Nhìn lại các tuần lễ thời trang tại 4 kinh đô lớn nhất thế giới vừa diễn ra trong năm 2022 này, một năm chính thức khép lại chuỗi ngày theo dõi các show diễn trực tuyến, những gì còn đọng lại trong tâm trí của giới mộ điệu tới thời điểm này có lẽ là sự phấn khích, tò mò xen lẫn vui sướng khi được chiêm ngưỡng các BST của các nhà mốt xa xỉ.
Không thể phủ nhận được rằng, năm 2022 đánh dấu sự trở lại của sàn diễn truyền thống sau 2 năm dài ứng phó với đại dịch bằng các show diễn trên nền tảng số. Để chuẩn bị cho màn đổ bộ này, các ngôi nhà thời trang cao cấp không chỉ đưa các tín đồ hàng hiệu bước vào thế giới lưu trữ hào nhoáng của nhà mốt thông qua BST của mình, mà còn mở ra vũ trụ sáng tạo kỳ diệu lưu giữ các giá trị văn hóa – nghệ thuật đặc sắc trên trang phục, không gian trình diễn và cả các tiết mục được lồng ghép vào chương trình ra mắt. Mức độ “chịu chơi, chịu chi” của họ không chỉ dừng lại ở số tiền khủng để hoàn thiện show diễn, mà điểm thành công hơn cả nằm ở cơn sốt truyền thông mà sự kiện tạo được. Thậm chí, show diễn dù chưa chính thức ra mắt nhưng chỉ bằng một lời đồn thổi hoặc đoạn giới thiệu về sự hợp tác đặc biệt cũng đủ sức “hâm nóng” các trang mạng xã hội, khiến người hâm mộ càng nóng lòng chờ đợi xem nhà mốt sẽ đem đến điều bất ngờ gì.
Thật vậy, để mang đến một buổi trình diễn mãn nhãn, chạm đến cảm xúc của khán giả không phải chuyện dễ. Có thể thấy, các giám đốc sáng tạo không bao giờ tung hết “át chủ bài” của mình vào một BST mà chỉ dừng lại ở mức an toàn, đủ thỏa lòng mong mỏi của giới mộ điệu. Không phải vì khan hiếm ý tưởng sáng tạo mà đúng hơn là hòa hợp các giá trị lại với nhau một cách hoàn hảo nhất. Trên cương vị đầu tàu dẫn dắt cho một ngôi nhà thời trang có tuổi đời hàng thập kỷ, các nhà thiết kế được kế thừa tinh hoa di sản từ nhà sáng lập và các đời giám đốc sáng tạo trước, để rồi từ đó thêu dệt nên giấc mơ thời trang tương lai từ “chất liệu” cổ điển vượt thời gian.
Để các giá trị lâu đời của nhà mốt tiếp tục được gìn giữ trên các tạo tác thời trang hiện đại, dưới đôi mắt nhà nghề sắc sảo của mình, họ đã khéo léo lồng ghép nhiều dấu ấn đương đại vào trang phục. Từ đó, các nhà mốt tạo nên sợi dây liên kết giữa quá khứ và tương lai trên nền vải vóc. Đó cũng là lý do gián tiếp giải thích cho việc tại sao các nhà thiết kế chọn hướng đi khá an toàn cho mỗi BST của mình, bởi thay vì ôm đồm quá nhiều giá trị dễ khiến tổng thể rời rạc, mất đi chiều sâu thì họ lại tập trung vào khai thác một ý tưởng chủ đạo để câu chuyện được thống nhất và dễ khiến người xem cảm nhận một cách chân thực nhất.
Bên cạnh các BST được đầu tư chỉn chu, các nhà mốt còn phải tính toán kỹ lưỡng mức độ hài lòng của giới một điệu khi theo dõi show diễn. Hơn cả một BST mãn nhãn – linh hồn chủ đạo của mọi tuần lễ thời trang thì điểm mấu chốt gây hiệu ứng đột phá trong màn trình diễn cũng là một trong những điểm nhấn khiến khán giả ghi nhớ. Đó có thể là kỹ thuật hiện đại, câu chuyện văn hóa – lịch sử – nghệ thuật hoặc cũng có thể là một thông điệp ý nghĩa. Thời trang có ngôn ngữ diễn đạt riêng của mình, nên giám đốc sáng tạo hoặc giám đốc nghệ thuật và đội ngũ thiết kế là những người đóng vai trò “phiên dịch viên” truyền tải các giá trị đó đến các tín đồ chuộng mốt.
Mỗi nhà mốt cho thấy một khía cạnh khác nhau về thời trang hiện đại. Nếu không bàn đến ý tưởng sáng tạo từ các BST thì không gian trình diễn cũng là một phần không thể tách rời làm nên độ phủ sóng rộng lớn của show diễn. Điển hình nhất có thể kể đến Valentino, nhà mốt Ý từng khiến cả địa hạt thời trang dõi theo màn trình diễn BST Ready-to-wear Thu Đông 2022 phủ hoàn toàn bằng màu hồng fuchsia rực rỡ và đưa gam màu này trở thành “hot hit’ của năm. Ngay sau đó, show ra mắt BST Haute Couture Thu Đông 2022 của Giám đốc Sáng tạo Pierpaolo Piccioli một lần nữa chiếm trọn spotlight của Tuần lễ Thời trang Paris khi trở thành sự kiện được đầu tư hoành tráng nhất năm.
Không còn gói gọn ở những sàn runway truyền thống rực rỡ ánh đèn, giờ đây, show thời trang của các nhà mốt xa xỉ trở nên gần gũi với phong cách sống hiện đại của Gen Z hơn cũng như bám sát tinh thần chủ đạo từ BST mà họ muốn gửi gắm. Chẳng hạn, tại show Xuân Hè Nam 2023 của Givenchy, NTK Matthew Williams khiến giới mộ điệu bất ngờ với màn “lướt nước” của dàn người mẫu trong những đôi giày lưu hóa mới. Ngay lập tức, mọi ánh mắt đều đổ dồn về những kiểu dáng giày đi mưa của nhà mốt, tạo tiền đề cho một BST tập trung vào các thiết streetwear thách thức những ngày nắng mưa thất thường.
Hay gần đây nhất là show Xuân Hè 2023 của Balenciaga, Giám đốc Sáng tạo đương nhiệm Demna Gvasalia thách thức sự khắc nghiệt của môi trường bằng những thiết kế utility cao cấp có giá hàng ngàn USD trên sàn runway đầy bùn đất.
Ngoài ra, Dolce & Gabbana là nhà mốt thoát ly khỏi Tuần lễ Thời trang Haute Couture Paris để tự thiết lập lịch trình riêng. Không cần không khí náo nhiệt cùng hàng nghìn ống kính giới truyền thông, ngôi nhà thời trang xa xỉ cũng khiến cả địa hạt thời trang đổ dồn sự chú ý về địa điểm tổ chức sự kiện hoành tráng diễn ra liên tục 3 ngày nhằm tôn vinh nghệ thuật thủ công lừng danh nước Ý. Qua đó, bộ đôi NTK Domenico Dolce và Stefano Gabbana cho thấy vị thế của kỹ thuật thủ công nước Ý không thua kém Haute Couture của Pháp trên bản đồ thời trang thế giới.
Chung quy lại, bất kể là màn collab đặc biệt giữa các thương hiệu hay ý tưởng trình diễn có “1-0-2”, tuần lễ thời trang 2022 cho thấy một diện mạo hoàn toàn mới, không chỉ thỏa mãn cơn khát truyền thông, mà còn ghi điểm với hàng loạt BST đi đầu xu hướng, củng cố tính toàn diện của nền thời trang đương đại.