Từ “lụa” hương xa tới Haute Couture châu Á

Haute couture tại Paris giờ đây không còn là sân chơi độc quyền của các nhà mốt gốc Pháp nữa, nó đã mở cửa đón nhận một số nhà thiết kế đến từ các miền đất khác – nhưng tất nhiên vẫn luôn khắt khe theo các quy chuẩn đã được kiến tạo từ hàng trăm năm trước. Không ngạc nhiên lắm khi những cái tên gốc Á xuất hiện ngày một nhiều trong danh sách các nhà thiết kế thời trang haute couture. Điều thú vị là làn sóng này đang được dẫn đầu bởi các nhà tạo mẫu nữ thuộc châu lục Á Đông.

Tuổi trẻ tài cao

Bên lề Tuần lễ Thời trang Haute Couture Thu Đông 2011-2012, NTK Yiqing Yin đã tạo ấn tượng với bộ sưu tập mang tên “Ouvrir Vénus” (Thần Venus hé lộ). Nổi bật nhất trong đó là bộ đầm ngắn xếp ly ngàn lớp màu đỏ vô cùng tinh vi, tạo cảm giác như một khối điêu khắc ba chiều, nhìn tựa những hẻm núi tuyệt đẹp ở đại vực Grand Canyon đang chuyển mình sống động trên cơ thể theo mỗi bước đi. Choáng ngợp trước tài năng trẻ chỉ mới 26 tuổi này, Chambre Syndicale de la Haute Couture (Hiệp hội Ngành may đo thời trang cao cấp) đã mời cô làm khách mời cho mùa tiếp theo. Và tới năm 2015, Yiqing Yin trở thành thành viên chính thức của Hội Các nhà mẫu haute couture – đây được coi như tấm huy chương vinh dự nhất trong nền công nghiệp thời trang thế giới, bởi chỉ có tới chưa đến 15 nhà tạo mẫu ở Paris có thể đứng trong danh sách này. Yiqing Yin, ở tuổi 30, cán mốc kỉ lục nhà thiết kế trẻ nhất trong các thành viên haute couture hiện tại.

BST Haute Couture Xuân Hè 2016 của Yiqing Yin
BST Haute Couture Xuân Hè 2016 của Yiqing Yin
000_arp4363767
NTK Yiqing Yin

Sinh ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc, lên 4 tuổi, gia đình Yiqing chuyển qua Pháp và Úc sống. Cô theo học tại trường Nghệ thuật Quốc gia (École nationale supérieure des arts décoratifs) ở Paris và nhanh chóng giành giải thưởng lớn trong ngành sáng tạo – Paris Grand Prize of Creation – ngay khi vừa tốt nghiệp. Lớn lên giữa môi trường giao thoa văn hóa Đông Tây, Yiqing luôn nung nấu kiến tạo thời trang mang căn tính đặc sắc, có thể khiến ta nhận ra mình là ai giữa thế giới rộng lớn này. Thực tế là Yiqing từng có ác cảm với thời trang, cho rằng đây là một thứ thiết kế vô nghĩa. Mọi sự thay đổi sau lần tham quan triển lãm Yohji Yamamoto, Yiqing nhìn thấy một lối rẽ bước ngoặt ở thời trang, nơi ngoài sự phù phiếm, nhà tạo mẫu như một nghệ sĩ điêu khắc, có thể thử nghiệm và đi xa hơn nhiều những giới hạn về chất liệu và hình khối.

Cận cảnh một thiết kế trong BST Haute Couture Xuân Hè 2016 của Yi
Cận cảnh một thiết kế trong BST Haute Couture Xuân Hè 2016 của Yiqing Yin

Trên website của mình, Yiqing không giới thiệu thiết kế theo mùa mà đặt tên cho các bộ sưu tập như những dự án nghệ thuật, đầy chất thơ và tự sự triết lý. Chẳng hạn, với BST Thu Đông 2015-2016 mang tên “Shed my skin” (Lột da tôi), Yiqing lấy cảm hứng từ sự kì diệu trên cơ thể của động vật như rắn hay liên tưởng tới người phụ nữ, khi họ lớn lên, trưởng thành, trở thành một tạo vật vừa mới mẻ lại vẫn mang sắc thái đặc trưng của bản thân sau mỗi lần “lột xác”. Cô sử dụng ren để tạo hiệu ứng cho ý tưởng này, phối hợp kĩ nghệ thêu/móc ren phẳng và nổi, cùng kỹ thuật cắt laser độc bản (tức mỗi ô cắt trên vải làm ra sẽ khác nhau) vừa che đậy lại vừa hé lộ làn da người mặc, tựa như loài rắn đang biến hình. Quả thực, chỉ haute couture mới có thể cho phép Yiqing Yin thử nghiệm những sáng tạo phức tạp như thế, qua bàn tay của các nghệ nhân tài hoa nhất, trên các chất liệu cao cấp như ren, lụa và len.

000_arp4363766
BST Haute Couture Xuân Hè 2016 của Yiqing Yin

Mùa xuân Việt giữa Paris

Tương tự Yiqing Yin, Nguyễn Xuân Thu (tên đăng tải trên phương tiện truyền thông quốc tế là Xuan-Thu Nguyen) sinh ra tại Việt Nam, rồi định cư và sinh trưởng ở Châu Âu. Cuộc sống giao thoa văn hóa cùng nền giáo dục hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho cô gái tài năng thăng hoa niềm đam mê sáng tạo. Bố mẹ có công ty vải vóc ở Hà Lan, Xuân Thu tiếp xúc với nền công nghiệp thời trang từ sớm, và quyết định học thiết kế tạo mẫu tại Học viện Thời trang Charles Montaigne danh tiếng ở Amsterdam. Năm 2008, thương hiệu XUAN ra mắt bộ sưu tập thời trang cao cấp haute couture đầu tiên tại Tuần lễ Thời trang Paris. Hơn 15 năm miệt mài sáng tạo và phát triển, từ trang phục may sẵn tiến đến may đo cao cấp, Xuân Thu đã từng bước chứng minh với các khách hàng, nhà phân phối và Hiệp hội Ngành may đo thời trang cao cấp. Kể từ mùa Haute Couture Xuân Hè 2017, XUAN đã được mời làm khách mời danh dự, cùng trình làng các mẫu thiết kế của mình với những tên tuổi danh tiếng khác như Proenza Schouler, Iris Van Herpen, AF Vandevorst, Guo Pei hay Zuhair Murad,… chưa kể các thành viên chính thức của hiệp hội như Christian Dior, Chanel, Givenchy, Maison Margiela…

03parisfashionweek7
NTK Xuan-Thu Nguyen

Có thể nói, cũng như ý nghĩa tên của cô và tên thương hiệu trong tiếng Việt, mùa xuân ngập tràn trong bộ sưu tập Xuân Hè 2018 mà cô vừa trình làng vào tháng 1 vừa qua. Sử dụng lụa crepe, organza và vải len, dùng nhiều nếp xếp và bèo nhẹ thướt tha, với bốn gam màu chủ đạo gồm trắng, xanh da trời, hồng phớt và đen, những bộ đầm xuất hiện như một đám mây bông xốp hoặc bó hoa trang nhã điểm xuyết cho ngày xuân. Xuân Thu từng trả lời phỏng vấn rằng khi còn nhỏ, cô có ước mơ thành nghệ nhân cắm hoa, nay với thiết kế thời trang, cô cũng đã tạo nên những bông hoa lộng lẫy bằng độ phồng và rủ của vải vóc.

Cận cảnh một thiết kế trong BST Haute Couture Xuân Hè 2018 của XUAN
Cận cảnh một thiết kế trong BST Haute Couture Xuân Hè 2018 của XUAN
Thiết kế trong BST Haute Couture Xuân Hè 2018 của XUAN
Thiết kế trong BST Haute Couture Xuân Hè 2018 của XUAN

Tính hữu dụng cũng là một điểm nổi bật trong các thiết kế của Xuân Thu. Dù là thời trang may đo cao cấp haute couture, nơi nhà thiết kế có thể thỏa sức thử nghiệm, vượt qua mọi giới hạn, Xuân Thu vẫn luôn đặt tính tiện ích lên vị trí ưu tiên, tạo ra những bộ trang phục độc đáo nhưng vẫn đủ gần gũi để người phụ nữ có thể thoải mái và tự tin diện nó lên người. Điểm mạnh này có lẽ sẽ giúp thương hiệu XUAN tiến xa hơn nữa trong thời gian tới.

000_xu1p7
BST Haute Couture Xuân Hè 2018 của XUAN

Đỉnh cao thủ công Nhật Bản

Thật thiếu sót nếu nhắc tới luồng gió Châu Á trên sàn diễn thời trang haute couture mà không kể đến một đại diện từ xứ sở hoa anh đào. Yumi Katsura được gọi là “phù thủy” về kĩ nghệ và màu sắc. Câu chuyện sự nghiệp của người phụ nữ này vô cùng đáng nể.

Tốt nghiệp ngành công nghệ may mặc từ trường đại học nữ Kyoritsu rồi chuyển sang Paris học về may đo cao cấp, năm 1964, bà mở boutique áo cưới đầu tiên của mình tại Tokyo. Năm 1975, trong một chuyến du lịch sang Nhật Bản, nhà tạo mẫu huyền thoại Pierre Balmain vô tình ghé thăm cửa tiệm của bà. Lòng ngưỡng mộ sự tinh xảo trong trang phục của nhà thiết kế đình đám ở Paris hoa lệ đã trở thành động lực mạnh mẽ cho Yumi Katsura phát triển nên một đế chế thời trang Á Đông. Sau này, Yumi Katsura mở rộng lĩnh vực thiết kế của mình sang đầm dạ hội haute couture, nổi tiếng với các chi tiết đính cườm, đá quý, lông vũ, kim sa thành những bức họa tuyệt đẹp trên thân váy.

pfw-yumi-katsura-manuela-miro00028
NTK Yumi Katsura (giữa)

Trong bộ sưu tập Haute Couture mùa Xuân Hè 2018, Yumi Katsura sử dụng nhiều chi tiết trong tranh khắc gỗ truyền thống thời Edo của họa sĩ Hokusai Katsushika. Thiên nhiên ngập tràn trong các thiết kế lần này của Yumi Katsura, bà đưa các họa tiết từ tràn đầy nữ tính như hoa cỏ, lá trúc, tới mạnh mẽ như sóng biển, núi cao làm “nàng thơ” cho bộ sưu tập. Bức “Sóng lớn Kanagawa” (1832) được bà biến hóa thành họa tiết lặp lại dệt trên gấm và in trên lụa chiffon. Ngọn núi cam ửng hùng vĩ trong bức “Gió nhẹ, sáng trong” (1832) được in lớn chiếm trọn phần tà váy trước, xòe rộng trong bộ đầm dạ hội in bầu trời xanh mát lơ lửng đám mây trắng ở mặt sau. Về mặt hình khối trang phục, bà cũng tái sinh kimono – trang phục truyền thống Nhật Bản – với diện mạo tươi mới như một chiếc áo choàng dài phủ nhẹ, cùng tông màu với chiếc đầm mặc bên trong.

Ở tuổi 85, Yumi Katsura vẫn khiến công chúng không khỏi ngạc nhiên trước tốc độ và năng lực sáng tạo bền bỉ của bà. Hơn thế, bất chấp khoảng cách địa lý (từ hai châu lục xa xôi Á và Âu), người phụ nữ này vẫn đang từng ngày “chèo lái” nhà mốt của mình. Có lẽ trong cộng đồng haute couture Paris, nếu Karl Lagerfeld là “vị vua không ngai” tuổi ngoài bát thập, tóc bạc trắng sành điệu, thì Yumi Katsura là đại diện xuất sắc cho tài năng, sự tinh tế ngày càng trau chuốt và sức bền bỉ không kém của nữ giới.

fashionstories_coutureladies_deponline_23-20180207 fashionstories_coutureladies_deponline_22-20180207

boy2793
BST Haute Couture Xuân Hè 2018 của Yumi Katsura

 

                                                                    COUTURE LADIES

Tại Ả Rập, trước khi mùa cưới bắt đầu vào tầm tháng 10, các quý cô sẽ nô nức kéo về Paris, sắm sửa cho mình hàng chục bộ đầm dạ hội sang trọng bậc nhất để tỏa sáng trong các bữa tiệc kín của giới thượng lưu và hoàng gia. Những bộ đầm tinh xảo được làm hoàn toàn bằng tay bởi nhà tạo mẫu và đội ngũ thợ thủ công lành nghề, từ khâu nhỏ nhất như viền ve áo tới đính hạt pha lê, lông vũ hay thêu cầu kì. Nhưng quan trọng hơn cả, cái danh tính đảm bảo cho thẩm mỹ và chất lượng kiệt xuất ấy đủ khiến người ta chi trả từ ba nghìn tới cả trăm nghìn, thậm chí triệu đô cho một bộ trang phục. Nó chính là “dấu mộc” chứng nhận cấp độ “haute couture” của nhà mốt.

Liệu haute couture có thực chỉ là một sự xa xỉ đến vô lý? Hay đằng sau nó ẩn chứa một niềm đam mê đến hoàn hảo “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của thời trang? Mặt khác, haute couture hướng đến đối tượng khách hàng nữ giới, nhưng nếu người đứng sau những trang phục kiêu sa đó – nhà tạo mẫu – cũng là phụ nữ, thì liệu họ có trụ vững nổi trong dòng sản phẩm khắt khe này?

Chuyên mục “Fashion Stories” kỳ này sẽ đi tìm câu trả lời cho thắc mắc ấy, thông qua những câu chuyện về một số nhà tạo mẫu nữ hàng đầu thế giới, trải dài từ nửa đầu thế kỉ 20 khi dòng thời trang haute couture vẫn còn thịnh vượng tới thời điểm hiện tại.

Đọc thêm
– Tuyên ngôn nữ quyền bằng thái độ & nghệ thuật


From the same category