Túi xách y tế – hành trang du xuân không thể thiếu

Bạn đồng hành du xuân

Theo phong tục ngàn xưa, cứ mỗi độ xuân về, nhà nhà lại náo nức chuẩn bị “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ…” để đón người thân trở về sum họp sau một năm tất bật ngược xuôi. Trải qua nhiều năm, truyền thống này vẫn được lưu giữ như một nét văn hóa riêng của người dân nước Việt… Tuy vậy ngày nay, tết đến, nhiều người không còn quẩn quanh ở nhà như trước mà cùng gia đình, bè bạn đón xuân trên các chuyến xe đến những miền xa. Chuyến du xuân ấm áp luôn là khởi đầu một năm mới ngập tràn niềm vui và thuận lợi. Để chuyến du xuân được trọn vẹn có lẽ không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của một người bạn đồng hành: túi y tế du lịch.

Túi xách y tế nhỏ gọn nhưng chắc chắn thường được thiết kế dựa trên phương tiện đi lại, thời gian và nơi đến của cuộc hành trình. Thông thường “nhà thuốc di động” này bao gồm:

 

Thuốc uống – thành phần không thể thiếu

Nếu đang trong quá trình chữa bệnh, hãy mang thuốc theo với số lượng phù hợp để việc điều trị không bị gián đoạn trong suốt chuyến đi. Đừng quên lưu lại đơn thuốc để dùng trong trường hợp cần thiết.

– Thuốc chống say tàu xe: Nautamine hay Stugeron là những thuốc được khuyên nên mang theo trong trường hợp trong đoàn có người bị say sóng. Cần lưu ý uống thuốc trước khi khởi hành 30 phút và có thể nhắc lại mỗi 4 – 6 giờ trong lúc di chuyển.

– Thuốc giảm đau – hạ sốt: Bivinadol hay Parofen là những loại thuốc hữu hiệu giúp giảm sốt hay làm dịu cơn nhức đầu, đau khớp và những đau đớn do chấn thương gây ra.

– Thuốc kháng dị ứng: Nếu da bé quá mẫn cảm, cơ thể sẽ bị ngứa ngáy hay nổi mẩn đỏ khi ăn phải thức ăn lạ hoặc bị côn trùng đốt. Thuốc kháng dị ứng có thể làm dịu cơn ngứa nhanh chóng. Thuốc còn có tác dụng giảm hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi. Để không bị buồn ngủ ảnh hưởng đến chuyến đi, bạn nên chọn những thuốc như Telfast, Sedtyl, Xyzal…

– Thuốc trị tiêu chảy: Tiêu chảy là một trong những tình huống thường gặp ở trẻ con (và cả người lớn) khi đi du lịch. Nguyên nhân thường do ăn phải thức ăn lạ hay được chế biến không hợp vệ sinh. Để không mất nhiều sức lực vì phải “đua cùng Tào Tháo”, cần mang theo thuốc trị tiêu chảy như Smail, Imodium, Hidrasec…

– Thuốc trị táo bón: Thay đổi thói quen sinh hoạt, uống ít nước và ăn ít rau xanh là nguyên nhân chính gây táo bón cho bé khi đi du lịch. Để luôn thoải mái nhẹ nhàng khi đi chơi, có lẽ Duphalac hay Uphatin là những thuốc ba mẹ nên mang theo.

– Thuốc trị đầy bụng, khó tiêu, đau bao tử: Ăn uống thất thường hay quá độ có thể làm đầy bụng, khó tiêu hoặc khởi phát cơn đau dạ dày. Motilium M, Mallox, Gaviscon, Air X là những thuốc xua tan cảm giác khó chịu này.

– Than hoạt tính: Được sử dụng trong các trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm nhằm ngăn chặn sự hấp thu của độc chất.

– Viên bù nước điện giải: Khi nôn ói hay tiêu chảy nhiều, có thể sẽ bị mất đi một lượng lớn chất điện giải cần thiết. VÌ vậy cần sử dụng viên Hydryte hoặc gói Oresol để bù lại lượng dịch và chất điện giải thiếu hụt này.

– Vitamin và khoáng chất: Nếu chuyến đi dài ngày và đòi hỏi phải có một sức khỏe bền bỉ như “phượt”, leo núi thì mỗi ngày dùng một viên Vitatrum multi, Evervon C, Plusssz có thể giúp đầu óc luôn minh mẫn và duy trì sức khỏe trong suốt chuyến đi.

 

Dung dịch sát khuẩn và những thuốc dùng ngoài da

– Kem chống nắng, kem chống muỗi và côn trùng rất hữu ích khi đi biển hay du lịch sinh thái.

– Nước muối sinh lý (NaCl 0,9%, Efticol) dạng chai nhỏ 10ml được dùng để rửa sạch mắt khi có vật lạ rơi vào hay loại bỏ bùn đất chung quanh vết thương trong trường hợp không có vòi nước sạch để xối rửa.

– Mặc dù không thể diệt khuẩn hoàn toàn nhưng gel rửa tay khô như Green Cross, Purel có thể giúp tay bạn sạch sẽ hơn khi ăn uống hay sau khi tiếp xúc với vết thương mà không cần phải rửa tay.

– Dung dịch sát trùng: Khi bị thương có thể dùng Betadine để sát khuẩn. Nên tránh dùng Oxy già hay cồn để sát trùng vì có thể gây đau rát hoặc làm tình trạng tổn thương mô trầm trọng hơn.

– Thuốc giảm đau tại chỗ dạng xịt hay kem thoa như Deep heat, Salonpas, Fastturn có thể giảm đau tạm thời trong các trường hợp bé bị bong gân, trật khớp do vận động mạnh.

Theo Mẹ yêu bé


From the same category