Bí ẩn trên trời, giải mã trên phim
Kể từ thời điểm ra mắt hôm 28/2, đến nay, sau gần hai tuần, “Non-stop” vẫn là bộ phim đứng đầu doanh thu phòng vé khu vực Bắc Mỹ. Không có gì bất ngờ khi tác phẩm đánh dấu sự trở lại của ngôi sao hành động Liam Leeson có sức hút như vậy.
Sau “Unknown” và hai phần của “Taken”, khi nhắc đến tên tuổi của nam diễn viên sinh năm 1952 là nhắc đến một phong cách phim hành động mà ở đó yếu tố ly kỳ, kịch tính được hình thành từ bối cảnh hẹp, cốt truyện pha màu trình thám, tình tiết căng thẳng và những màn “cân não” bất ngờ.
Phim khởi chiếu tại Việt Nam từ 7/3/2014
Trong khi còn khá lâu nữa, đến năm 2015 tới, người hâm mộ mới có thể gặp lại Liam Neeson ở “Taken 3”; thì ngay ở thời điểm hiện tại, chắc chắn nhiều khán giả sẽ hài lòng với sự trở lại của “người hùng Schindler” ngày nào qua “Non-stop”.
Phim xoay quanh nhân vật Bill Marks, cựu nhân viên Sở Cảnh sát New York, từng có một quá khứ thảm hại với chứng nghiện rượu khó cai. Với vai trò nhân viên cảnh sát hàng không liên bang Mỹ, đây là cơ hội để anh chuộc lại những sai lầm trong quá khứ.
Trong quá trình làm thủ tục check-in và ở trên máy bay, với ánh mắt uể oải nhưng sắc sảo của một sĩ quan cảnh sát từng trải, Marks quan sát rất kỹ hành khách, giữ được sự liên kết với cô tiếp viên quen Nancy cùng tổ lái.
Khi máy bay cất cánh đến London, mọi việc diễn ra bình thường và anh có thể nghĩ đến một chuyến bay 6 giờ thuận lợi. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không như mong đợi từ khi anh nhận được những tin nhắn mã hóa với nội dung yêu cầu anh phải chỉ dẫn cho chính phủ chuyển 150 triệu USD vào một tài khoản ngân hàng bí mật. Cho đến lúc nhận được tiền, cứ mỗi 20 phút trôi qua sẽ có một hành khách trên chuyến bay bị giết.
Trong suốt chuyến bay xuyên Đại Tây Dương ấy liên tiếp có những tình huống mới và bất ngờ nảy sinh. Nhiệm vụ của Marks là vạch trần kẻ gửi đi những tin nhắn đang ngồi lẫn trong 150 hành khách, trước khi máy bay có thể phát nổ. Tuy nhiên, trong quá trình truy tìm hung thủ, chính Bill Marks lại bị tình nghi là một tên khủng bố hàng không, chỉ bởi vì cơ quan điều tra phát hiện chủ tài khoản bí ẩn kia… mang tên anh. Vừa bị tình nghi, bị chống trả, lại phải đối mặt với sự hoảng loạn của hàng trăm con người, Marks đã rơi vào trạng thái không còn ai để có thể tin tưởng…
Cốt truyện phim nghe qua có chút gì đó phi thực tế, có những chi tiết được giải thích chưa hoàn toàn thuyết phục như về quả bom hẹn giờ, cách truyền tin mã hoá qua điện thoại, từng mạng sống bị thủ tiêu… Vậy nhưng, thực tế mấy ngày nay, xét qua vụ chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines bất ngờ mất tích khi đang trên đường tới Trung Quốc thì có thể thấy trong cuộc sống còn có nhiều điều bí ẩn không kém.
Cũng như trong “Non-stop”, ở vụ máy bay mất tích trên biển Đông, nhiều giả thuyết mới liên tục được đưa ra để lý giải về các sự cố. Trong phim, những điều khác lạ bắt đầu xảy đến ngay từ đầu, với việc có hành khách nhất định đòi được ngồi gần cửa sổ, người đồng sự của Marks có hành tung mờ ám, cơ trưởng bất ngờ tử nạn, một vài người có thân thế mù mờ…
Mật vụ hàng không Marks giữa sự lo lắng của hành khách
Còn ở sự kiện vừa diễn ra, đã có tới 4 hành khách trên chuyến bay được phát hiện mang hộ chiếu giả, thời điểm loan báo chuyến bay bị mất tích không thống nhất, buồng lái máy bay im lặng tuyệt đối, thiết bị định vị khẩn cấp hoàn toàn không phát tín hiệu…
Với một chiếc máy bay tối tân như Boeing 777-200 của đội bay Malaysia Airlines, kể cả khi chết động cơ, nó vẫn còn có thể lướt như tàu lượn, thì giả thuyết về yếu tố con người tác động, tức là nguyên nhân khủng bố không bị loại trừ. Đến đây, bất chợt lại nhớ đến những bí ẩn dần được hé lộ trong “Non-stop” – sau khi nhân viên cảnh sát hàng không Marks bị quy ngược là khủng bố thì những âm mưu sâu xa, vượt trên việc tống tiền hay nổ bom thông thường dần được bóc tách…
Không ngừng hy vọng
Nếu như ở “Taken 2”, diễn biến chính của câu chuyện xảy ra trên đoàn tàu hoả; thì ở “Non-stop”, toàn bộ câu chuyện gói gọn trên chiếc máy bay dân dụng. Khi hoảng loạn xảy ra, không ai rõ nguyên nhân là gì và số phận đoàn người trong khoang chứa sẽ đi về đâu. Ngay đến Marks, dẫu là cảnh sát dạn dày kinh nghiệm, anh cũng không tránh khỏi trạng thái hoang mang vì không biết bám víu vào điều gì… Nếu chiếc máy bay nổ tung giữa biển khơi, sẽ chẳng ai có cơ may sống sót, những con người bình thường, vô tội như trẻ em hay người già có thể trở thành nạn nhân của không tặc.
Cứ qua mỗi biến cố, chân dung của một xã hội thu hẹp được đạo diễn Jaume Collet-Serra khắc hoạ khá sinh động qua “Non-stop”. Khán giả như có mặt ở khoang chứa, ngồi trong một hàng ghế nào đó trong sự lo lắng, căng thẳng và không ngừng nuôi hy vọng về sự an toàn.
Những hoảng loạn thỉnh thoảng bùng lên trong các hành khách trở nên đối nghịch với sự bình tĩnh, tập trung được dồn nén tới mức tối đa ở nhân vật Marks. Kinh nghiệm diễn xuất dày dặn giúp Liam Neeson hóa thân vào nhân vật Marks khá thuyết phục, đó là con người dẫu bị dồn vào thế hoang mang, chênh vênh cực độ thì vẫn không mất đi sự điềm tĩnh, quyết đoán. Kẻ chủ mưu rồi cũng phải xuất hiện và cùng với đó thì cũng dần xuất hiện những người còn giữ được bình tĩnh, sáng suốt để sát cánh, hỗ trợ Marks…
Phim còn có sự tham gia diễn xuất của Julianne Moore và Nate Parker
Trở lại vụ tai nạn hàng không đang gây xôn xao dư luận, nguyên nhân, nạn nhân của chiếc máy bay mất tích vẫn bặt vô âm tín. Những khó khăn cực độ vẫn dồn lên tứ phía. Dẫu vậy, cũng có thể tưởng tượng đến những khoảnh khắc mà hơn 200 con người đã phải chịu đựng qua những thước phim của “Non-stop”. Chỉ riêng những cảm xúc và nỗi bàng hoàng của thân nhân những người có mặt trên chuyến bay của Malaysia Airlines thì không cần tưởng tượng.
Nước mắt, sự đau đớn, nỗi xót xa và cả những trách móc về sự thiếu vắng thông tin phản hồi khiến cho câu chuyện trong thực tế có khi còn sinh động hơn “hư cấu”. Và đây là điều mà “Non-stop” chưa khai thác để có được sự đồng cảm nhiều hơn từ khán giả về những bất ổn của thế giới hôm nay.
Tuy vậy, cả “thảm hoạ” mới của ngành hàng không và và vụ khủng bố trong phim đều đã nói với chúng ta rằng: Khó ai có thể tránh khỏi những thách thức phải đối mặt trong cuộc đời. Lúc ấy, mỗi người hãy sẵn sàng những điều cần làm để bảo vệ mình và giữ bình an cho người khác.
Bài: Bùi Dũng
Ảnh: Studio Canal
>>> Có thể bạn quan tâm: Được đề cử 9 giải, chỉ đoạt 3 giải Oscar chung cuộc, tức là thua xa “Gravity”; nhưng “12 Years a Slave” liên tiếp được xướng tên ở những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất. Đã rất lâu mới có một tác phẩm điện ảnh mang đến cảm xúc trọn vẹn như bộ phim này.
Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!