Từ sự cố “Canh gà Thọ Xương”: Làm thầy thật khó!

1/ Chuyện cô giáo Hà Thị Thu Thủy với bài văn gây sửng sốt cho phụ huynh trong món Canh gà Thọ Xương là đặc sản Hà Nội bỗng chốc khiến dư luận quan tâm. Từ thông tin được đưa ra trong một bài báo, bạn đọc gần như trút tất cả sự giận dữ lên đầu một cô giáo bé nhỏ 25 tuổi đời, 3 tuổi nghề. Sức mạnh của truyền thông trong một vài giờ thật ghê gớm. Nhưng cũng chính truyền thông chỉ sau đó vài giờ lại có những thông tin phản hồi ngược lại bằng việc học trò lập Facebook bảo vệ và tìm lại công bằng cho cô giáo, danh dự cho nhà trường.

Không ai phủ nhận việc cô giáo Hà Thị Thu Thủy có thiếu sót. Nhưng đó là sai sót về mặt nghiệp vụ sư phạm của một cô giáo trẻ.

Thiếu sót ấy, bằng kinh nghiệm của tháng năm đứng lớp tiếp theo sẽ dần dần được phủ lấp. Thiếu sót ấy, nếu phụ huynh tìm hiểu nhiều chiều, đừng vội tin ngay vào lời con trẻ, dẫu biết rằng “ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” nhưng người xưa đã chẳng có câu: “Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ” để nhắc nhở con người ta mọi điều con trẻ nói đều phải tìm đến tận nguồn cơn, nếu không sẽ để lại một nỗi oan khiên cho người khác.

Thiếu sót ấy, nếu bằng một sự thiện chí của phụ huynh học sinh, góp ý chân tình với cô và hội đồng chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường, cô giáo trẻ sẽ tiếp thu và khắc phục.

Thiếu sót ấy, nếu bằng một sự nhìn xa trông rộng của phụ huynh, rồi cùng ngẫm đến câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy” thì tình cảm gắn bó giữa phụ huynh với giáo viên sẽ đẹp biết bao nhiêu.

Thiếu sót ấy, nếu một người cầm bút, viết những dòng chữ lên trang báo, bút thật sắc, thật giàu tính nhân văn, thì sẽ đưa ra sự việc một cách khách quan, đồng thời định hướng được cho bạn đọc đây chỉ là một sai sót về nghiệp vụ của một cô giáo có bề dày thành tích học tập, không để bạn đọc vỗi vã “ném đá” chỉ vì một nguyên cớ sâu sa từ nền giáo dục hiện có nhiều bất cập.

Thiếu sót ấy, nếu người cầm bút đặt địa vị của mình vào người cầm phấn, thì thấy đôi lúc cũng dễ có những sơ suất do bất cẩn mà thành.

Thiếu sót ấy nếu được nhìn nhận đầy đủ trong con người của một cô giáo vốn xuất thân là học sinh lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) từng được giải Nhì bộ môn Văn kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia, từng tốt nghiệp loại Giỏi của Khoa Ngữ văn – Trường ĐHSP Hà Nội – là cái nôi đào tạo giáo viên Ngữ văn lớn và tài năng vào bậc nhất cả nước, từng bảo vệ xuất sắc Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn với số điểm tuyệt đối 10/10 thì sẽ nhẹ nhàng đi biết bao nhiêu.

Thầy Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lomonosop nhận định rằng về chuyên môn cô giảng dạy rất tốt. Điều này được Hội đồng Sư phạm và Tổ chuyên môn đánh giá cao qua giáo án và các giờ lên lớp suốt 3 năm giảng dạy tại trường của cô.

Trình độ chuyên môn và tình yêu nghề của cô giáo Hà Thị Thu Thủy còn là thước đo, là hàn thử biểu lòng người để học sinh yêu quý, khi thấy cô giáo bỗng chốc gặp tai bay vạ gió đã cùng nhau có hành động bảo vệ cô. Hiếm có một giáo viên trẻ nào được học sinh tin yêu đến như vậy!

Cô giáo Thủy (phải) và em Minh Anh – tác giả bài kiểm tra (Ảnh từ trang facebook
do học sinh lập để bênh vực cô Thủy)

2/ Tôi không muốn quá sa đà vào sự việc vì rất có thể “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, tổn thương sẽ đến với tất cả các bên, cả phụ huynh, cô giáo, tác giả bài báo và nhất là các em học sinh. Bạo lực học đường là một nỗi lo. Và bạo lực tâm lý học đường còn ghê gớm hơn. Tôi muốn nói một điều: Làm thầy / cô giáo thật khó!

Khó, vì thời buổi kinh tế thị trường, đồng lương ít ỏi của giáo viên không đủ sống. Nhiều người phải xoay trần đánh vật với cuộc đời, nhiều người phải bỏ nghề đi tìm chân trời mơ ước khác. Thầy tôi, một vị Tiến sĩ Văn học, mới đây đã phải dốc bầu tâm sự khi thấy học trò muốn theo chân nối gót thầy vào trường sư phạm: “Thầy khuyên các em học sinh cấp 3 không nên theo nghề sư phạm, nhất là sư phạm văn, vì nghèo và khố lắm! Ai thật sự can đảm, hãy vào”.

Tôi nói điều đó là vì cá nhân tôi cũng là bạn học cùng khóa 55 Khoa Ngữ văn của Trường ĐHSP Hà Nội cùng cô giáo Hà Thị Thu Thủy, dẫu rằng tôi lớn tuổi hơn. Nhưng ra trường, tôi không có đủ dũng cảm theo ngành sư phạm. Có nhiều bạn học trong khóa của chúng tôi đã phải rẽ ngang. Tuy trong lòng chúng tôi vẫn còn tâm huyết với ngành nghề mình được đào tạo ra, những lúc gặp gỡ nhau, những khi tâm sự, chuyện trò vẫn đau đáu về nghề, nhưng để dấn thân theo nghề thì quả thật là không dám mạo hiểm!

Bạn tôi, cùng khóa 55 Khoa Ngữ văn, hiện đang sinh sống tại thành phố Montpellier – Cộng hòa Pháp, trong cuộc trò chuyện với tôi đã chia sẻ: “Lúc nào có thời gian, em cũng muốn tâm sự với anh về nghề và nghiệp. Em muốn về đi dạy mà thấy bạn [Thủy] bị thế nên hơi nản”. Vì vậy, có được một người tâm huyết với ngành sư phạm như cô giáo Hà Thị Thu Thủy thật đáng quý trọng biết bao!

3/ Lúc này, thực sự bị sốc trước sự việc xảy ra, bạn của chúng tôi – cô giáo Hà Thị Thu Thủy đã viết đơn xin nghỉ việc và cắt mọi sự liên lạc với những người quen biết. Con người khi bước vào cuộc đời vẫn gặp những bất trắc và rủi ro như vậy. Giờ chỉ có những người ruột thịt mới trực tiếp an ủi cô lúc này.

Bạn của chúng tôi – cô giáo Hà Thị Thu Thủy sẽ nhanh chóng đứng dậy sau cú ngã này. Bởi vì bạn có những học trò thật đáng quý. Đó là thành quả, là trái ngọt mà bạn đã gieo mầm và chăm sóc trên cánh đồng chữ đầy truân chuyên kia!

Vững vàng lên Thủy nhé!

Mọi cú sốc rồi sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Thiếu sót thì bổ sung, sai sót thì sửa chữa, vấp ngã thì tự đứng dậy để rút kinh nghiệm. Mọi người rồi sẽ giang rộng vòng tay đón cô giáo trở lại với bục giảng. Học trò vẫn luôn yêu mến cô giáo như lời các em nói với tôi sáng sớm nay: “Mấy đứa chúng em đôi lúc cũng nghịch ngợm, nhưng cô Thủy không mắng, mà cô rất tâm lý, nhẹ nhàng chỉ bảo. Bọn em hiểu sai ý nghĩa của các câu ca dao, hay đoạn văn, cô mỉm cười, giảng giải và dặn dò ghi nhớ. Chúng em mong cô sớm trở lại trường để tiếp tục lên lớp giảng dạy”.

Khải Mông
(Khóa 55, Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội)

Theo ANTĐ


From the same category