Tuổi trưởng thành theo luật pháp bên Tây lẫn bên ta là 18, nhưng tư duy, ứng xử trưởng thành thì… vô định. Không chí lý thâm sâu như danh ngôn của W.Goethe: “Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp”, nhưng quả thật ý nghĩa trưởng thành được ghi nhận là khi con người biết vượt qua khó khăn, vượt lên bản thân, biết sống vị tha. Cho dù…
Dưới mười tám
Người ta thường ví cuộc đời như một chuyến đi, hay, giống như một con tàu. Trên chuyến tàu miệt mài phăm phăm về phía trước ấy, hẳn hành khách chúng ta chỉ háo hức dừng chân ở các ga lớn, rực rỡ, sôi động. Trên chuyến tàu chộn rộn miên man ấy, hẳn chúng ta không có thì giờ ghé thăm các ga xép. Để, đôi khi, bắt gặp ở đây chút bồi hồi, xao xuyến… Trên chuyến tàu của mình, nữ đạo diễn Việt Linh hẳn đã dừng chân ở nhiều ga xép như vậy. Và, đôi khi, chị muốn chia sẻ cùng chúng ta…
Như cô bé nghèo Bến Tre có mẹ mất vì bạo bệnh. Khi được hỏi sẽ học gì với số tiền được trợ giúp, bé chọn học điều dưỡng. Hỏi sao không phải bác sĩ, bé nói qua mẹ mình, bé hiểu đến giai đoạn nào đó con người không cần chữa trị, mà cần sự chăm sóc, an ủi. Nói điều này ở miền quê hun hút, bé đâu biết ở Pháp người ta mới lập ra khoa Soins Palliatifs. Chuyên khoa này – Việt Nam gọi là chăm sóc giảm nhẹ – dạy ta cách chăm sóc những người sắp ra đi, giúp họ bớt cô quạnh trong những ngày cuối đời. Bé càng không biết mới đây, nhiều bệnh viện Pháp còn triển khai sáng kiến Récit de vie để hỗ trợ khoa Soins Palliatifs. Theo đó ê kip điều trị sẽ tạo điều kiện cho người bệnh thực hiện (miễn phí) quyển sách từ câu chuyện đời mình. Rằng hàng tuần hoặc hai tuần một lần, suốt nhiều tháng, những người viết văn sẽ đến bệnh viện ghi lời kể của bệnh nhân, sau đó trao dần các trang biên tập để người kể đọc lại. Bản thảo hoàn thành sẽ được in thành sách để bệnh nhân giữ riêng, đến khi mất gia đình mới được đọc. Vậy đó, cô bé nông dân nghèo của chúng ta đã nói ra ước muốn nhân văn khi chỉ mới… 12 tuổi.
Hay như chuyện của Diane Trần ở Willis, bang Texas, Mỹ. Diane bị xử tù một ngày, đóng phạt 100USD vì bỏ học 18 ngày. Bản án làm dư luận phản đối bởi hoàn cảnh Diane thật đáng thương: Cha mẹ ly dị để lại ba anh em, Diane phải vừa học vừa làm để sinh sống. Bị cảnh cáo nhiều lần trước khi nhận án, nhưng do lao động kiệt sức đã khiến Diane nghỉ học thường xuyên dù vẫn đạt thành tích cao. Khi tòa tuyên án, Diane chỉ khóc, không phân bua. Sau vụ việc, một tổ chức gây quỹ đã quyên góp 100.000USD giúp đỡ Diane, nhưng, nghị lực và tự trọng, cô gái gốc Việt 17 tuổi có nụ cười đáng yêu đã từ chối, với lý do “Còn rất nhiều trẻ em nghèo khó, bất hạnh cần số tiền này hơn tôi”. Người ta nói những đứa trẻ như Diane lớn lên nếu làm quan sẽ khó sai, khi sai chắc chắn sẽ từ chức.
Ngoài hai mươi
Như đứa con trai có bố bị ung thư. Sau hai đợt hóa trị đầu tiên bố em bị rụng tóc. Mẹ em kể buổi tối con tự tay cạo tóc cho cha, sáng hôm sau con dậy sớm, ra phố và trở về với cái đầu trọc. “Đó là một cách chia sẻ của/kiểu con trai”, mẹ em kể, không nghĩ câu chuyện – cố gắng như vui – của mình khiến bao người rơm rớm.
Như sinh viên Nguyễn Kim Phượng ở Lâm Đồng. Tháng 7/ 2012, khi được báo Kim Phượng đỗ thủ khoa Đại học Y Dược Tp.HCM, mẹ em đã không tin vì “Con bé ham chơi lắm”. Phượng cũng thú nhận mình “mê chơi”, cái khác chăng là em luôn xác định mục tiêu. “Phượng giải rất nhanh những bài tập sẵn công thức, nhưng em thích tiếp cận những bài tập đòi hỏi tính suy luận cao. Có lẽ đây là cách khiến em chưa bao giờ là học sinh giỏi nhất nhưng lại là học sinh khiến bạn bè phải nể”. Một giáo viên đã nói như vậy về học trò. Còn Phượng thì đơn giản: “Em thích đi tìm chìa khóa hơn nhận chìa khóa từ người khác”.
Hay như diễn viên Julie Depardieu, con gái tài tử Gérard Depardieu. Trả lời báo Le Parisien ngày 17/2/2013 về quyết định bỏ Pháp sang Bỉ, để phản đối chính sách thuế thu nhập của tổng thống Hollande và nhận quốc tịch Nga của người cha nổi tiếng, Julie nói: “Làm sao tôi có thể phát biểu điều gì? Là con, tôi chọn chấp nhận hết, bởi dù bố mẹ có làm gì đi nữa, ta bắt buộc phải nâng đỡ họ. Đến lúc nào đó, con cái phải nhìn bố mẹ sống và im lặng; đôi khi còn phải đổi vai, đặt mình vào vị trí bố mẹ của họ nữa…”. Chính câu nói cuối cùng này đã làm thiên hạ giật mình trước sự lớn lên bất ngờ của một đứa con.
Không còn trẻ
Những ngày em nao nức chờ đợi đứa con trai đầu tiên, tôi, thông qua một bài viết đã chúc mừng, khen ngợi “ông bố ngoan”. Trong hạnh phúc vô biên sắp được làm bố, em – vốn ý nhị – đã viết cho tôi thế này: “Cám ơn chị vì những tình cảm dành cho em. Nhưng cũng vì sự nghiêm túc mà chị đã mô tả và kỳ vọng, em sẽ đóng tròn vai một người mẫu mực. Như ba em ngày trước phải nhập tròn vai theo kịch bản mọi người viết cho ông. Mãi đến khi ông gần mất, em mới làm cái việc của một thằng đàn ông chưa thủ vai nào nghiêm túc – đó là chở ông đi gặp người tình cũ”. Tôi tin trong thẳm sâu em, việc chở cha đi gặp người xưa là việc làm nghiêm túc nhất; mặc dù ngay sau đó em bông đùa: “Hy vọng thằng con em sẽ sắp xếp thời gian làm việc đó với em lúc nào đó, nếu nó có xe máy và đường đến nhà những người tình của cha không quá xa…”.
Đạo diễn Pháp Patrice Leconte sinh năm 1947, trong lần gặp gỡ tác giả Laurent Tirard cho tập 2 quyển sách “Những bài học điện ảnh”, từng tâm sự: “Trong những tác phẩm đầu tiên cũng có lúc tôi nhận ra sai lầm ngay khi đang ghi hình, nhưng tôi không dám nói để thay đổi. Tôi sợ bị mọi người mắng mỏ nên cứ tiếp tục làm theo cách vốn không là tối ưu. Phải sau vài phim tôi mới đủ trưởng thành để nói: Không, tôi xin lỗi, cảnh chúng ta quay hôm qua bị hỏng, ta sẽ quay lại cảnh đó. Tất cả mọi người đều tôn trọng, và chưa từng ai từ chối quay lại cảnh hỏng để bộ phim được thành công”. Leconte khẳng định “bài học” này khi ông 59 tuổi. Nên không hề lạ nếu đôi khi… sắp chết mà người ta (vẫn) chưa trưởng thành.
Bài: Việt Linh
Nếu bạn đang có những khúc mắc trong cuộc sống gia đình, hãy gửi tâm sự tới Đẹp Online. Biết đâu bạn sẽ có được những tư vấn gỡ rối hữu ích cho bản thân mình.