Chùm bài “Những người trở về” của Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả những bài viết thể hiện nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng tựu chung đều đồng tình rằng: trải qua nhiều thế hệ, cái đẹp vẫn luôn được con người mến mộ, bất chấp những quan điểm về chính trị hay thể chế nào.
Tổ chức: Đinh Phương Linh
Gần chục năm trước, phong trào tìm bạn bốn phương trên báo giấy rất thịnh hành. Trong những dòng tự giới thiệu bản thân, thường thấy câu này, “yêu màu tím, sống nội tâm, hay khóc thầm và thích nghe nhạc Trịnh.” Cụm từ “nghe nhạc Trịnh” khi đó, thậm chí là bây giờ, được hiểu như một cụm từ chỉ những người có nội tâm sâu sắc, có sự chiêm nghiệm về cuộc đời cũng như một kiếp người tạm bợ, thứ thường thấy trong lời ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhạc Trịnh nhiều người hát, từ sân khấu lớn đến phòng trà nhỏ, từ ca sĩ tên tuổi đến ca sĩ có tuổi mà vẫn chưa có tên. Thỉnh thoảng trong mấy bàn nhậu, người ta bật dàn máy karaoke lên rồi nghêu ngao vài ba câu nhạc Trịnh cho thấy đời thêm phần thi vị. Vậy mới thấy độ phổ cập, được yêu chuộng của nhạc Trịnh trong mọi tầng lớp người nghe.
Trong số người hát và thành danh nhờ nhạc Trịnh, có Hồng Nhung và Khánh Ly. Một lần cả hai người có dịp cùng nhau song ca bản “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ. Tôi nhớ trên báo hồi đó có người bình luận: “Nghe Hồng Nhung hát, thấy cả một bầu trời Hà Nội mùa thu, nhưng đến khi Khánh Ly cất giọng, người ta mới thấy nhớ về mùa thu Hà Nội.”
Có thể ví von nhạc Trịnh như một bức tranh mà người giữ được màu sắc đó không hề phai qua năm tháng, chỉ có giọng hát Khánh Ly. Bôn ba xứ người mấy mươi năm, cũng từng về nước vài ba lần với tư cách thăm thân nhân, không biểu diễn, đến mãi năm nay, người yêu nhạc Trịnh, yêu giọng hát Khánh Ly mới được nhìn thấy “người lại đứng trên quê hương mà hát.”
Mặc dù đến hiện nay, vẫn chưa có con số chính xác về mức cát sê để mời Khánh Ly, nhưng tiết lộ của người trong nghề thì con số này cũng vào hàng trăm ngàn đô, cái giá đắt nhất từ trước đến nay của một ca sĩ hải ngoại về hát tại quê nhà. Tiền mời về “khủng”, tiền tổ chức không rẻ nên dĩ nhiên giá vé bán ra cũng không thể nào nằm ở mức trung bình được. Đơn vị bán vé cho hay loại tốt nhất bằng cả tháng lương của những người lao động chân tay.
Có người hoài nghi số tiền bỏ ra để đi nghe Khánh Ly hát có thật sự xứng đáng hay không. Theo quy luật thời gian, chẳng ai thoát được tuổi già, chất giọng cũng vì vậy mà giảm phong độ. Ngay cả như Tuấn Ngọc, trong một chương trình gần đây cũng không thể thuộc lời ca khúc “Đêm đông” nổi tiếng, đến mức chăm chú nhìn lời bài hát viết sẵn trên giấy mà hát trật nhạc, lên không tới cao độ, khiến khán giả không ít người hụt hẫng. Một số khác thì lại lắc đầu cảm thông, “Người già mà, cũng gần 70, trí nhớ đâu thể không ít nhiều sa sút.”
Khánh Ly hơn Tuấn Ngọc vài tuổi, cũng đã vào hàng thất thập cổ lai hy. Đến nay khán giả trong nước chỉ được nghe giọng bà qua băng đĩa, thường nhất là mấy chương trình ca nhạc của các trung tâm hải ngoại. Người ta thấy bà ra sân khấu, vẫn mặc áo dài như mấy chục năm nay xuất hiện, tóc đen dài, trang điểm tự nhiên, cầm micro cất cao giọng hát liêu trai, ma mị, nhiều người vỗ tay, trầm trồ, nhưng cũng không ít người hoài nghi, “Có thật đấy là giọng Khánh Ly đang hát hay chỉ là sự hỗ trợ của các kỹ thuật phòng thu hiện đại.”
Từ mối hoài nghi đó, có giai đoạn rộ lên lời đồn Khánh Ly phải dùng á phiện để giữ cho giọng không xuống dốc quá nhanh. Thực hư không có người kiểm chứng, nhưng ít nhiều cũng khiến người ta đặt câu hỏi về chuyện liệu có một giọng ca nào thực sự phá vỡ được quy luật của thời gian hay không. Thế nên, lần này để được nhìn tận mắt, nghe tận tai giọng hát Khánh Ly, quả là một cơ hội hiếm cho người mộ điệu. Vì ai cũng phải nhìn nhận sự thực rằng, lần hát thứ hai của bà trên đất mẹ, chắc cũng phải còn xa lắm.
Khánh Ly nổi tiếng bởi hai dòng nhạc, một là nhạc Trịnh, hai là nhạc phản chiến. Trong lần này về nước dĩ nhiên Khánh Ly chỉ hát nhạc Trịnh, mà cũng là một số bài nhạc Trịnh nhất định được chọn lọc kỹ càng. Chuyện này cũng không có gì khó hiểu, vì trong một lần trả lời phỏng vấn, chính Khánh Ly cũng bày tỏ quan điểm đồng tình, “Mình vào nhà người ta, thì chỉ được làm những gì người ta cho phép… cái mình thích chưa chắc là cái người ta thích.” Thế nên sẽ có vài bài hát người ta muốn nghe nhưng không được nghe, mà cũng chẳng sao, được nghe và nhìn Khánh Ly hát bằng xương bằng thịt thay vì thấy trên tivi là tốt lắm rồi.
Ngoài Khánh Ly, trong tháng 5 và tháng 6 này khán giả Việt sẽ có dịp thưởng thức giọng ca của hai ca sĩ hải ngoại nổi tiếng trong những đêm nhạc đặc biệt, đó là Elvis Phương với “Sol Vàng” và Hương Lan với “Cầm tay mùa hè”. Khoan bàn đến chuyện mức độ thành công hay cạnh tranh về khán giả, việc người ta nghĩ đến đầu tiên chính là một dòng chảy đang dần dịch chuyển. Những con người chọn con đường rời xa quê hương đã đến lúc muốn được quay về hát trên đất mẹ, như lời Khánh Ly từng nói, “Cũng như mọi người, tôi mơ ước được trở về, được hát tại Việt Nam, hát một cách tự do trên cả ba miền.”
Nhiều người tự hỏi sẽ nghe gì ở Khánh Ly đêm hôm ấy, ngay cả Giám đốc Âm nhạc Hoài Sa cũng có đôi lời “căn dặn” trước rằng “hãy chuẩn bị tinh thần” cho sự khác nhau ở giọng ca trong những đĩa nhạc và một giọng thực của người phụ nữ đã gần 70, nếm trải đủ mùi thăng trầm cuộc sống. Hay như chính Khánh Ly cũng đã chia sẻ, “Mọi người đến với tôi không phải vì hôm nay tôi đẹp hơn 30-40 năm trước. Cũng không phải tôi hát hay hơn 50 năm trước. Mà họ đến với tôi chỉ vì họ tìm thấy ở tôi kỷ niệm của một thời họ còn trẻ và thời đó chỉ đến với mỗi người một lần thôi.” Đúng vậy, đến nghe Khánh Ly không phải chỉ để nghe bà hát, mà là đến để được nghe chính trái tim mình hát, hát về một thời xưa, một thời đầy ấp những kỷ niệm.
Bài: Bỉ Ngạn
>>> Có thể bạn quan tâm: Được định danh “Trai đẹp ngoài hành tinh”, chuyến viếng thăm Việt Nam của Kim Soo Hyun vốn được hàng chục ngàn fan trông đợi – vì nhiều lý do – cũng mang đậm phong cách Do Min Joon, tên nhân vật chính mà anh thủ vai trong bộ phim “Vì sao đưa anh tới”: Chớp nhoáng và gây đau đớn.