Bà Phạm Thị Hồng Nga |
Bà Nga cho biết: Thành phố cũng sẽ có quy định làm rõ những khoản nào là thu hộ, thu thoả thuận, thu tự nguyện nhưng cụ thể hơn.
Chẳng hạn chúng tôi sẽ liệt kê các khoản thu hộ gồm những khoản nào và quy định nhà trường tuyệt đối không đứng ra thu các khoản này mà chỉ có do các đơn vị chức năng mới được thu.
Tiền bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế phải do các đơn vị bảo hiểm trực tiếp tổ chức thu. Đồng phục phải do đơn vị cung cấp dịch vụ thu, nhà trường không thu.
Chúng tôi mong muốn các quy định càng cụ thể càng tốt, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ, không để các trường lợi dụng kẽ hở của quy định để thu tiền của phụ huynh. Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục xin ý kiến các phòng ban. Nhiều khoản thu cho đến giờ vẫn còn phải tranh luận nên hay không.
Trường không được thu của học sinh các khoản phí bảo vệ, trông xe, vệ sinh. |
– Bà có thể cho ví dụ cụ thể hơn về các khoản thu phải tranh luận?
– Hiện nay, nhiều trường tổ chức học tiếng Anh và họ muốn mời giáo viên nước ngoài dạy theo nhu cầu của phụ huynh. Có đưa khoản thu này vào quy định? Nếu có thì mức thu ra sao? Trên thực tế, không phải gia đình nào cũng có nhu cầu và có điều kiện chi trả cho dịch vụ này.
Vì thế, cần xác định đây là một hoạt động giống như học thêm, không thể đưa vào dạy trong giờ chính khoá.
Tương tự, về các dịch vụ giáo dục chất lượng cao thì phải xác định thế nào gọi là cao và cao mức độ nào? Thu tiền thế nào? Cần phải công khai minh bạch để người dân biết mà lựa chọn? Rồi phải làm sao để con em những gia đình điều kiện khó khăn không bị thiệt thòi.
Vì vậy, trước hết phải có đủ chỗ học cho con em mọi người dân trong địa bàn. Muốn mở dịch vụ chất lượng cao thì phải xây dựng thêm những trường khác để trường đó không phải chịu áp lực phân tuyến. Ai muốn học trường đại trà sẽ được đáp ứng.
Ai muốn học nơi có đủ điều kiện hơn thì có chỗ để lựa chọn và phải trả phần chênh lệch giữa đại trà và dịch vụ chất lượng cao, nhưng mức thu chênh lệch cũng phải công khai minh bạch và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
– Năm ngoái, Hà Nội quy định những khoản học sinh không phải đóng, năm nay thì sao?
– Từ năm ngoái, chúng tôi thống nhất có 3 khoản các trường không được bắt học sinh đóng mà phải lấy từ ngân sách: bảo vệ, trông xe, quét dọn. Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định thêm một lần nữa trong văn bản hướng dẫn thu chi để các trường thực hiện.
Ngân sách Hà Nội dành cho các trường hiện nay tuy không cao nhất nước nhưng theo tính toán của các cơ quan có thẩm quyền và các quận huyện, mức chi đó đủ cho các hoạt động cần thiết cho một nhà trường.
– Sở có tham mưu thành phố quy định khung mức đóng cho một số khoản thu khác, chẳng hạn tiền ăn trưa không, thưa bà?
– Những vấn đề này được chúng tôi bàn bạc tính toán rất kỹ nhưng giải quyết thế nào vô cùng khó. Sự chênh lệch mức sống, giá cả giữa địa phương khó khăn nhất và địa phương thuận lợi nhất rất lớn, ví dụ giữa Ba Vì và Hoàn Kiếm.
Nếu đưa ra khung rộng, tất cả các nơi đều đưa ra mức sát trần thì sao? Khi người ta đã muốn thu mức cao thì họ sẽ tính tính toán toán để có thể thu được.
Nói chung, chúng tôi đang phải bàn rất nhiều. Tôi chỉ có thể nói thế này, tất cả những việc bàn bạc này đều hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi cao nhất cho học sinh và ngăn chặn việc người ta lợi dụng kẽ hở của quy định để thoả mãn lợi ích cá nhân.
– Theo bà, làm thế nào để các trường thực hiện công khai minh bạch như mong muốn?
– Sau khi có quy định của thành phố về các khoản thu, chúng tôi sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong văn bản này, chúng tôi sẽ bày tỏ mong muốn toàn thể phụ huynh biết và cùng với ngành GD&ĐT giám sát các khoản thu chi trong nhà trường.
Thái độ của Sở đối với các quận huyện, các đơn vị cũng sẽ rất quyết liệt. Trường nào làm sai thì hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm. Ai cố tình làm sai phải kỷ luật để làm gương cho các đơn vị khác.
Cảm ơn bà.
Cấp thêm 45 tỷ đồng cho các trường để bù vào học phí
Bà Phạm Thị Hồng Nga cho biết, năm học 2012 – 2013 tất cả các trường của Hà Nội sẽ thực hiện mức thu học phí mới theo nghị quyết của HĐND thành phố đã thông qua cách đây 3 tuần.
Các sở GD&ĐT và Tài chính đang tính toán để đề xuất cấp bù ngân sách cho tất cả các trường do nguồn thu học phí giảm. Theo tính toán sơ bộ, số tiền ngân sách thành phố phải cấp bù cho các trường là 27 tỷ 913 triệu đồng.
Hà Nội cũng sẽ áp dụng chính sách miễn, giảm học phí đối với các đối tượng được quy định trong nghị định 49 và học sinh ở 13 xã miền núi, 2 xã đảo giữa sông với tổng chi phí khoảng 18 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân sách thành phố cũng sẽ phải chi khoảng 65 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí học tập tối thiểu cho con em các gia đình khó khăn.
Theo Tiền Phong