Tự truyền dịch – Đừng đùa

Nước chiếm 70% trọng lượng cơ thể. Khi cơ thể mất nước do tiêu chảy, mất máu,
sốt virus, chấn thương… sẽ gây ra những rối loạn sinh lý, có thể nguy hiểm đến
tính mạng. Khi đó, truyền dịch rất cần thiết và là biện pháp cấp cứu trong nhiều
trường hợp. Nhưng hiện nay, nhiều người lại coi cách này như liều thuốc tiên với
suy nghĩ mắc bất cứ bệnh gì, cứ truyền dịch là khỏe ngay. Một số người còn tự
dùng dịch truyền có đạm hoặc các vitamin phối hợp với mục đích làm đẹp da, nâng
cao sức khỏe…

 Người nên truyền dịch?
– Người bị suy kiệt, không ăn uống được: Nên truyền đạm, albumin, sinh tố.
– Tiêu chảy, mất nước: Truyền đường, dịch điện giải bao gồm: dịch mặn, dịch ngọt.
– Ăn uống kém, gầy sút: Truyền một số chất dinh dưỡng như đường, chất béo,
lipovenose.

Những ai không nên truyền dịch?
– Sốt do nhiễm trùng, vì truyền dịch lúc này không có tác dụng mà dễ gây các
nguy cơ biến chứng.
– Những người khỏe mạnh, bệnh nhân bị phổi, suy tim, người quá già yếu, lọc thận
kém nếu truyền lượng dịch nhanh và nhiều sẽ gây suy tim, phổi đã kém gây phù
phổi cấp, dễ tử vong.

Lưu ý với trẻ em
Trẻ em cũng là đối tượng mà các phụ huynh thường xin bác sĩ cho truyền dịch khi
trẻ bị tiêu chảy hay sốt. Tuy nhiên, cần lưu ý, trẻ đang bị sốt không được
truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ,
tăng phù não. Bệnh nhi viêm phổi không nên truyền dịch vì dịch truyền làm tăng
gánh nặng cho phổi, tim. Chỉ khi bị sốt xuất huyết nặng, có tình trạng mất nước
từ máu trong cơ thể thì bác sĩ mới chỉ định truyền dịch.


Dịch truyền chỉ có tác dụng khi sử dụng đúng chỉ định
Bác sĩ chuyên khoa II Cao Độc Lập, BV Hồng Ngọc


Dịch truyền là những dung dịch thuốc vô khuẩn dùng để tiêm truyền nhỏ giọt vào
tĩnh mạch với khối lượng lớn, có tác dụng nâng huyết áp cơ thể, cân bằng các
chất điện giải có trong máu khi người bệnh bị mất máu, mất nước do chấn thương,
tiêu chảy, nôn mửa kéo dài, cơ thể mất nước trong điều kiện quá nóng bức… Một
số dịch truyền có acid amin, vitamin, glucose có tác dụng bù đắp các chất này
cho cơ thể. Một số dạng dịch truyền có khá đầy đủ các chất và được dùng thay thế
huyết tương hoặc bổ sung vitamin, acid amin trong vài trường hợp cần thiết.
Truyền dịch đúng chỉ định còn có tác dụng giải chất độc trong cơ thể khi bị ngộ
độc do thuốc, ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn cấp tính, giúp tăng bài tiết nước
tiểu…



Có thể uống thuốc thay dịch truyền 

Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Trưởng khoa Nội – BV Tim Hà Nội

Nhiều người thường truyền dịch theo sở thích với suy nghĩ cứ truyền vào là khỏe.
Cách này hiệu nghiệm vì dịch thấm vào máu tức thì, nhưng chính vì sự tức thì ấy
nên có thể gây hậu quả khôn lường:

– Nếu tự truyền dịch sẽ không vô khuẩn được, có thể dẫn vi khuẩn ngấm vào máu
ngay lập tức, gây nhiễm trùng máu.
– Rối loạn điện giải: Khi đưa vào lượng dịch không cần thiết, dẫn đến dư thừa,
sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, nôn nao, tăng nhịp tim bất thường.
– Tác dụng phụ của dịch truyền: Truyền vitamin C có thể gây sốt, dị ứng, ngứa,
nhiễm trùng, sốc. Truyền dịch đường làm tăng lượng dịch cơ thể, nếu không kiểm
soát tốt sẽ dẫn đến tim bị quá tải, gây phù phổi…
– Chất lượng thuốc không đảm bảo, tốc độ truyền quá nhanh đều có thể khiến cơ
thể bị sốc. Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc trong, hoặc ngay sau khi truyền. Biểu
hiện là cơ thể rét run đột ngột, sốt, mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh,
huyết áp tụt, khó thở, nhịp thở nhanh và nông, bệnh nhân lo lắng, bồn chồn, vật
vã… Nếu không xử trí kịp thời có thể sẽ bị tử vong.
– Những người đang bị bệnh tim, bệnh thận nếu truyền đạm sẽ dẫn đến suy thận,
suy tim và tử vong vì bị bệnh này cần hạn chế nước. Ngay cả khi truyền dịch đúng
chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm trong quá trình truyền: chỗ
tiêm bị phù, đau, sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó
thở, đau ngực…

Truyền dịch Vitamin C để làm đẹp da
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Duy Hưng, Tổng Thư ký Hội Da liễu Việt Nam

Gần đây, rất nhiều người chọn cách truyền dịch có đạm hoặc các vitamin phối hợp
để làm đẹp da. Thật nguy hiểm khi đã xảy ra một số trường hợp tử vong do bị sốc
phản vệ. Trước khi có ý định truyền dịch làm đẹp da, cần lưu ý:

– Bộ Y tế đã khuyến cáo không nên truyền vitamin C để làm đẹp da vì đây là loại
dịch truyền có thể gây sốc, rất nguy hiểm. Khi đã sốc phản vệ thì khó cứu chữa.
– Dịch truyền vitamin C làm đẹp da có nhiều loại, do nhiều hãng sản xuất và
không có chống chỉ định. Nhưng thực tế, khi truyền, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ
lớn bị sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
– Thông thường, truyền vitamin C làm đẹp da cần có liều lượng: truyền khoảng 10
ngày, nghỉ 1 tuần rồi lại truyền tiếp. Mỗi ngày truyền 500 – 1.000 ml. Nếu
truyền nhanh, không đúng liều, truyền vô tội vạ, có thể gây nguy hiểm đến tính
mạng.
– Những người bị viêm loét dạ dày không được truyền vì dịch truyền vitamin C có
chứa axit ascorbic, sẽ khiến bệnh thêm nặng.
– Chỉ truyền dịch nếu cơ thể cần tăng sức đề kháng hay khi da mặt quá xấu và
phải được sự chỉ định của bác sĩ vì đây không phải là phương pháp điều trị thông
dụng.
– Thay vì truyền dịch làm đẹp da, bạn có thể bổ sung vitamin C bằng cách uống
vitamin C và bổ sung các loại hoa quả…

Chỉ truyền dịch khi không ăn được bằng đường miệng
Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng



Dịch truyền được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không thể ăn hoặc hấp thu
các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa. Việc bù đường, muối và các chất điện
giải chỉ nên tiến hành khi hàm lượng những chất này trong máu thấp hơn mức cho
phép. Bác sĩ thường dựa vào kết quả xét nghiệm để quyết định có truyền dịch hay
không.




Ở góc độ dinh dưỡng, khi cần cung cấp dưỡng chất cho người bệnh không ăn uống
được hoặc bị phù nhiều do thiếu đạm, suy dinh dưỡng, suy kiệt, hôn mê, phẫu
thuật đường ruột… nhưng không ăn được bằng đường miệng thì mới cần truyền dịch.
Dịch truyền dinh dưỡng có nhiều loại. Khi cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, bạn cần
đến bác sĩ để được chỉ định có cần truyền dịch hay không, và nên truyền loại nào.

Nếu tự ý truyền dịch ở nhà hoặc những nơi không đảm bảo các điều kiện y tế, có
thể gặp nguy cơ

– Nhiễm khuẩn do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, đầy đủ các dụng cụ y tế như ở
bệnh viện.

– Bị sốc: Khi không được chỉ định đúng dịch truyền phù hợp với nhu cầu của cơ
thể, có thể bị sốc phản vệ và sẽ không được cấp cứu kịp thời.
– Truyền dịch dinh dưỡng cũng như các loại dịch khác đều có thể gây sưng chỗ kim
tiêm, khiến da bị viêm tấy đỏ, nặng hơn là hoại tử, nhất là khi truyền dịch cung
cấp chất dinh dưỡng.

 



From the same category