Tuần lễ nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh đầu tiên ở Việt Nam - Tạp chí Đẹp

Tuần lễ nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh đầu tiên ở Việt Nam

Sức Khỏe

Việc sử dụng thuốc nên theo đơn của bác sỹ và cần đúng liều, đúng lúc để chống kháng thuốc.
(Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN)

Chủ đề của chương trình là “Thuốc kháng sinh: Hãy sử dụng cẩn thận.” Với chủ đề này, ban tổ chức kêu gọi các các cá nhân và chuyên gia chăm sóc y tế chỉ kê đơn, sử dụng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết, chọn đúng loại, đúng liều và thời gian sử dụng phù hợp.
Điều này sẽ góp phần đảm bảo cho các thế hệ tương lai tiếp tục được sử dụng thuốc kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm vi khuẩn có khả năng gây tử vong. 
Trong khuôn khổ chương trình này, từ ngày 16 đến 22/11, đại diện sở y tế cùng với ủy ban nhân dân cấp tỉnh của 63 tỉnh thành của Việt Nam sẽ tham dự một cuộc chạy tiếp sức toàn quốc để nâng cao nhận thức cho công chúng về sử dụng thuốc kháng sinh an toàn và có trách nhiệm. 
Trước đó, từ 26/10, ban tổ chức đã phát động chiến dịch một triệu cam kết của các cá nhân về sử dụng thuốc kháng sinh hiệu quả hơn. Chiến dịch này có đỉnh điểm là một sự kiện quốc gia được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 22/11. 
Công chúng có thể cam kết sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm bằng cách “like” vào trang Facebook của tuần lễ nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh tại địa chỉ http://www.facebook.com/AMRWEEKVIETNAM.
Theo WHO, việc sử dụng và lạm dụng thuốc kháng vi sinh vật đang làm gia tăng sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc, có khả năng kháng lại các loại thuốc ban đầu có hiệu quả trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn do vi sinh vật đó gây ra.
Thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn kém, điều kiện vệ sinh thiếu thốn và việc xử lý thức ăn không hợp lý khiến cho tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật tiếp tục lan rộng.
Các vi sinh vật kháng thuốc (như vi khuẩn, nấm, vi rút và ký sinh trùng) có thể chịu được sự tấn công của các loại thuốc kháng vi sinh vật như thuốc kháng khuẩn (ví dụ, thuốc kháng sinh), thuốc chống nấm, thuốc chống vi rút, và thuốc chống sốt rét.
Điều này khiến cho phác đồ điều trị tiêu chuẩn trở nên vô hiệu và tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật sang người khác.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật tại Việt Nam đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và làm suy yếu hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng tăng của tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật là hậu quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh quá mức và không hợp lý ở tất cả các tuyến của hệ thống chăm sóc y tế và trong công chúng nói chung. 
Ngoài ra, tình hình sử dụng thuốc kháng vi sinh vật trong chăn nuôi, nông nghiệp và sản xuất thực phẩm cũng làm gia tăng mối nguy cơ kháng thuốc kháng vi sinh vật  đe dọa sự an toàn và bền vững của chuỗi thức ăn.
Dư lượng kháng sinh trong đất, nước và môi trường tiếp tục góp phần tạo nên mối nguy cơ về kháng thuốc kháng vi sinh vật do các quy định chưa nghiêm về tiêu hủy chất thải công nghiệp và chất thải con người.
Theo tiến sỹ Lokky Wai, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, tình trạng sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật đe dọa đến năng lực của hệ thống y tế trong việc phòng ngừa, kiểm soát và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thông thường.
Hậu quả là gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn, kéo dài thời gian điều trị và làm tăng chi phí cho người bệnh. 
Vì thế, tiến sỹ Lokky Wai cho rằng, bên cạnh việc nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh của người dân và đội ngũ cán bộ y tế, các nhà hoạch định chính sách phải từng bước xử lý tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam. 
Các giải pháp được WHO đưa ra như thực hiện kế hoạch hành động quốc gia chống kháng thuốc mà Việt Nam đã thông qua từ năm 2013, thực thi các biện pháp điều tiết việc sử dụng thuốc ở người và trong lĩnh vực nông nghiệp, hoàn thiện các quy định về tiêu hủy và quản lý chất thải.  

“Là một xã hội, chúng ta phải quyết tâm hành động để bảo toàn hiệu quả của thuốc kháng vi sinh vật trước khi quá muộn,” tiến sỹ Wai nói./.

Theo VietnamPlus

Thực hiện: Đặng Trung Hiếu

16/11/2015, 16:01