Tùng Dương: Dương hay âm? - Tạp chí Đẹp

Tùng Dương: Dương hay âm?

Sao
Trò chuyện với “ô màu khối lập phương” bao giờ cũng là hai ấn tượng trái
ngược: một kẻ “tử vì đạo” đến dại người, đến mức chân như không chạm
đất; lại cũng là một người làm nghề tỉnh táo, khôn ngoan với những tính
toán đường đi nước bước hết sức thận trọng, lý tính cùng những phát ngôn
chừng mực, già trước tuổi, nhất quyết không “dính bẫy”.

“Quái”không có nghĩa là “làm trò”!

Lại thử chơi trò “đổi vai” nhé, như trong đêm nhạc Dương – Lý: Người này hát bài của người kia. Vậy nếu… tự phỏng vấn mình, câu đầu tiên Dương hỏi sẽ là…?

Là sẽ bắt đầu từ chữ “quái” – điều mà trăm ý khen lời chê Tùng Dương đều đổ dồn vào đấy. Vậy quái kiểu Tùng Dương là gì, và nên quái thế nào cho phải? Quái, với tôi, thực ra không đơn giản là làm trò, chỉ cốt cầu về sự lạ một cách nhố nhăng, dị hợm. Cao hơn thế, cái sự quái tôi muốn sở hữu là một sự quái nằm sâu và lâu trong tư tưởng, là cái tố chất nền tảng và sẵn có ở mình. Và một khi đã quái thì phải cho ra quái, quái cho đến đỉnh điểm, quái cho ra tận cùng bản ngã của mình. Rằng tôi là ai, tôi từ đâu đến, tôi sẽ đi về đâu, tôi muốn nói điều gì. Điều rất cũ nhưng luôn luôn mới đó là: Làm nghệ thuật thì hẳn nhiên phải có khát vọng, thiếu khát vọng thì dẫu có tài cũng không thể đi đến đâu, không thể tính chuyện đường dài. Và khát vọng lớn nhất, đau đáu nhất ở một người nghệ sỹ theo tôi chính là được đi đến tận cùng bản ngã…

“Tiến lên ta quyết tiến lên – Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu – Hàng đầu ta biết… đi đâu” – Nhớ câu “ca dao bụi” này không? Để hỏi rằng: sau khi chạm được vào “tận cùng bản ngã”, thì tiếp đến, sẽ… đi đâu?

Đã dấn thân là không còn đường quay trở lại, mà chỉ có thể suốt đời rong ruổi. Song cũng không nhất thiết phải là một hành trình nhất thiết của sự cực đoan.

Hơn thua giữa người này và người kia không phải ở chỗ lúc nào cũng phải sồn sồn cái tư thế “tiến lên ta quyết tiến lên” kia, mà là khả năng cầm cương, tiết chế. Có thế, mới hy vọng giữ được sự trường sức để đi đường dài. Trong nghệ thuật, có hai điều đáng sợ nhất theo tôi là làm chưa tới hoặc làm hơi quá. Để mình rơi vào một trong hai trạng thái ấy sẽ rất bất lợi cho người nghệ sỹ. Đã có không ít gương tày liếp rồi, chỉ để nhận về sự thương hại của khán giả, và đồng nghiệp. Như thế, khác nào mình tự đưa tay bóp chết giấc mơ của mình, lý tưởng của mình…

Gương tày liếp? Tôi lại cho rằng chưa cần phải nhìn người mà chỉ cần… soi gương không thôi, biết đâu cũng đã có thể nhận thấy mình đã có lúc làm hơi quá?

Đúng, chính xác là từng có những lúc, tôi cũng đã làm hơi quá (Hơi quá nhiều hơn là làm chưa tới!). Rằng, nếu tỉnh hơn, lẽ ra tôi đã có thể tiết chế hơn, đã không gây hiểu nhầm nhiều đến thế, cho khán giả và có lúc, ngay cả với giới làm nghề. Sản phẩm nghệ thuật, nó bất quá cũng như một thứ quả thôi: thường người ta thích chín vừa, chứ mấy ai ưa chín ương, chín nẫu. Thế nên, vẫn luôn cần lắm một cái phanh trước hết ở mình, sau nữa là của một nhà sản xuất thông thái. Nhưng dẫu vậy, làm quá, theo tôi, cũng còn hơn là làm chưa tới. Hay tệ hơn, là làm giả. “Điên giả”, “quái giả” nữa thì lại càng ghê. Đó là cái điên không xuất phát từ tư tưởng, mà chỉ cốt để làm trò, mua vui, chẳng chóng thì chầy cũng bị lật tẩy.

Tự tôi thì tôi thấy con đường phía trước của tôi hiện vẫn là con đường mở, chưa đi vào cua hẹp: hẹp biên độ, hẹp khán giả… Tuy nhiên, nói thế, cũng không hẳn đi trên một con đường rộng thì sẽ dễ dàng hơn. Mỗi cung đường, mỗi vòng cua, nói cho cùng, đều có những cái khó riêng của nó. Nhưng bù lại, nghệ sỹ thì dường như phải luôn cảm thấy mình đang thiếu cái gì đó, thì mới có thể có đủ cảm hứng thúc ngựa.

Có những thất bại chỉ mình mình biết

Vậy, cái Dương tự thấy mình thiếu là gì?

Mỗi thứ thiếu một ít. Là cảm giác thế, chứ không dễ gì gọi tên ra được. Chắc phải tới một lúc nào đó, người ta mới có thể biết rõ mình thiếu cái gì. Mà cũng có thể suốt đời không trả lời được câu hỏi đó, nhất là làm nghệ thuật ở Việt Nam. Cái sự “đủ” ở đây, chua chát thay, đôi khi lại chỉ đơn thuần là cái chép miệng: Đủ ăn đủ mặc là may rồi, bởi nhẽ đầu vào thì nặng mà đầu ra thì lại quá hẹp. Nhưng cảm thấy đủ, biết đâu cũng có thể khiến cuộc sống của mình trở nên nhàm chán, và từ đó, thui chột bản năng nghệ sỹ? Tôi thực sự không muốn biết mình thiếu hay đủ. Chỉ cần biết là, con đường trước mặt vẫn đang mở…

Nhưng độ mở ấy rộng đến đâu thì Dương có biết chắc không, hay nhiều khi, chỉ là ảo giác, chỉ đủ để hít hà, lấy hơi mà đi tiếp?

Làm người, ai chẳng muốn kéo dài tuổi trẻ của mình, nhất lại là tuổi trẻ của nghề. Rộng hay hẹp, nó còn tùy thuộc vào từng điểm ngắm, từng “sự vụ” cụ thể. Chẳng hạn, ở chương trình này, đích ngắm chính của mình là số đông, là đáp ứng “đơn đặt hàng” của số đông để nghiêng về mục đích mưu sinh thì cái “rộng” ở đây nó khác với cái “rộng”
của việc muốn đi đến tận cùng bản ngã. Chỉ mong sao giữa hai sự “rộng” đó, đừng để mình bị biến thành một con tắc kè hoa rồi đánh mất mình lúc nào không biết. Thế nên, phương án tối ưu và đồng thời cũng là công thức an toàn nhất cho việc làm nghệ thuật ở ta theo tôi vẫn nên là: kết hợp giữa bản năng và lý trí. Bản năng giúp người nghệ sỹ vẽ ra giấc mơ của họ, nhưng lý trí sẽ giúp họ toan, bút màu và chiếc khung tranh…

Và cả cái giá treo tranh nữa chứ, cùng đèn chiếu! Với Tùng Dương, “hệ giá đỡ” ấy phải chăng chính là những duyên may giải thưởng, hết từ hội đồng nghệ thuật Sao Mai Điểm Hẹn đến những nhà báo được mời bỏ phiếu cho giải Cống Hiến, khiến cả những khán giả “dị ứng” Tùng Dương nhất cũng có lúc phải “nghĩ lại”?

Có yếu tố may mắn ở đây, đúng! Làm nghệ thuật thì phải được giới chuyên môn và khán giả cổ vũ, ghi nhận và đó hẳn nhiên là một động lực cần thiết. Nhưng nếu bảo đó là nguồn thức ăn chính nuôi sống giấc mơ của tôi thì không hẳn. Bởi thành công trong nghề này chưa hẳn đã là giải này giải nọ và thất bại trong nghề này lắm khi chỉ là mình mình biết. Chẳng hạn như những lúc mới hát câu mở đầu, khán giả ngay lập tức vỗ tay, nhưng tự mình không thấy lạnh gáy, không thấy sởn da gà, thì với tôi, đã là một thất bại. Và cảm giác ấy rất khó chịu, mà không kêu với ai được!

Tôi tưởng cái khó chịu nhất trong nghề này là sự đố kỵ chứ?

Còn hơn cả sự đố kỵ trong nghề, là sự bằng lòng vội vã với chính mình, tôi cho là thế! Phấn đấu để được thừa nhận đã là một nhẽ, nhưng học để xua tan đi sự ngu dốt trong mình mới là quan trọng và chí cốt! Dù rằng có thể nhiều năm sau nhìn lại, mình sẽ thấy cái sự “biết” ấy, khám phá ấy thực ra không mới, không là gì cả, thậm chí còn là ngô nghê. Các cụ bảo rồi: càng học càng dốt, và cái sự “biết” trong nghệ thuật khổ nỗi lắm khi lại quay ra “hại” mình. Tôi và Hà Trần cũng đã có lần hoang mang thừa nhận với nhau: Làm nghề này không biết đã là một hạn chế, vì như thế sẽ rất dễ bị đóng khung trong một dòng nhạc, một nhạc sĩ, nhưng biết quá nhiều cũng lại là một hạn chế. Bởi biết nhiều quá sẽ rất dễ khiến cái gì cũng muốn lao vào, rồi ra không đâu vào đâu cả. Rốt cuộc có khi còn tệ hơn một cái thùng rỗng. Những người nhạy cảm, họ luôn có rất nhiều nỗi sợ. Trong đó, đáng sợ nhất là… không biết sợ. Nhưng tuổi trẻ và nghệ thuật thì không thể thiếu động lực khám phá, không thể nói “sợ”, không thể không “ngông” theo nghĩa đấy. Thế nên, mới luôn phải không ngừng “cống hiến” mình cho mình: hoài bão, lý trí, bản năng, những giọt mồ hôi và cả sự cô độc, thậm chí là sự miệt thị…

Giọt mồ hôi nào là đáng kể nhất ở đây, rằng nếu như không phải rơi trên má Tùng Dương thì dễ gì đã thành… giọt?

Tôi nhớ, hồi còn bé, tôi đã có sở thích đứng trước gương đóng giả làm ca sĩ. Sau này khi tập cùng các đàn chị Thanh Lam, Hà Trần, Mỹ Linh, tôi cũng rất hay trổ tài lẻ ấy ra để “giễu nhại” các chị cho vui. Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng sáng tạo có khi đơn giản là bắt nguồn từ nhu cầu bắt chước. Bởi nếu như anh có khả năng bắt chước giỏi, anh sẽ ngay lập tức “bắt” được rất nhanh bản ngã của mình, vì cùng lúc anh có thể làm giống người ta, lại vừa có thể đứng tách ra, nhìn mình bằng con mắt giễu cợt để làm một người khác. Trong nghề này, ở ta, không phải ai cũng có khả năng ấy đâu: khả năng tự giễu mình, nó là của hiếm đấy!

Thanh Lam từng nói “vỗ mặt”: Chơi với Tùng Dương chẳng qua là vì giọng hát. Dương nghĩ tận cùng của câu nói đó là một lời khen hay chê?

Là một câu nói đùa, nhưng không phải không nghiêm túc. Câu đó nguyên văn là: Chị chỉ thích em hát thôi, và vì thế chị mới “phải” chơi với em. Tôi coi đó là một lời nhắc khéo từ đàn chị: Mỗi giọng hát không thôi thì chưa đủ đâu, đừng bao giờ coi giọng hát là tất cả!

Thanh Lam “yêu” Tùng Dương thì chả ai kêu, nhưng nếu là Đàm Vĩnh Hưng, thì ngay lập tức bị chỉ trích là “vũng lầy”! Trong khi đàn em Tùng Dương xem ra “con ma” hơn nhiều: biết tiến biết lùi, biết lúc nào thì nên là Lê Minh Sơn hay Đỗ Bảo, rồi Nguyễn Công Phương Nam…

Chuyện này, tôi nghĩ hơn ai hết Thanh Lam luôn hiểu rõ việc chị ấy làm và xin đừng nói Thanh Lam bản năng vì tôi thấy làm gì chị ấy cũng nghĩ rất kỹ. Hãy coi đó đơn giản là một trong những thể nghiệm của Thanh Lam, còn thì thành công hay thất bại, một bản lĩnh làm nghề lâu năm như chị ấy sẽ đủ sức đương đầu, không cần phải “lo” cho Thanh Lam nhiều đến thế! Còn với tôi, ranh giới giữa an toàn và mạo hiểm đơn giản là chỉ nên thử nghiệm những cái thuộc về mình. Những cái không thuộc về mình thì sẽ mãi mãi không thuộc về mình.

Cứ mặc đồ hiệu là lập tức bị cho lên mục “Sao xấu”

“Những cái không thuộc về mình thì sẽ mãi mãi không thuộc về mình” – câu này mà đúng trong nhiều chuyện thì có đáng buồn không nhỉ?

Tin không, có lúc nó lại là… đáng buồn cười cơ! Chẳng hạn như chuyện Tùng Dương “bon chen” mặc hàng hiệu. Đó là một món hàng hiệu mà mình nghiến răng mấy lần mới liều rút ví ra được. Vậy mà vừa mặc tươi hôm nay, mai lên mạng mở báo ra đã thấy ngay cái mặt mình nằm chình ình trên mục… “Sao xấu”.

Đúng là để hiểu được Tùng Dương trong… khoản mặc thì kể cũng khó lắm thay!

Vậy chi bằng cứ tạm hiểu thế này cho dễ đi: nhược điểm muốn thành ưu điểm thì chỉ còn nước… phá cách. Dù rằng sự phá cách ấy đôi khi làm những người yếu bóng vía thấy sợ: sợ một thứ không quen mắt, sợ một… “thằng liều”… Mình ngứa nghề thì cũng như người ta… ngứa mắt vậy thôi! Nhưng nhất quyết cái sự “vẻ như không chỉnh tề” ấy không hề là một sự lôi thôi cẩu thả như cái cách một anh đánh may ô xỏ dép tổ ong ra đường đâu nhé!

Lời chê nào trước nay khiến Dương thấy đáng nghe, và lời khen nào theo Dương là đáng mất ngủ hơn cả?

Có một người không chơi thân nhưng lại rất hiểu tôi là nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, khi có lần, lâu rồi, anh từng “bốc bệnh” giúp tôi rằng: Tùng Dương đôi khi làm hơi quá, cường điệu không nhất thiết, trừ khi là gặp được đúng tác phẩm khiến Dương “bốc hơi” được. Còn khen, thì tôi thấy cảm động nhất là câu thơ của Vi Thùy Linh: “Tùng Dương hát, nhà hát thành nơi hò hẹn – Người đàn ông đi qua người đàn bà khẽ khàng sắp đặt thế giới…”. Cảm động vì thấy nó lãng mạn!

Bi kịch của tôi là không dám đối diện với bi kịch của mình

Khán giả – theo Vi Thùy Linh – thì nhờ anh mà trẻ ra, nhưng tự anh, anh có thấy mình già trước tuổi, nhiều khi không nhất thiết?

Tôi chỉ già trước tuổi trong âm nhạc thôi, nhưng trong đời sống thì ngô nghê lắm! Đầu óc nhiều khi như trên mây, chân cứ như không chạm đất, tới nỗi rất dễ gây hiểu nhầm cho ngay chính cả người thân và khiến bạn bè nhiều lúc cụt hứng. Những lúc ấy, chỉ cầu chóng chóng xuống được đến mặt đất mới mong được họ tha thứ. Đôi khi tôi thấy mình khổ vì hầu như chẳng lúc nào được nhàn tâm, ngay cả những lúc tưởng chừng như chỉ cần ngồi chơi cho vui là đủ.

Câu hỏi thường có là gì?

Mình là ai? Mình từ đâu tới? Mình còn muốn thế nữa hay không?… Nhiều lắm! Nói chung là toàn liên quan đến “bản ngã”, không hiểu nữa…

Chắc là sau vụ sang Đức làm “Li ti” thì mắc bệnh nghiện… triết học đấy mà! Nhưng chỉ là trong nghệ thuật thôi chứ hả?

Ừ, trong nghệ thuật thôi! Nhưng nghệ thuật nó chi phối rất nhiều đến đời sống của mình…

Chứ chưa bao giờ là ngược lại sao?

Sao nhỉ? Có khi mình sẽ chọn một cuộc sống hư hư ảo ảo, dại dại khôn khôn như thế này đến cuối đời, còn hơn là phải trở về với thế giới thật trần trụi và để mất hết cảm xúc của mình…

Đó là bi kịch sao?

Bi kịch của tôi (nếu có) là không bao giờ dám nhìn vào bi kịch của mình, bởi một cái tôi và lòng kiêu hãnh quá lớn, dù mình luôn cố thoát ra khỏi nó…

“Hò hẹn” được với chính mình (dù có khi không dám nhìn thẳng) cũng là một hạnh phúc đấy, đừng lo!

Bài: Thư Quỳnh

Thực hiện: depweb

06/06/2011, 15:52