Những ngày cuối năm 2023 bỗng trở nên nặng nề khi thông tin về sự ra đi của nam diễn viên Lee Sun Kyun phủ sóng khắp các mặt báo. Quyết định cực đoan của ngôi sao “Parasite” là ví dụ mới nhất cho sự nghiệt ngã và tàn bạo của danh vọng ở Hàn Quốc nói riêng và giới giải trí thế giới nói chung.
Ngày 27/12, tài tử Lee Sun Kyun được phát hiện đã tự tử bằng than tổ ong trong chiếc xe hơi đậu gần công viên Waryong (Seoul, Hàn Quốc). Từ cuối năm nay, nam diễn viên đã bị cảnh sát điều tra ba lần vì cáo buộc ngoại tình và sử dụng ma túy tại nhà của nữ quản lý một cơ sở giải trí ở Gangnam. Từ một ảnh đế được nhiều người ngưỡng mộ, Lee Sun Kyun bỗng mất hết tất cả chỉ trong 2 tháng chóng vánh, trở thành mục tiêu công kích trên mọi nền tảng Internet và phải đền bù thiệt hại của vô số hợp đồng phim ảnh, quảng cáo. Trước khi qua đời, anh đã để lại di thư cho vợ – diễn viên Jeon Hye Jin, nói về sự bất lực và sự lựa chọn cùng quẫn của mình. Có thể nói, trong thế giới giải trí ngày nay, danh vọng thường được coi là mục tiêu cuối cùng, và áp lực của người nổi tiếng ở Hàn khủng khiếp tới mức cực đoan. Không chỉ riêng gì Hàn Quốc, thực tế ngày nay ở mọi thị trường giải trí, các ngôi sao luôn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ phát triển sự nghiệp, áp lực phải “giữ hình ảnh đẹp” và sự soi mói của dư luận.
Hàn Quốc gần như là đất nước có ngành công nghiệp giải trí phát triển nhất châu Á, và cũng là nước có tỷ lệ nghệ sĩ tự tử thuộc hàng cao nhất khu vực. Nổi tiếng ở Hàn vốn dĩ đã là điều cực kỳ khó khăn, khi ca sĩ thần tượng phải trải qua quá trình tập luyện cực khổ kéo dài nhiều năm, vượt qua những cuộc thi gắt gao với tỉ lệ chọi lên đến 1/1000. Với diễn viên thì là lịch trình dày đặc và buộc phải đổi mới không ngừng để tìm kiếm cơ hội mới. Hàn Quốc cũng là nơi mà các vấn đề kỷ luật về đạo đức, lối sống luôn được đẩy lên mức cao nhất buộc nghệ sỹ phải tuân thủ hàng loạt “quy tắc ngầm” như: cấm hẹn hò, cấm ăn vặt, bị giám sát 24/24, luyện tập 12 giờ mỗi ngày,…
Sự khắc nghiệt của showbiz Hàn buộc người nổi tiếng phải giữ hình ảnh bản thân trong sạch, và nếu họ dính líu đến “tai tiếng”, bất kể tính xác thực là bao nhiêu phần trăm, thì họ đều phải đối mặt với sức ép cực kỳ khủng khiếp từ người hâm mộ. Những năm gần đây, có thể nói số lượng nghệ sĩ Hàn tự tử nhiều đến mức báo động. Sự khắt khe của dư luận đã đẩy nhiều người nổi tiếng đến đường cùng, dù đó chỉ đơn giản là những bình luận công kích ẩn danh qua mạng.
Nhìn lại những năm qua, giới showbiz Hàn Quốc đã chứng kiến rất nhiều sự ra đi của các nghệ sĩ Hàn do trầm cảm và không chịu nổi áp lực dư luận. Năm 2017, Kim Jong Hyun (SHINee) đã tự tử bằng khí than trong một căn hộ studio thuê ở Cheongdam-dong, Seoul vì trầm cảm. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, Jonghyun viết: “Tôi vụn vỡ từ sâu thẳm bên trong mình. Căn bệnh trầm cảm ăn mòn tôi từ từ và cuối cùng đã nuốt chửng tôi. Tôi không thể đánh bại nó”. Tháng 10/2018, làng giải trí khắp châu Á nói chung và cộng đồng fan K-POP nói riêng chấn động trước tin Sulli (cựu F(x)) qua đời. Những tháng trước khi mất, cô liên tục bị khán giả chỉ trích vì nói không với nội y và chuyện yêu đương với bạn trai hơn 14 tuổi.
Chưa đầy 2 tháng sau đó, công chúng lại tiếp tục bị sốc trước thông tin nữ ca sĩ Goo Hara (cựu Kara) qua đời ở tuổi 28, sau một thời gian chống chọi với nhiều cảm xúc tiêu cực vì bị bạn trai cũ Choi Jong Bum bạo hành và bị công chúng dè bỉu, chê bai ngoại hình. Tháng 4/2023, giới giải trí Hàn Quốc ngỡ ngàng khi hay tin nam ca sĩ Moonbin (ASTRO) được phát hiện đã tự tử tại nhà riêng. Trước đó, nam thần tượng tiết lộ anh phải đối mặt với cuộc đấu tranh nội tâm và thừa nhận đã trải qua “thời kỳ khó khăn”. Sự việc đau lòng trên đã khiến nhiều người lo ngại cho áp lực không tên trong cuộc sống của nhiều người nổi tiếng.
Trong showbiz Trung Quốc, người hâm mộ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nghệ sỹ, họ có thể đưa sự nghiệp ngôi sao họ yêu thích lên cao nhưng cũng đồng thời dễ dàng “cấm sóng” nếu người đó sa chân vào bê bối.
Những năm gần đây, nạn “phong sát” (cấm xuất hiện và tham gia mọi chương trình truyền hình) đã trở thành nỗi khiếp sợ của nghệ sĩ Trung Quốc, khi họ không chỉ đánh đổi bằng danh dự và sự nghiệp mà còn phải sống với sự ghét bỏ của công chúng. Đầu năm 2021, một trong “Tứ tiểu hoa đán 9X” Trịnh Sảng mất hết sự nghiệp vì bê bối sang Mỹ thuê người mang thai hộ, bỏ rơi con. Sự việc khiến nữ diễn viên bị tẩy chay dữ dội, các tài khoản mạng xã hội “bay màu” và bị cấm sóng vĩnh viễn. Đến tháng 7/2021, làng giải trí châu Á chấn động trước bê bối tình dục của Ngô Diệc Phàm, sự nghiệp đang ở đỉnh cao của ngôi sao sinh năm 1990 cũng từ đó kết thúc. Hình phạt mà nam diễn viên phải trả là 13 năm tù giam, gần 600 triệu NDT (hơn 2 nghìn tỷ đồng) nộp phạt, và sau khi thi hành án, anh sẽ bị trục xuất khỏi Trung Quốc, hoàn toàn không có một cơ hội quay trở lại nào.
Sau bê bối chấn động của Ngô Diệc Phàm, showbiz Hoa ngữ đã có một cuộc thanh trừng mạnh mẽ đối với nghệ sĩ, hàng loạt cái tên bị đưa vào danh sách “phong sát” bất kể họ là nghệ sĩ mới nổi bật hay những ngôi sao đã có vị thế, tuổi đời lâu năm. Nam diễn viên Trương Triết Hạn vì bê bối thiếu hiểu biết chính trị mà phải trả giá bằng cả sự nghiệp. Lý Dịch Phong với hơn 15 năm gây dựng sự nghiệp vì bê bối phải lui về ở ẩn. Hay người nổi tiếng nhất Trung Quốc năm 2013 do tạp chí Forbes bình chọn – Phạm Băng Băng, vì scandal trốn thuế năm 2018 cũng bị cấm sóng suốt 5 năm qua tại đại lục.
Để tồn tại trong showbiz, nghệ sỹ không chỉ chịu áp lực bởi sự soi mói của công chúng mà họ còn phải tuân thủ những quy định của Giới chức Trung Quốc như: lệnh cấm chiếu phim đam mỹ, sao nam có phong cách phi giới tính sẽ không được xuất hiện trên truyền hình, xóa sổ các chương trình tuyển chọn thần tượng, nghệ sĩ không được để xảy ra tình trạng fan quá khích gây ồn ào trên mạng xã hội,…
Đối với những nghệ sỹ Nhật Bản, áp lực thường đến từ kỳ vọng của những người hâm mộ, dù gặp vấn đề tâm lý, họ vẫn buộc phải giấu kín cảm xúc và duy trì hình ảnh hoàn hảo. Theo The New York Times, do quan niệm xã hội đề cao tính kiên nhẫn và chịu đựng, người dân nước này có xu hướng thể hiện mặt tích cực trước công chúng và hiếm khi để lộ điểm yếu của mình. Với các ngôi sao nổi tiếng, họ buộc phải che giấu nỗi buồn và luôn thể hiện hình ảnh tươi mới, hoàn hảo trước ống kính. Chính sự dồn nén cảm xúc và áp lực không thể chia sẻ đã khiến nhiều người mắc chứng trầm cảm kéo dài, để rồi có những lựa chọn cực đoan.
Tháng 9/2020, truyền thông Nhật Bản chấn động trước sự ra đi đột ngột của ngôi sao Yuko Takeuchi ở tuổi 40. Sự việc khiến công chúng không khỏi bàng hoàng vì trước đó, nữ diễn viên luôn xuất hiện trước ống kính với vẻ ngoài rạng rỡ, xinh đẹp và tràn đầy năng lượng. Trước đó vào tháng 7/2020, “báu vật làng phim Nhật” Haruma Miura được tìm thấy trong tình trạng treo cổ tại nhà riêng cũng gây sốc bởi trong mắt công chúng, anh toàn vẹn cả về ngoại hình lẫn sự nghiệp.
Không chỉ bị ám ảnh bởi việc luôn tỏ ra hoàn hảo, nghệ sỹ còn phải chịu sự soi mói và đeo bám không ngừng của một bộ phận người hâm mộ quá đà, điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người thân cận của họ. Trường hợp của “hoàng tử sân băng” Yuzuru Hanyu là ví dụ mới nhất cho thấy áp lực về “người thân của người nổi tiếng”. Sau hơn 3 tháng gắn bó trong hôn nhân, Hanyu đã tuyên bố ly hôn với bạn đời vì những tin tức thất thiệt và sự đeo bám không ngừng của những tay săn ảnh. Trong tuyên bố chính thức về việc ly hôn, Hanyu đã chia sẻ: “Chúng tôi đã nỗ lực bảo vệ nhau, đã luôn lo lắng cho nhau, nhưng tôi còn có những điều chưa trưởng thành. Rất khó để tôi có thể tiếp tục bảo vệ bạn đời và tự bảo vệ chính mình khỏi những áp lực và tình huống khó xử không chịu nổi”.
Không chỉ riêng ở châu Á, làng giải trí phương Tây cũng đầy rẫy áp lực khiến nhiều ngôi sao phải tìm đến rượu và chất cấm để giải tỏa. Thậm chí một số người còn đưa ra quyết định cực đoan bởi chứng trầm cảm và nỗi ám ảnh cô đơn của mình.
Khi trở thành người nổi tiếng, thật khó để họ có được những mối quan hệ chân thành không vụ lợi. Chính vì vậy mà nghệ sỹ thường xuyên có cảm giác cô đơn và có xu hướng tự cô lập bản thân. Giọng ca huyền thoại Amy Winehouse là một tiếc nuối lớn trong làng nhạc Anh khi qua đời tại nhà riêng vào tháng 7/2011 vì ngộ độc rượu. Trước đó một tháng, cô vẫn bị ép phải lên sân khấu biểu diễn dù rõ ràng ở trong trạng thái say xỉn và hơi mất kiểm soát. Được biết, vào buổi tối cuối cùng trong cuộc đời, Amy đã gọi điện cho các bạn bè để tán gẫu giải khuây nhưng đáng tiếc mọi người đều không bắt máy nên cô đã tìm đến rượu và uống liên tục không ngừng dẫn đến kết cục đau lòng.
Đó không phải là trường hợp duy nhất, rocker huyền thoại Chris Cornell được phát hiện treo cổ vào tháng 5/2017 ở tuổi 52. Cornell bắt đầu nghiện ma túy từ khi mới 13 tuổi và sau này là nghiện rượu. Nam ca sĩ cũng mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng và nỗi sợ trống vắng. Tháng 4/2018, nam ca sĩ Avicii đã tự kết liễu đời mình ở tuổi 28 sau những năm tháng vật vã chiến đấu với chứng trầm cảm nghiêm trọng. Sau khi mất, anh để lại lá thư tuyệt mệnh với lời trăng trối về mong muốn có một cuộc sống bình yên.
Nổi tiếng là điều mà rất nhiều người ao ước được chạm đến, thế nhưng đằng sau cuộc sống hào nhoáng đó là đầy rẫy những áp lực và sự khắt nghiệt mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Việc mất đi sự riêng tư, luôn phải tỏ ra hoàn hảo, thiếu các mối quan hệ chân thành và những thách thức về tâm lý có thể khiến đây không còn là “giấc mộng vàng”. Như danh hài Jim Carrey đã từng nói: “Tôi ước ai cũng sẽ trở nên giàu sang, nổi tiếng, đạt được các ước mơ, để họ biết rằng điều đó không giải quyết được mọi vấn đề trong cuộc sống.”