Và, tiếc thay công thức đó lại là những gì phi nghệ thuật nhất: mâu thuẫn hậu trường giữa các thí sinh, giám khảo miệt thị thí sinh, xoáy vào những thí sinh bất thường, v…v…
“Đặc sản”: Thí sinh đặc biệt
Một trong những điều đầu tiên mà gần như bất cứu chương trình THTT nào cũng phải có, là tìm cho ra một thí sinh “đỉnh” có sức lôi kéo truyền thông vào cuộc, bất kể là vào cuộc để mắng hay để khen. Tại Vietnam’s Next Top Model (VNTM) 2011, đó là Lê Phương bởi cô có một “hoàn cảnh” không quen mắt để tham gia vào showbiz: có chồng. Suốt mùa, luôn luôn có hai luồng ý kiến dành cho thí sinh này, người thì ủng hộ vì muốn được nhìn thấy một thí sinh có thể vượt qua “nghịch cảnh”, kẻ phản đối vì cho rằng không thể chỉ dựa vào khát khao vươn đến ước mơ để cho điểm, bởi đây không phải là một cuộc thi về ý chí mà về trình diện, về cơ thể đẹp – điều mà Lê Phương thiếu. Thế nhưng, càng gây ra tranh cãi, Lê Phương càng vào sâu các đêm thi.
Một thí sinh được chú ý vì “hoàn cảnh đặc biệt” khác là Hương Giang của Vietnam Idol (VI) 2012. Quá trình chuyển biến từ một chàng trai Nguyễn Ngọc HIếu trở thành cô gái Nguyễn Hương Giang của thí sinh này được tận dụng khá triệt để. Hiện cô cũng đang tạo ra hai luồng dư luận: một bên là ủng hộ vì “nghịch cảnh” của cô, một bên phản đói vì cho rằng cô không thể cứ “ăn mày” sự thương cảm của mọi người mãi. Nhưng, cũng như Lê Phương, khi bao thí sinh khác phải rời bỏ cuộc thi thì trường hợp cá biệt này vẫn đều đều vào vòng trong.
Một thí sinh đặc biệt khác không thể không nhắc tới là Nguyễn Quỳnh Anh của Vietnam’s Got Talent (VGT) 2011. Sự tự tin thái quá của người nhà đã khiến cô trở thành miếng mồi ngon cho chiêu trò của cái gọi là “thực tế”. Quỳnh Anh đã cứu cho VGT một bàn thua trông thấy khi trước đó, cái được nhìn thấy ở chương trình này chỉ là những màn sơn đông mãi võ.
Thực tế, chỉ cần để ý một chút sẽ thấy, dù được xem là trọng tâm, có vai trò khá lớn cho việc khuấy động dư luận của chương trình, nhưng các thí sinh đặc biệt này chẳng bao giờ được đi đến cuối chương trình. Khi sự khuấy động đủ để tạo ra một lượng người xem ổn định, “sứ mệnh” của thí sinh đó cũng xem như hoàn thành. Và, bởi họ không ở lại cuộc thi vì tài năng, nên chẳng bao giờ họ đoạt giải. Công thức đó sẽ vẫn mãi là công thức không thể thiếu.
Dĩ nhiên, những câu chuyện hậu trường thiên về mâu thuẫn hoặc nước mắt cũng là một “đặc sản” không thể thiếu của THTT, dù đôi khi câu chuyện đó được tô vẽ đến mức bỏ xa thực tế. Việc giành chỗ ngủ của nhau tại VNTM 2012, việc tố cáo nhau như trường hợp Đăng Khoa và Quốc Anh của VI 2010, việc nhớ chồng đến mức khóc sướt mướt bên điện thoại của Lê Phương, hay việc một cô bé 17 tuổi Hương Tràm một thân một mình xa nhà đi thi The Voice … đều được tô đậm như diểm nhấn, mà dĩ nhiên, mục đích cuối cùng vẫn là tác động cảm xúc của người xem, bất kể đó là cảm xúc yêu thương hay giận dữ.
Giám khảo: “Nguy hiểm” bằng miệng
Và, một trong những công thức không thể thiếu nữa của THTT là giám khảo. Gần như, phải làm quá lên thì mới là bản chất thật của THTT, dù đó là với những người ngồi ghế nóng. Nếu như tại The Voice khán giả phải nghe những lời khen “trên mây”, như thể đang nói về thiên tài thế giới của các huấn luyện viên, thì tại VNTM, đó là những lời nhận xét nặng nề đến mức miệt thị. Thậm chí, giám khảo Xuân Lan còn biểu thị bằng thái độ khi phẩy tay và xua đuổi: “Em đi ra ngoài đi, tôi không muốn nhìn thấy em nữa” khi thí sinh thực hiện chưa tốt phần thử thách của mình. Tệ hại hơn, khi hướng dẫn thí sinh chụp ảnh, giám khảo Nam Trung còn giễu cợt rằng “em nhặt lá đi, đá ống bơ đi”!
Suốt mùa giải The Voice, khán giả đã chứng kiến nhiều quyết định, chọn lựa hết sức vô lý. Trong đó, bị chỉ trích nặng nề nhất là trường hợp của Trần Lập và Bảo Anh. Trong khi đó, vài trò huấn luyện viên của Hồ Ngọc Hà chỉ thể hiện ở việc ngồi đệm đàn piano cho thí sinh, còn Đàm Vĩnh Hưng thì chỉ đưa ra nhiều lời khuyên sáo rỗng. Ở Bước Nhảy Hoàn Vũ, giám khảo Chí Anh nhiều lần chê thí sinh nhưng rồi lại cho điểm cao ngất.
Gây hoang mang về nhận định nhất là dàn giám khảo ở VNTM, khi ở tập 11 họ loại đi một thí sinh, thì đến tập 13 họ lại gọi thí sinh đó lại. Có lẽ, đây cũng là trường hợp hy hữu nhất, cá biệt nhất không chỉ với phiên bản Next Top Model trên nhiều nước, mà còn với bất kỳ sân chơi mang tính thi thố nào. Lý do để người mẫu Xuân Lan, nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường và chuyên viên trang điểm Nam Trung “đặc cách” cho thí sinh Nguyễn Ngân tiếp tục thi thố là vì Nguyễn Ngân đã cùng 6 thí sinh khác casting một số chương trình tại Mỹ, và dù sau đó bị loại, nhưng cô lại là người duy nhất được nhà thiết kế nổi tiến Zang Toi chọn để trình diễn trong show của mình. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực lẫn quyết định của giám khảo. Bởi, sàn diễn thế giới là mục tiêu lớn nhất để giám khảo chọn ra người thắng cuộc nhưng rốt cuộc thí sinh mà giám khảo loại thì được chọn còn thí sinh giám khảo chọn thì bị loại. Tiếp theo sau, việc gọi Nguyễn Ngân về ở tập 13 liệu có là công bằng cho các thí sinh khác?
Một khi chỉ chăm chăm tạo scandal, chăm chăm sử dụng những công thức sao mòn, đến một lúc nào đó THTT sẽ giết chết chính mình. Lòng tin vốn là một thứ được gây dựng có điều kiện, và điều kiện đó chính là sự trung thực. Thực tế, không ít nhà sản xuất xem THTT chỉ đơn giản là một phi vụ kinh doanh. Điều đó không có gì sai, nhưng giá đừng khoác nó bằng chiếc áo nghệ thuật thì có lẽ sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn.
Đại Phương (theo Sành điệu)
Mời các bạn đón đọc các bài viết trong Chuyên đề “Truyền hình thực tế: Đũa thân đã hết nhiệm màu”