Chất lượng thí sinh quan trọng, nhưng không phải là điều cốt yếu
Chính xác là như vậy. Nhiều người lầm tưởng, chất lượng thí sinh là điều cốt lõi của một chương trình THTT tìm kiếm tài năng. Có thể nói, tài năng không đủ để mỗi năm có thể cho ra lò hàng chục ngôi sao giải trí.
Những ca sĩ bước ra từ các chương trình THTT tìm được chỗ đứng trong làng giải trí không nhiều, có thể kể tên như Tùng Dương từ cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, Uyên Linh và Văn Mai Hương – hai ngôi sao sáng mà sân chơi Thần tượng âm nhạc Việt Nam tìm được, hay Hương Tràm – giọng ca tài năng được phát lộ sau cuộc thi Giọng hát Việt.
Ở cuộc thi Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model), thì sau 7 năm lên sóng, những gương mặt còn được nhắc đến trên sàn catwalk chỉ có Trang Khiếu, Hoàng Thùy, Mâu Thanh Thủy, Lê Thúy. Những cái tên khác như Mai Giang, Quang Hùng, Hương Ly, Ngọc Châu… đều không có hoạt động gì nổi bật.
Đó quả là những con số khiêm tốn so với số lượng các chương trình truyền hình thực tế phát đều đặn mỗi năm. Rõ ràng tài năng và chất lượng đầu ra trồi sụt mỗi mùa không phải là điều cốt yếu. Vậy thì các chương trình THTT duy trì được là nhờ đâu? Xin thưa, đó chính là khán giả. Tỉ lệ rating (số người theo dõi chương trình) sẽ quyết định sự đồng hành của nhà tài trợ, đồng nghĩa với nguồn thu của nhà sản xuất và lợi nhuận của nhà đài. Vậy điều gì sẽ thu hút khán giả? Rất tiếc, câu trả lời là scandal.
Ganh đua, chèn ép và cãi nhau từ sóng truyền hình đến trang mạng cá nhân
Chiêu thức này bắt đầu có từ khi chương trình Gương mặt thương hiệu (The Face) du nhập vào Việt Nam. Còn nhớ năm ngoái, bộ ba huấn luyện viên Hồ Ngọc Hà – Lan Khuê – Phạm Hương đã gây bão cộng đồng mạng bằng những phát ngôn làm nóng mặt nhau trên ghế nóng. Ai cũng muốn chứng tỏ uy quyền của mình, để rồi chất lượng thí sinh – những người họ đào tạo – lại trở thành thứ yếu. Và đương nhiên, thí sinh bước ra từ The Face không mấy ai nổi lên như một người mẫu chuyên nghiệp, có chăng trở thành gương mặt đại diện cho thương hiệu tài trợ trong một năm sau đó, theo như hợp đồng.
Năm nay, đến hẹn lại lên, nhà sản xuất tiếp tục sử dụng công thức này cho mùa giải mới. Người ta thấy, huấn luyện viên – người mẫu Hoàng Thùy “gồng” mình trên tất cả các mặt trận, từ chuyện tuyên bố “giọng quê mới đỉnh”, tới vụ cãi nhau lùm xùm với người mẫu Kim Nhung… Cư dân mạng dậy sóng, báo chí vào cuộc. Cứ thế những scandal được lan truyền trong sự hoan hỉ của nhà sản xuất.
Ở một mặt trận khác, chương trình Tìm kiếm Người mẫu Việt Nam 2017 (một phiên bản của All Stars) với thí sinh là các người mẫu chuyên nghiệp, dù mới lên sóng những tập đầu tiên, song những màn đấu khẩu qua lại giữa các thí sinh đã gây nóng mạng xã hội.
Khác với chiêu sử dụng scandal thì lấy nước mắt người xem, từ trước đến nay, cũng là một công thức hiệu quả không kém. Mở ti vi, dễ dàng thấy bất kỳ chương trình truyền hình thực tế nào cũng có màn chia tay đẫm lệ, đó là chưa kể đến việc khai thác sâu thân phận, hoàn cảnh của thí sinh. Khán giả hẳn vẫn nhớ cuộc sống nghèo khó của Quán quân Thần tượng âm nhạc nhí 2016 Hồ Văn Cường, hay mới đây nhất là câu chuyện gây nhiều tranh cãi về ông bố đi hát kiếm tiền nuôi hai cậu con trai khuyết tật trong chương trình Hát mãi ước mơ.
Càng ồn ào… càng nhiều tiền
Các màn đấu khẩu trong và bên lề chương trình càng ồn ào, mạng xã hội và các trang báo online càng đưa tin thì tỉ lệ rating của chương trình càng tăng cao. Theo đó, các nhà sản xuất càng dễ chào mời tài trợ hơn. Và khi chương trình được đảm bảo bằng hợp đồng thương mại, thì nhà sản xuất càng có điều kiện đầu tư mạnh tay cho tiếp thị, tiếp tục đẩy kịch tính của chương trình lên cao hơn. Đó là vòng luẩn quẩn mà các chương trình THTT đang vận hành.
Những màn làm màu hơi quá trong các chương trình khiến không ít thí sinh, hay thậm chí huấn luyện viên phải tìm cách thanh minh về phần thể hiện của mình trên trang facebook cá nhân, rằng đã bị cắt gọt ít nhiều theo ý đồ của nhà sản xuất. Đây thực ra là “mồi câu” của nhà sản xuất, giúp “tạo sóng” dư luận. Đó là canh bạc mà các thí sinh và huấn luyện viên đều hiểu rõ “vai” và nhiệm vụ của mình khi đặt bút ký tham gia chương trình.
Hầu hết các chương trình THTT đang phát sóng đều được sản xuất theo format (định dạng) có sẵn, nghĩa là những cao trào tranh cãi, những màn ganh đua nảy lửa hay lâm li đầy nước mắt cũng nằm sẵn trong kịch bản, khác chăng chỉ là câu chuyện và nhân vật mà thôi. Âu đó cũng là xu thế khó tránh khỏi. Cách tránh tốt nhất có lẽ là… đừng xem nếu bạn không thích.