Truyền hình - Sóng về đâu? - Khi giờ vàng thuộc về… đối tác - Tạp chí Đẹp

Truyền hình – Sóng về đâu? – Khi giờ vàng thuộc về… đối tác

Tin Tức

    Các nhà đài liên kết với đối tác tư nhân đưa các chương trình ngày càng phong phú vào phục vụ công chúng: phim truyền hình, ca nhạc, truyền hình thực tế… Tuy nhiên, phía sau sự khởi sắc đó, một số chương trình bắt đầu chạy theo lợi nhuận, đánh mất niềm tin của khán giả…

    Ai là thượng đế?

    Chủ trương đúng đắn, kịp thời của Nhà nước cùng sự nhạy bén của tư nhân đã nhanh chóng biến truyền hình thành một thị trường giải trí năng động, béo bở. Các kênh truyền hình nở rộ. Các nhà đài từ địa phương đến trung ương đều có ít nhất là hai kênh, nhiều thì đến hàng chục kênh liên tục phát sóng. Trong xu thế phát triển của các kênh truyền hình, việc liên kết, hợp tác với các đơn vị tư nhân để sản xuất chương trình phát sóng được xem là cách làm hiệu quả nhất, vừa đáp ứng được thời lượng phát sóng, vừa tận dụng được tối đa tiềm lực từ nguồn xã hội hóa.

    Chỉ tính riêng lĩnh vực phim truyền hình đã có hàng chục đơn vị tư nhân tham gia như Lasta, Sóng Vàng, M&T Pictures, Sao Thế Giới, Vietcom, Trí Việt, Phước Sang, Kiết Tường, Senafilm, Hành Tinh Xanh, Cửu Long, Midi… Ở lĩnh vực game show và truyền hình thực tế (THTT), có những “đại gia” đình đám như Cát Tiên Sa, BHD, Đông Tây Promotion, Multimedia JSC… Giờ thì thế giới có gì, Việt Nam có nấy. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt game show, chương trình THTT ăn khách của các nước đã đến Việt Nam: Vietnam Idol (phiên bản của Pop Idol), Bước nhảy hoàn vũ (Dancing with the stars), Cặp đôi hoàn hảo (Just the two of us), Vietnam’s Got Talent (got talent), Hợp ca tranh tài (Clash of the choirs), Vietnam’s next top model (America’s next top model), Giọng hát Việt (The Voice), Iron Chief Việt Nam (Iron Chief)…

    Sự ra đời của các kênh truyền hình, nhà sản xuất chương trình truyền hình đã góp phần làm thay đổi diện mạo của truyền hình Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng khán giả. Nhiều đơn vị tư nhân chịu chi cả triệu đô mua bản quyền các chương trình THTT, game show nổi tiếng. Thoạt nhìn cứ ngỡ khán giả là thượng đế, luôn được nhà đài đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng thực tế dường như ngược lại. Nhà đài, các công ty tư nhân đang bỏ túi những khoản lợi nhuận khổng lồ, trong khi khán giả ngày càng chán ngán vì thấy mình không được tôn trọng.

    Phim Việt được đường hoàng lên sóng “giờ vàng”, đẩy lùi các phim Hàn Quốc, Trung Quốc về giờ “thấp điểm”. Chưa kịp mừng với sự đổi thay này, khán giả đã thất vọng ê chề khi chất lượng phim Việt ngày càng tệ. Bất chấp phản ứng của khán giả, danh sách các phim nhảm, thậm chí bị xem là “thảm họa” của phim Việt vẫn tràn ngập trên các kênh truyền hình. Người xem thất vọng vì cảm giác bị nhà đài ép những “món ăn” chỉ chế biến qua loa để mâm cỗ có vẻ “nhiều món”, bất chấp có hợp khẩu vị “thượng đế” hay không.

    Nhờ có thí sinh chuyển giới Nguyễn Hương Giang mà rating vòng bán kết Vietnam Idol 2012 tăng đột biến Ảnh: T.P.

    Nhằm tạo ấn tượng cho đêm mở màn Bước nhảy hoàn vũ 2012, chương trình cho Minh Hằng “mượn” giọng của ca sĩ Lan Anh Ảnh: PV

    Được đầu tư tiền tỷ nhưng những chương trình game show, THTT chăm chăm nhắm đến lợi nhuận hơn là phục vụ cho nhu cầu giải trí của khán giả. Chính vì thế, các game show, chương trình THTT cứ theo nhau xảy ra chuyện lùm xùm. Giọng hát Việt tung clip dàn xếp kết quả như giọt nước làm tràn sức chịu đựng của khán giả. Từ sự cố Giọng hát Việt, nhìn lui lại quá khứ, khán giả giật mình với cảm giác đã không ít lần các nhà sản xuất chương trình truyền hình cố tình tạo scandal để thu hút sự quan tâm của công chúng. Chương trình càng bị “ném đá” càng được người xem chú ý thì lợi nhuận cũng nhờ đó mà tăng vọt. Điều này lý giải vì sao đủ các kiểu thảm họa từ hát nhép, chôm giọng, nhái điệu nhảy, ăn mặc phản cảm… vẫn đàng hoàng được lên sóng và hút quảng cáo.

    Một loạt sự vụ đình đám đã gây sóng gió như đoạn ghi âm ngôn ngữ sặc mùi “chợ búa”, mắng giám khảo, văng tục chửi bậy của Đức Anh do Đăng Khoa, thí sinh (TS) cuộc thi Vietnam’s Got Talent (VGT) 2010, ghi lại; diễn biến quanh việc mẹ TS Lê Nguyễn Quỳnh Anh giật micro khen con hát hay và sự cố TS Nguyễn Cường tố nhà sản xuất chương trình VGT 2011 ép ký biên bản bất hợp lý; MC Tuấn Tú tố ban tổ chức Bước nhảy hoàn vũ (BNHV) 2012 không công bằng khiến anh bị loại sớm… Vietnam’s next top model (VNNTM) mùa thứ hai 2011 cũng dậy sóng với việc lộ top 4, rồi đến chuyện nhà sản xuất đòi kiện ba TS Phương Nghi, Hoàng Oanh, Thùy Dương làm lộ bí mật chương trình. VNNTM 2012 dù mới lên sóng đã ồn ào với sự cố lộ kết quả top 6 (dù phía nhà sản xuất Multimedia JSC phủ nhận thông tin này). BNHV 2012 vừa mở màn đã bị công chúng tố Minh Hằng “mượn” giọng ca sĩ Lan Anh hay đạo nhảy; khi kết thúc lại đến lượt ca sĩ Phương Thanh tỏ thái độ bất mãn với nhà sản xuất Cát Tiên Sa…

    Tiền “bỏ vào”, trách nhiệm “bỏ ra”?

    Số lượng kênh phát sóng và chương trình truyền hình tăng vọt tỷ lệ thuận với sự gia tăng của các đơn vị tư nhân và sự thống trị của một số công ty ở cả kênh phát sóng lẫn chương trình truyền hình. Từ liên kết thực hiện, các nhà đài đang có xu hướng giao quyền sở hữu kênh truyền hình cho “đối tác”. HTV2 do Công ty DID TV (thuộc Tập đoàn Đất Việt) đầu tư; HTV3 của Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt; Yan TV thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần Tầm nhìn yêu âm nhạc; Sao TV của Công ty Sáng Tạo; Today TV của IMC; Let’s Viet do Lasta quản lý; Astro cảm xúc của BHD… Hầu hết các game show, THTT cũng do công ty tư nhân giữ bản quyền và tổ chức sản xuất: Vietnam Idol, Hợp ca tranh tài, Cuộc đua kỳ thú, Vietnam’s got talent do BHD sản xuất, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt được Công ty Cát Tiên Sa khai thác bản quyền; Đồ rê mí, Vietnam’s next top model của Multimedia JSC; Chinh phục đỉnh Everest của Lasta, Tôi là người dẫn đầu, Thử thách cùng bước nhảy gắn với tên tuổi Đông Tây Promotion…

    Không có đại diện của nhà đài trong cuộc họp báo “vô tiền khoáng hậu” thông tin về việc lộ clip dàn xếp kết quả của Giọng hát Việt? – Ảnh: V.P.

    Quy định không cho phép nhà đài bán sóng mà chỉ được liên kết để sản xuất các chương trình. Vì thế, dưới danh nghĩa liên kết, nhà đài đã thu tóm lợi nhuận không nhỏ từ các chương trình do tư nhân sản xuất. Các công ty tư nhân phải đầu tư từ A đến Z, nhà đài chỉ việc ngồi rung đùi chờ phát sóng và ăn chia lợi nhuận từ quảng cáo với nhà sản xuất.

    Bỏ tiền tỷ mua bản quyền, nhà sản xuất nào cũng muốn được phát sóng trong khung giờ đẹp để có được lượng khán giả cao nhất. Ai trong cuộc cũng biết, khả năng được phát sóng vào giờ vàng của các công ty tư nhân phụ thuộc vào “mối quan hệ” giữa công ty và nhà đài. Không phải tự nhiên mà giới làm nghề có cụm từ “mua sóng”, nhưng điểm mặt chính xác những công ty “bỏ tiền mua sóng” thì lại chưa ai có đủ bằng chứng.

    Về lý thuyết, tư nhân hợp tác sản xuất cùng nhà đài, nhà đài chịu trách nhiệm về nội dung, có đại diện của đài truyền hình tham gia trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, trước khi lên sóng, nhà sản xuất phải gửi băng đến đài kiểm duyệt. Với các chương trình trực tiếp, đài cử hai đại diện đến “hiện trường”… Quy trình giám sát, liên kết đó xem ra rất chặt chẽ nhưng thực tế, hầu như toàn bộ nội dung chương trình đều do phía nhà sản xuất quyết định. Đó cũng là một trong những nguyên do vì sao một số chương trình lên sóng “lọt sạn”, bị dư luận “ném đá” dữ dội.

    Đáng trách hơn, dù thu lợi nhuận lớn từ công sức của “người khác” nhưng khi có sự cố, nhà đài luôn ngoảnh mặt, phủi trách nhiệm, mặc kệ các công ty tư nhân xoay xở, giải quyết; mặc kệ công chúng tự tìm hiểu thực hư trong mớ bòng bong thật giả lẫn lộn. Điển hình như sự cố gây tai tiếng của Giọng hát Việt, VTV như người ngoài cuộc với một văn bản phát ngôn kiểu “ta đây vô tội”.

    Trách nhiệm nhà đài tới đâu? Vì sao họ không có bất kỳ động thái nào trước những sự cố ầm ĩ tác động mạnh đến niềm tin của khán giả?

    Sau một loạt scandal, cái lợi trước mắt là rating có thể tăng đột biến, nhưng về lâu về dài, sự thả nổi trách nhiệm của nhà đài đã đặt truyền hình giải trí Việt Nam trước nguy cơ bị công chúng tẩy chay.

    Những mâm cỗ chỉ để ngắm!

    * Khán giả Nguyễn Thị Mỹ Trâm – SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM: Khán giả cảm thấy bị xúc phạm trước sự dàn xếp quá lộ liễu, những kịch bản tạo scandal để thu hút người xem đang ngày càng trở nên phổ biến ở các chương trình THTT.Phim truyền hình, chương trình ca nhạc dường như toàn cổ xúy cho lối sống xa hoa, đua đòi, chuộng vật chất của một bộ phận giới trẻ thành thị.Game show, chương trình THTT mua bản quyền của các nước được PR tối đa để tạo tiếng vang, dù phiên bản Việt đôi khi chưa thực sự phù hợp với văn hóa, cảm xúc của người Việt Nam. Ngược lại, những chương trình thuần Việt, đậm chất văn hóa Việt Nam lại chưa được quảng bá mạnh để nhiều người biết đến… Vẫn biết các đài truyền hình đều cần đến quảng cáo, nhưng khán giả vẫn khó chấp nhận việc thời lượng quảng cáo “ăn gian” giờ phát sóng hoặc những kiểu quảng cáo quá lộ liễu của nhà tài trợ chương trình truyền hình.

    * Diễn viên Tuyết Thu: Truyền hình đang có quá nhiều kênh, nhiều chương trình phát sóng nhưng lại không nhiều chương trình hoặc kênh truyền hình tạo được dấu ấn riêng khiến khán giả thấy ngán khi bật kênh nào cũng thấy những chương trình na ná như nhau. Phim truyền hình nhàm chán, hiếm kịch bản thực sự tạo được dấu ấn cho người xem. Diễn viên cùng lúc xuất hiện ở nhiều phim, vai nào cũng giống vai nào, chẳng có gì khác biệt. Chương trình THTT tưởng chừng hấp dẫn, có nhiều điều để xem lại đua nhau dính scandal, lộ chuyện hậu trường làm công chúng mất niềm tin. Khán giả đang bị nhà đài ép ngồi vào những mâm cỗ ê hề nhưng chỉ để ngắm cho vui chứ chẳng hề hợp khẩu vị. Cũng có một vài kênh chuyên biệt với những đề tài khác nhau để khán giả ít nhiều có sự chọn lựa khi bật truyền hình, nhưng tiếc rằng những kênh này lại chưa nhiều. Ở góc độ diễn viên, tôi còn có một nỗi buồn khác. Khung giờ đẹp trên các kênh truyền hình đa phần đã dành cho những chương trình hot như game show, THTT; cải lương, kịch nói bị đẩy vào giờ chẳng ai còn muốn xem truyền hình, giờ phát sóng lại không ổn định. Lâu dần chúng tôi cũng mất hứng khi được mời làm kịch truyền hình.

    * Ông Lê Đình Trọng – Tổng Giám đốc Style TV, sản xuất các chương trình Iron Chief, Không gian đẹp, Hương vị cuộc sống…: Với các công ty, các đài có một phương thức hợp tác khác nhau. Tùy đài mà sự kiểm soát nội dung sẽ khó hay dễ. Tuy nhiên, điểm chung là hầu hết các đài quy đổi chi phí ra spot quảng cáo. Các đơn vị sản xuất đàm phán với đài, báo giá sản xuất. Trên cơ sở đó, đài quy đổi ra thời lượng tương đương. Mỗi đài có cách thực hiện riêng và mỗi khung giờ có áp dụng riêng. Khung giờ có rating thấp thì dễ, với những khung giờ có người xem cao thì thường đài có đòi hỏi cam kết về spot quảng cáo. Nếu không đạt nhà sản xuất sẽ bị phạt.

    Về sự cố thì ở nước ngoài, trách nhiệm được phân chia rạch ròi giữa ba bên: hạ tầng, sản xuất và thương mại. Khi có khủng hoảng, tất nhiên các bên vẫn có trách nhiệm liên đới nhưng rơi vào khâu nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Còn ở Việt Nam, áp lực đối với các đơn vị truyền thông (những công ty liên kết sản xuất chương trình với các đài) là rất lớn. Nếu chương trình không hay, khán giả không quan tâm, không có quảng cáo hoặc quảng cáo không đủ thì công ty sẽ lỗ tiền sản xuất và bị đài phạt. Với những trường hợp có sự cố xảy ra ở khâu sản xuất, thì tất nhiên các công ty phải đứng mũi chịu sào.

    Theo PNTP

    Thực hiện: depweb

    25/09/2012, 10:25