm nhạc của chúng tôi tới đây, vì thế, hẳn cũng sẽ tĩnh và “đựng” hơn vậy!
– Tôi lại hơi thất vọng khi nghe anh nói điều này. Đến Dương và Lam mà còn “tĩnh” thì nhạc Việt làm sao mà “động” được nhỉ?
– Tĩnh ở đây không có nghĩa là buông xuôi, là thu mình hay sống chậm lại mà là nhìn vấn đề “đựng” hơn, sáng rõ hơn. Tĩnh, không phải để dừng nghỉ mà là để biết mình cần đi với vận tốc nào, nên đi cùng ai đến đâu và đâu là nơi đáng đến…
Tôi rất hay chơi với những người lặng lẽ
– Trước, tôi có viết một cái truyện, tên là “Chơi cùng người lớn”. Cứ như là tôi “tiên đoán” được trước việc anh sẽ “chơi” với Nguyên Lê, Thanh Lam… vậy! Quyết không là người “yếu bóng vía” đấy nhỉ?
– Tôi tin là mình luôn kiểm soát được năng lượng, nội lực của mình. Đủ để biết điều mình có, cũng như muốn có. Phải “chơi” với người giỏi thì mình mới “lớn” được. Phải chơi với người hay thì mình mới hay được, và ngược lại, mình cũng phải hay mới được chơi với người hay. Mình lớn hơn nhờ họ, và biết đâu, họ cũng trẻ hơn nhờ mình. Rằng, bạn mình có thể thuộc về một “miền” nào đấy, nhưng cái “miền” đấy, mình chạm vào được. Vì thế, cũng cần phải tĩnh, phải “đựng”, mới có đủ nhạy cảm, tinh tế để nhận biết nhau, chạm vào nhau, bắt được sóng của nhau và cả không lạc mất nhau nữa.
– Thế ư? Vậy mà theo như tôi biết, từng có lúc anh bắt được sóng của cộng sự, và rồi, cũng… lạc nhau như thường đấy thôi?
– Ý chị muốn nói đến Lê Minh Sơn? Không, tôi không nghĩ tôi và Sơn lạc nhau, vì khi cần, vẫn có thể gọi nhau về. Thế, sao gọi là lạc được! Show vừa rồi của Sơn, khi tôi trở lại, Sơn về khuya đã nhắn cho tôi một cái tin mà tôi rất xúc động, xúc động thực sự: “Mười năm rồi mới lại được nghe em hát lại “Trăng khuyết”, “Chạy trốn”…, mới được ngồi lại với nhau thế này, cảm xúc lại như lần đầu ấy nhỉ?”. Hay những người thầy, người bạn lặng lẽ khác của tôi như Trần Tiến, Lưu Hà An… (không biết sao tôi rất hay chơi với những người lặng lẽ), cũng nào có gặp được nhau nhiều, thậm chí còn chẳng nói được với nhau nhiều, nhưng đôi khi, chỉ cần một dòng tin nhắn động viên nhau, là cũng đã đủ ấm lòng rồi, để không bị lạc…
– Nhưng những bài hát, thì có thể không còn được như xưa. Thật ra, anh có thấy khó xử không khi được “người cũ” gửi gắm bài mới, mà giờ đây không còn thuộc về dòng nhạc anh theo đuổi nữa? Hay phũ phàng hơn, nó cho thấy thời của họ đã qua, và thay vì song hành, họ bị rớt lại? Nên, nếu nhận giúp, thì chỉ có nghĩa là tri ân, hơn là cộng hưởng?
– Được chứ! Dù gì, tôi nghĩ là tôi sẽ vẫn hát, bằng vào những gì tôi sẽ có thể, cũng như họ đã có thể. Không phải vì nể nang mà vì đã từng gắn bó, có duyên đến thì cũng có duyên gặp lại vậy. Còn được đến đâu hay không, đôi khi nó không chỉ phụ thuộc vào bản thân bài hát đó, mà còn cả nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nữa. Vì bài hát nó cũng có số phận của nó vậy, cả những duyên may…
– Nhân thể cái tên live show của anh đi, “Áo mùa đông”: Để cầm tay nhau trong mùa đông, khi mình thấy rét, thì đã hẳn! Nhưng một khi đã đủ ấm, cũng có thể, dễ rời tay nhau lắm chứ?
– Chị biết ở đời, người ta sợ nhất cái gì không? Còn gì đáng sợ hơn chữ “bạc”! Con người ta, đâu ai hoàn hảo được; cũng đâu ai nắm tay được tới sáng, nhất là trong sự nghiệt ngã của sáng tạo. Đời sống đã bạc bẽo với con người rồi, sáng tạo (lắm khi) cũng đã bạc bẽo với nghệ sĩ rồi, lẽ nào vì thế mà con người bạc bẽo với nhau. Mỗi người, theo tôi, ít hay nhiều đều có một sự nhạy cảm nhất định, và vì thế, con người ta, tôi cho là đều đáng yêu và đáng thương như nhau.
Đôi lúc, chỉ là nghe lại một bài hát thôi, mà tôi bỗng nhớ lại một người bạn của mình (khi đó, không thể tính là một cộng sự), da diết. Ừ thì cái bắt tay ấy có thể là đã qua, nhưng hơi ấm vẫn phải còn chứ! Và biết đâu, mình “sống sót” qua được những mùa đông cuộc đời của mình cũng chính là nhờ từng chút một, chút một hơi ấm ấy. Bạn bè đâu phải là chỗ để mình đặt cược, một ăn cả ngã về không. Tới giờ này, tôi nghĩ mình đủ đầy (theo như cách tôi quan niệm), hẳn cũng vì tôi là người dám chịu thiệt, luôn dám lùi một bước khi cần, trong các mối quan hệ mà mình trân quý. Nếu không muốn nói, là có độ hào sảng…
– Đến – đi trong nghệ thuật, cầm tay – nới tay với các cộng sự, có lúc nào anh ước mình có một “trái tim nhiều ngăn”, như Trần Tiến, để đỡ… khó xử?
– Ông Trần Tiến ông ấy dọa chia ngăn, tôi đồ rằng là để khỏi… nhầm. Nhưng ngay sau đấy, chả phải có ngay một bài… nịnh vợ đấy là gì: “Tôi phải lòng vợ tôi”. Tôi thì nghĩ, đã “phải lòng” thì kiểu gì cũng có ít nhất một “ngăn” rồi, không “chia” mà được chắc!
– Anh nghĩ, trái tim anh thế nào?
– Vừa nhạy cảm vừa sắt đá. Dễ rung động nhưng không dễ thỏa hiệp. Tàn nhẫn với bản thân nhưng không tàn nhẫn với người thân…
– Thế thì nghe chừng là một “trái tim nhiều… virus”!
– Ừ thì nó phá hủy, và nó cũng kiến tạo. Thực tâm, dù là đi hay đến, tôi cũng vẫn luôn muốn những người bạn của mình ở lại với mình lâu hơn, những cái bắt tay chặt hơn… Dù trên thực tế, cũng khó mà tránh khỏi những cuộc mình lơ đãng, vô tâm, những cuộc không biết sao tự dưng cứ chuội dần, lỏng dần, nhạt đi, lúc nào không biết, và khi biết thì cũng không làm gì được nữa. Duy có điều, là những người từng giúp tôi, thì chắc chắn là tôi chưa từng, và sẽ không bao giờ quên họ…
Những chiếc áo của Tùng Dương
– Một người thường xuyên nói không với scandal, liệu có cần một chiếc áo chống đạn?
– Vẫn cần chứ! Để chống những viên đạn khác, thiếu gì!
– Một người thân nhiệt luôn phừng phừng, vậy cần không, áo giữ nhiệt?
– Áo giữ nhiệt, nó là công nghệ. Nếu không cập nhật, thì tôi cũng chỉ mãi là một cái “ao làng” mà thôi.
– Áo chống đạn hay áo giữ nhiệt cần hơn?
– Cả hai. Cả làng dùng, mình không dùng chỉ có thiệt!
– Thường ra, nghệ sĩ sợ nhất là “cớm nắng”. Cần không, áo chống nắng?
– Ai sợ chứ tôi không sợ. Ai cần chứ tôi không cần.
– “Áo mùa đông”, vì sao?
– Nhà này được cái “thân lừa ưa… cử tạ”.
– “Áo mùa thu” có phải nhẹ nhõm hơn không?
– À, không nhé, không bao giờ thích những chiếc áo tuềnh toàng!
– Thích câu thơ này không: “Sao phải chịu mùa đông lạnh nhất ở đây? Mặc nhiều áo tới nỗi xa lạ với da thịt của chính mình”? Phan Thị Vàng Anh đấy!
– Thích câu này hơn, của Chế Lan Viên, còn gì: “Chiêm hay mùa đó, em ơi/ Ngày tháng dần quen với lịch…/Ngoảnh lại mùa đông thương bạn cũ/ Bao người chưa thoát khỏi mùa đông…”. Đấy, mùa đông, nó hay ở chỗ, khiến lòng người trở nên ấm áp, và bỗng muốn đùm bọc nhau hơn…
– Sợ không, những kỳ “ngủ đông” trong sáng tạo?
– Mới thôi, năm ngoái, lần đầu tiên trong đời tôi từng nếm một cái rét cắt da cắt thịt đến thế, tại Trung Quốc. Nhưng sau đó, tôi lại thấy vui vì có thế mới biết được sức chịu đựng của mình đến đâu. Ngủ đông, biết đâu, sau đó có thể
là bứt phá…
– Vì sao thường thích mặc áo rộng?
– Thế mà cũng phải hỏi! Để “ăn gian” chứ còn gì nữa!
Text: Thu Quynh
Photo: Tuan.Fr
Stylist: Hanh Nguyen
Make up: Thong Bao