Tự trồng dưa leo quá dễ! - Tạp chí Đẹp

Tự trồng dưa leo quá dễ!

Sống

Xu hướng sử dụng các sản phẩm làm đẹp từ trái cây luôn được chị em yêu thích vì an toàn lại rẻ tiền. Trong số các loại rau trái thì dưa leo có lẽ là loại quả được ưa chuộng nhất vì nó không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn được dùng như mặt nạ dưỡng da mát lạnh cho làn da thêm mịn màng.


Dưa leo có thể trồng được quanh năm, cho ra nhiều trái nhất là vào hai vụ đông xuân và hè thu. Cây thuộc nhóm ưa nhiệt, trồng nơi có ánh sáng nhiều thì trái sẽ nhanh lớn và chất lượng tốt. Tuy có nhu cầu được tưới nước cao nhưng lại khó chịu được úng, còn thiếu nước thì cây ra trái nhỏ, ăn lại đắng.

Đặc tính của dưa leo là có bộ rễ yếu và sức hấp thụ của rễ kém nên cần trồng bằng đất giàu dinh dưỡng. Tốt nhất nên trồng trên đất cát pha, đất thịt nhẹ, tơi xốp và màu mỡ.

Nếu bạn quan tâm đến loài cây thú vị này và tự tin để trồng ở nhà thì hãy làm theo những bước sau nhé:

Bước 1: Chọn hạt “già mà khỏe”

Nói chung, so với việc trồng các cây khác thì dưa leo có ưu điểm là hạt nảy mầm rất nhanh và tỉ lệ nảy cao. Tuy nhiên, muốn chọn được hạt giống tốt để trồng thì nên chọn những trái to, đã ngả sang màu vàng.

Sau khi lựa chọn được những trái dưa leo ưng ý, hãy bổ đôi và cạo hết phần lõi giữa của trái theo chiều dọc. Đem bỏ phần vừa cạo ra cho vào một cái lọ, để lên men 1 ngày, bảo quản nơi thoáng mát.



Hạt trái dưa leo nằm ở giữa với các thớ.


Cạo hết phần thịt và hạt ở giữa trái dưa leo bằng thìa.

 
Ngâm dung dịch chứa hạt giống cho lên men.

 


Lọc bỏ tạp chất để hạt sạch.

Bước 2: Gieo hạt và ấp ủ hy vọng

Sử dụng khay có các ô nhỏ làm nơi gieo hạt giống, cho vào đó loại đất mùn hữu cơ sẽ rất tốt cho việc hạt giống nảy mầm. Với mỗi ô chứa đất trong khay, ta dùng một chiếc bút ấn lõm xuống chừng 1cm để làm hố gieo.


Dùng bút chì tạo thành một lỗ sâu chừng 1cm để làm hố gieo.


Sau những bước trên, hãy dùng bình xịt dạng sương tưới thấm ướt bề mặt của khay để cung cấp độ ẩm cho hạt. Cho khay đã gieo hạt giống để dưới ánh sáng tự nhiên hoặc bóng đèn sợi đốt. Sau 5 – 7 ngày nếu không có vấn đề gì thì hạt giống sẽ nảy, vỏ hạt sẽ tách làm đôi và mầm chòi ra.


Sau 2 tuần cây mầm đội hạt nhú lên khỏi mặt đất, lúc này trông chúng không khác gì đang đội mũ.

Bước 3: Cây con cần “nhà” mới

Khi cây con đạt chiều cao khoảng 5cm với hai lá mầm to và chồi lá ở giữa đang chuẩn bị nhú, ta đem tách  ra trồng vào chậu lớn hơn.


Sau khoảng 3 tuần, cây con sẽ đạt chiều cao khoảng 10-15cm, lá chồi đã mọc và phát triển nhanh, cần trồng chúng trong điều kiện môi trường bên ngoài thực sự. Tùy từng điều kiện nhà bạn mà lựa chọn nơi trồng mới cho phù hợp.

Vì dưa leo là cây ưa sáng nên cần đặt ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, nhớ vun xới đất cho thật tơi xốp và làm sạch cỏ dại xung quanh. Khoảng cách trồng cây cách nhau tầm 40cm là thích hợp để chúng không cạnh tranh nhau về ánh sáng, nguồn đất.


 

Tưới nước: Mùa nắng tưới 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Tăng cường lượng nước tưới và diện tích tưới xung quanh gốc khi cây lớn, nhất là thời kỳ ra hoa trái rộ, cần thoát nước tốt trong mùa mưa.

Bước 4: Tạo giàn giữ chắc để cây nương tựa

Lúc cây ra 5 đến 6 lá thật, xuất hiện tua cuốn thì cần giàn giá để bám vào. Ta có thể tạo giàn cho cây bằng những vật liệu đơn giản, dễ kiếm như tre, dây thép gai. Giàn dưa leo không cần làm quá cao, chỉ cần từ 1,2 -1,6m. Sau khi cắm giàn chắc chắn, dùng dây buộc ngọn dưa lên để cố định.


Giàn gỗ tạo nên bộ khung vững chắc cho cây dưa leo sinh trưởng và thuận thiện cho việc ra hoa đậu trái.

Bước 5: Đợi chờ hoa vàng, quả xanh

Sau một thời gian, cây sẽ bắt đầu ra hoa, tùy vào điều kiện trồng mà chúng có thể ra sớm hoặc muộn. Muốn cây nhanh ra trái thì cần thường xuyên nhặt sạch cỏ ở gốc cây, cắt bỏ những lá già ở phía dưới để tạo độ thông thoáng.


Thường là khoảng từ 30 – 45 ngày kể từ khi gieo thì cây sẽ đậu trái. Sau khoảng 4 ngày từ khi hoa nở, từ phần cuống hoa sẽ phình to ra và bắt đầu quá trình tạo quả. Quả dưa leo lúc còn non thường có gai xù xì, nhưng càng lớn thì chúng lại càng nhẵn mịn hơn. Trái dưa leo từ khi hình thành đến khi thu hoạch có màu xanh đậm, xanh nhạt, xanh đậm (đây là lúc nó đã sẵn sàng để rời cây). Nếu thu hoạch dưa muộn thì chúng sẽ chuyển sang màu vàng sậm, nâu.



Giờ thì bạn đã có thể tận hưởng thành quả: những trái dưa leo “của nhà trồng được” ngon lành, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài: Tùng Bi
Ảnh: Pilarchik, YouPlant
logo

Xem thêm: Bí quyết trồng cây thanh long từ hạt

Bạn muốn chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc vườn tược, sắp xếp nhà cửa của mình? Hãy gửi tới chuyên mục Nhà/Vườn của Đẹp Online qua địa chỉ email: nhavuon@dep.com.vn

 

 

Thực hiện: depweb

26/08/2014, 01:39