Mặc dù đã tạm xa ánh hào quang của sân khấu trong một khoảng thời gian dài, thế nhưng danh tiếng, sức hút của ABBA vẫn không hề giảm sút. Ở mỗi giai đoạn, ABBA đều lưu lại những dấu ấn, cột mốc, thành tích ấn tượng đối với các tác phẩm âm nhạc cũng như những màn trình diễn khó phai của nhóm. Trong khi chờ đợi “Voyage” chính thức phát hành vào tháng 11/2021, chúng ta hãy cùng nhìn lại sự nghiệp của bộ tứ từ khoảng thời gian đầu chập chững cầm mic, đến những dấu son chói lọi trong sự nghiệp âm nhạc.
Câu chuyện thành công của ABBA (Björn Ulvaeus, Agnetha Fältskog, Anni Frid Lyngstad và Benny Andersson) phải kể đến bài hát “Waterloo” được biểu diễn tại cuộc thi “Eurovision Song Contest” ở Brighton, Anh năm 1974. Ca khúc làm nên lịch sử khi nhanh chóng lọt vào vòng chung kết của cuộc thi và giành chiến thắng. “Waterloo” đứng đầu tất cả các BXH âm nhạc châu Âu, thậm chí còn lọt vào “Top 10 BXH âm nhạc” ở Mỹ. Vì được viết riêng cho cuộc thi đấu, “Waterloo” cũng đã được chọn là bài hát hay nhất trong lịch sử cuộc thi nhân kỷ niệm 50 năm thành lập “Eurovision” vào năm 2005. Bài hát kể về câu chuyện tình cảm đầy trắc trở của một người phụ nữ với người đàn ông mình yêu say đắm.
Thời gian sau, ABBA cũng cho ra mắt album cùng tên tạo nên một làn sóng lớn ở Thụy Điển. “Cơn sốt ABBA” kéo dài suốt 8 năm và ban nhạc Thụy Điển đã bán được hơn 380 triệu đĩa với album đầu tay của mình. Nhà sử học âm nhạc Carl Magnus Palm nói về doanh thu trên cả mong đợi của album “Waterloo”: “Họ đã bán được ít nhất 380 triệu album kể từ khi bứt phá tại Eurovision Song Contest, ước tính con số phải lên đến 500 triệu bản. Sau The Beatles và Rolling Stones, ABBA là một trong những nhóm nhạc có tên viết tắt từ tên của các thành viên được xếp vào ban nhạc thành công nhất mọi thời đại.”
Vào năm 1976, ABBA khẳng định mình là một trong những nhóm nhạc nổi tiếng nhất trên thế giới khi tung ra các ca khúc vô cùng thành công về mặt thương mại. Các đĩa đơn nhanh chóng “chễm chệ” nằm ở các bảng xếp hạng trên toàn thế giới, bao gồm ở cả Hoa Kỳ (1977). Tiếp nối “Waterloo”, “Dancing Queen” được xếp vào thành công lớn nhất của ABBA từ trước đến nay. Đây là ca khúc thứ 2 nằm trong album thứ 4 “Arrival” năm 1976. Ban nhạc Thụy Điển đã hòa vào làn sóng disco đang thịnh hành ở Mỹ và mang đến cho nó một bản nhạc mang âm hưởng Europop. Ca khúc nhanh chóng trở thành bản nhạc thịnh hành trên bất kỳ sàn nhảy sôi động nào ở thập niên 90s.
Đặc biệt, “Happy New Year” của nhóm được xem là ca khúc bất hủ để hát mừng năm mới, càng củng cố thêm danh tiếng cho ban nhạc huyền thoại. Dù ra đời từ 1980, tính đến nay đã có tuổi đời hơn 50 năm tuổi nhưng vẫn là một bản nhạc kinh điển. Cả bản tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha đều trở thành hit trên toàn thế giới kéo dài hàng thập kỷ. Có thể nói, cùng với “Waterloo”, “Dancing Queen” và “Happy New Year”, 8 ca khúc khác là “SOS”, “Money Money Money”, “Fernando”, “Knowing Me, Knowing You”, “The Winner Takes It All”, “Mamma Mia”, “Chiquitita”, “Voulez-Vous” là top những bài hát lừng danh nhất của ban nhạc huyền thoại.
Năm 1977, ABBA thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới đầu tiên diễn ra ở châu Âu và Úc với đông đảo người hâm mộ. Sau đó, ban nhạc lừng danh phát hành bộ phim tài liệu “ABBA: The Movie” kỷ niệm về hành trình âm nhạc của mình ở các châu lục. Ban nhạc cũng đã biểu diễn cho các hoạt động từ thiện, bao gồm Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) năm 1979.
Đầu giai đoạn thập niên 90 cũng là lúc ban nhạc ABBA vắng bóng trên sân khấu, thế nhưng âm nhạc của bộ tứ vẫn được lan tỏa qua nhiều năm. Những bản cover của ca sĩ Cher và Erasure cũng đưa các bài hát của ABBA trở lại bảng xếp hạng hết lần này đến lần khác. Nhiều bộ phim nổi tiếng như “Muriel’s Wedding” (1995), “Dick” (1999) “The Trip” (2010), “High Rise” (2016)… sử dụng các bài hát của ABBA làm nhạc phim đều thu hút rất nhiều sự chú ý. Bên cạnh đó, các bài hát của ABBA cũng có sức ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng LGBTQ.
Tạm hoãn làm nhạc, ABBA lấn sân sang nhạc kịch và vẫn duy trì được danh tiếng của mình. Ulvaenus và Andersson đã biên soạn vở nhạc kịch “Mamma Mia!” được tổ chức đầu tiên ở West End (London) vào năm 1999. Hai năm sau đó, vở nhạc kịch được đưa lên sân khấu của Broadway và nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu, thu hút hơn 60 triệu lượt khán giả xem kịch tại hơn 440 thành phố. Tác phẩm kịch được chuyển thể thành phim vào năm 2008 với sự tham gia của 2 diễn viên Meryl Streep và Pierce Brosnan – một phiên bản điện ảnh cực kỳ thành công của “Mamma Mia!”.
Không nhiều ban nhạc được vinh dự có bảo tàng dành riêng cho họ, nhưng ABBA thì có. Vào năm 2013, “ABBA The Museum” (Bảo tàng ABBA) đã mở cửa tại Stockholm và tất nhiên là thu hút rất nhiều người đến thưởng lãm. Bên trong phòng trưng bày, còn có một gian hàng karaoke, nơi du khách có thể hát các bản hit và nhảy theo hình ảnh 3D của các thành viên ban nhạc.
Bên cạnh đó, ABBA cũng cũng đã có phiên bản 4 thành viên bằng tượng sáp ba chiều trong bảo tàng ở Stockholm. Bốn bức tượng được “thay áo mới” mỗi ngày với các trang phục quen thuộc của ban nhạc mỗi khi trình diễn. Thỉnh thoảng, Frida, Bjorn, Benny hay Agnetha thậm chí còn gọi điện đến bảo tàng để nói chuyện với vị khách may mắn với chiếc điện thoại “Ring Ring” được đặt cạnh đó.