Trường Túc 80 tuổi trên catwalk

Nàng – người mẫu 80 tuổi duy nhất của lịch sử catwalk thế giới – là nhân chứng hoàn hảo cho tinh túy nhan sắc Đàn bà. 

Cuối thập niên 1950, khi thế giới phát sốt với đào Monroe thốt rằng nàng chỉ “khoác” vài giọt Chanel No.5 lên người khi đi ngủ thì quý bà Coco lại chọn Carmen Dell’ Orefice cho những shot ảnh quảng cáo nước hoa bất hủ kia.

Nàng có khuôn mặt thanh tú, gò má cao như cổ linh dương, nụ cười quý phái và đôi mắt của loài yêu tinh. Shot ảnh, cũng như dòng nước hoa và chính người đàn bà trong ảnh, trở thành những chuẩn mực trường tồn.

Như nước hoa Chanel No.5 trứ danh từng đại diện, Carmen Dell’ Orefice đã có những note hương đầu tươi tắn của tuổi 15 hoàng hoa trên trang bìa nhà Vogue, tầng hương giữa và nồng nàn mùi hóc-môn đàn bà, vừa u thảm những chuyến đò bến đục của xa hoa, khánh tận và đam mê. Nhưng nhan sắc madame Carmen thật sự lộng lẫy ở những note cuối: Giai nhân tóc trắng lại vừa sải bước hồng hạc trên catwalk mùa Xuân Hè 2012 vừa qua, sau khi mừng sinh nhật tròn 80 tuổi và học hàm tiến sĩ danh dự của trường Đại học Nghệ thuật London.




Dung nhan trở thành khí chất, và hóa thánh cho người đàn bà sặc sụa vẻ quý phái được giới hậu đài mọi sàn diễn couture kính cẩn gọi bằng hỗn danh The Countess (Bà Bá Tước).




Những trang đầu nghiệt ngã




Là kết quả cuộc dan díu giữa vẻ ngạo mạn hoang dã của tay nghệ sĩ violin Ý với vẻ thanh tú uy nghiêm của vũ nữ ballet Hungary, Carmen đã trải qua tuổi thơ vạ vật ở viện tế bần, trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh ở tuổi 12, được phát hiện trên xe bus ở tuổi 13 và xuất hiện trên bìa Vogue 2 năm sau đó.




3 đức ông chồng, 3 lần phá thai và 2 lần phá sản, nàng vẫn lộng lẫy tại mọi tuần lễ thời trang từ Paris đến New York, đốt nóng sàn diễn của những thiên tài đương đại Thierry Mugler, Jean Paul Gaultier đến John Galliano bằng ngọn lửa bạch kim trên mái tóc bồng, khuôn mặt của yêu nữ thành tinh với cặp lưỡng quyền sắc bén.




Thế giới đâu biết, 67 năm trước, sau shot ảnh đầu đời do Herman Landschoff chụp thử, mẹ nàng nhận được lá thư từ chối khéo: “Cô Carmen Dell’ Orefice rất khả ái, nhưng đáng tiếc không mấy ăn ảnh”. Carmen tiếp tục cam chịu sự chê bai chì chiết từ bà mẹ nghèo nhưng cầu toàn đến khắc nghiệt. Cho đến nay, đã là cụ bà cao niên hiếm có, Carmen vẫn rùng mình nhớ lại: “Tôi bị phũ phàng tước sạch mọi tự tin, đến đôi tai cũng khiến tôi ngượng ngùng vì xấu hổ”. Chỉ có người cha đỡ đầu không tin vào điều đó. Ông âm thầm gửi bức ảnh đến tòa soạn Vogue. Một năm sau, hình ảnh của Carmen xuất hiện lẫy lừng trên bìa Vogue.




Trong thế giới thời trang, Carmen tìm được người mẹ thứ hai – người mẫu thượng hạng Dorian Leigh kiêm thân chủ của những chiếc váy do nàng và mẹ nàng may. Dorian cho nàng tiền đi taxi đến nơi làm việc, còn nàng dùng tiền đó mua thức ăn về nhà. Năm 1947, với sự can thiệp của “má Dorian”, khoản thu nhập còm cõi của cô gái trẻ được nâng lên mức 10 dollar mỗi giờ và 25 dollar với các shot hình quảng cáo.

Ở tuổi 16, Carmen trở thành một trong những người mẫu trang bìa trẻ nhất của Vogue, là cục cưng của các nhiếp ảnh gia khét tiếng cùng thời. Shot ảnh bìa cho Harpers Bazaar năm 1960 do Melvin Sokolsky chụp mang tên Carmen Las Meninas đã trở thành huyền thoại được phổ biến và săn lùng khắp thế giới. Sự xanh xao, dáng điệu kiêu kỳ, và khả năng tạo dáng siêu phàm với đôi cánh tay như cặp chân loài hồng hạc, Carmen chính thức trở thành nàng thơ của danh họa thiên tài Salvador Dali.

 

Cuộc hôn nhân sai lầm & mái tóc màu trắng bạc




Đến khi dậy thì, nàng thiên nga con vẫn chưa chịu bung nở vào vẻ đẹp thiếu nữ. Thất vọng với cô nhỏ còi cọc, hãng Eileen Ford từ chối tiếp tục đại diện cho Carmen, nhà Vogue cũng tỏ ra thờ ơ. Carmen phải cầu cứu đến y học và những mũi tiêm để kích hoạt các dấu hiệu dậy thì.




Như lối thoát sự nghiệp hơn là đòn trả đũa, Carmen nhận lời chụp catalog và nội y, với đôi bàn tay dài muốt che khuất gương mặt và mức lương vọt lên đến 300 dollar mỗi giờ.




Với lượng hóc-môn đàn bà được kích thích, Carmen ngự thế thượng phong làng mẫu với những đường cong nóng bỏng. Sự già dặn bắt đầu nhuốm màu. Nàng nhanh chóng thu hút được sự ngưỡng mộ của các công tử hoang đàng phố lớn, từ tay chơi De Cicco, lgor Cassini cho đến Joseph P.Kennedy.




Giai nhân dừng lại ở doanh nhân William Miles, hơn nàng 10 tuổi. Nàng thuận ý kết hôn, và đau đớn nhận ra mình đã gia nhập hãng đại diện tồi tàn và keo bẩn nhất lịch sử. Đức lang quân cương quyết bắt nàng phá thai, thâu tóm thu nhập của vợ và chỉ chi cho Carmen 50 dollar mỗi tuần dằn túi.




Ly dị chồng sau khi bé gái Laura ra đời. Tóc nàng trổ bạc từ đấy, và đến tuổi 43 Carmen chấm dứt việc nhuộm tóc khi toàn bộ đã chuyển sang màu trắng bạc. Từ đó nàng mang vẻ uy nghiêm nửa như nữ thần, nửa xa lạ như loài linh thú diễm kiều.



Nhiếp ảnh gia cơ hội, một gã nghiện, và một xác chết




Nàng khép cánh tình hồng hạc vào vòng tay nhiếp ảnh gia Richard Heimann sau 6 tháng gặp nhau. Thiếu phụ ngờ nghệch say sưa với cuộc hôn nhân mới và rắp tâm nghỉ hưu non để chuyên chú nghiệp tòng phu. Tiếc thay, gã nhiếp ảnh gia cơ hội đã bỏ rơi nàng ngay tức khắc.




Chuyến đò thứ ba diễn ra không lâu sau, với kiến trúc sư Richard Kaplan. Lời thề “cho đến khi nhắm mắt” kéo dài chưa đến 10 năm. Chàng là con nghiện hạng nặng, và họ chia tay khi Carmen khám phá ra đức phu quân lôi kéo cả con gái riêng của nàng là Laura vào vũng lầy ma túy.




Sau cuộc ly dị cuối cùng, giai nhân tuyệt vọng thất thểu trở về sàn diễn. Cuối thập niên 1980, nàng rón rén thử thời vận lần nữa với David Susskind – host truyền hình lịch lãm. Nhưng quý ngài talkshow lăn ra chết trước ngày cưới, tưởng như chấm dứt mọi cố gắng cuối cùng của madame đa tình Carmen.

Từ đó đến nay, dù vẫn dập dìu lên xuống vài chuyến đò tình chóng vánh, nhưng Carmen không rời bỏ sự nghiệp lần nào nữa. Nàng dành sự chung thủy duy nhất cho điều sẽ không rời bỏ nàng. Đáp lại, catwalk cũng chưa thủy chung với bất cứ người mẫu nào như với Carmen.




“Ngân hàng có thể lấy của tôi mọi thứ. Nhưng không phải tình yêu”


Định mệnh dẫn Carmen đến với Norman Levy, để rồi năm 2005, khi mất ở tuổi 93, Levy để lại cho người tình cuối đời Carmen toàn bộ tài sản trị giá 224 triệu Mỹ kim, nhưng dưới quyền thừa hành và cai quản của hảo hữu Madoff.


Carmen khép cánh phù dung, sống an nhàn trong sự tin cẩn tuyệt đối mà Levy dành cho Madoff – kẻ nắm vận mệnh tài chính của người đàn bà phù phiếm. Nàng Carmen âu sầu và ân cần, tất nhiên là vắng bóng phu nhân Madoff.




Không chỉ thâu tóm quyền quản lý và đầu tư tài sản của Levy, Madoff còn dùng con số mê hoặc 224 triệu để thu hút hàng loạt nhà đầu tư thiêu thân khác vào vụ lừa lịch sử: Tháng 12/2008, một quý bà kiêm nhà đầu tư đã gửi trọn tài sản tiết kiệm cả đời cho Madoff, gọi điện cho Carmen để thông báo Madoff đã thua đến đồng xu cuối cùng trong số tài sản khổng lồ của nàng cùng hàng loạt nạn nhân khác vào sàn chứng khoán. Yêu kiều, nàng thốt lên rền rĩ: “Đây là lần khánh kiệt thứ 2 trong đời tôi!”




Trắng tay, Bạch Mao Nương quay về thế giới của những shot hình và catwalk, nơi nàng luôn được tôn thờ và chào đón, dù ở độ tuổi nào: “Tôi biết làm gì khác đây, khi những người đàn ông bỏ ra đi hoặc trở nên bất lực, hoặc chết? Làm mẫu là nghề duy nhất tôi biết để tự nuôi mình, là lãnh vực duy nhất tôi am hiểu, và là thứ duy nhất khiến tôi hứng thú, nơi tôi yêu và được yêu lại”.

Liệu tổn thương mà người tình quá cố để lại cho nàng – tay Madoff lừa đảo – có khiến trái tim già nua mệt nhừ của Bạch Mao Đại Nữ vĩnh viễn đóng cửa trước ái tình (dẫu chỉ trong tròm trèm 20 năm còn lại)? Bạch Mao Nương lim dim khóe mắt bén ngọt viền chân chim “Ngân hàng chắc sẽ lấy mất của tôi nhiều thứ. Nhưng không phải tình yêu”. Khi được hỏi liệu dục tình đối với nàng khi này còn là điều quan trọng, nàng hỏi lại: “Thế thở có quan trọng không?”. Và điều quan trọng cuối cùng, nàng đã học được thứ kiến thức ái tình khôn ngoan nhất của người đàn bà: Si mê nhưng không tôn thờ, thụ hưởng nhưng không phụng sự.

 

Bài: Túy Ca

Theo f



From the same category