Truyền hình Hàn Quốc đã từng được dịp xôn xao vì những bộ phim khai thác các vấn đề về tâm lý, tạo nên những cơn sốt phủ sóng trên màn ảnh nhỏ. Từ hình tượng nữ chính phá vỡ mọi chuẩn mực của “Tầng lớp Itaewon” (“Itaewon Class“) đến căn bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội được khai thác tinh tế trong “Hoa của quỷ” (“Flower of Evil“), hay nhiều thông điệp đầy ấn tượng trong “Điên thì có sao” (“It’s Okay to Not Be Okay“). Tất cả đã đem đến cái nhìn đa chiều, làm tăng sự nhận thức của người xem và trở thành nguồn cảm hứng cho xu hướng làm phim về đề tài này.
Nhờ cốt truyện mới lạ, sáng tạo, cách khai thác về căn bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội cực kỳ khéo léo, “Hoa của quỷ” đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ nồng nhiệt của khán giả phim Hàn.
Bộ phim kể về Baek Hee Sung (Lee Jun Ki), một kẻ sát nhân máu lạnh đã thay đổi danh tính để che giấu về quá khứ tội lỗi của mình và sống một cuộc đời hạnh phúc cùng vợ – nữ cảnh sát Cha Ji Won (Moon Chae Won) – và cô con gái nhỏ. Tưởng chừng cuộc hôn nhân viên mãn ấy sẽ tiếp tục kéo dài thì mái ấm gia đình dần sụp đổ khi Ji Won nhận ra chồng mình không phải là người đàn ông ngọt ngào, hết lòng với gia đình như cô vẫn lầm tưởng. Sẽ ra sao nếu người mình dành trọn yêu thương và tin tưởng suốt 14 năm hóa ra lại là gã sát nhân hai mặt đáng sợ?
Từ một phân đoạn đầy màu sắc ấm áp của một gia đình hạnh phúc, các phân cảnh giết người với tông màu lạnh gây ám ảnh cũng xuất hiện ngay sau đó, những màn “plot twist” bất ngờ sẽ đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. “Hoa của quỷ” mở ra khung cảnh gia đình hạnh phúc nhưng đến cuối cùng, quá khứ đầy tội lỗi của người chồng hai mặt dần bị phơi bày, đẩy cuộc hôn nhân tưởng chừng như viên mãn của Ji Won đến bờ vực đổ vỡ.
“Điên thì có sao” (“It’s Okay to Not Be Okay”) đã vô cùng mạo hiểm khi khai thác sâu về đề tài những người mắc bệnh về tâm lý. Nhưng đây cũng chính là điểm nhấn nổi bật khiến dự án tạo dựng sức hút riêng, đạt được những thành tích ấn tượng trên chặng đường quốc tế khi trở thành phim truyền hình Hàn đầu tiên lọt top trên BXH của nền tảng xem phim trực tuyến – Netflix toàn quốc.
Phim kể về chuyện tình giữa một nữ nhà văn viết truyện cổ tích Ko Moon Young (Seo Ye Ji) mắc chứng rối loạn chống đối xã hội và anh chàng điều dưỡng Moon Kang Tae (Kim Soo Hyun) – vốn là một bức tranh nội tâm đầy bất ổn sống cùng anh trai Moon Sang Tae, người mắc hội chứng tự kỷ ám thị từ bé. Các nhân vật đều đã trải qua quá khứ đầy bất hạnh và phải đối mặt với sự bất ổn về tâm lý trầm trọng. Sự đổ vỡ trong tâm hồn, những vết thương lòng đã đưa Moon Young và Kang Ta đến gần nhau hơn. Họ đều mong muốn đem yêu thương của mình để xoa dịu, chữa lành những thương tổn cho đối phương.
Không đơn thuần chỉ đặc tả hệ lụy của những bất ổn về tâm lý lên đời sống người bệnh, “Điên thì có sao” còn giúp người xem có được góc nhìn đa chiều và truyền tải được những thông điệp tích cực về sự chữa lành trong từng câu chuyện.
Màn ảnh Hàn đầu năm 2020 đã được dịp nhộn nhịp trước sự xuất hiện của “điên nữ” Jo Yi Seo (Kim Da Mi) trong “Itaewon Class” (“Tầng Lớp Itaewon”).
Bộ phim xoay quanh cậu thanh niên trẻ có thời niên thiếu bất hạnh khi bố bị tai nạn qua đời và chịu cảnh tù tội chỉ vì tin vào những điều mình cho là đúng đắn – Park Sae Ro Yi (Park Seo Joon). Sau khi mãn hạn tù, Sae Ro Yi đã tìm đến Itaewon (Seoul) và mở một quán rượu nhỏ với mong muốn thực hiện ước mơ còn dang dở của bố cũng như quyết tâm lật đổ kẻ đẩy cuộc đời anh đến đường cùng. Đồng hành góp sức cho cuộc hành trình của Park Sae Ro Yi là Jo Yi Seo – cô nàng bất cần, sẵn sàng từ bỏ con đường học vấn để hoàn thành ước mơ cho Sae Ro Yi. Được xây dựng hình tượng nữ chính kiểu mới, Jo Yi Seo mang làn gió mới cho phim truyền hình Hàn Quốc vốn đã quá quen thuộc với nữ chính gia đình tài phiệt yêu kiều hay cô nàng lọ lem có cuộc sống khó khăn.
Không chỉ thành công truyền đạt các thông điệp về sự trưởng thành của các nhân vật, bộ phim cũng nổi bật bởi cách khai thác tinh tế đề tài tâm lý bất ổn của những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần. “Tầng lớp Itaewon” như một cuốn sách chứa đựng những bài học đắt giá đã và đang tiếp tục truyền những cảm hứng tích cực người hâm mộ theo nhiều cách.
Không như nhiều tác phẩm điện ảnh khác khi nhân vật chính mắc chứng đa nhân cách và gặp phải nhiều thử thách trong cuộc sống, ”Nhật ký rối loạn đa nhân cách” (“Psychopath Diary”) lại xoay quanh một người bình thường nhưng lầm tưởng rằng mình có nhiều nhân cách khác biệt. Nội dung kể về người đàn ông tên là Yook Dong Sik (Yoon Shi Yoon), anh tình cờ chứng kiến một vụ thảm sát, vì quá sợ hãi nên bỏ chạy ngay sau đó. Chẳng may, Dong Sik gặp tai nạn trên đường và mất trí nhớ. Sau khi tỉnh lại, vô tình anh có được cuốn nhật ký của kẻ sát nhân ghi lại toàn bộ quá trình giết người, Dong Sik đã ngộ nhận mình chính là thủ phạm gây ra các vụ giết người hàng loạt đó.
Cuốn nhật ký tử thần đã tác động mạnh mẽ lên nhân cách của Dong Shik khiến anh trở thành một kẻ ranh ma, quỷ quyệt và thành công trong kế hoạch trả thù những ai từng coi thường, khinh bỉ mình. Bộ phim đưa người xem đến với những thước phim hành động nghẹt thở của quá trình điều tra tội phạm, qua đó còn phát hiện nguyên nhân hình thành bệnh tâm thần của những kẻ sát nhân.
“Lời cầu cứu” (“Save me”) là câu chuyện về Im Sang Mi (Seo Ye Ji) từ Seoul chuyển về một vùng ngoại ô sinh sống sau khi gia đình bị phá sản. Cha cô đã tham gia vào một giáo phái bí ẩn, điều này khiến cô bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề bởi những tư tưởng và hành động tiêu cực đến từ gia đình. Trong lúc bỏ trốn và cầu cứu, Sang Mi được Han Sang Hwan (Ok Taec Yeon) và Suk Dong Chul (Woo Do Hwan) phát hiện.
Lần theo những dấu vết mà Sang Mi để lại, Han Sang Hwan và những người bạn đã giúp được cô cũng như lật tẩy được những âm mưu chính trị ẩn sau đó. Hơn hết, bộ phim cũng lên án một sự thật rằng “khi nhà không còn là một tổ ấm, thì nơi ấy sẽ trở thành nơi tăm tối nhất”. Một khi gia đình không còn là chỗ dựa về tinh thần, nó sẽ vô tình là nguyên nhân hình thành nên sự bất ổn về tâm lý của một người.
“Lời cầu cứu” như một món ăn tinh thần đầy mới lạ với những khung cảnh đen tối và rùng rợn ngay từ những phút đầu tiên, nhưng cũng mang lại cho người xem một niềm tin, rằng dù cuộc đời có lắm khó khăn nhưng vẫn sẽ có ai đó lắng nghe và quan tâm đến lời “cầu cứu” của bạn.
“Bởi vì yêu anh” (“Hyde Jekyll Me”) đánh dấu sự trở lại màn ảnh nhỏ sau 4 năm của nam diễn viên Hyun Bin và phản ứng hóa học đầy mong chờ cùng nữ diễn viên kỳ cựu Han Ji Min.
Phim kể về câu chuyện của một người phụ nữ rơi vào mối tình tay ba đầy phức tạp cùng một người đàn ông với hai nhân cách. Gu Seo Jin (Hyun Bin) là giám đốc điều hành của một công viên giải trí. Anh là mẫu bạn trai lý tưởng củ mọi cô gái, vừa sở hữu ngoại hình điển trai, vừa thành công trong sự nghiệp; nhưng do những tổn thương trong quá khứ khiến Seo Jin hình thành nên hai nhân cách đối lập. Khi nhịp tim tăng nhanh, tính cách lạnh lùng của Seo Jin sẽ thay đổi thành một người tốt bụng và dịu dàng – Robin. Tưởng chừng nhân cách Robin đã biến mất bởi anh đã biết cách kiểm soát bản thân từ 5 năm trước. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Jang Ha Na (Han Ji Min), bằng cách nào đó cô đã đánh thức nhân cách Robin sống dậy một cách mạnh mẽ.
“Bởi vì yêu anh” là một bộ phim tình cảm lãng mạn nhưng không thiếu những yếu tố gây cấn và hồi hộp xoay quanh cuộc sống khốn khổ của những người mắc rối loạn nhân cách và phải sống trong nỗi sợ rằng một ngày nào đó mình sẽ biến mất.
Đầu năm 2015, bộ phim đài MBC “Kill Me Heal Me” gây sốt tại Hàn Quốc và một số nước châu Á, đưa tên tuổi Ji Sung và Hwang Jung Eum lần thứ hai trở thành cặp đôi đẹp nhất màn ảnh. Bộ phim không chỉ thành công khi khai thác đề tài về sức khỏe tâm lý, mà còn giúp Ji Sung thể hiện khả năng diễn xuất ngày càng thăng hạng của mình.
“Kill Me, Heal Me” xoay quanh hành trình chung sống, đấu tranh và vượt qua căn bệnh đa nhân cách đáng sợ của nhân vật Cha Do Hyun (Ji Sung). Anh phải trải qua thời ấu thơ bất hạnh, 7 nhân cách cùng tồn tại trong 1 con người. Đó là hậu quả từ những nỗi đau trong quá khứ luôn ám ảnh trong tâm lý anh. Với sự giúp đỡ của Oh Ri Jin (Hwang Jung Eum), Cha Do Hyun chấp nhận đối mặt với những tổn thương trong quá khứ trước khi căn bệnh chi phối hoàn toàn cuộc sống của anh.
Bảy nhân cách xuất hiện khác thời điểm, nhận lấy nỗi đau khác nhau để cùng sống, cùng tồn tại. Mỗi người trong số họ đảm nhận vai trò như những mảnh ghép rời rạc, hé mở những nỗi đau sâu kín. Đây hẳn sẽ là một trong những chuyện phim chưa bao giờ hạ nhiệt với người yêu thích thể loại phim này.
“Chỉ có thể là yêu” (“It’s Okay, That’s Love”) được khán giả yêu thích khi là một trong những bộ phim mở đầu cho xu hướng làm phim về đề tài bất ổn tâm lý, và thành công trong việc đưa người hâm mộ đến gần hơn với các vấn đề tưởng chừng như rất khó chấp nhận.
Bộ phim kể về 4 nhân vật: nhà viết tiểu thuyết Jang Ja Yeol (Jo In Sung) hào hoa nhưng mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế; Ji Hae Soo (Gong Hyo Jin), bác sĩ khoa tâm thần mắc hội chứng rối loạn lo âu; Park Soo Kwang (Lee Kwang Soo), mang trong mình hội chứng Tourette (khó kiểm soát hành vi co giật); và Han Kang Woo là nhân vật mà Ja Yeol tưởng tượng do chấn thương tâm lý tuổi thơ. Câu chuyện được mở đầu như những bộ phim truyền hình khác với sự gặp gỡ đầy định mệnh của các nhân vật chính. Bộ phim giống như việc khán giả đứng trước một cái hồ vừa đẹp vừa xanh trong, nên nhìn rõ thấy những sợi rong rêu rối rắm, nhưng sâu dần xuống bên dưới sẽ phát hiện ra một thế giới vô cùng mới mẻ và tươi sáng, với rất nhiều màu sắc rực rỡ.
Phim được khai thác nhẹ nhàng và ngắn gọn, mỗi câu chuyện của từng nhân vật đều được kể một cách rành mạch, vừa đủ để truyền tải thông điệp riêng. Là một câu chuyện tình yêu “phiên bản trưởng thành chưa hoàn chỉnh”, “Chỉ có thể là yêu” sẽ cuốn bạn vào những thước phim không chỉ đẹp mà còn vô cùng chân thật.