Trung Thu ngày ấy, bây giờ…

Thuở ấy, “Tết Thiếu nhi” đâu phải là Ngày 1/6, nó phải là Rằm Tháng 8. Trung thu bao giờ cũng thân thuộc và xứng đáng sau một chuỗi ngày nắc nỏm trông đợi, hơn là một ngày đầu tháng 6 đến với vẻ hơi đường đột. Và cũng chỉ có ngày Rằm Trung thu mới đủ gây hứng khởi cho tôi nhảy tàu về tuổi thơ hơn bất kỳ ngày nào.


“Giờ đây, dẫn con lên Hàng Mã, có chăng là, tôi chỉ muốn các con được hưởng phần nào bầu không khí náo nhiệt vẫn còn từ bấy đến nay, hơn là để dễ dàng mua những món đồ chơi lai căng, bắt mắt…”

Có thể nói, Rằm Tháng 8 là cụm từ nóng hổi nhất với lũ trẻ nhóc chúng tôi ngày ấy. Mỗi khi nghe tiếng trống ếch râm ran đầu ngõ là nhấp nhổm ngồi nhà không yên. Thấy đứa nào khoe là đã lên được Hàng Mã – “kinh đô đồ chơi” mua sắm từ sớm thì y như rằng mấy đứa còn lại tha hồ ghen tỵ. Lúc bé xíu, được bố mẹ mua cho cái gì thì nhận cái đó là vui lắm rồi.  Lớn lớn một chút, chỉ mong được người lớn cho tiền để tự lên phố mua đồ chơi rằm thì còn gì bằng. Đập lợn đất, dốc hết mấy đồng tiết kiệm gom thêm vào, thế là thành chuyến đi.

Nhà tôi nằm trong một con ngõ loằng ngoằng như bất kỳ con ngõ đặc trưng nào đó ở HN. Lũ trẻ quanh xóm đứa nào đứa nấy gầy nhẳng nhiu và đều nghịch như ma. Đi bộ thì xa nhưng rủ nhau cùng đi bộ kèm nhảy tầu điện để tới “kinh đô đồ chơi” là lựa chọn số 1.

Hàng Mã – “Kinh đô đồ chơi” những năm 1980 tuy đơn sơ nhưng vẫn không kém phần đông vui. Các sạp hàng cũng kê đầy ra phố nhưng chủ yếu là bán đồ chơi dân gian chứ không nhiều đồ chơi hiện đại như bây giờ. Nào đèn kéo quân, đèn cù, đèn ông sư. Nào đầu sư tử, mặt nạ hổ báo, mèo thỏ và không thể thiếu Thị Nở – Chí Phèo. Cặp “uyên ương” này đã vui vẻ “đánh bạn” với chúng tôi từ những câu vè cho tới những chiếc mặt nạ giấy bồi mầu mè và hăng hăng mùi hồ dán.

Nhưng thứ hấp dẫn chúng tôi nhất lại phải là những món “thời thượng”, lấp lánh lung linh một chút. Với bọn con gái thì phải là mũ lông chim, công chúa Arabella hay vòng vèo đèn đóm. Bọn con trai thì thường là Phăng- Tô- Mát đầu trọc, mặt lạnh, súng nhựa, kiếm nhựa đầy mình…


Nhạc sĩ Trần Lập và con trai

Với lũ trẻ “nhà có điều kiện”, chúng được sắm tất thảy đồ chơi ước mơ của những đứa nghèo. Còn những đứa nhà nghèo thì lại đi nhặt nhạnh những món đồ gãy hỏng của bọn “nhà có điều kiện” về tìm cách sửa mà chơi. Giả sử, súng nhựa bóp cò kêu “tạch tạch tạch” mà bị hỏng, gãy thì chỉ cần mang về hàn lại và bắn bằng… “súng mồm”: “Èng èng èng, pằng chíu, pằng chíu…” nghe lại còn vui hơn. Tối đến, đèn điện đôi khi chẳng có mà bật, dưới ánh sáng trăng, đèn ông sao, đèn lồng, tiếng trống, tiếng nô đùa cuả lũ trẻ vẫn rộn ràng xóm nhỏ. Bọn trẻ vẫn vô tư như bất chấp thời cuộc cuả người lớn còn khó khăn đến nhường nào.

Phần mình, không phải lúc nào tôi cũng tiết kiệm đủ tiền để mua được bằng hết những món mình thích. Nhưng cũng chẳng may mắn vớ được những khẩu súng vỡ của bọn “nhà có điều kiện”. Không có đồ thì mất vui sao? Không, không có đồ thì… chế đồ.

Tôi cắt bìa cứng, dùng bút lông chấm mầu vẽ mặt nạ, tìm những mẩu gỗ, thanh củi đẽo thành súng, thành nỏ oách chả kém ai. Sắt tây từ ống bơ thì chế thành chân vịt để mở hội đua thuyền. Bưởi thì đem tách múi làm thỏ hoặc mèo xù, hạt bưởi thì phơi khô, xâu thành chuỗi, đến đêm phá cỗ đốt thơm lừng… Quá nhiều món đồ “ác chiến” chỉ từ những đôi bàn tay bé nhỏ khéo léo và những thứ nguyên vật liệu đơn giản nhất có thể.

Thật khó mà biết được Trung thu xưa hay là Trung thu nay thì thú vị hơn, một khi mình đã không còn được là trẻ nhỏ…

Bất giác, tôi chợt nhìn lại những ngón tay mình khi gõ tới đây. Vẫn còn dấu vết những sẹo nhỏ sót lại của một thời kỳ dùng dao đẽo gọt súng gỗ và lỉnh kỉnh các loại đồ chơi ác liệt khác. Nhưng muốn hay không muốn, chuyến tầu về tuổi thơ ấy cũng đã quay lại với hiện tại.

 


Nhạc sĩ Trần Lập và con gái

Thực ra, thật khó mà biết được Trung thu xưa hay là Trung thu nay thì thú vị hơn, một khi mình đã không còn được là trẻ nhỏ. Là người thích hướng đến hiện đại nhưng cũng không quên những giá trị xưa, không hẳn cái gì xưa tôi cũng thích. Ví như chuyện bánh nướng bánh dẻo, tôi không thích ăn những chiếc bánh làm kiểu xưa mà thích những chiếc bánh từ nhà máy chế biến hiện đại hơn. Thế nhưng, giờ đây, trở lại “kinh đô đồ chơi”, thấy hàng Tàu lòe loẹt, lấn át những món đồ chơi truyền thống từng là niềm mơ ước của lũ trẻ trâu chúng tôi ngày ấy và là ký ức một thời không của riêng ai, mà không khỏi chạnh lòng.

Giờ đây, dẫn con lên Hàng Mã, có chăng là, tôi chỉ muốn các con được hưởng phần nào bầu không khí náo nhiệt vẫn còn từ bấy đến nay, hơn là để dễ dàng mua những món đồ chơi lai căng, bắt mắt. Chỉ mong về sau này, cuộc sống dẫu có tốt lên nhiều thì mấy đứa nhóc vẫn còn một nơi để trở về thăm lại tuổi thơ, như bố hay ông chúng từng làm. Tất nhiên “tầu” có thể khác, “bến đỗ” cũng có thể khác nhưng đích đến vẫn sẽ đều là giá trị truyền thống cổ xưa, không dễ gì để mất. Chỉ mong nó đừng biến mất.

Vì ngày xưa thì ai mà chẳng có…

Nhạc sĩ Trần Lập
Ảnh: Bạch Phú


logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

>> Cùng tác giả: Thu phí tác quyền: Có cần cú đấm thép & bàn tay sắt?



From the same category