Hai ngày sau khi đến Calcutta, chúng tôi chuyển đến một khách sạn rẻ tiền hơn ở khu Tây ba lô, phố Sudder với những vỉa hè chật kín người, chỗ thì buôn bán, chỗ thì tụ tập bên nồi trà Chai nóng hổi (Chai là loại trà sữa đặc biệt của Ấn Độ, ngon nhất là uống bằng chén gốm). Những người vô gia cư thì tận dụng vỉa hè để dựng lều ăn ngủ, nấu nướng, tắm giặt, vệ sinh, không có một mét nào bị bỏ phí.
Những con phố như Sudder luôn bận rộn từ 4 – 5 giờ sáng cho đến tận khuya, và cứ như vậy 7 ngày trong tuần. Chúng tôi phải thận trọng từng bước khi đi bộ trên con phố này để không ảnh hưởng đến họ. Dưới đường, xe đạp, xe túc túc, xe buýt, tàu điện, taxi cho đến xe kéo tay đều bấm còi inh ỏi và đi như làm xiếc trên đường.
Mỗi lần nhìn thấy phu kéo xe, người thì chân đất, người thì dép rách, nặng nhọc gồng tay kéo chiếc xe nhích đi từng mét, tôi lại có cảm giác thật khó tả.
Đối lập với sự nghèo khổ hiển hiện ở khắp nơi trên đường phố, Calcutta vẫn là một thành phố đang phát triển với những siêu thị điện tử hiện đại, những trung tâm mua sắm cao cấp, tàu điện ngầm, café Starbuck và nhà hàng Mc Dolnald’s.
Đây là lần đầu tiên đến Ấn Độ, nên chúng tôi quyết định không ăn gì khác ngoài đồ ăn Ấn. Ít nhất có 3 nhà hàng ở Calcutta nằm trong top 10 nhà hàng ngon nhất Ấn Độ, và quả thực lần nào chúng tôi cũng ăn đến no nê, một phần vì món ăn rất ngon, và phần vì món nào họ cũng mang ra một tô đầy ụ. Hậu quả tất yếu là đến ngày thứ 4 thì tôi bắt đầu có triệu chứng đi ngoài. Hai ngày liền chạy tới chạy lui giữa cái giường và toilet khiến tôi sụt gần 2kg.
Ngày 2/4
Ở Ấn Độ không một người dân nào không yêu thích môn bóng chày, từ đàn ông ở mọi lứa tuổi cho đến người già, trẻ con, phụ nữ… Với họ, bóng chày như một môn thể thao vua, không khác gì bóng đá so với phần còn lại của thế giới.
Trẻ con, thanh niên chơi bóng chày ở khắp mọi nơi, từ sân cỏ cho đến những con ngõ nhỏ chật hẹp. Chúng tôi có mặt ở Ấn Độ để chứng kiến tình yêu của người dân Ấn Độ dành cho những “Chàng trai mặc áo xanh” – “Men in blue”, đó là tên gọi của đội tuyển bóng chày quốc gia.
Từ 3h chiều con phố chật cứng người ở Sudder đã thưa hẳn đi, người ta tụ tập trong các quán trà Chai, quán café để theo dõi trận đấu. Hàng chục cái đầu cùng nhìn vào cái màn hình ti vi 14 inch bé tí, chừng ấy thôi cũng đủ hiểu bóng chày quan trọng với họ như thế nào.
Sau 8 tiếng thi đấu không nghỉ, Ấn Độ đã chiến thắng và giành chiếc cúp Thế giới thứ 2 trong lịch sử bóng chày của họ. Calcutta đã vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, tiếng pháo hoa xen lẫn tiếng reo hò của người hâm mộ. Từ mọi ngóc ngách, người ta đổ ra đường, ai đi qua chúng tôi cũng nói “Happy New year!” hay “Happy birthday!”… Đó là một đêm không ngủ với người dân Ấn Độ, và đối với cả những người mới đến như chúng tôi.
Ngày 4/4
Chúng tôi yêu thành phố này, bởi bất kể khi nào cần một sự giúp đỡ, chúng tôi đều gặp được những con người nhiệt thành và mến khách.
Đó là Arshish, ca sĩ trong một ban nhạc rock nghiệp dư, người đã reo lên khi biết về hành trình của chúng tôi: “Thật tuyệt vời! Guim… anh đang làm một điều có ích cho thế giới… ”, người đã không ngần ngại ngày đêm giúp chúng tôi tìm thợ làm cái khung cho xe kéo.
Đó là Dilip, một nghệ nhân thủ công, người đã say sưa làm cho chúng tôi một cái xe kéo mới với độ hoàn hảo đến khó tin.
Đó là Gautam Schroff, một doanh nhân giàu có nhưng chỉ có một sở thích duy nhất là đi xe đạp vòng quanh thành phố vào mỗi sáng sớm, và đã thành lập một câu lạc bộ những người đi xe đạp tại Calcutta. Và dù chúng tôi có đạp xe đến bất cứ đâu trong đất nước Ấn Độ, anh cũng ngỏ ý giúp đỡ mỗi khi chúng tôi cần.
Đó là David, một nhiếp ảnh gia Canada, người luôn nở nụ cười thật tươi và luôn sẵn sàng bấm máy. Đó là Anna, một phụ nữ Tây Ban Nha, người đã dành 7 năm sống ở Ấn Độ để giúp đỡ những người dân nghèo trong khu ổ chuột có một điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn.
Và còn rất nhiều những con người như vậy tại Calcutta khiến cho chúng tôi quên đi mình là người đang đi du lịch và có cảm giác được là một phần của thành phố này.
Ngày 10/4
Chúng tôi quyết định lên đường đi tiếp lên phía Bắc, hướng về thủ đô Delhi. Hôm nay là một ngày đẹp trời. Chúng tôi dậy từ 5h sáng, chuẩn bị hành lý và đến điểm hẹn gặp David, Gautam và 3 người nữa trong câu lạc bộ xe đạp của anh. Họ quyết định sẽ đạp xe tiễn chúng tôi ra khỏi thành phố.
Tám người chúng tôi thong dong qua những con phố của Calcutta, sự vắng vẻ và yên tĩnh của buổi sớm giúp chúng tôi khám phá một Calcutta quyến rũ, và bình yên trong sự pha trộn hoàn hảo giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây trên từng góc phố.
Chúng tôi ghé vào khu chợ Tàu để ăn há cảo của một quán ăn nhỏ góc phố. Vị mằn mặn, bùi bùi của món há cảo Trung Quốc khiến tôi thèm đến cháy ruột một tô phở Lý Quốc Sư. Vừa cầm đĩa há cảo vừa trò chuyện giữa phố, chúng tôi đã thu hút sự quan tâm của mọi người. Chỉ chưa đầy 5 phút sau, cả con phố đổ xô đến vây quanh 8 người chúng tôi và họ đặc biệt tò mò về chiếc xe kéo.
Chúng tôi tiếp tục lên đường để ra khỏi thành phố trước khi nhịp sống náo nhiệt hàng ngày trở lại. Mọi thứ đang thuận lợi, bỗng nhiên chiếc xe kéo mới của Guim bị đứt rời khỏi chiếc xe đạp. Tất cả ngơ ngác không biết liệu có phải quay lại thành phố hay không? Cũng may là chỉ hơn 1 giờ sau, Guim đã khắc phục được sự cố này, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy mình phải bỏ bớt hành lý lại nếu như không muốn tiếp tục gặp trục trặc.
Đó là một khoảnh khắc rất cảm động khi mỗi người nhận một đồ vật của chúng tôi và xem đó như một món quà kỷ niệm, người thì giữ cái lều, người thì cầm quyển sách, còn David thì nhận cái máy ảnh cũ để đưa cho những trẻ em trong dự án “Ánh mắt trẻ thơ” tại khu ổ chuột.
Vậy là chúng tôi đã bớt đi được ít kí lô trong hành lý của mình, tuy nhiên hành trình của chúng tôi lại đầy thêm tình cảm của những người bạn tại Calcutta.
Ngày 16/4
Chúng tôi đã vượt qua hơn 700 cây số, cái nắng nóng gắt đến 45 độ khiến chúng tôi phải thường xuyên dậy sớm từ
4h sáng và lên đường trước lúc mặt trời mọc. Bảy ngày trôi qua không có gì đặc biệt ngoài cái nóng điên cuồng và những vòng quay hối hả. Cuối cùng thì chúng tôi đến được thánh địa Varanasi. Với khoảng 3000 năm tuổi, được biết đến với tên gọi cũ Kashi, có nghĩa là “Thành phố của sự sống” nhưng Varanasi lại là nơi mà người Hindu đến để được chết.
Trong nghi lễ tiễn đưa, thi thể được nhúng xuống nước sông, như một nghi thức gột rửa tâm linh trước khi đặt lên giàn thiêu. Mỗi cuộc hỏa táng kéo dài khoảng 3 – 4h đồng hồ, tro của họ sau đó sẽ được rải xuống sông Hằng, và như thế là họ được siêu thoát.
Tuy nhiên, chỉ có ai chết theo cách tự nhiên mới hỏa táng, còn nếu bị chết vì bị ngộ độc, như bị rắn hổ mang cắn, hoặc phụ nữ đang mang thai, trẻ em dưới 12 tuổi, người bị bệnh phong, thì khi mất, người ta sẽ buộc đá vào chân và thả xuống lòng sông, vì họ là những linh hồn vô tội và không cần hóa phép bằng ngọn lửa.
Người ta nói rằng để làm trong sạch nước sông, những kiểu thủy táng như vậy không còn nữa, tuy nhiên, tôi đã nghẹn ngào khi chứng kiến 2 thi thể, một người lớn, một trẻ con được dìm xuống đáy sông vào một buổi chiều tối.
Mỗi ngày con sông Hằng chứng kiến khoảng 200 cuộc hỏa táng như vậy, và thu nhận vào trong lòng nó lời cầu nguyện của hàng ngàn người mộ đạo khác. Mỗi sớm bình minh, hàng chục nghìn người có mặt tại bờ sông thực hiện nghi lễ tắm thánh và thả hoa đăng để cầu xin điều tốt lành.
Từng nhóm phụ nữ giặt những dải lụa đầy màu sắc trước khi trải ra phơi trên những bậc thềm đá, cách đó không xa là đàn trâu đầm mình trong làn nước mát, còn những người bán Chai nhóm lửa chuẩn bị cho một ngày bán hàng. Bên trên những chiếu nghỉ, các thầy tu lặng lẽ luyện yoga trong lời mời gọi khách du lịch của các lái thuyền lẫn với tiếng chuông cầu nguyện và bài kinh sớm của người Bà la môn.
Một ngày mới bắt đầu ở Varanasi, nơi cuộc sống và cái chết lại khởi động vòng quay bất tận của nó bên bờ sông Mẹ vĩ đại.
Ngày 2/5
Chúng tôi rời Varanasi với bao ngỡ ngàng về một vùng đất đầy tâm linh, và tiếp tục đi đến Sarnath – nơi Đức Phật lần đầu tiên siêu thoát, để tham gia một khóa thiền trong 10 ngày tại một trong những tu viện cổ kính và lớn nhất của Ấn Độ.
Trong 10 ngày, chúng tôi sẽ hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, không giao tiếp với ai dưới bất kỳ hình thức nào, bằng ngôn ngữ, cử chỉ hay ánh mắt, không mang theo bất kỳ vật dụng nào bên người, chúng tôi chỉ làm một việc duy nhất đó là thiền, 15 tiếng mỗi ngày, để đạt được sự thấu hiểu bản thân, và hiểu được bản chất của mọi sự vận động, những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc đời của mỗi cá nhân.
Đây là khóa thực hành thiền mà Đức Phật Thích Ca đã trải qua và được truyền dạy suốt hơn 2500 năm tại Ấn Độ. Dù biết rằng sẽ rất khó khăn cả về thể xác và tinh thần, nhưng tôi rất phấn khích cho trải nghiệm mới này. Chỉ còn vài giờ nữa thôi tôi sẽ bước vào cuộc sống thiền viện. Và đồng hồ đang nhích dần từng kim, tích tắc, tích tắc…