Tùng Dương: Bán nhà làm show là chuyện không tưởng

Làm live show để tri ân khán giả ruột

– Vì sao bạn lại tổ chức live show vào một năm nhiều khó khăn về kinh tế như năm nay?

– Càng khó khăn (về vật chất) thì ta càng phải lấy tinh thần để khỏa lấp, đến lúc đầy đủ có khi khán giả lại có thêm những ý thích khác ngoài âm nhạc để giải trí thì sao? (cười) Nói vui vậy thôi chứ với 10 năm làm nghề, tôi đã có được đối tượng khán giả ổn định và luôn ủng hộ hết mình. Đó là động lực cũng là niềm hạnh phúc của một người nghệ sỹ. Tôi hạnh phúc và sung sướng nhất là khi được thăng hoa cùng nghệ thuật trong chính không gian của riêng mình.

– Live show có ý nghĩa như thế nào với sự nghiệp của một ca sĩ như bạn? Đó có phải là những lần tổng kết từng chặng sự nghiệp hay chỉ là để khán giả khỏi quên bạn và cũng là một cách để kiếm tiền?

– Ý nghĩa lớn nhất là được tri ân với khán giả ruột của mình. Còn mỗi live show lại mang một tính chất khác nhau nhưng chắc chắn mỗi lần tổ chức phải trình làng những điều mới mẻ, sáng tạo mà mình ấp ủ và muốn được cống hiến. Quan trọng là qua mỗi live show lại nhận được thêm nhiều sự yêu mến, đồng cảm của khán giả. Đầu tư cho một live show ở từng thời điểm khác nhau cũng thật sự cần phải cân đo đong đếm về tài chính… Việc thực hiện live show ngày nay không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp của cả một ekip mà còn mang những giá trị đóng góp cho nền âm nhạc chung. Do vậy người nghệ sỹ có tâm chính là người không được phép làm ẩu dù là chương trình có tính chất sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân cho nghệ thuật (đương đại).

– Nhưng nhiều người bảo làm live show bây giờ chỉ từ lỗ đến lỗ nặng, bạn nghĩ sao về đánh giá đó?

– Nếu khéo léo biết chi tiêu hợp lý, tôi nghĩ cũng rất có thể sẽ “thắng”. Có thực mới vực được đạo, bán nhà đi để làm live show là chuyện không tưởng. Người nghệ sỹ không thể kham nổi nhiều việc một lúc bởi vậy cần có ekip thực hiện để hoạch định và làm đúng phần việc của mình. Live show thành công là một sự tổng hòa mọi mặt và là công lao của cả một ekip. Ngoài ra cũng không thể không kể tới yếu tố may mắn thiên thời, địa lợi, nhân hòa như địa điểm, thời gian, PR… Theo tôi, để làm được một live show cá nhân nghệ sỹ phải luôn có một niềm tin và ý chí quyết tâm thực hiện thì sẽ có thành quả. Còn nếu cứ ngại, cứ lười kiểu “há miệng chờ sung” thì khó lắm! Sung có rơi cũng chẳng đúng chỗ mình ngồi đâu, vì vậy phải lao động thôi!

Sẵn sàng “tay bo” nếu không được tài trợ

– Trong khi các live show khác ngày càng hoa hòe hoa sói thì live show của bạn khá đơn giản, chỉ có giọng hát là “chiêu trò” duy nhất. Bạn tự tin vào khả năng của mình, bạn từ chối mọi chiêu trò hay bạn không nghĩ ra được chiêu trò gì hấp dẫn?

– Cũng không hẳn vậy, vấn đề nằm ở chỗ hát cái gì, hát thế nào, ý tưởng ra sao vì khán giả ngày nay rất tinh tường và theo cảm nhận của tôi, khán giả đã bắt đầu cảm thấy “nản” với những chương trình tạp kỹ, các nghệ sỹ lần lượt xếp hàng ra hát mà không có ý tưởng gì. Cái họ cần và mong chờ là một sự kết cấu bài bản có cao trào, điểm nhấn, nội dung rõ ràng… không dễ gì “qua mặt” được khán giả nếu không có đủ những yếu tố đó.

Tôi tự tin vì những chương trình mình thực hiện đều có kết cấu nội dung, đề tài liên quan và âm nhạc có tính mở để khán giả có thể đi được đến nhiều ngóc ngách, phiêu linh cùng mọi trạng thái cảm xúc. Ca sỹ dòng nào cũng có đối tượng khán giả của dòng đó. Tôi luôn biết và lắng nghe ý kiến đóng góp từ những khán giả ruột của mình sau mỗi live show. Họ đến với không gian âm nhạc của tôi để được thưởng thức, lắng nghe và chia sẻ bằng âm nhạc chứ không phải chờ đợi những chiêu trò. Và có hẳn một bộ phận khán giả khó và kỹ tính đến mức họ chỉ mong chờ những sự táo bạo, khác biệt và thật sự biến báo bằng âm nhạc, cách xử lý tác phẩm. Nếu live show đạt được những điều như vậy thì họ mới thấy “đáng đồng tiền bát gạo”, thấy thỏa mãn.

 

– Áp lực về tiền bạc có đè nặng mỗi khi bạn quyết định làm live show? Nếu có, bạn làm gì để giải tỏa?

– Chẳng ai sống bằng “nước lã + khí trời” cả, bởi vậy trước một live show cần tỉnh táo để hoạch định một cách khoa học và hiệu quả nhất. Nếu người nghệ sỹ giỏi kinh doanh, tính toán thì không hẳn là nghệ sỹ nữa, bởi vậy cứ để người thân hay quản lý đứng ra giúp họ những việc ngoài âm nhạc. Có áp lực để quyết tâm tiến lên, thậm chí không kêu gọi được tài trợ thì phải “tay bo”. Tình hình xấu nhất là thất bại nhưng người nghệ sỹ sẽ lớn lên từ những thất bại đó.

– Tìm kiếm nhà tài trợ là một trong những phương cách phổ biến mà nhiều nghệ sỹ đã làm khi thực hiện live show, nhưng áp lực về thương hiệu cũng khiến nhiều show diễn mất đi bản sắc. Với riêng bạn thì sao? Bạn thỏa hiệp chuyện này như thế nào?

– Tôi may mắn tìm được những người bạn đồng điệu về tư duy, thẩm mỹ nên họ ủng hộ và giúp đỡ rất nhiệt tình bởi vậy tôi không quá lo ngại về những sự thỏa hiệp với nhà tài trợ. Như đã nói ở trên, không phải thời điểm nào cũng tìm được nhà tài trợ trong thời buổi khó khăn thế này. Chiến đấu là cách tốt nhất để biết mình đi được tới đâu, xa hay gần. Cá nhân tôi là người rất quyết liệt bảo vệ quan điểm nghệ thuật của mình nên tôi nghĩ để ai đó can thiệp vào nội dung chương trình thì khó lắm đấy. Có chăng là những ý kiến thiết thực để góp thêm những gia vị cho đêm diễn.

– Khán giả giờ nói nhiều về chuyện đi “xem” ca nhạc hơn là đi “nghe”? Bạn tự tin khán giả chỉ tìm đến bạn để “nghe” thay vì “xem”?

– Ồ, tôi đã bao giờ là “hot boy” đâu nhỉ? (cười). Tôi đã từng nói mình đẹp vì có tâm hồn để hát và tất nhiên, để tìm lấy sự đồng điệu trong tâm hồn bằng âm nhạc thì khán giả sẽ tìm đến với tiêu chí đó, bằng chứng cụ thể là mỗi lần tôi hát tại những không gian nhỏ hơn nhà hát thì khán giả vẫn rất đông. Ở đâu, tôi tin cũng sẽ tìm được người đồng cảm với mình chứ! Những đối tượng thích “nhìn ngắm” thì họ đã đi “thưởng thức chân dài” rồi! (cười). Bởi vậy, cần tách bạch và phân loại rõ tính chất dòng nhạc. Cứ làm những điều mà bạn cảm thấy phù hợp cho dự án đó thì chắc chắn sẽ hiệu quả. Và cũng có những trường hợp nếu bạn làm ngược lại tính chất của nó thì có khi live show sẽ phải đón nhận những hiệu quả ngược chiều. Cá nhân tôi nghĩ những concept show hay Unplugged Show như Những chuyến đi năm ngoái hay Tình ca tháng 9 vừa qua chỉ thuần túy là âm nhạc và vẫn mang lại hiệu quả nghệ thuật.

Đã bớt cực đoan hơn

– Nhiều người nói làm live show bây giờ khó sướng hơn vì mọi chuyện khó khăn hơn trước nhiều. Bạn nghĩ sao điều này?

– Cũng không sai nhưng hơi phiến diện! Cái sướng ở đây thì không thấy ngay đâu, thành quả sau cùng sẽ nói lên tất cả. Thật ra nếu làm mật độ quá dày mà không mang lại những điều mới mẻ, hấp dẫn thì cũng nhàm. Người nghệ sỹ cần cân bằng để biết thời điểm nào là hợp lý cho việc làm show.

– Trong khi đó Tùng Dương vẫn làm show khá đều. Bạn lấy đâu ra tiền và sức lực để làm nhiều vậy?

– Chắc chắn là tôi không có đại gia rồi (cười). Tôi nhớ đêm thứ hai của live show Tình ca, tôi đã hát đến 30 bài, có nhiều bài nằm ngoài kịch bản là do yêu cầu của khán giả. Cũng chính vì những tình cảm của khán giả nên tôi càng hát càng “hăng”, càng hát lại càng gợi mở không gian… như cuộc hành trình không có hồi kết.

– Nếu khán giả yêu cầu bạn hát những ca khúc “không liên quan” trong live show thì bạn sẽ xử trí thế nào?

– Tôi lại thấy đó là sự thú vị, thử thách nho nhỏ đáng yêu dành cho mình. Năm ngoái khi đi lưu diễn tại Mỹ, tôi “bị” khán giả yêu cầu bài Thành phố buồn và tôi dũng cảm hát dù biết đó không phải chất của mình. Hát xong khán giả vỗ tay quá trời! Cứ như vậy tôi tạo được thói quen đáp ứng được (phần nào) những yêu cầu tưởng như rất khó của khán giả. Tôi giờ bớt cực đoan hơn xưa nhiều lắm, đó là một sự thay đổi, biết cân bằng hơn nhưng vẫn luôn giữ được cá tính của mình. Có những sự ngạc nhiên thích thú cho ngay bản thân mình khi tự khơi ra điều gì tiềm ẩn trong con người mình sau mỗi live show mình thực hiện. Đó là điều mà mình luôn “được thêm” chứ không bao giờ thiệt đâu!

Thực hiện: Nguyễn Hà
Theo Sành điệu

From the same category