Tự tin là mình đẹp

Khác hẳn với những phụ nữ Huế yếu đuối và kín đáo, Phan Thị Nguyên Thảo là một phụ nữ năng động và thành đạt, một trong những thành quả ở tuổi “trên băm” của chị là Giám đốc Thương mại nhãn hàng chăm sóc da, và gần đây là nhãn hàng chăm sóc tóc của Tập đoàn Unilever Việt Nam. Không cần “giữ chút gì rất Huế đi em”, ngay khi mở đầu câu chuyện, Nguyên Thảo khẳng định chị tự tin mình đẹp.

Một trong những chuẩn mực mà phụ nữ Huế được dạy là phải kín đáo, còn chị thẳng thắn bộc lộ sự tự tin vào sắc đẹp. Điều gì cho chị sự tự tin đó?

Tôi thường ví những cái gọi là “chuẩn mực” dành cho phụ nữ Huế như một kiểu khuôn mẫu, mà nó có sức mạnh tới mức những người Huế hiện đại cũng khó thoát khỏi. Cái khuôn mẫu ấy, xét về một mặt nào đó, cũng rất tốt, rất cần thiết, nó giúp tạo nên chân dung riêng của phụ nữ Huế. Nhưng nhiều khi nó khiến người ta thấy ngột ngạt, không có quyền lựa chọn cho riêng mình vì tất cả đã có khuôn mẫu định sẵn.

Về bản chất, nhìn bên ngoài phụ nữ Huế có vẻ không tự tin, nhưng thật ra trong lòng họ có đầy đủ niềm kiêu hãnh về bản thân, có điều lại không nói ra. Còn tôi là một trong những người nói thẳng ra điều đó. Lý do quan trọng tạo nên sự tự tin là môi trường sống.

Ở Huế 23 năm, tôi vào Tp.HCM làm việc. Từ đó đến nay tôi được tiếp xúc với môi trường hoàn toàn khác. Các công ty tôi làm đều là công ty liên doanh hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, những người tôi tiếp xúc thoáng hơn rất nhiều, họ khác với những điều tôi được dạy từ bé.

Môi trường đó đã tạo cho tôi quan điểm khác, tôi dám tuyên bố mình đẹp. Đương nhiên, phải có sự công nhận của người khác tôi mới dám nói như vậy.

Từ khi nào chị ý thức được việc mình phải làm đẹp?

Điều đầu tiên thay đổi với tôi là hiểu được việc bắt buộc phải trang điểm khi đi làm hoặc gặp người khác. Có người nói, phụ nữ ra đường không trang điểm cũng như đàn ông đi giày mà không đi tất vậy.

Thời điểm đó Pond’s (nhãn hàng tôi quản lý) tài trợ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2002. Với tư cách nhà tài trợ, tôi có mặt trong Hội đồng giám khảo. Ở đó, tôi gặp biết bao nhiêu phụ nữ trang điểm đẹp, ăn mặc đẹp, chân dài đúng nghĩa. Thói quen “bình chân như vại”, không cần quan tâm đến bề ngoài đã bị lung lay rất nhiều.

Nhờ chuyên gia trang điểm tư vấn, tôi học hỏi thêm được về nghệ thuật làm đẹp, và tự nhiên ý thức muốn làm đẹp nhập tâm lúc nào không hay. Ngành hàng tôi quản lý là chăm sóc da, mới đây là chăm sóc tóc, khiến tôi càng phải tìm tòi, học hỏi mỗi ngày.

Nghĩa là muốn đẹp, chị phải đầu tư và chăm sóc dung nhan mỗi ngày?

Không phải cứ mua mỹ phẩm là đẹp, mà phải tìm tòi cách sử dụng nó cho hiệu quả, phải tới trung tâm chăm sóc sắc đẹp để xem các chuyên gia… làm gì trên gương mặt của mình, tại sao mỗi lần trở về mình trông rạng rỡ, đẹp hơn hẳn.

Tôi thấy chăm sóc sắc đẹp là một lĩnh vực rất phong phú, mà phụ nữ nào quan tâm cũng thấy thú vị. Cách đây 2 năm, tôi nhận một công việc đầy thử thách, phải phát triển cho bằng được ngành hàng chăm sóc da của Unilever.

Ngoài những chiến lược kinh doanh, tôi chọn vũ khí chính của mình là sức mạnh tinh thần và cùng với những người cộng sự của mình, tôi đã xây dựng một phương châm làm việc, đó là hiểu, sống và đam mê với những thử thách trong lĩnh vực làm đẹp.

Chúng tôi gọi đó là Tinh thần Đẹp – Beauty spirit. Và điều trước tiên hết của tinh thầy ấy là chúng tôi phải đẹp, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có lẽ cái mà chúng tôi chọn làm vũ khí ấy quá gần với bản năng của phụ nữ, nên “Beauty spirit” đã trở thành phương châm sống của bản thân tôi lúc nào không hay.

Tôi tự tin rằng mình đẹp, tôi nỗ lực để mình đẹp hơn và tôi hành động như một người đẹp. Tôi nhận được nhiều lời nhận xét của đồng nghiệp, của bạn bè, những người đã lâu không gặp, cũng như những người tiếp xúc với tôi mỗi ngày… rằng tôi thật sự thay đổi… tôi đẹp hơn rất nhiều.

Một buổi sáng thức dậy, đứng trước gương, thấy mình đẹp hơn hoặc xấu hơn mọi ngày. Điều đó có ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ trong ngày của chị không?

Đương nhiên sẽ ảnh hưởng. Hôm nào nghĩ mình đẹp, tôi làm việc khác hẳn. Tôi muốn tiếp xúc và đối thoại. Trong các cuộc họp tôi tự tin hơn, mà tự tin làm được nhiều việc lắm, nó có thể thay đổi hoàn toàn kết quả một cuộc họp. Còn ngược lại, tôi trở nên e dè và tránh tiếp xúc. Nhưng thường thấy mình không “đạt tiêu chuẩn” là tôi phải thay đổi ngay.

Chị sẽ “chữa cháy” như thế nào, nếu không tự tin mình đẹp?

Không thể chữa cháy ngay, nhưng tôi biết cách để cải thiện tình hình một cách lâu dài. Ví dụ, gần đây tôi đăng ký tập Yoga, không hẳn nghĩ nhan sắc mình sa sút, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc cần phải duy trì, nuôi dưỡng.

Nhất là mình thuộc týp người của công việc, nên luôn trong tình trạng phải phung phí sức khỏe và nhan sắc, mà phung phí thì càng phải “bảo dưỡng”, có như thế mới giữ được sự bền bỉ.

Chị có coi sắc đẹp là lợi thế trong cuộc sống và hôn nhân không? Nếu có, chị sẽ khai thác lợi thế đó như thế nào?

Đó là một lợi thế, nhưng dù gì thì điều quan trọng nhất vẫn là con người bên trong của mình. Sẽ chẳng ai nghe mình nói nếu kế hoạch mình đưa ra không “ngon lành”. Còn với tình cảm riêng thì mình không thể thiếu sự chân thành. Sắc đẹp ở đây như một thứ gia vị, muốn giữ gìn bền vững hãy chân thành và thông minh.

Vậy chị có nghĩ, sắc đẹp cũng đáng được trân trọng như người ta vẫn trân trọng sự thông minh?

Sắc đẹp đáng được trân trọng, nhưng không bằng sự thông minh. Đối với tôi, sự thông minh của người phụ nữ rất cần thiết, nó giúp mình giải quyết được nhiều công việc hơn và khiến người ta nhớ mình lâu hơn.

Trong công việc, người ta thường thiếu công bằng khi đánh giá năng lực của một phụ nữ đẹp. Chị – một phụ nữ tự tin mình đẹp và lại là sếp, có thiếu công bằng không?

Tôi biết đó là sự thiếu công bằng, nhưng tôi chẳng khác được! Khi phỏng vấn một người có ngoại hình ưa nhìn, trong đầu tôi luôn có ý nghĩ phải “soi” cô này kỹ hơn, xem năng lực của cô ấy đến đâu.

Đó là quan niệm đã ăn sâu vào đầu, không thể thay đổi được. Nhưng nếu đó là một phụ nữ đẹp và giỏi thực sự thì cuối cùng cô ấy cũng sẽ được đánh giá đúng thôi.

 Dương Thúy
Ảnh: Phạm Hoài Nam

 

 


From the same category