Ông ngoại hứa với Ty sau khi ông sửa xong chiếc bóng đèn sẽ kể chuyện cổ tích Tấm Cám cho bé nghe. Cậu chàng ngồi chồm hổm cạnh ông, chốc chốc lại giục: “Ông xong chưa, lâu thế?” Đợi mãi, chưa xong, cu cậu bực ra mặt, bảo: “Ông già rồi, không sửa được đâu. Ông đưa đây Ty sửa hộ cho nhanh”. Một lát thì chiếc bóng đèn cũng sáng. Ông mở quyển truyện, đọc cho Ty nghe.
Mới được vài câu, chuông cửa kêu kính coong. Bạn ông bên hàng xóm đến nhà chơi, rủ đánh cờ. Ông gập vội quyển sách, bảo Ty, ra chỗ khác chơi nhé, ăn cơm tối xong, ông sẽ đọc tiếp cho Ty. Chẳng để ý thái độ của cháu, ông và bạn mở bàn cờ ra, sắp sắp xếp xếp.
Ty nì nèo, bắt ông đọc truyện, vì ông đã hứa. Ông vừa nhìn cờ, vừa ậm ừ. Ty cáu, bắt đầu mếu máo. Rồi cu cậu gẩy tung bàn cờ của ông. Ông quay ra, phát mạnh vào tay. Ty khóc toáng. Ông quát Ty hư và bắt cu cậu lên phòng. Hai ông chơi cờ tiếp.
Sau bữa cơm tối, ông lên phòng vẫn thấy Ty ôm gối buồn thiu. Cu cậu chả buồn nhìn ông. Ông bỗng nhận ra mình mới là người có lỗi, chứ không phải tại Ty hư. Ông đã hứa với Ty, Ty phải chờ đợi, xếp hàng sau việc cái bóng đèn, mãi mới đến lượt. Ấy thế mà bạn ông lại “chen ngang”.
Giá mà lúc ấy, ông bảo bạn ông đợi tý, ông chỉ cần dành thêm 10 phút nữa đọc nốt chuyện Tấm Cám cho bé thì đâu đến nỗi bé có phản ứng như thế. Ty vốn là đứa trẻ dễ bảo, chắc chắn ông mà đọc xong truyện như đã hứa thì Ty sẽ vui vẻ đi chơi trò khác để hai ông chơi cờ với nhau ngay.
Bài học nhỏ
BS Nguyễn Khắc Viện, nhà tâm lý trẻ em, trong cuốn “Nỗi khổ của con em” đã đúc kết sự “thấp cổ bé họng” của trẻ em bằng một câu: “Dù khi sấm sét bất kỳ/Làm thân con cháu kêu gì được oan”. Trong trường hợp trên, BS đưa ra giải pháp, tại sao khi ông đang tiếp khách, có người khách khác đến, ông sẽ bảo: “Xin đợi ít phút, bàn xong việc tôi sẽ xin tiếp bác” Còn trong trường hợp đang kể chuyện cho cháu, tại sao ông không bảo: “Tôi đang kể chuyện cho cháu, xin đợi chốc lát hết chuyện tôi sẽ tiếp ông”. Nỗi khổ của trẻ em là có oan ức do người lớn gây ra nhưng bé chỉ cảm nhận chứ không thể nhìn nhận rõ ràng hoặc có đủ lý luận để phần trần. Mặt khác, trong tâm lý trẻ nhỏ, các bé sẽ nghĩ trái lời bố mẹ, ông bà, cô giáo – những người trong mắt bé thật cao siêu, những thần tượng của bé, bé sẽ nghĩ chắc mình có tội thật. Vì thế sẽ hình thành trong bé sự phân vân thiếu rạch ròi giữa cái đúng, cái sai. |