Từ chuyện ngoại tình của Vũ trong “Về nhà đi con” đến bài học về cách ứng xử khi chồng ngoại tình

Không chỉ riêng Thư (Bảo Thanh) trong “Về nhà đi con” mà bất kỳ người phụ nữ nào khi phát hiện chồng ngoại tình đều cảm thấy “tượng đài” hôn nhân được xây dựng từ niềm tin, tình yêu, lòng chung thủy… bỗng chốc tan vỡ. Đi từ cảm giác đau đớn tột cùng đến tự dằn vặt hoài nghi, chúng ta hoang mang không biết đối mặt với hiện tại thế nào. Ly hôn không hẳn là lựa chọn duy nhất, vì chúng ta luôn có rất nhiều cách ứng xử tích cực trong chuyện này.

Có thể thấy, trường hợp “chán cơm thèm phở” của Vũ (Quốc Trường) với Nhã (Quỳnh Nga) trong “Về nhà đi con” xuất phát chủ yếu từ hai nguyên nhân – sức hấp dẫn của mẫu phụ nữ lý tưởng: giỏi giang, thông minh, xinh đẹp cùng và bản tính thích chinh phục cố hữu của nam giới. Ngược lại, khó có cô gái nào cưỡng lại được sức hấp dẫn của một người đàn ông đẹp trai, ga lăng, giàu có, “sát gái” và (có vẻ) chung tình như Vũ. Hai bên hấp dẫn lẫn nhau và trượt dài trong mối quan hệ sai trái.

Cũng từ câu chuyện trên, chúng ta cần làm rõ về những suy nghĩ lệch lạc trong hôn nhân. Đàn ông thường được cho rằng có thói đa tình, thích chinh phục và phụ nữ được khuyên rằng phải nhẫn nhịn và cố gắng tha thứ (vì gia đình hai bên, vì con cái,…). Đây là một sự phân biệt giới tính nghiêm trọng. Đây không phải là vấn đề của đàn ông hay phụ nữ, mà là về sự cam kết trong hôn nhân giữa hai người. Đừng để bản thân bị vây quanh bởi suy nghĩ rằng: “Có nên vờ như không biết?”, “Anh ta không xem trọng mối quan hệ này!”, hay “Mình là một người vợ không đủ tốt”…, mà hãy thử những cách ứng xử sau đây để tìm được giải pháp hiệu quả hơn.

Xử lý cảm xúc của bản thân

Sự tổn thương khiến bạn nhớ lại những ký ức, kỷ niệm đẹp thuở ban đầu giờ chỉ còn là cay đắng, đau khổ. Bạn cảm thấy mình thật sự ngu ngốc khi tin tưởng người mình yêu, hay tự trách vì đã cố gắng vun vén cho cuộc hôn nhân này. Đây là phản ứng hết sức tự nhiên, nhưng điều quan trọng là bạn phải vượt qua những cảm xúc này trước khi bước vào giải quyết vấn đề, bằng cách cố gắng kiềm chế sự tức giận, ngừng tự xoáy sâu vào nỗi đau và đừng tự đánh giá thấp bản thân. Vì chúng đang cho bạn thấy một bức tranh chưa trọn vẹn, nơi bạn tập trung quá mức vào bề nổi của vấn đề mà bỏ qua việc suy ngẫm lại quá trình chung sống của cả hai.

Chia sẻ với người thân

Hầu hết những người bị phản bội đều cảm thấy sốc vì từng nghĩ: “Chuyện ấy sẽ không bao giờ xảy ra với mình!”. Thật khó để chúng ta vừa tìm lại sự cân bằng cảm xúc, vừa tạm gác nỗi đau qua một bên và tìm cách xử lý khi bản thân vẫn còn quá nhiều bối rối. Bằng cách chia sẻ cùng người thân, gia đình, bạn bè – những người luôn yêu thương bạn và có nhiều tuổi đời hơn trong cuộc sống hôn nhân, bạn sẽ nhận được nguồn động viên lớn lao và sự hỗ trợ kịp thời. Khi đã tham khảo đủ ý kiến để áp dụng cho trường hợp của mình, dù kết quả của cuộc hôn nhân này có ra sao thì bạn sẽ không bao giờ hối tiếc vì ít nhất bạn đã cố gắng chữa lành và hàn gắn hôn nhân này.

Trò chuyện thẳng thắn và giữ cảm xúc bình ổn

Và tất nhiên mọi nỗ lực đều phải đến từ hai phía. Nếu cả hai không còn tha thiết muốn nắm tay nhau đến cuối đời, thì mọi thứ có thể dừng lại tại đây. Còn nếu hai người vẫn muốn làm lại từ đầu thì nên trò chuyện thẳng thắn, chân thành, cùng nhìn nhận lại điều gì đã khiến cuộc hôn nhân này đi sai hướng.

Để cuộc nói chuyện không rơi vào bế tắc, bạn nên lưu ý điều quan trọng này: tránh đổ lỗi hoặc tự nhận hết lỗi về mình. Nếu mặc cảm tội lỗi là không lành mạnh thì đổ lỗi cũng tương tự như vậy. Bạn mặc định mình là nạn nhân và đối phương là thủ phạm, điều đó sẽ chỉ gây tổn thương đến lòng tự trọng của bản thân và mọi chuyện sẽ chẳng đi đến đâu. Nhiều chị em muốn níu giữ gia đình lại chọn cách tự ôm hết lỗi lầm về phía mình, nhưng cách làm đó chẳng khác gì đang dung túng cho sai phạm của người khác.

Đặt ra những vấn đề sâu sắc về mối quan hệ và đưa ra lựa chọn

Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề rằng cả hai đã làm gì để vun vén cuộc sống lứa đôi và liệu vẫn còn bất đồng nào chưa thể khắc phục. Bởi không chỉ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến ngoại tình, mà: “Liệu có thể bắt đầu lại hay không và nếu có thể tiếp tục thì phải làm những gì?” mới là điều quan trọng nhất ở thời điểm này. Dù mọi chuyện có phức tạp ra sao, hãy dành cho mình một khoảng thời gian nhất định. Khi tâm hồn tìm được sự bình yên, bạn có thể thấy những kỳ vọng và mong đợi của mình, đánh giá lại cuộc sống hôn nhân trước đó và mức độ nghiêm trọng của việc ngoại tình.

Chúng ta không thể níu kéo một người không muốn ở lại cũng như không thể ép trái tim luôn đeo mang theo điều nó không thể chịu đựng. Nếu bạn quyết định bước ra khỏi cuộc hôn nhân,hãy học cách buông tay và ngưng dằn vặt bản thân. Nếu muốn cho nhau cơ hội thứ hai, hai vợ chồng không chỉ thống nhất để chuyện quá khứ lại sau lưng mà còn phải thực hiện các cam kết hôn nhân, nhằm giải quyết những vấn đề khiến đời sống hôn nhân trục trặc trước đó.


From the same category