Ai cũng rõ một điều: Trung Quốc luôn là thị trường có sức hút cực kỳ lớn. Hiểu rõ thế mạnh đặc biệt đó của mình, đất nước tỷ dân có thể khiến mọi nghệ sĩ, nhãn hàng hoạt động trong lãnh thổ phải tuân theo luật chơi của mình.
Nếu thường xuyên sử dụng mạng xã hội và theo dõi các kênh thông tin tổng hợp, ít nhiều bạn sẽ nghe đến từ “phong sát”. Đây là khái niệm dùng để chỉ sự “xóa sổ” hoàn toàn của Chính phủ Trung Quốc đối với một người nổi tiếng trên không gian mạng và các địa điểm công cộng. Khi một người bị liệt vào diện phong sát, mọi tài khoản mạng xã hội của họ đều bị tẩy trắng; các trang tin trực thuộc chính phủ, đơn vị thông tin lớn hoặc các nhãn hàng chủ động xóa/ẩn bài viết liên quan đến người này; poster, standee, các biển quảng cáo của họ cũng chịu số phận tương tự,… Bên cạnh những động thái thẳng tay trừng phạt này, các cơ quan Chính phủ còn ban hành luật cấm nghệ sĩ bị phong sát xuất hiện trên truyền thông, tham gia các hoạt động công cộng.
Khái niệm này bắt đầu trở nên phổ biến khi bê bối của nam nghệ sĩ đình đám một thời Ngô Diệc Phàm bùng nổ với phạm vi vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Ngay khi các chứng cứ phạm tội được xác nhận, toàn bộ thông tin chung của anh đã bị xoá hoàn toàn, các fanpage và chủ đề thảo luận trên mạng cũng chịu chung số phận. Sau đó, hàng loạt các nghệ sĩ khác cũng đối diện trước động thái trừng phạt đến từ Chính phủ Trung Quốc với những mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Đặng Luân, Viên Băng Nghiên, Tống Tổ Nhi bị “đóng băng” hoạt động do trốn thuế; Trương Triết Hạn không được tham gia các hoạt động truyền thông chính thống (ca hát, gameshow, đóng phim, quảng cáo,…) do các vấn đề liên quan đến Nhật Bản; Thái Từ Khôn với bê bối tình ái, uy hiếp bạn gái, đã bị Hiệp hội quảng cáo Bắc Kinh/Ủy ban quy phạm đại ngôn của minh tinh lấy làm ví dụ nhắc nhở các nhãn hàng quản lý hành vi của người đại diện,… Có thể thấy, các nghệ sĩ bị đưa vào “danh sách đen” của Chính phủ Trung Quốc không chỉ vì vi phạm pháp luật, mà ngay cả các hành vi trái với quy phạm văn hoá, đạo đức cũng bị thanh trừ.
Nhẹ nhàng hơn nhưng lại thể hiện rõ sự cầu toàn trong việc bảo vệ thuần phong mỹ tục của đất nước tỷ dân, đó là việc các đơn vị truyền thông Trung ương không bao giờ cho phép nghệ sĩ mặc đồ “thiếu vải” xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia. “Thiếu vải” ở đây không chỉ là ăn mặc gợi cảm quá đà, mà ngay cả các chi tiết cắt xẻ rất nhỏ ở phần ngực, eo hay hở vai, lưng cũng sẽ bị che lại khi các đơn vị này đăng tải hình ảnh lên Internet.
Vào năm 2021, Cảnh Điềm tham gia Đêm hội mừng Tết Đoan Ngọ của đài CCTV trong trang phục đầm dạ hội có thiết kế khoét ngực chữ V. Tuy nhiên, trong poster CCTV đăng tải để giới thiệu dàn khách mời, trang phục của “mỹ nữ Bắc Kinh” đã được nhà đài photoshop che lại phần ngực, dù mẫu thiết kế có phần cut-out rất nhỏ. Hay gần đây nhất, ban tổ chức lễ trao giải Kim Kê đã chỉnh sửa trang phục của Châu Đông Vũ và Vu Thích trên poster vì lo ngại chúng không đảm bảo yếu tố về thuần phong mỹ tục.
Điều đáng nói là dù người nổi tiếng không vi phạm pháp luật trong hoặc ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhưng chỉ cần họ có độ nhận diện tại nước này, thì đều sẽ bị cấm sóng nếu có những hành vi trái với giá trị chân – thiện – mỹ. Tiêu biểu nhất là Trịnh Sảng. Dù có hành vi nộp thuế chậm nhưng việc thuê người mang thai hộ và không nhận con mới là lý do chính khiến cô bị phong sát triệt để. Hành vi này tuy diễn ra bên ngoài Trung Quốc, nhưng xét đến danh tiếng và tầm ảnh hưởng của Trịnh Sảng thì Chính phủ nhận thấy hoàn toàn đủ cơ sở để “cấm cửa” cô đối với mọi hoạt động truyền thông trong nước.
Sự nghiêm khắc này không chỉ áp dụng với các nghệ sĩ nội địa, mà mọi cá nhân ngoại quốc hoạt động tại thị trường Trung Quốc đều buộc phải tuân thủ và chấp hành theo. Với Chính phủ Trung Ương, khi đã có động thái quảng bá hình ảnh tại đất nước này, nghệ sĩ chỉ có 2 lựa chọn: một là tuân thủ tuyệt đối, thậm chí là thay đổi hình ảnh cá nhân để hòa nhập; hai là bỏ lỡ một trong những thị trường giải trí lớn nhất thế giới. Và trường hợp của Lisa (BLACKPINK) là minh chứng ồn ào, rõ nét nhất.
Trước khi vụ bê bối diễn ra, Lisa là nghệ sĩ K-pop được yêu thích nhất tại đất nước tỷ dân. Các tin tức liên quan đến cô đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả ở đây. Tuy nhiên, sau khi thông báo và hình ảnh về màn trình diễn của Lisa tại hộp đêm Crazy Horse Paris được lan truyền, khán giả Trung Quốc đồng loạt quay lưng lại với nữ thần tượng. Các chủ đề liên quan đến sự việc này liên tục lên hot search Weibo. Các nhóm thảo luận trên Douban hoạt động cực kỳ sôi nổi, với vô số những bình luận tiêu cực. Đỉnh điểm là khi tài khoản Weibo chính thức của Lisa bị vô hiệu hoá, kéo theo đó là sự biến mất của fanpage lớn nhất tại Trung Quốc. Đây được xem là hành động vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng xấu mà Lisa có thể gây ra đối với công chúng nội địa.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao hành động của Lisa lại bị phản đối dữ dội như vậy ở Trung Quốc? Thứ nhất, xét trên phương diện văn hoá, Trung Quốc là một quốc gia tương đối đề cao sự kín đáo, lịch sự. Công chúng thường yêu thích hình tượng nghệ sĩ trong sạch, thanh lịch, nói không với các yếu tố quá khiêu gợi. Đối với họ, việc một thần tượng nổi tiếng như Lisa biểu diễn tại hộp đêm thoát y đã đi ngược lại với tiêu chuẩn thẩm mỹ của họ – những người sẵn sàng trút hầu bao ủng hộ cô, đặc biệt là người hâm mộ Trung Quốc.
Thứ hai, xét về mặt pháp luật, tại điều 8 mục 4 của quy định quản lý nghệ sĩ do Tổng cục quảng bá và phát thanh truyền hình Trung Quốc ban hành, có viết: “Các nghệ sĩ không được tổ chức, tham dự, truyền bá các nội dung liên quan đến khiêu dâm, tình dục, đánh bạc, ma tuý, bạo lực, khủng bố, xã hội đen”. Dựa trên quy định này, đặt dưới góc nhìn của Chính phủ, múa thoát y tại Crazy Horse Paris hoàn toàn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Lisa chính thức bị liệt vào “danh sách đen” dù không có bất kỳ văn bản cáo buộc vi phạm nào.
Tuy nhiên, việc bị phong sát tại Trung Quốc có thực sự ảnh hưởng nhiều đến Lisa không, khi cô ấy là nghệ sĩ ngoại quốc và đang rất được các thương hiệu lớn săn đón? Câu trả lời chắc chắn là có, dù nó không quá rõ ràng. Thứ nhất, trên cương vị là một nghệ sĩ, cô đã mất hoàn toàn quyền được quảng bá hình ảnh tại Trung Quốc, khiến lượng tiêu thụ nhạc sụt giảm đáng kể. Thứ hai, lệnh cấm này của Chính phủ Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến việc lựa chọn Lisa làm đại diện/đại sứ thương hiệu trong tương lai. Các thương hiệu nếu muốn chọn Lisa làm đại sứ sẽ buộc phải từ bỏ thị trường Trung Quốc hoặc hoàn toàn không được dùng hình ảnh của cô để quảng bá tại đây.
Trên thực tế, Trung Quốc rất nổi tiếng trong việc tiêu thụ hàng hoá, đặc biệt là xa xỉ phẩm. Mọi thương hiệu cao cấp đều muốn “lấy lòng” quốc gia này. Hiểu rõ lợi thế của mình, Chính phủ Trung Quốc càng không khoan nhượng trước các nghệ sĩ, nhãn hàng vi phạm nguyên tắc của mình. Các thương hiệu có thể tiếp tục giữ Lisa làm gương mặt đại diện, nhưng họ hoàn toàn không được phép thể hiện sự ủng hộ đó tại lãnh thổ Trung Quốc. Bằng chứng là tài khoản Weibo chính thức của Bvlgari và Celine, hai nhãn hàng mà Lisa đang làm đại sứ thương hiệu, đã phải xoá/ẩn hết các bài đăng liên quan đến cô, ngoại trừ chiến dịch toàn cầu mới của hãng. Điều này khiến phạm vi ảnh hưởng của Lisa dần bị thu hẹp.
Trước Lisa, nhiều nghệ sĩ Âu Mỹ như Justin Bieber, Miley Cyrus hay Lady Gaga đã bị “cấm cửa” tại Trung Quốc do có hình tượng và những hành vi bị cho là đi ngược với chuẩn mực văn hoá. Tuy nhiên, họ vẫn nổi tiếng toàn cầu nhờ ngôn ngữ tiếng Anh cùng tầm ảnh hưởng sâu rộng tại Mỹ và châu Âu. Còn Lisa thì ngược lại: cô là một nghệ sĩ châu Á đang trên chinh phục thị trường âm nhạc quốc tế. Việc phớt lờ hoàn toàn phần lớn thị trường châu Á – tức thị trường nền tảng, liệu có thể giúp cô “nhẹ gánh” để bay xa hơn không?