Từ câu chuyện bị chồng phản bội trong "VIP": Nữ chính lật mở những góc khuất của câu chuyện ngoại tình - Tạp chí Đẹp

Từ câu chuyện bị chồng phản bội trong “VIP”: Nữ chính lật mở những góc khuất của câu chuyện ngoại tình

Sống

Hé lộ việc Park Sung Joon (Lee Sang Yoon) – chồng của Na Jung Sun (Jang Na Ra) “vụng trộm” ngay từ tập đầu lên sóng, “Vị khách VIP” (VIP) đã khiến giả đứng ngồi không yên. Ngay sau khi biết chuyện, Jung Sun đã gần như phát điên và quyết làm sáng tỏ chân dung người phụ nữ thứ ba. Chính cách cô xử lý và đối mặt với câu chuyện muôn thuở này giúp chúng ta nhận ra rằng: có rất nhiều yếu tố góp phần định hình nỗi đau bị phản bội, vì thế mà trải nghiệm của mỗi người là khác nhau.

“VIP” của nhà đài SBS xoay quanh câu chuyện về đội ngũ quản lý ưu tú các khách hàng VIP tại một trung tâm thương mại lớn. Tại đó, Park Sung Joon (Lee Sang Yoon) là quản lý nhóm đồng thời cũng là chồng của Na Jung Sun (Jang Na Ra).

Sau khi nhận một tin nhắn nặc danh tố chồng mình đang ngoại tình với 1 trong 3 nữ nhân viên xinh đẹp, tài năng trong nhóm, biểu hiện đầu tiên của Na Jung Sun (Jang Na Ra) chính là hết sức bàng hoàng. Cô bắt đầu quan sát từng hành động nhỏ nhất của chồng và các đồng nghiệp để tìm ra người nào khả nghi nhất. Không lâu sau đó, Jung Sun quyết định chất vấn chồng mình trước sự bất ngờ của người xem. Nhưng Sung Joon đã khéo léo thoát khỏi sự nghi ngờ của vợ, khiến cô tin rằng bản thân chỉ đang hồ nghi vô cớ.

Cặp trai tài gái sắc đang gây bão màn ảnh nhỏ của xứ kim chi với drama “VIP” đầy sức hút.

Nhưng trong một lần theo dõi chồng, cô phát hiện anh nói dối và lúc này Sung Joon cũng thừa nhận mình có nhân tình. Anh nói rõ rằng người phụ nữ này không phải là người Jung Sun quen biết. Không muốn mọi chuyện đi quá xa, cũng như không thể tiếp tục sống trong lo lắng, sợ hãi và hoài nghi các đồng nghiệp, Jung Sun muốn chồng tiết lộ danh tính nhân tình. Từ những chi tiết dù là nhỏ nhất trong trường hợp của Na Jung Sun cũng đã đem đến cái nhìn đa chiều và sắc bén hơn xoay quanh câu chuyện ngoại tình.

Sự quyến rũ của ngoại tình

Trong quyển sách “The State of Affairs: Rethingking Infidelity”, chuyên gia tình yêu/nhà trị liệu tâm lý học Esther Perel đã định nghĩa: “Ngoại tình có ít nhất 3 yếu tố sau đây: giấu giếm, có phản ứng tình dục và vương vấn tình cảm”. Mặc dù 90% người được khảo sát đều chỉ trích các mối quan hệ ngoài luồng là sai trái nhưng con số các trường hợp ngoại tình vẫn không ngừng tăng lên. Ước tính, có đến 25%-40% phụ nữ và 50%-60% đàn ông sẽ ngoại tình trong suốt cuộc hôn nhân của họ, 85% cuộc vụng trộm bắt nguồn từ nơi làm việc.

Sau khi chuyện vụng trộm được đưa ra ánh sáng, 65% cuộc hôn nhân sẽ kết thúc, trong khi chỉ có 35% các cặp vợ chồng sẽ tiếp tục nắm tay nhau.

Một trong những động cơ lớn nhất khi một người quyết định ngoại tình là được khám phá bản thể khác của bản thân. “Trong cuộc sống hiện đại, ta luôn hoài nghi rằng ta đang sống sai lầm và dối trá, rằng có một điều cực kỳ quan trọng ta đã đánh mất, đã bỏ lỡ, đã làm ngơ, đã không thử, đã chưa từng khám phá; rằng có một điều gì đó có ý nghĩa sống còn với cuộc đời ta nhưng ta vẫn chưa thực hiện và điều ấy sẽ mất đi mãi mãi nếu ta tiếp tục từ bỏ” – Nhà xã hội học Zygmunt Bauman đã nói về hoài niệm của những cuộc đời ta chưa từng sống. Chính vì quan niệm này, ngoại tình tuy là điều cấm kỵ nhưng lại có sức hấp dẫn lạ kỳ khiến người ta như thiêu thân bất chấp lao vào biển lửa.

Hoàn cảnh kinh tế sẽ ảnh hưởng đến cách đón nhận, trải qua và phản ứng khi bị phản bội

Dù chúng ta đã nghi ngờ và ngầm theo dõi người ấy từ lâu, khi câu chuyện ngoại tình được phơi bày, những sự chuẩn bị tâm lý chúng ta đã xây dựng trước đó vẫn chưa bao giờ là đủ. Tuy thế, nhân vật của Jang Na Ra đã chọn hỏi thẳng chồng về việc ngoại tình, đề nghị anh ta cho cô biết tường tận về nhân tình, đó là một hành động quyết liệt và mạnh mẽ mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng thầm ngưỡng mộ.

Không phải ai cũng có dũng cảm thẳng thắn chất vấn chồng như Na Jung Sun.

Không thể phủ nhận, hoàn cảnh kinh tế sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta đón nhận, trải qua và phản ứng khi bị phản bội. Có một công việc ổn định, sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, chưa ràng buộc về con cái, Jung Sun chẳng có lý do gì phải “nhắm mắt cho qua” khi bạn đời vụng trộm. Ngoại tình đe dọa hạnh phúc lứa đôi, uy hiếp lối sống quen thuộc mà chúng ta từng có. Đó là lý do vì sao một người phụ nữ phụ thuộc nhiều thứ vào chồng sẽ thường có khuynh hướng cam chịu nhiều hơn.

Thời điểm phát hiện bạn đời “vụng trộm” rất quan trọng

Cuộc hôn nhân tưởng chừng luôn hòa thuận ấm êm sụp đổ trong nháy mắt, và những điệp khúc quen thuộc này sẽ vang lên: “Sao anh lại ngoại tình trong lúc em đang mang thai?”, “Sao anh lại có người thứ ba khi chúng ta sắp kỷ niệm 10 năm ngày cưới?”… Dễ thấy, sự phản bội vốn dĩ đã khiến chúng ta chấn thương và thời điểm phát hiện người kia ngoại tình có thể làm ta gục ngã hoàn toàn.

Dù mắt thấy tai nghe biết tin chồng lừa dối nhưng Jung Sun vẫn muốn tin đây không phải sự thật, cô đã nói: “Nếu anh nói không phải thì em sẽ tin”.

Cũng như bao người phụ nữ khác, hơn cả việc hôn nhân đang đối mặt với nguy cơ tan vỡ, điều mà nhân vật Na Jung Sun quan tâm nhất chính là nhân tình của chồng là người quen hay xa lạ. Bởi với nhiều người, sự phản bội của một người bạn thân còn nghiêm trọng hơn bạn đời. Chiều sâu của vết thương lòng tỷ lệ thuận với khoảng thời gian hay mức độ gắn bó của hai người, vì vậy, tuy cảm giác bị phản bội từ ngoại tình là chung, nhưng nỗi đau, sự phục hồi của mỗi người là hoàn toàn khác nhau.

Bị phản bội dẫn đến đánh mất nhận thức về giá trị của bản thân

Dù là người phụ nữ trầm tĩnh, mạnh mẽ đến mấy cũng khó giữ được bình tĩnh khi bị “cơn bão” ngoại tình quét qua. Chúng ta không phải là tình đầu nhưng lại đều muốn tin rằng mình là tình cuối của đối phương. Nói cách khác, việc ngoại tình đổ bể đồng nghĩa đã phá vỡ thế độc tôn: “Em là duy nhất trong lòng anh”. Chúng ta lập tức rơi vào sự hỗn loạn của cảm xúc, từ tức giận, căm phẫn, đau đớn, tự trách mình, xấu hổ đến cay đắng, bẽ bàng, tuyệt vọng.

Chúng ta thường cho rằng tình yêu của mình đặc biệt biết bao nhiêu cho tới khi bị người mình yêu nhất lừa dối.

Những người bị phản bội thường ám ảnh bởi suy nghĩ giá trị của mình bằng không; vì nếu giữ vai trò quan trọng, hay mang ý nghĩa đặc biệt trong lòng bạn đời thì họ đã không nghĩ đến chuyện tìm kiếm một bến bờ hạnh phúc khác. Sau tất cả, điều đau buồn nhất khi bị phản bội là chúng ta đã bị cuỗm mất nhận thức về giá trị của chính mình.

Vụng trộm là một kế hoạch quy mô được xây dựng bằng vô vàn lời nói dối

Điều làm phụ nữ cảm thấy thất bại thảm hại đó là không biết bản thân đã bị lừa gạt trong bao lâu, tấm chân tình từng thề non hẹn biển kia đã đổi thay từ khi nào. Nhà tâm lý học Peter Fraenkel từng mô tả diễn biến tâm lý phức tạp ấy: “Những người phản bội bị kẹt cứng ở hiện tại và bị choáng ngợp bởi sự tiếp diễn của câu chuyện ngoại tình đầy nhức nhối”. Nếu hiện tại đã quá đau khổ và tương lai lại là điều không biết trước, ký ức chính là điểm tựa ngọt ngào duy nhất. Bằng cách thêu dệt lên vô vàn lời nói dối để dựng lên một kế hoạch ngoại tình hoàn hảo, anh ta đã nhẫn tâm chặt đứt con đường trốn chạy cuối cùng của người cùng đầu ấp tay gối. Hỏi làm sao phụ nữ không “phát điên” lên và muốn biết tỏ tường đến từng chi tiết dẫu vẫn buồn đau tột cùng vì bị phản bội?

Những ký ức ngày còn mặn nồng khiến trái tim người bị phản bội càng thêm đau nhói.

Thực hiện: Huyền My Trương

01/12/2019, 07:00