Từ chuyện kẹt vé máy bay Tết đến xu thế hàng không là thống soái…

Đi lại, một nhu cầu như ăn, ngủ, chữa bệnh, học hành… Nhịn là nhịn thế nào. Tập quán, như thể dân Nga, người ta cũng đi ra đi vào. Hay như thể dân Mỹ, dân Tàu, người ta cũng về Tết, về nhà Noel…

Năm nay, vé máy bay xứ mình kẹt … trên mạng. Hiện đại có hiện đại, nhưng hạ tầng kỹ thuật và trình độ số đông chưa nhuyễn, nên kẹt. Các loại divu, chim cò có thêm trò kiếm, nào thu gom, găm vé, nào chẹt giờ, tạo sóng tâm lý, làm chợ đen thời @…

Đất nước dài, hạ tầng giao thông chưa gánh hết được, trong khi số đông vẫn nặng tâm lý cả năm làm ăn nơi xa, Tết phải về quê, chưa kể hành hương mùa xuân. Khổ cho ngành giao thông căng thẳng, nhân viên dù theo lệnh bỏ hết chơi golf chơi ghiếc, tập trung cho cao điểm công tác, vẫn không đáp ứng được nhu cầu đột biến.

Có khi phải nghĩ khác, làm khác. Tại sao nhất thiết phải về quê dịp Tết? Du lịch lúc nào tiện, hành hương trải ra, đất nước, con người mình, ở đâu cũng là nhà. Thăm thân dịp Tết là quý, nhưng đâu phải là cách duy nhất, dịp duy nhất thể hiện tình cảm gia đình?

Không làm xuể, tại sao không thuê? Mở toang dịp cao điểm, mục tiêu là phục vụ.

Các hãng bay nước ngoài vừa xong mùa Noel chắc cũng có nhu cầu làm thêm, có thể mời đấu thầu, bay đêm ngày một tháng chả hạn? Cầu đến đâu, cung đến đó, thuê thời vụ, kiểu chiến dịch, cưa đứt đục suốt…

Về lâu dài, cứ là ước mơ thôi, làm đường bộ cao tốc rộng, thẳng như đường bay nối Hà Nội – Sài Gòn, sông núi gì bắc cầu, đường hầm hết. Đường đâu chỉ phục vụ về quê dịp Tết, chính là huyết mạch kinh tế, an ninh quốc phòng.

Có đường, tàu hoả cao tốc cặp liền, vài toa thôi, nhưng sáng đi chiều đến hằng ngày. Tàu chợ chuyển sang đi đường biển. Cần gì cỡ tàu to như Hoa Sen, tàu nhỏ lạch bạch chạy ven biển, khắc đi khắc đến là được.

Nhiều nước thế cả. Cách vài trăm cây là bay vèo, máy bay sẵn như xe đò, bình dân như tàu chợ. Các tuyến bay nội địa nhiều nước không cần tiếp viên phải trẻ đẹp, cười nói bi bô như “búp bê bằng bông bên bạn bươm bướm”, mà cần già dặn, kinh nghiệm, chu đáo…

Hàng không vẫn là hàng tương lai. Đang phát triển, rõ là đã phát triển nhiều, nỗ lực, bám đuổi, thành tích to… nhưng cái đích nó có chân, không đợi.

Một thí dụ về chuyện bán vé: đã đuổi kịp năm châu về bề thế, bớt chen lấn, đặt gạch xếp hàng. Đã sánh vai cùng các cường quốc về mở rộng đại lý, mua đâu cũng được, mang đến tận nhà. Đã hiện đại ngang tầm làm vé điện tử…Nhưng bán vé qua mạng như một thứ “hiện đại- hại điện”… vẫn còn phải đeo bám.

Tâm lý, thói quen tiêu dùng của dân, cơ sở hạ tầng đường sá, phương tiện đường bộ, sắt, thuỷ còn đang cổ hủ, trì trệ… rõ là cơ hội còn bỏ ngỏ cho ngành hàng không.

So với đầu tư lớn, lâu vào đường sá, việc cải tiến hệ thống bán vé trên mạng, thuê máy bay làm chiến dịch vận chuyển thời vụ… vẫn là việc nhẹ hơn, dễ hơn, nhanh hơn.

Và nó là bàn đạp để bay lên, bay nhanh, bắt kịp xu thế được nhiều nước nhìn thấy trước: tương lai, hàng không vẫn là thống soái…

Trần Giang Phương


From the same category