Có nhiều lý do để cô dâu, chú rể chọn cách tự mình thực hiện video. Đầu tiên là với sự phát triển của các sản phẩm hi-tech như smartphone, máy tính bảng, việc thực hiện một bộ phim chất lượng cao từ chính các sản phẩm nhỏ gọn có sẵn này càng ngày càng dễ dàng. Việc sở hữu một chiếc máy quay DSLR cũng không quá khó khăn, và chuyện cô dâu, chú rể tuy không “hành nghề” chụp ảnh, quay phim nhưng thừa kỹ năng và thiết bị để tự làm phim ngày càng phổ biến. Tiếp theo, tự quay phim đám cưới là một kỷ niệm khó quên với các nhân vật chính. Các cặp đôi có thừa sức sáng tạo và góc nhìn chân thực để tự kể câu chuyện của chính mình sẽ không bỏ qua cơ hội để được trải nghiệm cảm giác thú vị này. Và cuối cùng, tự quay phim đám cưới sẽ giúp các cặp đôi tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể, cũng như chủ động hơn về thời gian.
Các bước để có một video đám cưới của riêng bạn
1. Quyết định nội dung, thể loại, thời lượng video
Nhìn chung, ngoài chuyện bạn và anh ấy/cô ấy sẽ là nhân vật chính trong clip thì mọi thứ khác: cốt truyện, bối cảnh, thời lượng, trang phục, âm nhạc,… đều không hề có một khuôn mẫu cố định nào. Điều này có nghĩa là bạn sẽ tha hồ sáng tạo để tạo nên một sản phẩm hoàn toàn khác biệt.
Có người chọn cách dựng một bộ phim ngắn kể lại “diễn biến” tình yêu, có người lại muốn lưu giữ những khoảnh khắc trong thời điểm cả hai cùng chuẩn bị hôn lễ, và cũng có người sẵn sàng viết cả một kịch bản viễn tưởng kiểu “Star Wars” trong đó chàng đến từ sao Hỏa và nàng đến từ sao Kim, cả hai giao đấu kịch liệt rồi chàng bị nàng bắt làm tù binh, v.v… Tùy khả năng và thời gian, hãy lên một kịch bản chi tiết cho đoạn phim của bạn, rồi đi đến bước tiếp theo.
2. Chọn ê kíp quay
3. Chọn công cụ quay phim
Một chiếc điện thoại thích hợp để quay phim là iPhone, hoặc các dòng Android có camera trên 8.0Mp. Bạn cũng có thể thuê các thiết bị quay (máy DSLR, đèn, mic) ở các website như lensprovn.com, giangduydat.vn, thuedslr.com. Phương án dễ hơn (và tiết kiệm hơn) là chọn địa điểm quay có đủ ánh sáng tự nhiên, không gian kín, có cửa cách âm để không bị nhiễm tiếng ồn.
4. Trang phục, tạo hình
Chọn trang phục và tạo hình phù hợp với ý tưởng video, không nhất thiết phải là suit hay váy cưới. Cũng không cần thay quá nhiều váy áo, sẽ mất thời gian và mất công quản lý. Suy cho cùng, video “ăn điểm” chính là ở cách kể chuyện và sự hạnh phúc toát lên từ hai nhân vật chính! Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bí quyết diện đồ đôi để có những lựa chọn trang phục thú vị.
5. Quay phim
Khó khăn của việc thực hiện video cưới chính là… có quá nhiều thứ để cho vào khung hình. Đó là lý do bạn cần nắm chắc kịch bản và bám sát vào những phân cảnh, chi tiết dự tính trước.
6. Dựng phim
Mùa Cưới giới thiệu với bạn một số phần mềm thông dụng:
- Movie Maker của Microsoft: Giao diện thân thiện, dễ sử dụng, nhưng hơi ít hiệu ứng.
- Final Cut Pro: Dùng trên hệ điều hành Mac OS.
- Sony Vegas Pro: Thân thiện, nhiều hiệu ứng. Tuy nhiên, phần mềm này khá chuyên nghiệp nên hơi khó sử dụng và đòi hỏi cấu hình máy cao.
- Bộ sản phẩm của Adobe (như Premiere Pro, After Effect): Chuyên nghiệp và khó sử dụng thành thạo.
- Nếu bạn chỉ cần dựng slide ảnh kèm hiệu ứng thì dùng Pro Show Gold hoặc Power Point (chọn xuất file dạng video) là đủ.
Tuy nhiên, dựng phim là công đoạn “nhọc nhằn” và đòi hỏi chuyên môn nhất trong cả dự án. Nên nếu có điều kiện thì hãy nhờ một người có kiến thức dựng phim hỗ trợ bạn phần này nhé.
7. Quyết định “trình chiếu”
Để tận dụng đoạn phim tâm huyết và có một không hai này, bạn có thể cắt một vài đoạn thú vị nhất để làm trailer chia sẻ trên Facebook và các trang cá nhân, như một cách mời cưới chưa chính thức. Trong ngày cưới, hãy đưa video vào tiết mục chính của chương trình để đảm bảo đoạn phim được chiếu đúng lúc và đạt hiệu ứng người xem tốt nhất.
Nếu bạn muốn có thêm phần video trong lễ cưới, hãy chừa lại những đoạn phim thô chưa biên tập và ghép với phần video mới để tạo ra thêm một đoạn phim hoàn chỉnh nữa nhé.