Tú Dưa và hành trình “Nắm lấy tay con”

Trong 4 đứa con mà tôi đã có với ba người phụ nữ (đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa bé nhất là 5 tháng tuổi), Linh Nhi – cô con gái đầu của tôi có lẽ thiệt thòi hơn cả. Vì cháu là kết quả của mối tình đầu vụng dại của tôi năm tôi 20, khi mà trong đầu tôi không hề có một chút ý thức và kỹ năng nào về hai chữ “làm bố”, đúng hơn là chưa sẵn sàng. Và ngay từ lúc còn bế ngửa trên tay, cháu đã phải rời xa mẹ và phải tận hơn mười năm sau, cháu mới có dịp gặp lại, để tin rằng mình thực sự có một người mẹ trên đời. Còn hai đứa sau, ít ra là còn được sống với mẹ (VĐV Wushu Nguyễn Thúy Hiền – PV), và sống với mẹ, thì dĩ nhiên là bao giờ cũng tốt hơn là sống với bố…

 

Vì có những điều, tôi không đủ tinh tế để nhận biết mà làm cho con, nhất là khi con ở vào tuổi mới lớn, và bắt đầu có nhiều điều khó nói ra hơn. Nếu có chút may mắn hơn bố nó chăng, đấy là khi tôi và mẹ các cháu chia tay, các con (đặc biệt là Linh Nhi) hãy vẫn còn nhỏ, chứ chưa phải ở vào độ tuổi đã bắt đầu nhận biết và dễ tổn thương như tôi ngày ấy (12 tuổi)…

Mọi người hay hỏi tôi, làm nào để người đến sau có thể yêu thương con mình và người vợ trước. Cái đó, tôi không thể nào ép được, mà phải xuất phát từ tâm của người ta. Và tôi nghĩ là mình, cũng như các con tôi, đã may mắn gặp được những người phụ nữ có tâm nhất. Hồi ấy, để đón được Linh Nhi về, là có công rất lớn của Hiền, vào lúc Hiền thậm chí còn chưa kịp làm mẹ. 

Cũng như tôi, Hiền đã phải chịu cảnh bố mẹ chia tay cũng vào năm Hiền 12 tuổi, y hệt, khác chăng Hiền là phiên bản nữ mà thôi. Nên khi đứng trước số phận của Linh Nhi, Hiền đã không đành lòng quay mặt. Đó là điều mà tôi mãi mãi biết ơn Hiền. Hay như bây giờ, Linh Nhi mà có việc gì khó nói, cần chia sẻ, cháu lại thường tâm sự với cô (ca sĩ Lam Trang, vợ hiện tại của Tú – PV), hơn là bố nó. Ngược lại, đôi khi, có những điều cần góp ý với Linh Nhi, vợ tôi lại thường nói qua tôi. Thế nhưng tôi nói với Trang: Tốt nhất là em nên góp ý thẳng với con, chứ đừng đi đường vòng qua anh, mà vô hình trung tự tạo ra khoảng cách, rồi trẻ con tự dưng cũng cảm thấy thế, không nên…

Đợt Lam Trang có bầu, cô ấy cũng có mấy lần giận tôi, vì cho rằng niềm hứng thú làm cha trong tôi chắc hẳn là đã vơi bớt, khi thấy tôi có vẻ như không trông chờ vào sự ra đời của đứa con thứ tư này, không tỏ ra vồ vập hay sốt sắng lo lắng như khi người ta làm bố, làm mẹ lần đầu. Thì đúng là đến lần thứ 4, cảm xúc nó cũng khác đi nhiều, cộng với việc tôi cũng có phần vô ý nữa. Và nói thật là với một người đàn ông đã qua mấy đời vợ và cũng đã có tới mấy mặt con như tôi, nếu mà ích kỷ ra, thì đôi khi họ còn chẳng muốn sinh thêm con. Nhưng vì vợ, mình không thể không tôn trọng quyền làm mẹ của cô ấy. 

Hay đám cưới lần 3 cũng vậy, vợ tôi lắm lúc cũng phật ý vì thấy tôi sát đến giờ cũng vẫn cứ bình chân như vại. Bấy nhiêu khiến cô ấy nghĩ cuộc này không còn quan trọng nữa với tôi. Nhưng tôi phải giải thích với Trang rằng, cái cách một người đàn ông mừng hay lo, ở vào tầm tuổi 30-35 (lại từng qua nhiều biến cố như tôi), hẳn là khác nhiều so với khi họ mới 20-25. Nhưng tôi thề là, trong khi chờ vợ đẻ, lần đầu tiên tôi rơm rớm nước mắt. Trước mình đâu biết, cứ nghĩ chuyện đẻ một đứa con nó đơn giản, roẹt một cái là xong, rồi bác sĩ chạy ra thông báo… Giờ, đến tuổi này, mới biết đẻ khổ thế nào, mới biết thương vợ một cách đúng nghĩa hơn. Nên để nói, cái sự thương hay yêu càng về sau là đầy hay vơi, tôi thấy nó khó lắm, không so sánh được…

Đối xử với các con chung, con riêng thế nào cũng lại là cả một nghệ thuật, khi trẻ con còn dễ tổn thương hơn phụ nữ. Thành thử lâu lâu nếu không tiện qua lại, tôi lại phải nhắc Linh Nhi gọi điện hỏi thăm các em, đủ để giữ một sợi dây liên hệ nhất định giữa mấy chị em. Cũng như cái hồi chuyển vào Sài Gòn, suốt hai năm trời, gần như tối nào tôi cũng gọi điện ra hỏi thăm con. Hay như khi bọn trẻ chạnh chọe với nhau, tôi cũng luôn phải bảo Linh Nhi, thôi con chịu khó nhường em một chút, em còn dại. Biết là đứa lớn thiệt thòi, nhưng dù sao cũng là chị cả, nên mình không thể lúc nào cũng bênh con chỉ vì thương con thua thiệt…

Được cái, Linh Nhi lúc nào cũng hiểu và thương bố. Hồi bé, ai yêu bố bạn ấy thì bạn ấy sẽ luôn yêu lại, vì với bạn ấy, bố bao giờ cũng là nhất. Và sau này cũng vậy. Bài văn bạn ấy kể về gia đình, không câu nào không có từ “bố”. Ngược lại, Linh Nhi cũng là đứa con tôi cảm thấy gắn bó nhất và đôi khi còn coi con như một người bạn thân, vì cháu đã cùng tôi trải qua bao thăng trầm của cuộc đời tôi, mà chưa bao giờ có một lời oán trách.

Nhưng cũng vì bài văn toàn chữ “bố” ấy của con mà tôi thực sự bị ám ảnh. Trong nhiều năm liền, mặc bao sự can ngăn (dĩ nhiên đều nhằm có ý tốt cho tôi: nhỡ đâu công mình nuôi con bao năm, đùng cái, cô ấy về đón đi mất thì sao…), tôi vẫn quyết tâm tìm bằng được mẹ cho Linh Nhi, để cháu biết rằng dù sao cháu vẫn có một người mẹ, chứ không thể chỉ biết láng máng là mình có một người mẹ có mái tóc dài dài, qua tấm hình mà bà nội cháu có lần cho cháu xem…

Thế rồi cách đây 2 năm, khi mà tôi nghĩ đã đến lúc con cần được biết điều đó hơn bao giờ hết, thì tôi bỗng may mắn lần tìm được manh mối của mẹ cháu qua facebook của một người bạn bên Mỹ. Nhưng hy vọng vừa nhen lên thì người bạn đó lại cho biết bẵng đi một thời gian không bắt liên lạc được với cô ấy nữa. Song tôi vẫn không nản. Tôi nghĩ, mình tìm người ta thì khó, chứ người ta tìm mình đâu có khó. Thế là tôi nhận lời lên báo để chia sẻ câu chuyện tôi muốn tìm lại mẹ cho con với hy vọng “chắc ai đó sẽ tìm”. Quả nhiên, không lâu sau tôi nhận được kết nối từ một bà dì của cô ấy, vốn hồi xưa rất quý mến tôi, giờ sống ở Nhật. 

Lúc đầu nói chuyện cũng ngượng nghịu lắm, về phía gia đình người ta, vì những điều mẹ cháu đã trót không phải với con từ khi cháu còn đỏ hỏn… Nhưng tôi nói, cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý muốn, nên đôi khi con người ta không được sống đúng là mình, âu cũng là lẽ thường. Nên chưa bao giờ tôi có ý ngăn cản mẹ cháu tìm gặp cháu cả. Chỉ là chưa lần tìm được ra manh mối mà thôi. Tôi nói thật lòng, nhưng cũng còn là để cho nhà người ta đỡ ngượng, đỡ ngại nữa. Chẳng gì, cũng là bao nhiêu năm trôi qua rồi còn gì…

Thế rồi, Linh Nhi bắt đầu nhận được món quà đầu tiên từ nhà ngoại. Nhưng để con đỡ sốc, tôi không vội nhắc đến mẹ cháu ngay, mà chỉ nói, bố đã tìm được nhà ngoại cho con, sau bao năm thất lạc. Tới lúc kết nối được trực tiếp với mẹ cháu, tôi lại cũng phải dặn: Đừng vội vàng mà con nó bị sốc. Tốt nhất hai mẹ con cứ phải làm quen nhau qua điện thoại, ít ra, để quen dần giọng nói, rồi thì tính sau. Đúng là mất bao công tìm kiếm, nhưng không phải vì thế mà sốt sắng, vội vàng quá được.

Rồi sau đó, ông ngoại cháu mất, và cuộc gặp đầu tiên giữa hai mẹ con đã diễn ra trong bối cảnh đó, tại bệnh viện. Không được vui, nhưng tôi nghĩ, đó là lúc thích hợp để con cần có mặt trước nhà ngoại. Tới lúc cháu về, ai cũng hỏi cháu, thậm chí là trêu, rằng cháu cảm thấy thế nào khi gặp lại mẹ. Riêng tôi thì chỉ lặng lẽ quan sát con. Nhưng cháu chỉ cười, không nói gì. Về sau tôi mới nghe mọi người bên đấy kể lại, lúc nhìn thấy cháu, mẹ cháu lao vào ôm cháu, khóc nức, còn cháu thì không rỏ một giọt nước mắt nào. Đấy, tôi luôn thương Linh Nhi là vì thế. Hoàn cảnh đặc biệt đã khiến cháu trở nên cứng cáp và già dặn trước tuổi, lúc nào cũng phải giấu kín cảm xúc của mình đi. Nếu như không muốn nói con gần như đã đánh mất bản năng khi đau thì gọi mẹ, khi khóc thì chỉ muốn được gục đầu vào vai mẹ…

Thế nhưng, sau cuộc gặp đó, tôi thấy cháu vui vẻ hẳn lên, kết quả học tập cũng tốt lên. Và tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn khi biết rằng, giờ đây con đã có được một câu trả lời rõ ràng và chính xác với bạn bè của nó về việc mẹ cháu là ai, đang ở đâu và vì sao không tiện sống với con mình… Điều đó, tôi chưa bao giờ hỏi cháu, nhưng tôi biết, con hẳn đã từng phải trả lời những câu hỏi đó, và tôi không muốn con phải lúng túng…

Thực ra, tôi cũng đã từng thử sống xa con, vào cái quãng sự nghiệp đang cần được xốc lại. Sau hai năm, khi mọi sự đã dần đi vào ổn định và tôi đã tính đến chuyện định cư hẳn ở Sài Gòn thì bỗng dưng tôi dính phải một trận ốm rất nặng, sốt tới mức co giật. Trong khi đó, chỉ vài ngày nữa là tôi đã phải “trả” các con về lại Hà Nội, sau những ngày vào chơi, thăm bố. Vào cái giây phút sinh tử ấy, nhìn cảnh Lam Trang (lúc đấy còn là bạn gái) cùng mấy đứa nhỏ ôm nhau khóc, tôi bỗng thốt người tự hỏi: Thôi chết, nếu ngộ nhỡ đâu mình không qua khỏi trận này thì ai sẽ là người lo cho các con, đưa các con về lại Hà Nội ở cái nơi xa lạ, không có lấy một người thân này. Quyết định trở ra Bắc bỗng được đưa ra đường đột chỉ vì hơn lúc nào hết, tôi càng cảm thấy muốn được trở về nhà cùng với các con, bên những người thân, dù lại phải bắt đầu lại từ đầu ở nơi mình từng có sự nghiệp. Đời tôi là vậy, những quyết định quan trọng nhất cứ luôn bị chi phối bởi cảm xúc.

Tôi sợ những ngày Sài Gòn mưa, đứng trên cao nhìn xuống trắng trời, lòng lại càng cồn cào nhớ con và Hà Nội. Sống với một người mà xác ở một nơi, hồn dạt một nơi như vậy hẳn cũng không phải là điều dễ chịu. Vì thế nên khi đón được các con vào chơi, thấy chị em chúng nó quấn quýt yêu thương nhau, tôi lại càng muốn được cùng các con trở về nhà.

Dứt cơn sốt, tôi dọn nhà cấp tập trong vòng hai ngày, rồi xôn xao về lại Bắc.

Ám ảnh tôi luôn là câu hỏi: Phải làm gì để bù đắp cho con. Tôi nhớ có lần cùng Linh Nhi đi xem live show của Tuấn Hưng. Tới ca khúc “Mẹ yêu”, khi khán phòng ngoài kia vỡ òa thì bên trong cánh gà, con gái tôi đứng im phăng phắc. Sợ con tổn thương, tôi vội kéo cháu ra khỏi bầu cảm xúc ấy. Đang giữa cuộc chuyện mà thấy ai nhắc đến từ “mẹ”, tôi lại cũng phải lảng đi, để tránh cho con. Mà cũng có thể, tôi đã quá nhạy cảm, vì biết đâu với Linh Nhi, từ “bố yêu” mới làm cháu xúc động hơn cả. Nhưng thôi, tránh được gì thì cũng nên tránh, cho con. Sau những gì mà tôi đã từng không tránh được.

Hay thậm chí ngay cả lúc này đây, tôi cũng không dám chắc là mình sẽ nắm tay được cả ngày. Khi clip mấy bố con tôi cùng cover bản hit “Chắc ai đó sẽ về” và bất ngờ được cư dân mạng đón nhận, đã có người trêu tôi: “Chắc ai đó sẽ… dừng”, ý bảo tôi lấy… 3 vợ là đủ rồi. Ừ thì tầm này, có điên mới không nghĩ đến chuyện “dừng”. Duy có điều này thì hẳn là không nên “dừng” lại đâu Linh Nhỉ nhỉ, rằng: “thừa thắng xông lên”, mấy bố con ta sẽ lại cùng nhau làm một cái MV, hay thu một album…, được đấy chứ? Giấc mơ đó, bố tạm đặt tên là: “Nắm lấy tay… con”, con thấy thế nào?

Text: Thuy Le
Photo: Tuan Anh
Make-up: Psi Psi
Costume: Wephobia, Chula

 


From the same category