Tự do nhưng đừng đơn độc

Đến nhà bạn, giờ đây, tôi không còn có khái niệm tiện đường thì qua, hay đi đâu đó rẽ qua, hay “chốc tao qua”, mà đã đến nhà cô là phải có ý định, phải hẹn hò rõ ràng.

Bởi khu chung cư đó, cũng như mọi khu chung cư sang trọng hiện đại ở Hà Nội, đều ở ngoại ô, phải ra khỏi khu vực 36 phố cổ, phải trình diện với nhân viên bảo vệ là đi đâu, đến nhà ai, và thậm chí là phải để cô xuống đón mới có thẻ từ lên thang máy được.
 
 Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được sở hữu một căn nhà như trong mơ ước thế này. Đồ nội thất và không gian thật quá hiện đại.

Cái ước mơ của tôi nó chỉ phù phiếm nho nhỏ như được tắm trong một bồn tắm ngâm đầy thứ sữa dê theo công thức của nàng Cleopatra trong một không gian ấm áp nhưng kiêu sa tột đỉnh.
 
  Điều đó chắc chả bao giờ xảy ra ở một gia đình công chức bình thường như tôi, chúng tôi phải làm đến đời nào mới có tiền mua nhà chung cư với cái giá “trên mây” như cô bạn năng động của tôi đây và hàng loạt hàng xóm hàng sứ của cô ấy?

Nhưng mà thôi, không ai đánh thuế những giấc mơ, những ao ước của con người, cho nên, tôi ơi, cứ mơ đi, một ngày nào đó ta cũng sẽ là chủ nhân của một căn hộ tiện nghi như thế này.
 
 Mở cửa sổ phòng bạn, tôi chợt mỉm cười khi nhớ tới lời một bài hát: “Cao cao, bên cửa sổ, có hai người, hôn nhau…” Đứng ở đây, nhìn thấy gì ngoài những ngôi nhà cũng có độ cao giống hệt nhau, trong tầm mắt rặt những nhà là nhà, những khối hình chữ nhật lênh khênh, mờ xanh trong ánh điện tối.
 
 Ừ, đứng ở đây ngắm cái gì mới được chứ? Ngắm sự đổi mới, ngắm sự quy hoạch, ngắm sự hiện đại đến chóng mặt của Hà Nội chăng?
 
 Tự dưng nghĩ, sao mà ở chốn này, đến cái nỗi buồn cũng trở nên mênh mông kiểu

 “Em thích có một căn nhà màu sữa nho nhỏ, có những tấm rèm màu kem điểm hoa li ti che chiếc cửa sổ mà mỗi khi thức dậy, em kéo chiếc rèm ra, những tia nắng ban mai sẽ tràn vào ngôi nhà tình yêu của chúng ta; một mảnh vườn nho nhỏ trước nhà, nơi đó, em sẽ trồng những bông rum trắng muốt, lá của chúng xanh mươn mướt run rẩy trong tiếng mưa đêm… Em thích những ngọn đèn màu nâu ấm áp, và có anh ở bên…”. Đó là những dòng chữ viết trong nhật ký một thời của cô bạn lãng mạn của tôi. Giờ thì cô đã là chủ nhân một căn hộ chung cư thuộc loại cao cấp nhất Hà Nội. Cô năng động, dễ coi, kiếm tiền giỏi, thu nhập cao, ổn định, trẻ tuổi, nhưng lại độc thân và lạnh lùng.

những hình khối bất động, chứ làm gì thấy một chóp Nhà Thờ, một chiếc đồng hồ bưu điện kính coong lúc 6 giờ sáng mỗi ngày, làm gì thấy những mái nhà lô xô lè tè thâm màu cổ hay màu cũ của phố cổ nhà tôi.
 
 Yên tĩnh. Yên tĩnh thật. Yên tĩnh đến chết lặng, nếu như không có tiếng nhạc jazz của nàng Susan Wong với tiếng hát thầm thì: “It is the evening of the day/ I sit and watch the children play/ Smiling faces can see/ but not for me…”. Nhưng có lẽ, cái gì cũng có chỗ hay riêng.
 
 Hẳn là bạn tôi đã tìm thấy ở đây những gì lắng đọng sau những cuộc đi chơi đến mệt nhoài ngoài trung tâm kia, nơi quán xá thân quen, quán café vỉa hè, hay các quầy bar nhâm nhi chút rượu, kết nối với thế giới bên ngoài bằng lướt net. Chả có gì là ngoài tầm tay cả.
 
 Tôi chợt nhớ đến cuốn tiểu thuyết “Mười lẻ một đêm” của Hồ Anh Thái và ngồi kể cho bạn nghe câu chuyện xoay quanh đôi tình nhân qua một thời gian khá dài mới gặp lại nhau, và họ được một anh bạn cho mượn một căn phòng trên chung cư để tha hồ yêu nhau.
 
 Sau khi khóa cửa phòng lại, anh bạn chủ căn phòng – một người có máu phiêu lưu mạnh mẽ – đã đi đâu không ai biết. Đôi tình nhân trong phòng không có chìa khóa để ra về, cũng không liên lạc điện thoại với bạn được. Điện thoại hết pin, và chủ nhân của căn hộ là một kẻ độc thân và luôn đi triền miên nên trong phòng không có đồ ăn.
 
 Hơn thế, họ là một đôi tình nhân danh giá, mỗi người đều có một địa vị riêng trong xã hội nên họ không thể mở cửa sổ để gọi hàng xóm đến cứu thoát rồi giải thích thế nào khi tự nhiên có hai người lạ trong một căn phòng chung cư? 11 ngày đêm trong ốc đảo cho đến khi gặp một cậu bé láu lỉnh. Đúng, thực sự là ốc đảo, nhân tình thế thái, hơi thở thời đại đã xoay quanh 11 ngày đêm trong căn phòng chung cư đó.
 
 Bạn tôi nghe xong, cười bảo: “Ờ, chuyện yêu ở chung cư mà đi vào văn thơ thì tao biết. Tao không rõ có một truyện ngắn nào đó nói về hai người yêu nhau qua chat, mà không hề biết là đang ở cùng chung cư của nhau, cho đến khi một ngày kia mất điện, cả hai mới biết là mình ngay sát bên nhau nhưng phải mượn xa lộ ảo, xa lộ net để gặp nhau. Nếu không, cả hai cứ chôn mình trong những căn phòng khép kín ấy, trong sự tự do đến đơn độc ấy!”.
 
 Tự do đến đơn độc? Tôi chợt hiểu ý của bạn tôi. Tôi cũng biết đến những ngôi nhà chung cư với sự khép kín tuyệt đối, nhà nào biết nhà nấy, trẻ con sáng đi học, chiều được tất tả đón về.
 
  Ngày chơi cũng phải có lịch. Người ta còn phải cắm đầu vào làm ăn, phải theo dõi chứng khoán, điều hành công ty, phải cong lưng lên làm việc ở công sở, phải trăm thứ bà dằn, đi lại thì xa xôi. Đâu có thể thích thì cho con lên vườn hoa Lý Thái Tổ, công viên, siêu thị ngay được đâu.
 
 Những đứa có anh có em còn đỡ. Chúng được chơi với nhau trong căn nhà, chờ bố mẹ chúng về, được mấy đứa có ông có bà bên cạnh bởi ông bà lại không thích ở chung cư. Ông bà có ở cũng mòn người vì sự thay đổi bất thường, ai đời đi thang máy nhà mình mà phải trả tiền, đi bộ vài chục tầng thì có mà sưng chân, đành cứ phải ru rú ở nhà một mình. Ai mà chịu cho nổi.
 
 Còn những đứa trẻ con một, những ngày được nghỉ học, chúng chỉ biết lấp ló quanh những cánh cửa sổ nhìn xa xôi, trong trí óc chúng nghèo nàn những khối chữ nhật lều khều, thôi thì đành vơ vẩn với bài tập và xem phim hoạt hình trên truyền hình cáp hay quanh quẩn với người giúp việc vậy.
 
  Những cánh cửa khép kín ấy, khi chủ đi vắng, tưởng chừng lành lạnh hơn, thưa thớt người quá, nhưng cũng có nơi, mỗi khi chủ đi vắng, ôsin lại sang nhà nhau tán phét, buôn dưa lê hay bàn chuyện tình, chuyện gia cảnh.
 
 Chợt cô bạn tôi trầm ngâm, vì sao? Vì nhạc đã chuyển sang một bài nhạc buồn khác ư? “I cried a tear/ You wiped it dry/ I was confused/ You cleared my mind/ I sold my soul…” Bạn bảo mới về đây nên chưa biết khi người ta chết trên tầng mười, mười lăm thì sẽ như thế nào? Quan tài sẽ chuyển qua cái cầu thang máy kia, hay đi bộ, cả đoàn người lê thê vác qua mười lăm cầu thang?
 
 Thi thoảng, bạn vẫn đi bộ đấy, đi lên, hoặc xuống mười tầng cầu thang. Để làm gì? Để có thời gian suy ngẫm, dù hơi sợ. Ít khi gặp người đi bộ từ trên tầng thứ 10 xuống, có chăng chỉ đôi khi từ tầng 5…
 
 Tôi chợt mỉm cười. Cái thời của sự hiện đại là thế. Người ta lại còn lo cả cái chết trên chung cư nữa. Hẳn là bạn tôi chưa biết cái chật hẹp, cái khổ sở của một số ngôi nhà trên phố cổ. Họ còn không có nơi mà yêu nhau, vì nhà đông đất chật, sống chen chúc nhau trong một diện tích nhỏ đến giật mình.
 
  Chết à, đã thấy cảnh quan tài được đưa bằng ròng rọc từ trên gác mái nhà xuống vì không thể đưa quan tài qua cái ngõ nhỏ chỉ một người đi lọt mà thôi? Vậy tìm đọc “Phố cũ” của Nguyễn Văn Thọ đi nhé.
 
 Mọi sự khép kín và chật hẹp như những vòng dây thít chặt lấy sự tự do phát triển của con người, nhưng sự độc lập và tự do tuyệt đối đôi khi cũng lại phản tác dụng khi con người cảm thấy lạc lõng. Vậy thì sống và tự điều hòa mới là điều quan trọng.
 
 Nơi ở, phải thực sự là tổ ấm. Bạn có nhớ đến ngôi nhà, trong chữ "đình" của tiếng Hán không? Ngôi nhà nào chẳng cần có mái che chở nương thân. Tự do, nhưng đừng đơn độc trong những căn hộ chung cư hiện đại nhé, bạn tôi ơi…
 


From the same category