Khi Thái Hòa một lần nữa vào vai giả gái và diễn cảnh….tiểu ngồi để chọc cười khán giả trong bộ phim hài mới “Cưới ngay kẻo lỡ”, người ta đã vỡ ra trong đầu một nguy cơ bàng hoàng và hiển hiện đối với phim Việt. Mà có thể tạm gọi đó là hiện tượng “Phước Sang hóa” điện ảnh.
“Nàng men chàng bóng” lập đỉnh…nhảm mới cho phim hài Việt” |
Có lẽ, người có lý do chính đáng và hợp lẽ nhất để không thấy vui trong chuyện này chính là… ông bầu Phước Sang. Trước nay, chỉ cần đôi ba tháng là ông có thể làm ra được một bộ phim hài hước, rẻ tiền để chiếu dịp Tết, mà người ta gọi đó là phim hài nhảm.
Công thức của ông là thu gom rất nhiều danh hài và người nổi tiếng vào trong một kịch bản chắp nối những bài bản chọc cười vốn thuộc thủ pháp của các sân khấu tấu hài ở Sài Gòn, dưới bàn tay dàn dựng của những đạo diễn không cần chuyên môn cao nhưng phải sẵn sàng nhận thù lao thấp.
Nhưng giờ thì nó không còn là công thức độc quyền của ông. Hay chí ít, thương hiệu làm phim hài nhảm của ông cũng bị thách thức nghiêm trọng bởi những đối thủ táo tợn hơn rất nhiều.
Những đối thủ không còn ngại ngùng giấu nội dung chọc cười nhảm nhí vào những cái tên nghe hiền lành như “Hello cô Ba”, “Thiên sứ 99” hay “Công chúa teen và ngũ hổ tướng”. Mà đã trắng trợn như quát vào mặt người nghiêm túc hãy tránh xa, bằng những cụm từ kỳ quái như: “Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó” (sau đổi thành “Hoán đổi thân xác” vì dư luận phản ứng) hay “Nàng men chàng bóng”.
“Hello cô Ba” – phim chiếu Tết thành công ngoài phòng vé nhờ phong cách hài nhảm |
Những đối thủ sẵn sàng “đánh phủ đầu” người chê bai, chỉ trích bằng tuyên bố công khai: “Nếu thích sự cao siêu thì đừng xem phim của tôi”. Dường như dăm ba trường hợp thu hút được lượng người xem kỷ lục đã giúp các nhà làm phim hài nhảm có thêm sức mạnh để bỏ ngoài tai những lời chê bai, cũng như vững tin là mình đang phục vụ thị hiếu của công chúng bình dân.
Như vậy có nghĩa là, một khi tài năng của các nhà làm phim Việt chưa đủ để chạm tới những bộ phim hài hước trí tuệ và có văn hóa hơn, thì công chúng đành phải chấp nhận sự có mặt của những bộ phim hài nhảm nhí với hai thái độ lựa chọn: hoặc đi xem và biết rời khỏi rạp với sự độ lượng “phim Việt mà!”; hoặc quay lưng và chớ có buông lời chê bai, phàn nàn.
Ở góc độ khác, nếu quả thực có một bộ phận công chúng “thích được nhảm”, thì sự có mặt của dòng phim hài nhảm luôn là tất yếu. Thế nhưng, việc chúng không ngừng áp đảo và gia tăng những đỉnh…nhảm mới quả là điều bất thường đối với nền điện ảnh mà mỗi năm chỉ có chừng trên chục phim được trình chiếu thương mại như VN. Trong khi đó, các hệ thống rạp chiếu lớn do nước ngoài sở hữu không ngừng cung cấp cho khán giả những bộ phim đỉnh cao và mới nhất thuộc nhiều thể loại khác nhau.
Rõ ràng, người ta không thể loại trừ khả năng có những nhà làm phim bất tài và những hãng phim chụp giựt đang núp bóng vào cái gọi là phục vụ công chúng bình dân, để khỏa lấp lối làm phim dễ dãi và rẻ tiền.
Phim hài nhảm thường chọc cười bằng các nhân vật đồng tính ẻo lả hoặc giả gái |
Mặt khác, có lẽ cũng cần phải cảnh báo xu hướng các nhà làm phim có trình độ tay nghề cao và các hãng phim có thương hiệu đang “nhắm mắt đưa thân”, chấp nhận làm phim hài nhảm để kiếm được những đồng tiền mua vui dễ dãi ngoài phòng vé.
Nếu lợi nhuận phòng vé chi phối chất lượng nghệ thuật của điện ảnh tư nhân, vốn nhỏ bé vì mới hình thành được hai thập niên, đến vậy; thì liệu người ta có thể trông chờ ở khu vực điện ảnh Nhà nước được ngân sách đầu tư để làm phim nghệ thuật?
Thật không may là ở khu vực này, đồng tiền lại mang một vấn đề khác. Trong khi các hãng đang khát vốn để làm phim, thì 44 tỷ đồng trong tài khoản của Cục điện ảnh đã âm thầm bốc hơi. Trong một diễn biến chưa từng có trong lịch sử điện ảnh VN, cơn sóng giận dữ của các nhà làm phim đã dẫn tới hai lá đơn từ chức của lãnh đạo Cục.
Những tưởng vụ việc sẽ được làm tới nơi tới chốn để lấy lại niềm tin của các nhà làm phim, thì trong tuần qua, một tin sét đánh là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can – nguyên cục phó Lê Ngọc Minh. Lý do, cơ quan hành pháp… chưa bắt được nghi phạm chính Phạm Thanh Hải, người đã bỏ trốn và đang có lệnh truy nã.
Người ta không thể không tự hỏi với 44 tỷ đồng đã bốc hơi ấy, điện ảnh Việt ở khu vực Nhà nước đã mất đi bao nhiêu cơ hội để làm phim? Những cơ hội đã mất ấy đã khiến bao nhiêu người trong nghề nản lòng từ bỏ hoặc chuyển sang làm nghề ở khu vực khác? Và liệu đây có phải là dấu chấm hết của dòng phim chính thống, nơi có thể chạm vào những đề tài chính luận như chiến tranh, tham nhũng…mà dòng phim tư nhân không màng tới?
Hai chuyện không vui xảy đến ở cả hai khu vực tư nhân và Nhà nước, cùng trong một tuần, đang khiến nhu cầu xây lại ngôi nhà điện ảnh Việt trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Theo Vietnamnet