Một thập kỷ (2009-2019) đã khép lại cùng với nhiều sự thay đổi, chuyển biến nhất định trên toàn cầu. Những xu hướng này qua năm tháng không chỉ góp phần định hình diện mạo của thế giới, mà còn đặt ra nhiều thách thức cho một thập kỷ tiếp theo.
Nhựa và sản phẩm dùng một lần đã từng là một biểu hiện xa hoa của một cuộc sống hiện đại khi mọi thứ chúng ta cần đều nằm trong tầm tay. Con người thoải mái mua đồ ăn, thức uống mà không nghĩ nhiều đến lượng rác thải từ bao, gói, hộp đựng, ly nhựa; hay mua sắm mà không cần cân nhắc liệu có thật sự dùng đến hay chỉ là sở thích nhất thời. Thói quen lạm dụng nhựa trong một thập kỷ trở lại đây đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới với vô số hậu quả khó lường: mưa nhựa, ô nhiễm đại dương, bức tử động vật biển, góp phần thúc đẩy nhanh biến đổi khí hậu…
Trước một màu xanh Trái đất đang bị tàn phá nghiêm trọng, con người đã và đang hướng đến một lối sống tối giản và bền vững hơn. Chính phủ các nước cũng đang nỗ lực hành động vì môi trường, khi kể từ năm 2010, hơn 120 quốc gia đã ra các điều luật cấm việc sử dụng túi nhựa. Các nước châu Âu đã xem xét các khoản thuế đối với những cốc cà phê take-away, và các thương hiệu trị giá hàng triệu bảng như Coca-Cola và Nestlé đều được vận động giảm bớt rác thải.
Để đồng hành cùng xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững của thế giới, các thương hiệu thời trang cũng bắt đầu giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong quá trình tạo ra sản phẩm. Mỗi người trên toàn cầu đều đang cùng nhau hướng đến mục đích chung, dù sẽ còn nhiều thử thách trong tương lai nhưng chưa bao giờ là muộn để cố gắng.
Thập kỷ 2010 đang đánh dấu một sự tiến xa về bình đẳng giới và quyền sinh sản trên toàn cầu. Năm 2012, một chiến dịch nhằm tăng khả năng tiếp cận các hình thức tránh thai đã giúp 53 triệu phụ nữ và trẻ em gái ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới kế hoạch hóa gia đình. Hai phần ba các nước đã đạt được sự bình đẳng giới trong giáo dục tiểu học. Năm 2019 cũng đã chứng kiến lần đầu tiên tổng số ứng viên nữ chạy đua vào Nhà trắng là 6 người, nhiều hơn so với lịch sử hơn 200 của Hoa Kỳ 1 người.
Streaming (truyền tải trực tiếp các nội dung đa phương tiện qua Internet) đang cho thấy tiềm năng đáng kinh ngạc của mình khi cho phép người dùng truy cập không giới hạn vào phim ảnh và âm nhạc. Kể từ khi Netflix chuyển mô hình kinh doanh chính cho thuê DVD sang phát trực tuyến vào năm 2010, cơ sở người dùng của đã tăng chóng mặt. Dù các nhà sản xuất khác như Hulu, Amazon, ITV và BBC… cũng bước một chân vào lĩnh vực này nhưng nổi bật nhất vẫn là Netflix – hiện đã có mặt ở 130 quốc gia (trong đó có Việt Nam) với lượng người đăng ký lên đến 159 triệu vào năm 2019.
Bên cạnh đó, nhạc trực tuyến cũng đã thay đổi nền công nghiệp âm nhạc thế giới từ cách mua, lưu trữ và thưởng thức âm nhạc. Kể từ khi ra mắt vào năm 2008, Spotify đã tăng lên tới 248 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và được định giá 23 tỷ đô la. Nghe nhạc qua nền tảng Spotify hiện chiếm hơn một nửa thu nhập của hãng thu âm chính. Không đứng ngoài dòng chảy của thời đại, Apple cũng đã đóng cửa Itunes sau 18 năm để mở đường cho một ứng dụng thay thế khác.
Tầm quan trọng của chế độ ăn chay và thuần chay đối với hành tinh của chúng ta đã được thảo luận rất nhiều năm gần đây. Trong suốt một thập kỷ qua, chế độ ăn chay đã trở thành xu hướng chủ đạo trong phần lớn các quốc gia trên thế giới. Theo một cuộc thăm dò của Hiệp hội Vegan, hiện có 600.000 người ăn chay ở Anh và hàng triệu người trên toàn cầu áp dụng chế độ ăn chay (thường xuyên hoặc ngẫu nhiên vài ngày trong tuần). Mong muốn thân thiện với môi trường và theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh đã thúc đẩy số lượng đăng ký kỷ lục cho phong trào “Veganuary” (Tháng 1 ăn chay) – không dùng rượu và thịt đỏ đến hết tháng 1 – mỗi năm, từ 3.300 năm 2014 lên 250.000 vào năm 2019.
Nếu như hồi những năm đầu thập niên 2010, người chuyển giới, người đồng tính bị hạn chế địa vị trên truyền thông, bị miêu tả trong phim Hollywood bằng các diễn viên dị giới, bị phân biệt với cộng đồng đồng tính… thì hiện nay, họ đang sánh vai bình đẳng trên thảm đỏ, cũng như không ngừng chứng minh năng lực của mình trong các lĩnh vực như: truyền thông, chính trị, thể thao, hội nghị, khoa học và các ngành công nghiệp khác. Bên cạnh chuyển biến khởi sắc ấy, chúng ta cũng không thể bỏ qua những làn sóng công kích ác ý và nhiều vụ bạo lực, phân biệt, quấy rối vẫn nhắm vào cộng đồng LGBT và phụ nữ da màu trong thời gian qua. Tựu chung, thập kỷ 2010-2019 đã mở đường cho vô số hoạt động xã hội về quyền bình đẳng giới được lan tỏa khắp thế giới.
Trầm cảm là nguyên nhân khiến nhiều người tự kết liễu đời mình hoặc rơi vào trạng thái nguy hiểm một thời gian dài. Sức tàn phá của căn bệnh này sở dĩ vô cùng khủng khiếp, bởi nó đòi hỏi một nỗ lực sống đến từ những tâm hồn đã bị tàn phá từ bên trong. Trầm cảm từng là một bệnh khó nói đến nỗi những người nổi tiếng, các nguyên thủ, chính trị gia và nhà lãnh đạo luôn giữ bí mật bệnh án tâm lý của mình. Không chỉ vậy, trước đây, cộng đồng, mạng xã hội và truyền thông cũng cảm thấy e ngại khi nhắc về chứng trầm cảm.
Vậy hành trình kỳ diệu gì đã thay đổi quan niệm về căn bệnh đó? Các trang blog và tạp chí bắt đầy sản xuất hàng loạt video, cùng vô số chuyên mục tư vấn nhằm giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng xoay quanh căn bệnh này. Bên cạnh đó, các chiến dịch chống trầm cảm do Gia đình Hoàng gia Anh khởi xướng cùng các hội từ thiện chăm sóc sức khỏe tâm lý góp phần giúp mọi người cùng bước ra ánh sáng và kể câu chuyện thật của họ… Dù trong một thập kỷ qua thế giới vẫn đau lòng tiễn biệt nhiều ngôi sao nổi tiếng vì chứng trầm cảm; nhưng cũng trong khoảng thời gian này, chúng ta đang nhìn thấy một dấu hiệu khởi sắc khi từng lớp bí mật của căn bệnh đang được chính người trong cuộc lật mở.
Vào thời điểm mà mạng Internet chưa phổ biến với nhiều người, sách dạy nấu ăn và các công thức được truyền qua nhiều thế hệ là tất cả những gì mà một người đầu bếp tại gia có thể nghĩ đến. Thế nhưng trong suốt 10 năm qua, các phương tiện truyền thông đã giúp chia sẻ rộng rãi rất nhiều công thức nấu ăn tuyệt vời – từ món ngọt, món mặn đến món chay. Những bí quyết nấu nướng được lan ra khắp thế giới thông qua các blog được đầu tư bắt mắt và các ứng dụng xã hội như Instagram, Facebook, TikTok, Youtube… Giờ đây, chúng ta chỉ còn một nhiệm vụ đơn giản là ra khỏi nhà và mua nguyên liệu. Và bất kể bạn muốn nấu một món ăn như thế nào, cũng đều có thể dễ dàng tìm thấy một công thức hẳn hoi trên mạng.
Sự bùng nổ của điện thoại thông minh là cả một câu chuyện trong thập niên này. Điện thoại thông minh phổ biến nhanh đến chóng mặt khi trên toàn cầu có 3,2 tỷ người dùng, chiếm 42% dân số thế giới. Với 2,4 tỷ người dùng Facebook hoạt động hàng tháng trong năm 2019, việc dành nhiều thời gian hơn cho các trang mạng đã làm thay đổi dạng thức thông tin. Tuy nhiên, việc mọi người giờ đây “trực tuyến” mọi lúc mọi nơi đã dấy lên sự quan ngại về sức ảnh hưởng quá lớn của “thực tế ảo” – nơi mà cảm giác trong thế giới mạng đang làm giảm đi giá trị của những trải nghiệm/mối quan hệ giữa con người ngoài đời thật.
Hiện tại có hơn 272 triệu người (tăng 51 triệu người kể từ năm 2010) trên khắp thế giới đang ở nơi đất khách quê người vì mục đích học tập và công việc. Nó cho thấy sự gia tăng số lượng người di cư trên toàn cầu đã vượt xa sự gia tăng dân số thế giới. Hiện trạng về số người dân tại các nước được nhập cư tăng lên không ngừng, cùng với áp lực của biến đổi khí hậu, thiếu hụt lương thực thực phẩm và xung đột ý thức hệ – tôn giáo – chính trị đã khiến thập niên 2020 trở thành giai đoạn nhiều thách thức hơn cả.