Từ Proenza Schouler đến LOEWE, Jack McCollough và Lazaro Hernandez kế thừa di sản 179 năm

Làng mốt thế giới một lần nữa đổ dồn sự chú ý vào hai cái tên Jack McCollough và Lazaro Hernandez, hai nhà thiết kế sẽ kế nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo tại LOEWE sau hơn một thập kỷ Jonathan Anderson đưa nhà mốt Tây Ban Nha vươn lên đỉnh cao. 

Jack McCollough và Lazaro Hernandez là hai cái tên gắn liền với chương sáng tạo đầy kiêu hãnh của thời trang Mỹ. Ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào thế giới của vải vóc, đường kim mũi chỉ, họ đã là cộng sự, và còn là tri kỷ – những người cùng nhau đặt nền móng cho Proenza Schouler ngay khi vừa rời khỏi Parsons. 23 năm gầy dựng một đế chế, họ không chỉ góp phần tái định nghĩa thời trang Mỹ mà còn trở thành biểu tượng của sự nhạy bén, hiện đại và tinh thần thành thị sắc sảo. Vì thế, làng mốt không khỏi bàng hoàng khi họ quyết định trao lại “đứa con tinh thần” cho người khác tiếp quản sau hơn hai thập kỷ gắn bó, với lý do: họ cần một vùng trời mới.

Giờ đây, câu trả lời của họ chính là LOEWE. Nhưng LOEWE không phải Proenza Schouler, cũng như McCollough và Hernandez chẳng phải Jonathan Anderson. Tinh thần thể nghiệm đậm chất thủ công của nhà mốt Tây Ban Nha sẽ ra sao dưới góc nhìn của hai nhà thiết kế vốn quen thuộc với vẻ đẹp thực dụng của New York? Liệu đây sẽ là một cuộc chuyển giao di sản trọn vẹn hay một màn lột xác đầy táo bạo?

Dấu ấn tại Proenza Schouler

Ngay từ những bộ sưu tập đầu tiên, McCollough và Hernandez đã thể hiện sự nhạy bén hiếm có với thời trang đương đại. Bộ đôi này không theo đuổi sự hào nhoáng của Old Hollywood hay vực dậy những biểu tượng xa xỉ đã lỗi thời, thay vào đó, họ tạo ra một phong cách sang trọng nhưng mang tính ứng dụng cao. Chiếc áo khoác may đo với đường cắt sắc sảo, những chiếc đầm ôm sát kết hợp với chất liệu mềm mại, tất cả đều hướng đến một người phụ nữ mạnh mẽ nhưng không vì thế mà bỏ đi sự nữ tính.

Lulu Tenney, Angelina Kendall, and Devyn Garcia trong thiết kế của thương hiệu Proenza Schouler.

Proenza Schouler cũng nổi tiếng với việc biến tấu các yếu tố thời trang cổ điển theo cách riêng. Những chiếc áo blazer trở nên mềm mại hơn, quần tây mang dáng vẻ phóng khoáng nhưng vẫn giữ được sự chỉn chu. Họ không chạy theo xu hướng mà tạo ra một phong cách riêng biệt, nơi sự tinh giản được cân bằng hoàn hảo với tính sáng tạo.

Không thể không nhắc đến khả năng xử lý chất liệu của họ. Từ những họa tiết mang cảm hứng nghệ thuật cho đến việc sử dụng các loại vải dệt thủ công, McCollough và Hernandez luôn mang đến một cảm giác hài hòa tỉ mỉ trong những thiết kế tưởng như hiện đại. Có lẽ, đây cũng chính là điểm chung đầu tiên giữa họ và LOEWE – thương hiệu Tây Ban Nha nổi tiếng với tay nghề thủ công bậc thầy.

Định nghĩa tinh thần “effortless-cool”

Nếu phải chọn một cụm từ để mô tả phong cách của Jack McCollough và Lazaro Hernandez, chắc chắn đó chính là “effortless-cool”. Xuyên suốt hơn hai thập kỷ chèo lái Proenza Schouler, họ không chạy theo sự hào nhoáng phù phiếm, cũng chẳng cố gắng phô trương sự xa xỉ. Thay vào đó, họ theo đuổi vẻ đẹp đến từ cốt cách – một sự cuốn hút không cần gắng gượng, một phong cách dường như sinh ra đã thuộc về người mặc. Phải chăng điều đó bắt nguồn từ chính con người họ, những cá thể được hun đúc bởi tinh thần phóng khoáng của nước Mỹ? Họ gặp nhau, trở thành cộng sự, bạn đời, tri kỷ, rồi cùng nhau xây dựng một đế chế thời trang như một lẽ tự nhiên. Không có sự gượng ép, không có những tuyên ngôn đầy tham vọng, chỉ có đam mê nguyên bản và niềm tin tuyệt đối vào cái đẹp – một vẻ đẹp giản dị mà sắc sảo, vô tư mà sâu lắng, như chính hành trình họ đã đi qua.

Một số thiết kế trong BST Proenza Schouler Tiền Thu 2024.

Như đã nói trước đó, “effortless-cool” ở bộ đôi không nằm ở cách lựa chọn phom dáng mà còn tinh thần trong từng bộ trang phục. Một chiếc áo khoác ngoại cỡ với đường nét cứng cáp, bờ vai rộng nhưng vẫn đủ mềm mại để không lấn át người mặc. Một chiếc váy dài tưởng chừng như được cắt may theo cảm hứng bất chợt, nhưng thực chất lại tuân theo những tính toán đầy chủ đích. Đó là sự cân bằng mà Jack McCollough và Lazaro Hernandez luôn hướng tới – sự nhẹ nhàng nhưng không hời hợt, sự thoải mái nhưng vẫn đầy quyền lực. Cái gọi là “effortless” trong ngôn ngữ thiết kế của họ không phải là sự dễ dãi, mà là kết tinh của một tư duy thẩm mỹ sắc sảo, nơi mọi đường cắt, mọi phom dáng đều được cân nhắc kỹ lưỡng để đạt đến trạng thái hài hòa tuyệt đối.

Một số thiết kế trong BST Proenza Schouler Xuân Hè 2025.

Chính nhờ đó, Proenza Schouler chưa bao giờ chỉ đơn thuần là một thương hiệu thời trang. Nó phản ánh một lối sống, một cách cảm nhận và hiện diện trong thế giới. Những thiết kế của họ không chỉ để mặc, mà để người mặc thể hiện một thái độ sống – tự do, tự tin và tự chủ. Đó là thời trang của những người phụ nữ ý thức sâu sắc về bản thân, của những người không bị cuốn theo xu hướng nhưng cũng chẳng bao giờ đứng ngoài dòng chảy của thời đại.

Tương lai nào cho họ tại LOEWE?

LOEWE dưới thời Jonathan Anderson đã trở thành một biểu tượng của sự pha trộn giữa nghệ thuật và thời trang. Anderson mang đến một ngôn ngữ thiết kế đầy tính thử nghiệm, đôi khi mang màu sắc siêu thực. Vậy khi McCollough và Hernandez tiếp quản thương hiệu này, điều gì sẽ thay đổi?

Trong suốt thời gian “cầm quyền” tại Proenza Schouler, bộ đôi luôn tìm cách đưa nghệ thuật thủ công vào thiết kế.

Điểm tương đồng lớn nhất giữa bộ đôi này và LOEWE chính là sự tôn vinh kỹ nghệ thủ công. Nếu như Proenza Schouler luôn tìm cách đưa nghệ thuật thủ công vào thời trang ready-to-wear, thì LOEWE từ lâu đã xem đây là nền tảng của thương hiệu. Chính vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi McCollough và Hernandez tiếp tục khai thác kỹ thuật thủ công của LOEWE theo một cách hiện đại hơn, thực dụng hơn.

Nếu McCollough và Hernandez lại có xu hướng tinh giản và thực tế, thì Anderson mang đến những thiết kế mang tính điêu khắc, đầy tính thử nghiệm.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng giữa phong cách của họ và Anderson: sự tối giản. Nếu Anderson mang đến những thiết kế mang tính điêu khắc, đầy thử nghiệm, thì McCollough và Hernandez lại có xu hướng tinh giản và thực tế hơn. Điều này hứa hẹn bộ đôi sẽ cùng Loewe viết nên một chương mới, nơi thương hiệu này trở nên dễ tiếp cận hơn mà không mất đi tính nghệ thuật vốn có.

Với bề dày kinh nghiệm trong việc tạo ra những bộ trang phục vừa mang tính thời trang vừa có tính ứng dụng cao, McCollough và Hernandez chính là lựa chọn hoàn hảo để đưa Loewe đến với một đối tượng khách hàng rộng hơn.

Về mặt chiến lược, việc bổ nhiệm McCollough và Hernandez cũng thể hiện một bước đi đầy toan tính của LVMH. Trong những năm gần đây, thời trang xa xỉ đang dần dịch chuyển về phía tính ứng dụng nhiều hơn, khi khách hàng ngày càng tìm kiếm những thiết kế có thể mặc được trong cuộc sống hàng ngày, thay vì chỉ đơn thuần là những tác phẩm nghệ thuật trưng bày trên sàn diễn. Với bề dày kinh nghiệm trong việc tạo ra những bộ trang phục vừa mang tính thời trang vừa có tính ứng dụng cao, McCollough và Hernandez chính là lựa chọn hoàn hảo để đưa LOEWE đến với một đối tượng khách hàng rộng hơn.

Dakota Johnson và Kendall Jenner trong thiết kế của Proenza Schouler.

Dù vậy, thử thách cũng không hề nhỏ. LOEWE dưới thời Anderson đã đạt được những thành tựu vang dội, cả về mặt sáng tạo lẫn thương mại. Việc kế thừa một di sản mạnh mẽ như vậy luôn là con dao hai lưỡi – hoặc là tiếp tục phát triển rực rỡ, hoặc là bị đặt trong tình thế so sánh liên tục với người tiền nhiệm. Câu hỏi đặt ra là: Liệu bộ đôi này có thể dung hòa được cái tôi trong thiết kế với tinh thần của LOEWE, hay họ buộc phải thay đổi để phù hợp với thương hiệu? Và quan trọng hơn, khách hàng có sẵn sàng đón nhận một LOEWE mới, ít thử nghiệm hơn nhưng gần gũi hơn hay không?

Tất cả vẫn còn là ẩn số. Nhưng một điều chắc chắn: Jack McCollough và Lazaro Hernandez chưa bao giờ là những người ngại thay đổi. Họ đã xây dựng nên một trong những thương hiệu quan trọng nhất của thời trang Mỹ, và giờ đây, họ đang đứng trước cơ hội viết nên một chương mới cho một trong những nhà mốt danh giá nhất châu Âu.


From the same category