Khán giả từ háo hức, yêu thích đến quay lưng
Về bản chất, Truyền hình thực tế được định nghĩa là dạng chương trình chân thực và hấp dẫn với những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện không hề sắp đặt trước trong kịch bản. Chính vì thế những gì diễn ra là hoàn toàn tự nhiên, từ cảm xúc cho tới bối cảnh. Và vì điều này, nó mang lại luồng gió mới thay thế cho các chương trình thiếu sáng tạo và một màu tồn tại bao năm nay. Nên khán giả háo hức đón nhận với tất cả sự yêu mến và tò mò về dạng chương trình này.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra gần đây ở hàng loạt các chương trình đã khiến họ vỡ mộng. Trên thực tế, nói là không có kịch bản, không có sắp xếp nhưng những vụ lùm xùm diễn ra trong hàng loạt các chương trình vừa qua đã khiến cho người ta hiểu rằng thực tế không phải như vậy. Mọi thứ diễn ra có kịch bản, thậm chí kịch bản được dàn dựng một cách chuyên nghiệp và chặt chẽ đến từng milimet. Chỉ có điều, càng sắp xếp, càng tỉ mỉ lại càng dễ lộ ra những sơ hở, bởi sự sắp đặt này nhiều khi vì toan tính nên lại bị tác dụng ngược. Những sắp xếp và tiêu cực bị phanh phui bởi chính những người trong cuộc đã khiến khán giả ngỡ ngàng và thất vọng. Ví dụ điển hình như The Voice, Bước nhảy hoàn vũ.
Ở đời này, mọi thứ người ta đều có thể tha thứ nhưng cái khó tha thứ nhất, dễ khiến người ta thất vọng nhất chính là cảm giác bị lừa dối. Lừa dối một cách bài bản và chuyên nghiệp thì quả thật thất vọng lớn hơn rất nhiều, khó cảm thông hơn rất nhiều. Nhưng đây lại là điều tồn tại nhiều nhất, nan giải nhất trong các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.
Tính công bằng, sự trong sáng của cả người chơi lẫn người cầm trịch luôn là điều người ta nói đến nhiều nhất sau mỗi chương trình. Bởi nhiều khi người thắng cuộc, tài năng được lựa chọn đôi khi không cùng tông với khán giả. Nên sau mỗi cuộc thi, niềm vui của người nào đó luôn tồn tại với những lời ì xèo mua bán nọ kia.
Sân khấu này đã từng khiến bao con tim thổn thức, nhưng cũng chính nó khiến họ phải vỡ òa vì những điều tiếng chẳng hay ho
Thực tế không phải BTC, nhà đầu tư không biết điều này, tuy nhiên chính những scandal đôi khi lại được tạo dựng bởi chính họ. Vì thế mặc kệ cho phản đối, người ta vẫn cứ hành động miễn sao câu được sự chú ý của người xem.
Người trong cuộc, nghệ sĩ nói gì?
Không phải tự nhiên mà những người có máu mặt trong giới nghệ thuật lại thốt ra những câu đại loại như “chỉ nên xem truyền hình thực tế là trò vui trước khi đi ngủ” – Nhạc sĩ Tuấn Khanh. Hay Quốc Bảo, người được “dụ dỗ” ngon ngọt khi ngồi vào ghế nóng của một chương trình truyền hình thực tế cũng cay đắng khi nói rằng “Truyền hình thực tế chỉ là công cụ để nhà sản xuất kiếm tiền”.
Có những chương trình, người tham gia không chỉ là công chúng mà đối tượng là các nghệ sĩ. Những chương trình này thường thu hút rất nhiều người xem, bởi hiệu ứng thần tượng chính là điều khiến nó được chú ý, như Cặp đôi hoàn hảo hay Bước nhảy hoàn vũ. Tuy nhiên, không phải hết chương trình là “Cơm lành canh ngọt”, như trường hợp của ca sĩ Phương Thanh là một ví dụ. Sau chương trình BNHV, Phương Thanh được rất nhiều khán giả yêu quý, họ cảm nhận được sự lột xác của chị bởi hình ảnh một Phương Thanh xù xì giờ nhờ chương trình đã trở nên dịu dàng và quyến rũ hơn. Và lẽ ra vì những điều này, chị Chanh phải nói lời cảm ơn chương trình đã giúp mình thay đổi, thì không, chị lại lên tiếng tố cáo sự trung thực của BTC về việc nhập nhèm tin nhắn, cố tình tạo scandal để gây chú ý sau vụ chị và Anh Thư được coi như quân cờ của BTC. Thậm chí còn tẩy chay những chương trình dạng này bằng phát ngôn sẽ không bao giờ quay lại tham gia các chương trình truyền hình thực tế. Gay gắt hơn, Phương Thanh còn kêu gọi khán giả, fan hâm mộ của mình là đừng bao giờ tin và mất tiền vào những chương trình dạng này.
Tuấn Khanh cho rằng hãy coi các chương trình truyền hình thực tế như để giải trí trước khi đi ngủ, đừng kỳ vọng quá nhiều để rồi thất vọng quá lớn
Hay ở những chương trình với nhiều scandal vây quanh như The Voice, Vietnam Idol… nhạc sĩ Quốc Bảo cũng cho rằng “Ngày trước, khi Vietnam Idol mùa đầu tiên khởi động, tôi có tham dự các cuộc họp với thiện chí đóng góp cho họ rất nhiều, thậm chí góp ý cho các thí sinh. Nhưng về sau, tôi nhận ra mình là kẻ vô cùng ngây ngô, vì đó không phải là cuộc chơi của những khả năng mà là cuộc chơi của những trò nhăng nhít, phô trương, thậm chí hơi rẻ tiền, làm sao càng quái dị càng gây ấn tượng. Dần dà tôi nhận ra chẳng nên khuyên. Tôi cũng quen với nhiều ban tổ chức của các cuộc thi, nhưng tôi nghĩ thôi cứ để cho họ làm. Thực tế sản xuất chương trình sẽ làm cho họ tự kiểm nghiệm, đôi khi họ sẽ tự mắc vào những cái bẫy truyền thông do chính họ giăng ra. Toàn những trò scandal vớ vẩn”.
Quốc Bảo cho rằng truyền hình thực tế chỉ là cái cần câu để nhà sản xuất kiếm tiền, đừng mơ chuyện tìm kiếm nhân tài ở đây
Xin mượn câu chuyện của nhạc sĩ Tuấn Khanh, người trực tiếp tham gia một cuộc thi với vai trò giám khảo để kết cho bài viết này về một góc nhìn của công chúng và nghệ sĩ đang dành cho Truyền hình thực tế: “Có một lần, tôi chứng kiến một thí sinh có giọng hát rất hay, nhưng hay hát những bài hát khó nghe nên điểm số cứ chập chờn. Vì vậy, tôi chủ động tìm gặp và đề nghị em đó hát một bài khác. Ngần ngại mãi rồi em đó cũng đồng ý. Bất ngờ là điểm số của em ngay sau bài hát đó cao vụt lên. Thế nhưng sau buổi thi, huấn luyện viên của em ấy gặp tôi đã quát lên như kẻ thù. Mãi sau này, tôi mới biết rằng thí sinh đó bị buộc phải hát những bài không hợp với mình, để không cạnh tranh với “gà” chính của ban tổ chức. Chuyện đó chỉ là một trong vô vàn những thủ thuật mà tôi đã gặp. Biết mình không thể làm gì khác hơn, tôi lựa chọn cách rời khỏi những nơi chốn ấy”.
Phương Thanh, người lột xác hoàn toàn sau một game show truyền hình thực tế lại tuyên bố tẩy chay chương trình dạng này vì những khuất tất của BTC
Võ Tòng/