Trong thần linh ánh sáng của đêm huyền diệu tưởng nhớ người Nhạc sĩ tài hoa, bất chợt tôi nhìn thấy vầng trăng đơn độc cuối bầu trời đen thẳm dường như vẫn đeo đuổi từ lúc tờ mờ sáng khi vợ chồng tôi chơi gôn cùng hai người bạn trên sân gôn Sông Bé, được cảm nhận ánh trăng còn bàng bạc trên bầu trời khi bình minh chưa ló rạng. Lòng tôi rung lên lời bài hát “Từ khi trăng là nguyệt” tự khi nào không biết…
Bỗng nhớ lại ngày Anh mới mất, trong sự tiếc thương khôn nguôi của những người thân yêu trong gia đình và bề bộn công việc lo cho tang lễ, tôi được bạn bè của Anh như Anh Phạm Phú Ngọc Trai, Anh Huỳnh Thiện… cùng đại gia đình trao đổi về phần pháp lý trong công việc quản lý một di sản âm nhạc đồ sộ mà anh để lại cho đời, cũng như ước nguyện xây dựng một nguồn quỹ khai thác từ bản quyền nhằm khuyến khích những tài năng âm nhạc trẻ của Việt Nam. Điều làm tôi không sao giải thích được là sau khi thắp nén nhang viếng hương hồn Anh trên bàn thờ của gia đình trong con hẻm nhỏ nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, ngay đêm đó, tôi được “chạm” vào khuôn mặt Anh trong giấc mơ, như một sự linh thiêng khích lệ đủ đầy…
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Vào dịp kỷ niệm mười năm ngày Anh mất, trước khi Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tác phẩm “Thư tình gửi một người”, ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh có mang đến cho tôi toàn bộ những lá thư mà Anh đã gửi cho cô gái Huế có tên Ngô Vũ Dao Ánh để tham khảo ý kiến về “sự riêng tư” của Anh cần được bảo vệ. Cuối cùng thì mọi sự cũng đã được thuận thảo theo lòng người khi ấn phẩm đặc biệt này được ra đời, với lời đề tặng của chị Trịnh Vĩnh Trinh gửi đến vợ chồng tôi. Và cũng thật ngọt ngào như ánh trăng, tôi đọc thấy trong những dòng chữ Anh viết cho người Anh yêu thương, hình ảnh cuộc đời Anh bỗng là “một hóa- thân- phiền- muộn treo lửng lơ trong một khoảng không gian nào đó. Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì mang mang không rõ ràng…”.
Nếu ca từ trong những bài hát của Anh để lại cho đời thấm đẫm hơn cả những “chiều” không gian, thời gian ẩn sâu trong tim những thổn thức của một thân phận, thì những dòng chữ trong những lá thư yêu thương con người còn biểu cảm hơn thế nữa. Trong tôi, dường như tâm hồn Anh thẩm thấu vũ trụ nhân sinh, nên ngay cả nỗi buồn cũng ra màu “mang mang” bí ẩn thuở hồng hoang. Ngay cả khi Anh nói về màn đêm, thì màn đêm đó cũng chỉ như “áo dạ bên ngoài”, để bảo bọc “nỗi- buồn- như- mây của thời con gái…”. Cái nhìn của Anh là cái nhìn thật xa, bằng đôi mắt xuyên thấu khi trên trời trăng đã có mặt ở đó và những vì sao đã trở về. Cách mà anh “sống” trong không gian “âm thầm lôi phăng anh đi về một vủng cao hơn, xa hơn có tiếng đàn guitar rất đục và vùng lá xanh non buổi chiều trong con mắt đốt bằng lửa mặt trời”… Há chẳng phải ngôn ngữ của Anh là ngôn ngữ của vũ trụ quan chứa trong đó một khoảng rộng vô cùng ?
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ảnh: ST)
Nếu không phải thế, thì làm sao Anh nghĩ đến một hành lang giáo đường trên “vùng ăn năn”, “vùng nhỏ hẹp”, “vùng âm thanh”, “vùng an nghỉ”, “vùng sương muối”… mà Anh chỉ là người độc thoại ? Có lẽ, chính cái khoảng rộng của những “vùng” mà Anh tạo ra- hay vũ trụ sinh ra để cho Anh thả sức nuôi dưỡng những ca từ đượm màu nhân thế- đưa Anh đi từ thế giới bỏ hoang của cô đơn đến thẳng lòng can đảm và vẻ trong sáng thanh khiết của tâm hồn. Như Anh đã viết: “Hãy biến mình vào hư vô, vào hư vô của chính mình, vào hư vô của sự vật, vì trong hư không đó mình sẽ tìm thấy được mình và sự vật ở vẻ nguyên vẹn của nó”.
“Mỗi người đã có sẵn một số tháng năm để làm tròn bổn phận sứ giả của mình”. Và đêm nay phải chăng là một đêm rất hư ảo, tôi như nhìn thấy Anh “vừa bước ra sân, trên trời trăng sáng buồn…”, Anh gửi cho ngút ngàn với vẻ trong sáng vô cùng của ánh trăng. Trăng trong Anh “ánh sáng rất mềm và hiền”. Đến bao giờ thì tôi mới giải nghĩa được ca từ như lời mê sảng “từ khi trăng là nguyệt” đây Anh ? Để như Anh mong được “mê sảng suốt đời với những người mình yêu thương, với bạn bè, với chính mình, lời mê sảng đi từ một chân thành tột cùng trong tiềm thức…” (*).
(*) Những chữ viết trong ngoặc kép nằm trong những lá thư Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho cô Ngô Vũ Dao Ánh.
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI