Mua bán tù mù
Chợ hoa quả đầu mối Long Biên (Hà Nội) là nơi “tập kết” hoa quả từ khắp nơi đổ về Hà Nội. Ông Trần Quang Viên – công an khu vực cho biết, hoa quả ở đây mua bán từ rất nhiều nguồn, trong đó có tới 40-50% là từ Trung Quốc.
“Ngay cả hoa quả trong nước, chủ hàng cũng chỉ biết gom từ tỉnh này, tỉnh kia về, nói gì tới hoa quả Trung Quốc. Xe hàng từ biên giới chở về bán thì mua. Tiểu thương đều biết hoa quả muốn tươi lâu thì phải có chất bảo quản, nhưng làm lâu năm nên họ quen rồi, không bao giờ để ý tới chuyện “dư lượng” gì cả. Hơn nữa, hàng hoa quả từ đây lại vận chuyển tiếp về các tỉnh, trong điều kiện không có bảo quản lạnh thì bắt buộc phải bảo quản bằng hóa chất, trong khi không ai quản nên họ cũng mặc kệ”– ông Viên nói.
Khảo sát của NTNN tại các cửa hàng bán hoa quả tại chợ Cầu Nề (TP. Thái Bình), chợ Cọi (huyện Vũ Thư)… cho thấy các loại lê, lựu, nho… được bày bán ê hề. Bà Vũ Thị Lan – chủ hàng bán hoa quả ở chân cầu Gốc Mít (TP.Thái Bình) chỉ rổ nho đỏ bắt mắt khẳng định đây là nho Mỹ, giá 100.000 đồng/kg, bởi “nếu là nho Trung Quốc thì đã bị nhũn cuống rồi”– bà nói.
Bà chỉ một số chùm nho khác, nói đó mới là nho Trung Quốc, giá chỉ có 50.000 đồng/kg. Theo quan sát của phóng viên, tuy nói là nho Mỹ và Trung Quốc, nhưng trông hình thức không khác nhau là mấy, chỉ có điểm khác là quả nho Trung Quốc nhỏ hơn, cuống đã bị khô, héo đi.
Ngoài nho, cửa hàng hoa quả của bà Lan còn có những quả trông rất “mướt mắt”, hấp dẫn như táo, lê, đào… mà người tiêu dùng cũng không thể chắc chắn về xuất xứ, chất lượng của những loại quả này. Ở cửa hàng khác cách đó không xa, giá 1kg nho lại là 70.000 đồng.
Tương tự, tại làng buôn hoa quả Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), chị Bùi Thị M – một chủ buôn hoa quả Trung Quốc có tiếng cho biết: “Hoa quả ở đây bán mà khách đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ thì có lẽ chúng tôi thất nghiệp hết. Hàng nhập từ Trung Quốc chỉ buôn bán trao tay thôi”.
3 bên lại đùn đẩy
Một cán bộ quản lý thị trường tỉnh Thái Bình cho rằng, quản lý về chất lượng hoa quả bán trên thị trường chủ yếu phải là Sở NNPTNT, còn Chi cục Quản lý thị trường không có chức năng lấy mẫu sản phẩm nông nghiệp để kiểm nghiệm. Nếu cần lấy mẫu kiểm nghiệm thì phải mời bên Sở NNPTNT tiến hành thì mới có giá trị pháp lý.
Chỉ vào các dịp tết, bên Chi cục mới tiến hành kiểm định về hoa quả. “Đối với ngành quản lý thị trường, chủ yếu quản lý về lưu thông hàng hóa, xem có hóa đơn chứng từ, nhập khẩu có nguồn gốc không”– cán bộ này nói. Vị này cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương chỉ quản lý chất lượng về 6 mặt hàng; còn lại là Sở NNPTNT và Sở Y tế.
Ông Nguyễn Hồng Bảo – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Những sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường chúng tôi đều kiểm tra chặt chẽ về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng… Sau đợt kiểm tra vừa qua, chúng tôi cũng đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức đi tất cả các địa bàn quận, huyện, các chợ đầu mối trong thành phố để phát hiện và xử lý theo quy định”.
Cũng theo ông Bảo, thông thường Chi cục phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế, trung tâm y tế dự phòng, chi cục thú y (Sở NNPTNT) để kiểm tra việc kiểm dịch động vật, thực vật. Nếu hàng chưa có giấy tờ chứng minh thì đó là những dấu hiệu vi phạm. Tất cả các chợ đầu mối trung chuyển rau củ quả đều có các bộ phận theo dõi chất lượng từ bộ phận chuyên ngành để kiểm dịch động, thực vật cho đến ban quản lý chợ.
“Khối lượng công việc của chúng tôi rất nhiều, không chỉ các mặt hàng tươi sống như rau củ quả… mà còn có rất nhiều mặt hàng công nghiệp khác. Kiểm tra chất lượng các mặt hàng tươi sống là rất đặc thù và khó khăn hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp.
Với các mặt hàng này không thể đánh giá cảm quan bằng mắt thường được, nhìn rau củ quả xanh tươi mơn mởn đó ai biết được nó kém chất lượng như thế nào? Đã xử lý theo pháp luật thì phải có chứng cứ rõ ràng, cơ sở khoa học chắc chắn. Mà để có được những cơ sở đó cần phải có thời gian, nếu không làm nhanh sẽ hỏng ngay và nếu không có bằng chứng thì các cơ sở buôn bán họ sẽ buộc mình phải bồi thường” – ông Bảo chia sẻ.
Về phía ngành y tế, lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) từng chia sẻ, hàng nhập tiểu ngạch, hàng nhập lậu, nhất là hoa quả… rất khó lấy mẫu kiểm định vì không có cơ quan nào làm việc đó. Chỉ khi dư luận lên tiếng, hoặc báo chí nước ngoài phản ánh, các cơ quan trong nước mới lấy mẫu kiểm nghiệm.
Theo Dân Việt