Giải phóng tư tưởng trong kiến trúc và sự tiết chế của cảm xúc trong nghệ thuật tạo hình
Trong khi tất cả các hình thức nghệ thuật đều góp phần phản ánh cấu trúc lịch sử – xã hội, thời trang cũng không khác gì một lăng kính thể hiện tinh thần sáng tạo, sự tự do và tính thẩm mỹ của nhà thiết kế lẫn công chúng. Xét riêng về chủ nghĩa tối giản trong thời trang cũng vậy, xu hướng này không chỉ bắt nguồn từ ảnh hưởng của vai trò người phụ nữ trong lịch sử, mà còn là hệ quả tất yếu sau nhiều trào lưu biến chuyển của kiến trúc và mỹ thuật suốt thế kỉ 20.
Năm 1919, tại Đức, trường thiết kế Bauhaus được thành lập bởi kiến trúc sư Walter Gropius. Chính tại ngôi trường này đã cho ra đời khái niệm thiết kế lược bỏ mọi chi tiết không cần thiết, chú trọng đơn thuần vào mục đích sử dụng và tận dụng nét thẩm mỹ của bản thân chất liệu khi chưa qua xử lý, ví dụ như kính, bê tông, thép. Dòng kiến trúc Bauhaus mở đầu cho cuộc cách mạng của kiến trúc hiện đại, với các thể nghiệm dựa trên cấu trúc hình khối, ánh sáng tự nhiên kết hợp vật liệu xây dựng.
Một thiết kế nội thất dòng Bauhaus của Marcel Breuer (năm 1927).
Tuy nhiên, vào giữa giai đoạn Thế chiến thứ hai chuẩn bị nổ ra, dưới sức ép của chính quyền Đức Quốc xã và phe bảo thủ, năm 1933, trường Bauhaus buộc phải đóng cửa, cùng hàng loạt các giáo sư và kiến trúc sư theo dòng Bauhaus đã rời bỏ đất nước sang định cư ở Hoa Kì. Vị hiệu trưởng cuối cùng của ngôi trường, kiến trúc sư Ludwig Mies van der Rohe, chuyển tới Chicago, để rồi chỉ vài năm sau đó ông được mệnh danh là người sáng lập phong cách kiến trúc Chicago, với những tòa nhà chọc trời phô diễn ngoạn mục vẻ đẹp trần trụi của kính và thép. Và câu nói chứa đầy mâu thuẫn của ông, “Less is more” – “Càng ít thì càng nhiều” trở thành phương châm vĩnh cửu cho thiết kế tối giản, không chỉ đối với sáng tạo trong kiến trúc mà còn dành cho tất cả các nhà thiết kế nội thất, công nghiệp cũng như thời trang.
Tòa nhà Seagram (New York) do Mies van der Rohe thiết kế.
Trụ sở chính của trường Bauhaus, thành phố Weimar, Đức.
Theo chiều thời gian, nghệ thuật tạo hình có đôi chút khác biệt so với kiến trúc. Chủ nghĩa tối giản chỉ bắt đầu xuất hiện và có tiếng nói riêng từ thập niên 1960. Phong cách tối giản là một tiếng nói đổi mới của lớp các nghệ sĩ tạo hình người Mỹ trước sự thịnh hành của xu hướng lập thể (cubism) và trừu tượng biểu hiện (abstract expressionism).
Vào khoảng những năm 1950, khi cả thế giới đang ngưỡng mộ khả năng hội họa của Picasso hay thần thái mãnh liệt trong tranh Jackson Pollock, các phòng tranh thi nhau nâng giá tác phẩm theo xu hướng này; thì một nhóm nghệ sĩ tiên phong như Carl Andre, Sol LeWitt, Robert Smithson, Donald Judd, Frank Stella… đã tạo nên một loạt tác phẩm hoàn toàn khác biệt, mà sau này được định nghĩa là xu hướng tối giản. “Art excludes the unnecessary” – “nghệ thuật loại bỏ những điều không cần thiết”, câu nói mở đầu catalogue triển lãm của nghệ sĩ Carl Andre có thể tóm gọn tinh thần sáng tạo của chủ nghĩa tối giản.
Tác phẩm “6 ngọn tháp” – 6 Towers (1987) của Sol LeWitt. Nguồn: Bảo tàng Nghệ thuật, Trường thiết kế Rhode Island.
Tác phẩm “Cedar Piece” (1959) của Carl Andre (bên trái) và “Die Fahne Hoch” (1959) của Frank Stella (bên phải).
Đối với những nghệ sĩ như Andre, tác phẩm nghệ thuật là phương tiện khai thác triệt để vẻ đẹp của bản thân chất liệu, bố cục và bề mặt trong không gian ánh sáng, lược đi hầu hết yếu tố gây chi phối cảm xúc. Vẻ đẹp nằm ở sự giản đơn và tính tinh khiết, thuần túy. Chính tinh thần ấy đã tạo cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang, và nó được ứng dụng một cách tài tình, không chỉ như một trào lưu nhất thời mà luôn tự đổi mới tới tận thời điểm đương đại ngày nay.
Thời trang tối giản trở lại khởi nguồn và lan rộng thế giới
Nhắc đến phong cách thời trang tối giản là nhắc đến xu hướng thẩm mỹ của trang phục thập niên 90. Quay ngược thời gian, sau những năm 1980 bùng nổ chủ nghĩa tiêu thụ, dòng nhạc pop Madonna, Michael Jackson, George Michael,… cùng xu hướng thời trang siêu thực kỉ tương lai như Thierry Mugler, Claude Montana hay nhiều họa tiết rực rỡ như Versace, Christian Lacroix, thập niên cuối cùng của thế kỉ 20 bắt đầu cảm thấy sự thoái trào của những điều ngoạn mục, hào nhoáng trong kinh tế, văn hóa, nghệ thuật. Xã hội đòi hỏi sự chuyển biến thực tế hơn, giản lược hơn và ứng dụng cao hơn. Đó là thời điểm hợp lý nhất cho sự chinh phục của chủ nghĩa thời trang tối giản.
Phong cách tối giản được xem là một tiếng nói riêng độc đáo trong thế giới thời trang, bởi nó mang lại hình ảnh phản biện tuyệt đẹp và thanh nhã, đối lập với quan niệm cho rằng, thời trang phải bóng bẩy và trưng ra thương hiệu lấp lánh trên sản phẩm. Tôn chỉ của trang phục tối giản phục vụ cho một sự xa xỉ kín đáo, cho con mắt thẩm mỹ tinh tế khi biết nhận ra vẻ đẹp trong chi tiết giản đơn và biết cách cảm thụ chất liệu cao cấp như lụa tơ tằm, len cashemere, vải bông thượng hạng. Một khi nhà thiết kế lựa chọn cho mình con đường “tối giản”, họ phải là người vô cùng dũng cảm và kiên nhẫn. Vì muốn đạt đến trình độ có thể làm nên cái đẹp ở điều giản dị nhất, người tạo mẫu cần biết cách cắt thật chính xác và xếp vải (drape) thật điêu luyện, nếu không chính sự giản đơn của trang phục tối giản sẽ bộc lộ tất cả thiếu sót của họ.
Nơi hình thành việc ứng dụng thời trang tối giản, có thể nói là tại thành phố Hamburg, Đức, đại bản doanh của nhà thiết kế Jil Sander, người được ví von là “bậc thầy của thời trang theo chủ nghĩa tối giản”, “bà hoàng len cashmere”, “nhà giản hóa thời trang” cùng vô số biệt danh khác. Đối với Jil Sander, chủ nghĩa tối giản là câu trả lời cho nhu cầu bức thiết về một phong cách thiết kế thuần khiết. Bằng cách giảm thiểu tất cả các chi tiết trang trí, thay vào đó, tính thực dụng, sự phối hợp giữa gam màu căn bản và chất liệu trở thành yếu tố chính yếu trong mẫu trang phục. Vẻ thu hút của người mặc không nằm ở điểm nhấn nhá hoa mỹ hay đường cúp eo, mà ở nét thanh nhã trong thiết kế giản đơn, nhưng cùng lúc lại vô cùng mạnh mẽ với đường cắt táo bạo.
Các mẫu thiết kế của Jil Sander trong những năm cuối thập niên 1980.
Nét thuần khiết Jil Sander vượt khỏi biên giới Đức, được ưa chuộng trên toàn thế giới. Xu hướng tối giản trở thành điểm trọng tâm của bản sắc thời trang thập niên 90, vừa làm gợi nhớ tinh thần thiết kế mang tính ứng dụng cao của Coco Chanel vào những năm 1920. Đó là mẫu quần tây suôn dài, kiểu áo len cashmere cổ chữ V không họa tiết, bộ vest vải len pha sợi bông lịch sự và nền nã, hay chiếc váy đầm lụa trơn phủ nhẹ trên dáng người mặc.
Thiết kế Xuân Hè 2012 của Jil Sander được thực hiện bởi Raf Simons.
Nối tiếp Jil Sander, hình ảnh người phụ nữ có phong thái điềm đạm, nhã nhặn nhưng quả quyết này được nhân rộng khắp thế giới, được tái hiện qua bàn tay của nhiều nhà thiết kế tài năng khắp nơi như Donna Karan (New York), Helmut Lang (New York và Paris), Miuccia Prada (Milan), Ann Demeulemeester (Antwerp và Paris), hay Raf Simons – bậc hậu duệ kế nghiệp và góp phần phục hưng nhà mốt Jil Sander vào thế kỉ 21, sau khi bà rời bỏ vị trí thiết kế chính và nhượng lại hãng của mình cho tập đoàn Prada.
Thiết kế của Donna Karan năm 1990.
Cùng mang vẻ đẹp tinh tế, nhưng có lẽ, so với kiến trúc hay nghệ thuật thị giác, chỉ có thời trang mới là hình thức nghệ thuật có khả năng biến chuyển ý nghĩa của sự tối giản lên mẫu thiết kế một cách gợi cảm nhất, bởi nó gần gũi trực tiếp với cơ thể con người. Chắc hẳn đó cũng là một lợi điểm bất biến của ngành nghệ thuật thời trang nói chung.
Thiết kế Resort 2012 của Donna Karan.
* Chuyên đề: Chủ nghĩa tối giản từ thế kỷ 20 đến đương đại
Chuyên đề gồm các bài viết:
Từ tư tưởng giải phóng nghệ thuật đến motif thời trang
Haute Couture “Tối giản” – Điều không tưởng?
Bài: Arlette Quỳnh Anh Trần