Sau những sự kiện chính từ phần trước, Vô Tình nhận ra sự thật về những người đã sát hại gia đình cô và quyết rời khỏi Thần Hầu phủ. An lão gia lại lập kế hoạch trả thù và muốn soán ngôi vua. Còn hoàng đế, lúc này lại mở chuyến vi hành, đột nhiên mất tích, khiến cả Thần Hầu phủ phải lao vào ứng cứu, đẩy cuộc chiến trí lực giữa Gia Cát Chính Ngã và An lão gia lên tới đỉnh điểm.
Lời khuyên chân thành nhất dành cho những ai muốn ra rạp coi phần phim này, là hãy kiên nhẫn ngồi xem lại hai phần trước để không bị rối não. Do là phần phim kết, có giải thích khá nhiều những khúc mắc còn lại của hai phần trước, nên phim có các tình tiết gắn liền, tiếp nối những sự kiện đã diễn ra. Vì vậy, nếu ai ra rạp coi phần này đầu tiên, sẽ không tránh khỏi câu hỏi hoang mang, “Ủa, là sao?”
Hai diễn viên có đất diễn nhiều nhất phim là Vô Tình của Lưu Diệc Phi và Cơ Dao Hoa của Giang Nhất Yến.
Gần nửa đầu phim, khán giả nào không kiên nhẫn sẽ bỏ về hoặc bật điện thoại ra coi liên tục, vì nhịp phim rất chậm, chủ yếu xoay quanh sự biến chuyển tâm lý của “thần tiên tỷ tỷ” Diệc Phi. Sự giằng xé của Vô Tình được cô diễn tả khá tốt, đặc biệt là những màn khóc lóc thê lương. Chỉ cần một giọt châu sa của mỹ nhân họ Lưu thì cũng khiến bao nhiêu người đổ lệ theo.
Nhìn chung, ở phần này, mặc dù vẫn còn đôi chỗ gượng gạo, thì Lưu Diệc Phi đã thể hiện được khả năng diễn xuất tâm lý ổn hơn so với hai phần trước – thường chỉ toàn là gương mặt lạnh tanh, đúng kiểu “vô tình”.
Giang Nhất Yến trong vai Cơ Dao Hoa cũng là một điểm nhấn của phần này. Nếu Vô Tình mâu thuẫn chính nằm ở lòng tin bị phản bội thì trong Cơ Dao Hoa đan xen nhiều khía cạnh của tình, hận, lòng trung thành và sự ích kỷ. Tính ra đất diễn của Nhất Yến không bằng Diệc Phi, nhưng cách diễn của cô lại gây được ấn tượng tốt và sâu hơn.
Các nhân vật nam trong phim có một điểm chung là… làm nền cho nữ. Từ Gia Cát Tiên Sinh cho đến Thiết Thủ, Truy Mệnh, ai cũng chỉ đóng đúng những phân cảnh cần gương mặt mình xuất hiện rồi thôi. Chỉ có Lãnh Huyết, nhờ vào mối tình tay ba với hai mỹ nhân vai chính nên đất diễn nhiều hơn một chút.
Thú vị nhất trong dàn diễn viên nam là Tô Hữu Bằng trong vai Hoàng đế. Cách diễn tỉnh tỉnh, tếu táo của anh làm cho nhịp phim phần cuối giãn ra, không bị căng thẳng quá mức và mang đến tiếng cười cho khán giả.
Có lẽ nhận được nhiều phản hồi từ hai phần trước, nên tới phần ba, hiệu ứng kỹ xảo đã được giảm xuống đáng kể để bộ phim không còn giống như “X-Men bản cổ trang” nữa. Thay vào đó, đạo diễn đầu tư hơn cho những màn thi triển võ thuật “thật”. Hình ảnh và màu sắc của phim vẫn giữ được vẻ đẹp lung linh, nếu không muốn nói là nhỉnh hơn cả hai phần trước. Càng về cuối phim, các màn giao đấu càng hoành tráng, làm người xem hào hứng, thích thú hơn.
Ngoài những điểm chính trên, thì “Tứ đại danh bổ” vẫn còn vài hạn chế nhất định. Nội dung phim an toàn quá mức, không tạo được đột phá, bất ngờ. Kết phim có vẻ rất dữ dội, nhưng thực chất lại chóng vánh và gây nhiều cảm giác “dễ dãi” cho khán giả theo kiểu “chuyện nó phải như vậy, chấp nhận đi.” Nội dung phim cũng không nhấn mạnh đến yếu tố “điều tra vụ án” mà chỉ đơn thuần là truy bắt hung thủ, đánh nhau là chính. Điểm cuối cùng, phần ba này bỗng dưng bị “Hàn Quốc hóa” khi cho nhân vật thoại quá nhiều thay cho hành động, làm người xem có cảm giác đang coi phim truyền hình xứ củ sâm.
Nhìn chung, với những ai đã coi phần đầu của phim, không lý do gì để từ chối xem luôn phần thứ ba này để thấy cái kết an toàn. Còn những ai chưa từng xem hai phần đầu, thì nên cân nhắc một chút trước khi ra rạp, để tránh mất hơn một tiếng đồng hồ coi phim mà liên tục hỏi câu, “Ủa, là sao?”
Bài: Chú Hề
Ảnh: Lottecinema
>>> Có thể bạn quan tâm: Sau những thất bại liên tiếp của dòng phim kinh dị Trung Quốc như “Bào thai báo oán”, “Búp bê ma ám” hay “Trang điểm xác chết”, “Ngôi làng tử khí” có phần tiến bộ hơn. Thôi thì, nếu là người cực kỳ dễ tính, bạn cũng có thể đi xem phim này.