Truyền hình thực tế Việt: Hết sức bình tĩnh!

Truyền hình thực tế, một loại hình đã phổ biến khá lâu tại các nước Tây phương, ở nước mình còn quá mới mẻ. Mà thực ra, dân mình mau chán hơn dân Tây, tâm lý người mình có khi chưa kịp quen đã … quên. Vì thế, làm truyền hình cho người Việt không chỉ và không thể dừng ở chỗ học format nước ngoài; làm truyền hình xứ nhà là làm cho đối tượng từ bảy tuổi đến bảy mươi. Làm truyền hình xứ mình là phải biết chấp nhận cảm xúc nắng mưa của khán giả, phải chịu đựng không chỉ những gian khó nội tại của công việc mà còn phải chịu – cắm mặt mà chịu các dư luận trái chiều, khi thì bất cập lúc lại thái quá.

Bảo thân tôi không mê truyền hình thực tế, dù cho công việc bắt buộc phải theo dõi, tìm hiểu, cũng như bản thân tôi không mê nhạc Jazz mà vẫn phải học để làm được. Xem chương trình ngoại quốc đã đành, xem để biết format này là như thế này, format kia có đặc thù gì – tuy nhiên, áp dụng vào thực tế Việt Nam cũng phải biết chấp nhận thay đổi nhiều khuôn mẫu, nhanh  nhạy xoay chuyển sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Truyền hình thực tế là một hệ thống công việc không đơn giản chút nào.

 

Tôi đã thử ngồi ghế giám khảo chương trình Bước Nhảy Hoàn Vũ (theo format gốc Dancing with the Stars), thử theo dõi chương trình Cặp Đôi Hoàn Hảo (từ format Just the Two of Us), thì điều tôi nhận thấy rõ nhất là khán giả đã có sẵn một khuôn mẫu trong đầu (khuôn mẫu này có thể lấy từ bản gốc, cũng có thể chỉ là tưởng tượng hoặc mong mỏi) và dùng khuôn ấy, thước đo ấy đánh giá thực tế. Việc này đôi khi có thể nguy hiểm: sẵn định kiến, khán giả không còn kiên nhẫn và thiếu đi sự cởi mở cần thiết cho việc đón nhận chương trình. Rất dễ sinh ra các sản phẩm kiểu như tôi tưởng thế nào, hóa ra chỉ thế này thôi à, kiểu trời ơi sao Tây họ làm duyên thế kia mà mình chán vậy. Mà thôi, làm sao bắt khán giả phải kiên nhẫn, phải độ lượng, phải giàu cảm thông. Chỉ có cách bình tĩnh mà tiếp tục làm, rồi một ngày đẹp trời (có thể còn rất xa) ta đạt được tính ổn định, bản sắc và sự hấp dẫn rất riêng của cái gọi là truyền-hình-thực-tế-Việt. Chứ làm sao bây giờ nữa!

Làm sao bây giờ, khi văn hóa ta chẳng giống gì với văn hóa Tây, thái độ và cung cách hành xử trước đám đông khác xa, lời nói đùa kiểu Tây thì người mình chê nhạt, nói đùa kiểu ta thì thành bỗ bã, cười cợt, giỡn hớt. Làm sao bây giờ, khi các thí sinh Việt chưa quen với giao tiếp đám đông, chưa quen làm người nổi tiếng, và ngay cả sức khỏe cũng không bì được với Tây, mỗi vòng thi là một áp lực. Làm sao bây giờ, khi âm thanh ánh sáng và các thiết bị kỹ thuật khác chưa đúng tiêu chuẩn cho show diễn, các sân khấu chưa thực sự thích hợp với các điệu nhảy; và làm sao bây giờ nếu thí sinh (đa số) chưa có ý thức đúng đắn, nghiêm túc về chính cuộc thi mà họ tham gia. Rất nhiều, rất nhiều điều chúng ta phải vượt qua, phải điều chỉnh.

Bởi vậy hãy bình tĩnh.

Format nào không hấp dẫn nữa, sẽ tự động chết mà chẳng cần “thảm họa”, scandal nào. Format nào gây được nhiều sự thú vị sẽ tồn tại thêm ít năm (tôi không dám chắc có tồn tại đủ lâu để thành một thứ tiêu chuẩn Việt hay không) và trong những năm ấy, vừa làm vừa sửa. Thì hầu hết các chuyện xứ mình đều vừa làm vừa sửa đấy thôi. Sửa cho đến khi nào có đươc dung mạo riêng, cá tính riêng, trưởng thành. Nếu may mắn, thì được vậy, kém may mắn hơn, thì biến mất.

Các format cải biên (Việt hóa), đụng phải một vấn nạn gay cấn nữa, là lượng bài hát/nhạc Việt không đủ làm vốn liếng, mà show truyền hình thực tế thì ai cũng biết, âm nhạc chính là cột sống. Thiếu bài Việt, chương trình phải dùng bài ngoại quốc – thế là nảy sinh một bất cập mới: thi Giọng hát Việt mà toàn hát bài Tây, mà người Việt hát nhạc Tây thì không nói cũng biết, rất dở.

 

Về scandal, tôi không rõ lắm, nhưng hẳn các nhà tổ chức chương trình không nhiều thì giờ đến mức đi sản xuất scandal. Scandal tự nó mọc lên, sinh ra, và báo giới thổi phồng thêm mấy lần. Scandal kể ra cũng có vài hiệu ứng tốt: lôi kéo sự quan tâm của đám đông. Scandal, xét ở góc độ showbiz (nhất là showbiz còn quá non trẻ như của mình), đâu có gì đáng quan ngại cho lắm. Bản thân scandal không đánh bóng tên tuổi được đâu, mọi người cứ yên tâm. Không có thực tài, không ý thức đúng đắn về nghề nghiệp, chỉ dựa vào scandal thì giống như tự mình nắm tóc kéo mình lên. Báo giới thì khá cả tin, và trong nhiều trường hợp, soi mói quá đáng. Đương đầu với riêng công việc thôi, đã nhọc nhằn rồi; đằng này còn phải đương đầu với cả báo giới … Thế mới biết càng phải tập bình tĩnh. Những người làm chương trình phải có cái đầu thép.

Trong các chương trình ngoại quốc tôi theo dõi, Idol đã cũ kỹ, kém hấp dẫn lắm rồi. Bước Nhảy Hoàn Vũ nếu không có nhạc mục tốt, sẽ trùng lặp với các mùa trước, gây nhàm chán; và không phải năm nào cũng có thí sinh thực sự mê và có khiếu khiêu vũ. The Voice (Giọng hát Việt) và Cặp Đôi Hoàn Hảo mới mùa đầu, rất khó nói. Got Talent vui vui, nhưng lại có vẻ kịch, từ thí sinh đến giám khảo như đang cố gắng tròn vai. Truyền hình thực tế mà thiếu thực tế, mất vui. Thực tế quá, thì rờm rà nhưng không ngăn nắp, mất đi sự mực thước. Thôi, cứ bình tĩnh mà chờ như người làm vườn chờ mầm nảy thành cây. Không nóng vội được.

NS. Quốc Bảo (theo Sành điệu)

* Mời các bạn đón đọc các bài viết tiếp theo trong Chuyên đề “Truyền hình thực tế: Đũa thân đã hết nhiệm màu”


From the same category