Cố nhiên, đàn bà cũng có “trung niên”, nhưng nếu phải so với chính họ thuở đang là mù lòa thiếu nữ hay lẳng lơ thiếu phụ thì đến tuổi này nhạt hơn, không nhiều chuyện để bàn. Nói chung, bọn họ đều đã yên ấm gia đình, thương chồng quý con. Nếu chẳng may khát vọng có còn thì cũng chỉ loay hoay nhặt nhạnh thêm tí tiền lẻ hay lãng mạn chấm mút một chút văn gừng văn nghệ. Hoặc hóng hớt buôn đi bán lại mấy căn chung cư đang ế. Hoặc nghẹn ngào một góc bẽn lẽn ngồi viết vài lục bát đoản thi.
Phải là những quý bà buông thả dư dật lắm thì mới liều lĩnh cặp bồ. Và khi bị thằng “phi công trẻ” lừa tình dọa tống hình lên facebook, sau hồi hoảng loạn, thì âm thầm rút sổ tiết kiệm tự dàn xếp. Nhờ giời, mọi sự dần rụng rơi vào êm đẹp. Kể từ đó, đàn bà trung niên bỗng thấy thương mình và thương con hơn. Không phải ngẫu nhiên mà con của các thiếu phụ U50 bị tống tình, hầu hết đều được mẹ cho sang nước ngoài du học.
Đàn ông trung niên thì khác hẳn, hầu như người nào cũng gập ghềnh bất hạnh. Đây là đoạn tuổi mà bọn họ phải đương đầu với hai cửa ải dồn dập lớn “49 chưa qua, 53 đã tới”. Mốc 49 cốt để đàn ông khẳng định đã hết tuổi là “thằng”. Thời phong kiến quen ngăn nắp, trung niên khi vào tuổi năm mươi, cho dù là bạch đinh cũng sẽ bắt đầu được gọi là “ông”, đương nhiên miễn phu phen tạp dịch. Tất nhiên bọn “đầu hai thứ tóc” này phải soạn một bữa cho quan viên và dân làng đánh chén, tục gọi là “khao lão”. Còn suôn sẻ qua tuổi 53 thì đích thực “ông” rồi, hội hè đình đám được ngồi ở hàng bô lão.
Người xưa tuy trọng niên kỷ nhưng không quá ham muốn sống dài. Hiền triết Trang Tử bảo, “trái đất mang ta đi là vì ta có thể xác. Làm ta vất vả là vì ta sống. Cho ta thong thả là vì ta già. Cho ta nghỉ ngơi là vì ta chết”. Chính vì thế mà cổ nhân coi tuổi năm mươi là sơ thọ. Sáu mươi là thanh thản hết chuyện, mũ ni che tai. Bẩy mươi là thượng thọ, kể từ đấy trở đi nghiễm nhiên là giống quý hiếm, y như câu “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Còn tám mươi thì thôi rồi, con cháu hồ hởi làm tiệc to “bát tuần đại khánh”, nhỡ có “hạc giá du tiên” thì đốt pháo ăn mừng coi là hỉ sự.
Làm quái gì có chuyện 81, 82 vẫn còng lưng cặm cụi ngồi viết tiểu thuyết rồi bọn U60 xúm vào khen là cách tân, không những hiện đại mà còn hậu hiện đại. Bô lão, ở mức độ nhân văn thông tục nào đó nên đơn giản hiểu là tuổi được hạnh phúc ngồi bô, tận hưởng mọi sự an lành để nhìn sự đời như không như có. Chỉ có bọn ranh con mất dạy mới thích đẩy các cụ vào chỗ thị phi đục ngầu mùi danh mùi lợi.
Bài: Nguyễn Việt Hà