Tuần trăng mật của vợ chồng trâu - Tạp chí Đẹp

Tuần trăng mật của vợ chồng trâu

Sống

Bạn bè gọi cặp Hồ Đức Sửu – Hoàng Thiên Lý là vợ chồng trâu. Vì cả hai đều sinh năm 1985 (Ất Sửu), yêu nhau từ thuở chăn trâu, cả hai cùng “cưỡi trâu” vào trường đại học và sau khi tốt nghiệp, có việc làm ổn định họ vừa mới thành hôn.

Hồ Đức Sửu kể về tình yêu của họ:
– Quê tôi ở Nghệ An, nghèo lắm. Vài chục năm trước còn có câu hát vui về quê tôi: “Ta nghe trong nớ ăn cơm là chuyện lạ”. Đất làng tôi cằn cỗi, toàn một thứ cát khô, mùa hạ đi bỏng cả bàn chân nên không cấy lúa được mà chỉ trồng khoai thôi. Dây khoai lang nhọc nhằn bò trên cát nóng, củ khoai cũng chỉ bé bằng quả cau, khô khốc, người ta phải ăn khoai luộc với nước chè xanh mới nuốt trôi được.

Có lẽ vì nghèo mà người làng tôi ham học. Ai muốn đổi đời thì phải học. Làng tôi đời nào cũng có tiến sĩ. Tộc trưởng của chúng tôi – cụ Hồ Tông Thốc nhà có ba tiến sĩ. Trong từ đường giờ còn treo đôi câu đối nổi tiếng: “Sớm khoai, trưa khoai, tối khoai. Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ”. Trẻ con làng tôi hầu như đứa nào cũng phải cưỡi trâu vào trường đại học. Khi vào lớp 10, bố mẹ mua cho một con nghé cỡ 1 tuổi, giá vài triệu đồng. Đó là vốn liếng cho con học hành.

Ba năm học cấp III, anh phải chăm con nghé đó, cho nó ăn thật no, ngày nào cũng phải tắm mát cho nó. Ba năm sau, con nghé thành con trâu lực lưỡng, cày khỏe, kéo xe khỏe, bán được hơn 10 triệu đồng, cũng là lúc anh phải lều chõng ra Hà Nội ôn và thi đại học. Ở nông thôn, trâu bò thường bị gầy vào dịp Tết ta.

Quê tôi ăn Tết những 7 ngày cơ. Chiều 30 trồng cây nêu, mùng 7 Tết mới hạ nêu xuống. 7 ngày đó không ai đi chăn trâu, vả lại có dắt trâu ra đồng thì cũng không có cỏ ăn, vì mùa hanh giá cỏ không mọc được. Vì thế, làng tôi phải lo cỏ tết cho trâu trước khi lo bánh Tết cho người. Hạ tuần tháng chạp, cứ tối đến là tù và nổi lên, nhắc mọi người chuẩn bị cỏ Tết cho trâu.

7 ngày Tết phải cần ít nhất 7 gánh cỏ trâu mà cắt được một gánh cỏ non vào tháng chạp nhọc nhằn lắm, phải vào tận thung sâu, cách làng 12 cây số mới có cỏ để cắt. 3 giờ sáng, tù và lại nổi lên đánh thức mọi người dậy chuẩn bị đi cắt cỏ trâu. Việc đầu tiên là mỗi người phải luộc một nồi khoai lang, ăn vài củ cho ấm bụng, số còn lại bỏ vào cái túi vải mang theo để ăn trưa.

Tôi không phải luộc khoai, vì hôm nào Lý cũng luộc cả phần khoai cho tôi. Vì cỏ ít nên khi vào trong thung phải phân tán ra, mỗi người cắt một khu vực rất xa nhau nên không thấy mặt nhau. Để đỡ buồn và để xua bớt nhọc nhằn, người làng tôi trong khi cắt cỏ thường hát đối ví dặm. Hát ví ở quê tôi hay mà khó.

Nó khó ở chỗ phải đối cho nhanh và hay. Lý là người hát hay và đối giỏi. Anh thấy câu hát này có khó đối không: “Cô Xuân, đi chợ Hạ, mua cá Thu, cô về chợ hãy còn Đông, hỏi chàng đối được hay không, nếu chàng đối được thì làm chồng của em”. Đó là câu mở của Lý.

– Vậy anh đối được không?

– May mà tôi đối được. “Anh Nam, buôn thuốc Bắc, với thuốc Tây, ra đi từ buổi hừng Đông, khi về ráng đỏ mặt sông, hỡi nàng anh đã đối xong, lời hẹn hò ấy, em mần răng thì mần”. Hát đối quan họ liền anh liền chị không được lấy nhau, nhưng hát ví quê tôi thì có thể lấy nhau. Tình yêu của tôi và Lý bắt đầu như vậy.

Tôi vốn nổi tiếng là người cắt cỏ giỏi nhất làng. Thật ra thì tôi không giỏi giang gì cả, chỉ liều mạng thôi. Ở bên kia thung, cách một ngọn núi có một khu nghĩa địa chôn những người bị bệnh hủi. Vì không ai dám bén mảng vào đây nên nghĩa địa này ngờm ngợp cỏ non. Nhưng tôi thì liều, hôm nào cũng cắt cỏ ở đấy.

Lần đầu tiên thì sợ, rất sợ nhưng sau quen dần. Vì nghĩa địa nhiều cỏ nên hôm nào tôi cũng cắt dôi ra một bó để hỗ trợ cho Lý. Sâm sẩm chiều chúng tôi mới gánh cỏ về làng. Tôi và Lý thường đi đầu, vừa đi vừa trò chuyện cho chóng hết đường. Người làng tôi trông thấy thường trêu: “Cỏ ngon, người ngon, sao mà đẹp đôi thế”. Cuối năm học lớp 12, bố mẹ chúng tôi buộc phải đem trâu ra chợ bán, chuẩn bị cho chúng tôi ra Hà Nội học ôn và thi đại học.

Hôm đó Lý khóc đỏ cả mắt. Nuôi trâu thích hơn nuôi bò vì con trâu tình cảm lắm. Có lẽ vì thế mà trong 12 con giáp có con trâu chứ không có con bò. “Trâu ơi ta bảo trâu này!” Từ ngàn xưa ông cha ta đã hát như vậy, nghĩa là con người đã xem con trâu là bạn bè rồi. Trong các loài vật nuôi trong nhà thì chỉ con trâu là biết cười và biết khóc. Trâu rất hay cười, được ăn ngon, cười, được vuốt ve, cười, gặp bạn tình thì cười tít cả mắt.

Con trâu là giống vật si tình nhất. Nó đã cặp với con trâu cái nào thì hễ sểnh ra là chạy ngay đến với người tình, dù trên đường đi có gặp cả đàn trâu cái tơ khác nó cũng không đoái hoài gì. Con trâu đực nhà Lý phải lòng một con trâu cái tơ trong làng mà trâu nhà này lại thường ra đồng sớm. Vì thế, con cái tơ nọ phải vừa đi vừa nhắt ra những giọt nước, để lại những vệt thẫm trên đường làng. Con trâu đực nhà Lý bắt được hơi riêng của người tình thì hít lấy, hít để và vác mặt lên cười.

Từ lúc đó nó bước điên đảo như người say, chốc chốc lại hít và lại cười. Khi cười mắt nó tít lại, mặt vác lên trời nên khi đi qua cây cầu hẹp nó bước hụt chân, khiến cả nó và Lý rơi ùm xuống sông. Lý không biết bơi, tôi hoảng quá chạy tới định cứu Lý thì con trâu đã lặn xuống đội cô chủ lên đầu rồi.

Vậy mà Lý không giận nó, còn cắt cỏ non cho nó ăn. Nhận nắm cỏ từ tay cô chủ, con trâu chưa ăn ngay mà đưa cái lưỡi ấm rực khẽ liếm vào mu bàn tay người chăn. Và, hình như vừa cảm động, vừa hối lỗi, nó lặng lẽ khóc, nước mắt ướt đẫm hai bàn tay Lý. Con trâu như thế mà phải bán đi thì đau lòng lắm. Nhưng rồi vẫn phải bán, nếu không chúng tôi lấy tiền đâu để ra Hà Nội học.

Đó là câu chuyện chúng tôi cưỡi trâu ra Hà Nội và cũng là nguồn gốc biệt danh “vợ chồng trâu” của chúng tôi.

– Vậy tuần trăng mật hai anh chị định đi đâu?

– Chúng tôi về quê. Giám đốc công ty mời các cặp vợ chồng trẻ mới cưới trong năm đi du lịch ở Vân Nam (Trung Quốc) nhưng Lý muốn về quê. Chúng tôi muốn lại được nghe tiếng tù và mùa cỏ trâu ngày áp Tết. Nhất định chúng tôi lại vào thung, cắt mỗi đứa một gánh cỏ non như ngày xưa và sau đó, cả tôi và Lý sẽ tìm mua cho các em mỗi đứa một con nghé để cuối năm học phổ thông chúng nó lại có thể cưỡi trâu ra Hà Nội.

Hoàng Nhật Linh

Thực hiện: depweb

12/01/2009, 16:50