Từ đặc thù đến đặc quyền - Tạp chí Đẹp

Từ đặc thù đến đặc quyền

Tin Tức

Từ Đắc Nông tới Đà Nẵng, Hà Nội

Đắc Nông là một tỉnh thuộc Tây Nguyên, với đất bazan làm nền tảng cho việc trồng cây công nghiệp. Trước khi có dự án bô xít, gần 60% kinh tế Đắc Nông là dựa vào nông nghiệp, và GDP đầu người dưới 10 triệu đồng/năm. Trên diện tích 6,5 ngàn km2 có hơn nửa triệu dân sinh sống, mật độ 79 người/km2,

Đà Nẵng là một thành phố nhỏ ở ven biển miền Trung, với diện tích chưa đầy 1,3 ngàn km2, với khoảng 1 triệu dân, mật độ dân cư gấp 10 lần Đắc Nông. Tỷ trọng nông nghiệp của Đà Nẵng chiếm chừng 3% GDP, trong khi dịch vụ chiếm tới trên 50%. GDP đầu người của Đà Nẵng trên 30 triệu đồng/năm.

Hà Nội là thành phố lớn thứ hai của cả nước, là thủ đô chính trị, trung tâm văn hóa. Sau khi mở rộng, Hà Nội có diện tích bằng nửa Đắc Nông nhưng dân số chính thức gấp 13 lần, mật độ dân cư gấp 25 lần (mật độ dân cư nội thành Hà Nội gấp tới 130 lần). Dù diện tích đất nông nghiệp rất rộng, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của Hà Nội cũng không cao hơn Đà Nẵng. GDP đầu người khoảng 40 triệu đồng/năm, chưa kể “nền kinh tế” ngầm khổng lồ. Người Đà Nẵng biết rất rõ người Hà Nội giàu hơn họ tới mức nào, thể hiện qua thị trường bất động sản cao cấp và du lịch nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng.

Đó chỉ là vài nét vắn tắt. Nói về sự khác nhau giữa ba địa phương nói trên, chúng ta có thể nói cả ngày không hết. Khác nhau từ đặc điểm địa lý, dân cư, văn hóa, cấu trúc kinh tế, cấu trúc xã hội, và nhất là mức sống. Trên phương diện quản lý, tất nhiên nó đòi hỏi những biện pháp rất khác nhau.

Nhưng hiện tại, tất cả được quản lý dựa trên một luật pháp đồng nhất, và cùng mức lương của công chức.

 

Hà Nội có diện tích bằng nửa Đắc Nông nhưng dân số chính thức gấp 13 lần, mật độ dân cư gấp 25 lần. Ảnh minh họa 

Khi một đại biểu quốc hội phát biểu rằng, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, công chức không thể nuôi gia đình mà chỉ đủ nuôi thân, điều đó đúng với Hà Nội, nhưng hẳn người dân Đắc Nông sẽ há hốc mồm ra và nghĩ: ông đại biểu này chắc ở trên mây, vì mức thu nhập đó có thể giúp cả gia đình sống khỏe ở Đắc Nông.

Thực ra thì đại biểu đó không ở trên mây, mà chỉ ở Hà Nội. Một tỷ lệ không nhỏ đại biểu quốc hội đại diện cho những tỉnh như Đắc Nông thực ra cũng chỉ sống ở Hà Nội.

Những quan chức thành công ở những tỉnh như Đắc Nông hay Kiên Giang có cơ hội để về làm lãnh đạo ở Hà Nội, cho dù – chẳng hạn – ở Đắc Nông (trừ thị xã) không cần đến cống thoát nước, còn một thành phố lớn như Hà Nội cần đến hai hệ thống cống: nước thải và thoát nước mưa. Khi lãnh đạo một thành phố lớn không hiểu được điều đó, úng ngập hay nước thải trộn với nước mưa cùng thoát ra sông Tô Lịch là tất nhiên.

Ở Đắc Nông, người dân cần xây nhà thì cứ tự mà cất lên. Một thành phố lớn như Hà Nội thì cần có quy hoạch nên phải xin phép, cấp phép xong rồi phải kiểm tra, giám sát trong và sau khi xây dựng. Nếu lãnh đạo không ý thức được điều đó, thì chuyện đô thị mới kiểu mẫu Linh Đàm tự ý tăng mật độ xây dựng từ 65% lên tới 85% ở khu nào đó mà không bị tuýt còi cũng là lẽ thường.

Khi Hà Nội tắc đường vì xe cá nhân, nhất là ô tô, những người làm luật (mà tỷ lệ rất lớn ở Hà Nội) sẽ biểu quyết tăng thuế đánh vào xe cá nhân, như thuế nhập khẩu hay thuế tiêu thụ đặc biệt với xe hơi. Hệ quả là dù Đắc Nông dù không có tắc đường, vẫn phải mua xe hơi đắt gần gấp 3 lần nước Mỹ.

Không đặc thù thì đặc quyền!

Sự đồng nhất về luật pháp, chính sách và cả khung lương trên toàn quốc bất chấp sự khác biệt rất xa nhau giữa các địa phương đã gây ra sự không tương thích giữa luật và chính sách với thực tiễn của nhiều địa phương có tính đặc thù cao.

Sự không tương thích của luật lệ, chính sách với thực tiễn sẽ ngăn trở sự phát triển của các địa phương, và ngăn cản những sáng kiến mang tính địa phương. Đó là sự thất bại của quản lý, từ phương diện luật pháp.

Sự thiếu hiểu biết của quan chức đối với đặc thù văn hóa, kinh tế của địa phương do mình lãnh đạo (vì vốn xuất thân và sinh sống ở một nơi khác xa thực tiễn này) cũng gây ra những thất bại khó tránh khỏi về quản lý, từ phương diện nhân sự.

Một địa phương có tính đặc thù muốn phát triển tất nhiên sẽ phải “xé rào”. Đó là lý do chúng ta từng trải qua rất nhiều sự “xé rào” trong quá khứ, sai từ phương diện luật pháp nhưng khi mang lại thành quả và được nhân rộng thì lại được biểu dương. Một chế độ pháp quyền đích thực không bao giờ được biểu dương sự xé rào, nhưng đồng thời không đẩy công dân và quan chức đến cảnh phải xé rào vì mục đích phát triển. Để làm được điều đó, luật pháp phải có tính mở để sẵn sàng sửa đổi theo thời gian, và tính mở để tương thích với địa phương về không gian, tức là có luật lệ địa phương.

Vì không có chỗ cho đặc thù địa phương, thành phố Đà Nẵng mới đây tiếp tục đi vào con đường “xé rào”, như từ chối tuyển hệ đào tạo tại chức vào làm công chức ở thành phố, hay quy định xiết nhập cư. Nếu như sự xé rào về từ chối hệ đào tạo tại chức sau đó đã lan rộng, thì quy định xiết nhập cư khó nhận được sự chia sẻ (ngoại trừ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng), để rồi bị tuýt còi vì trái pháp luật.

Quản lý một thành phố nhỏ như Đà Nẵng đã đòi hỏi cần những ngoại lệ, thì dĩ nhiên quản lý một thành phố lớn như Hà Nội càng cần có nhiều ngoại lệ. Và khi không có chỗ cho sự đặc thù thì đặc quyền ra đời.

Hà Nội nhiều lần đề xuất có luật riêng, cuối cùng cũng được chấp nhận vì có lý do là thủ đô. Luật riêng ấy không ít chỗ trái khác với luật chung, khiến người ta có cảm giác Hà Nội như là thành phố “thượng đẳng”. Hay nói nhẹ nhàng hơn theo dân gian, thì cả nước đều bình đẳng, riêng Hà Nội thì được bình đẳng hơn.

Nhưng nếu luật pháp không tôn trọng sự đặc thù của tất cả các địa phương thì sẽ ngăn cản sự phát triển của các địa phương, khiến cho dòng người lao động sẽ tiếp tục di cư về nơi có thu nhập và mức sống cao hơn, được biệt đãi, và sự thất bại về quản lý ở địa phương này sẽ còn tiếp tục…

 Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

26/11/2012, 11:50