Tuấn “gà” và “tiếng gáy thời gian”

“NGHỆ SĨ ĐỘC LẬP – SÓNG NGẦM TRONG DÒNG NHẠC VIỆT”

Những nhạc sĩ, nghệ sĩ độc lập tồn tại trong đời sống âm nhạc Việt Nam như một dòng mạch ngầm, lặng lẽ nhưng miệt mài. Các nghệ sĩ này đã lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, không cần tới những chiêu trò nhằm đánh bóng tên tuổi hay lôi kéo công chúng. Với họ, thỏa mãn đam mê đã là một thành công.

Chùm bài “Nghệ sĩ độc lập – sóng ngầm trong dòng nhạc Việt” của mục Giải trí, báo Đẹp online xin giới thiệu với độc giả một số gương mặt indie (viết tắt của independent music, âm nhạc độc lập) tiêu biểu nhằm giúp người đọc hình dung ra con đường theo đuổi sáng tạo của họ.

Các bài viết trong chuyên đề:

Đường xa cho nghệ sĩ độc lập Việt
Hải Bột – chàng Bờm minh triết
Tuấn “gà” và “tiếng gáy thời gian”
Dũng Joon: “Chọn mảnh đất nhỏ…”
David Payne: “Âm nhạc của tôi chỉ có cảm xúc và sự kết nối”

Tổ chức: Linh Hanyi

Chúng tôi gặp Nguyễn Tuấn qua Nguyễn Thắng, gặp Nguyễn Thắng qua Facebook. Nguyễn Thắng hiện là thành viên nhóm M6 (gồm có Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Tâm…). Trước, Nguyễn Tuấn cũng là thành viên của nhóm này.

Một người bạn của tôi, Lê Giang, không theo nghiệp ca sỹ nhưng có một giọng hát rất truyền cảm,  đăng bài “Ru à ơi” của Nguyễn Thắng do cậu thể hiện lên Facebook của chúng tôi. Anh em nghe đi nghe lại. Sáng sớm hay buổi trưa nhắm mắt trong bài hát, cứ như nằm võng đung đưa: “Nụ hồng ngoài vườn khuya gió lay rất thơm/Mà lòng mẹ nào vơi mọi ưu phiền”.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn (Tuấn gà)

Thích quá, anh em rủ Lê Giang và anh Nguyễn Thắng uống bia. Hai người cứ tiếc cho anh em là hôm đó Tuấn gà không từ Hải Phòng lên. Sao phải tiếc không gặp một người không biết nhỉ, bạn Facebook cả ngàn người. Lúc ra về, cũng không hình dung được nhiều về Nguyễn Tuấn, chỉ còn đọng lại vài bình luận của Giang: “Có cây đàn, anh Tuấn có thể ôm đàn hát từ đêm hôm trước đến đêm 2 hôm sau nữa”, “Ông này lúc như trẻ con, lúc như quỷ sứ”.

Hôm khác, nhóm bia lại mang chai vào ngồi trong Bách Thảo với anh Adam làm ở Đại sứ quán Mỹ, một trong những mảng anh phụ trách là bản quyền. Anh Adam mới học tiếng Việt được một năm nhưng có thể nói chuyện như một em bé Việt Nam 10 tuổi. Anh Adam nói có không gian American Club ở 19-21 Hai Bà Trưng, anh em có hoạt động văn hóa nào thú vị, có thể dùng. Lúc đó, anh em không hề nghĩ đến Nguyễn Tuấn vì đâu biết anh là ai.

Thế rồi, lại qua bia mà chúng tôi được gặp và nghe Nguyễn Tuấn say sưa đàn, hát nhạc của mình – thứ âm nhạc mà khi ra về, chúng tôi google ngay cái từ “Tuấn gà” để nghe đi nghe lại.

“Bồ câu hạt thóc”, “Em là ai”, “Mê cung”,… trữ tình, đẹp kiểu chuẩn mực, đưa vào tâm hồn và trái tim người nghe thứ dễ chịu cần có của âm nhạc với ca từ rất đẹp: “Hạt thóc trên tay em run run một niềm vui an lành”, “Nghe liu diu liu diu/ Như có tiếng chim sẻ non”, “Hoàng hôn xuống xem tôi nhuộm màu tím”, “Những sông ngòi đã bình minh/Đã kết tinh với biển khơi/Tràn về xôn xao nắng mới”…

“Mỗi nhà mỗi cảnh”, “Gái bán than”, “Đêm ngoại ô”, “Tiếng gáy thời gian”.. lại hoang dã, phá cách và hơi ma quái, đẩy cảm xúc người nghe lên một thang bậc mới. Khi Tuấn “gà” bắt đầu chuyển từ hát sang “gáy”, chúng tôi ngạc nhiên về khả năng “đi về” cực nhanh giữa 2 thái cực trữ tình và trào phúng, êm đềm và dữ dội của con người/gà này, không chỉ trong hai mảng nhạc chủ đạo của anh mà ngay trong từng bài hát. Đang trôi trên dòng sông êm đềm của trữ tình, chúng tôi lập tức bị đánh thức bởi năng lượng và sức mạnh của tự do tràn trề và cả sự đùa cợt, nghịch ngợm trong tiếng đàn, tiếng huýt sáo và thanh âm biến hóa liên tục.

Ca từ của những ca khúc hoang dã cũng rất độc đáo. Điều này dễ hiểu, vì qua lời hát, có thể thấy rõ Nguyễn Tuấn là nhạc sỹ rất mạnh về cảm nhận hình ảnh. Với khả năng này, lại là người va vấp nhiều, chịu đi kỹ, Nguyễn Tuấn có thể nhìn những điều thông thường qua nhãn quan rất riêng và chiết xuất khéo léo thành từ ngữ của mình. Tai nghe khán giả của Nguyễn Tuấn sẽ hạnh phúc được chạm vào nhiều cái mới vì anh không phải vay mượn vốn ngôn ngữ chung chung, ước lệ nhỏ hẹp mà nhiều bài hát trữ tình hay lạm dụng.

Không có nhiều nhạc sỹ có thể viết những bài hát không có một chút sến nào và đưa cái hài vào âm nhạc, đưa những câu nói chuyện, chơi chữ vào bài hát trôi chảy được như vậy: “Lỏng buông xe điếu, cái mắt nheo vào, nhả khói ra”, “Đìu hiu trong gió/Nỗi nhớ quê nhà tuột phấn son”, “Lại xem con rết, cắn chết con nhện, bà lão ơi”, “Chú voi trong rạp xiếc kia, con trai ông già buôn mía”, “Cô đi bán THAN ngoài thị trấn”, “Gà thấy đau xót trong lòng tiếng Ô Kê”…

Nói không ít đến những mảng nhức nhối của xã hội như ma túy, mại dâm, cúm gà, đô thị hóa… nhưng Nguyễn Tuấn hoàn toàn tránh được kể lể, tuyên truyền hay hằn học. Ngay cả trong sự trìu mến, đồng cảm, xót xa cho thân phận những người phụ nữ (một điểm đẹp nữa trong tâm hồn Nguyễn Tuấn), anh cũng chỉ đặt vào miệng một cô gái gọi mất cái điện thoại như mất cả kế sinh nhai một câu rủa  bâng quơ làm bài hát “Mỗi nhà mỗi cảnh” bừng nở ở câu cuối: “Cái tổ… Tò Vò”. Nguyễn Tuấn đã làm được đúng chức năng của người nghệ sỹ là coi mọi thứ là đề tài có thể khai thác, mục đích của chất liệu là để tạo nên một tác phẩm đẹp.

Chúng tôi muốn nói dài một chút đến ca từ của Nguyễn Tuấn vì ca từ của mảng nhạc “hoang dã” này có thể đọc như những bài thơ rất mới. Mới nhưng không phải mới bừa, không hỗn loạn mà rất súc tích. Có vẻ trúc trắc, khó nghe nhưng càng nghe kỹ, đọc kỹ thì càng bị thuyết phục, câu chuyện càng hiện rõ, mạch lạc. Chúng tôi bị ấn tượng mãi bởi âm nhạc vui nhộn, nhân văn tuyệt vời của bài “Chổi xuân”, thầm ước loa phường hay VOV giao thông hàng ngày phát đều đặn bài này để đem lại cho người trên phố, người trong xe cảm giác yêu đời khi thức dậy hay sau mỗi buổi chiều vất vả. Đứng trong đoạn tắc đường mà nghe bài hát này thì không có gì xoa dịu bằng. Trong “Chổi xuân”, hình ảnh chị lao công được Nguyễn Tuấn ví như “Bồ Tát của rác, đưa rác về cõi hư vô”: “Vào đây, vào đây/Cái lem lọ nào nhơ/Chúng sinh theo chân người độ thương dẫn đường”. Phải “tôi iêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống” (Bùi Chát) lắm mới có được cái nhìn đẹp đẽ đến như vậy.

 

Ngay cả những người ưa cách tân lời như nhóm M6 cũng tấm tắc về ca từ của Nguyễn Tuấn. Có được những bài hát đẹp trọn vẹn về nhạc và lời như vậy, Nguyễn Tuấn thuyết phục được người nghe bằng chính tài năng và sự say mê dâng hiến của mình, như lời bài “HUESA” của anh: “Hãy trao trọn tâm hồn ta/Sẽ đón nhận những nụ hoa”.

Trở lại với câu chuyện về lời mời sử dụng không gian American Club của anh Adam, một “người Mỹ trầm lặng” mà chúng tôi hay đùa là Adamdang. Sau khi nghe nhạc Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thắng thì chúng tôi biết đã có người để đặt vào không gian vừa sang trọng vừa tự nhiên mà anh Adam đã vô tư mượn giúp. Nguyễn Tuấn dù đã rời nhóm M6 nhưng người ở lại, Nguyễn Thắng vẫn nhiệt tình giới thiệu anh như một món quà dành cho Hà Nội. Hai người nghệ sỹ dù không dư dả gì này đã hào phóng tặng thêm Hà Nội một bó hoa đẹp: Đêm diễn mở cửa tự do, tùy tâm donate (tặng quà). Đêm diễn đã thành công, đo bằng những tiếng vỗ tay không ngừng dù không nhiều khán giả Hà Nội biết Nguyễn Tuấn. Dù mảng trữ tình là đã đủ thuyết phục, Nguyễn Tuấn không ngại hát say sưa phần âm nhạc nhiều thể nghiệm của anh.

Nguyễn Tuấn là người kỳ lạ, sống bản năng, có lúc khá ẩu và bê bối nhưng lại ngại nói về mình và khắt khe trong sáng tác, anh dùng âm nhạc để kể chuyện. Sau một thời gian vào Sài Gòn và trở lại Hải Phòng, giờ Nguyễn Tuấn rời Hải Phòng lên Hà Nội để giới thiệu âm nhạc của mình. Có cả trăm bài hát, có mảng trữ tình dễ đi vào lòng người, có mảng trào phúng/xã hội với âm nhạc đầy mạnh mẽ, lôi cuốn nhưng đến miền đất mới, dù có những người bạn yêu nhạc hết lòng hỗ trợ (Nguyễn Thắng, Adam, Tuấn Khang, Hân “ốc”, Hùng “xoăn”, Nguyễn Quỳnh Trang…), Nguyễn Tuấn sẽ cần rất nhiều thay đổi, tiếp nạp và dũng khí để hát tiếp những câu chuyện mới trước nhiều tai nghe khó tính.

Chúc anh nuôi dưỡng được nguồn nội lực để tiếp tục đem lại cho những người đã nghe và sẽ nghe anh cảm giác về sự trôi chảy của thứ âm nhạc vừa mềm mại vừa khỏe khoắn: “Tiếng gáy cưỡi mây hồng đồng vọng trong gió đón ngày mới đến!” (“Tiếng gáy thời gian”).

Bài: Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh

Ảnh: Ngọc Vũ

 


From the same category