Trọng thầy mới được làm thầy - Tạp chí Đẹp

Trọng thầy mới được làm thầy

Sống

Khi chọn cho mình con đường này, hẳn không ai cầu mong vinh lợi cho mình. Từ khi đứng trên bục giảng lần đầu tiên cho đến ngàn lần sau, họ vẫn được những người khác tôn kính gọi mình là nhà giáo

Tính tôn sư

Ngay từ ngày đầu tiên đưa trẻ đến trường, cha mẹ nào cũng dặn con, dù con còn rất nhỏ: “Phải nghe lời cô giáo nhé”.

Con trẻ đã có được tính tôn sư trọng đạo ngay từ thuở bé. Chẳng phải thế sao? Bạn thử hình dung xem, từ khi lẫm chẫm biết đi. Chúng đã thuộc lòng bài hát: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền…” dù vẫn chưa nói thật sõi. Trong tâm trí non nớt, bọn trẻ thật sự xem cô giáo giống như người mẹ thân thương luôn kề cận chúng hằng giờ.

Cha mẹ cũng là thầy

Không cần phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của bọn trẻ. Do vậy, ảnh hưởng từ 2 người thầy này vô cùng quan trọng với tính cách và cuộc sống sau này của trẻ. Vì thế, đôi khi nguồn gốc xuất thân khác nhau, điểm đến của những đứa trẻ sẽ vô cùng khác nhau. Sẽ khó tìm thấy một đứa trẻ nổi loạn, hỗn hào trong một gia đình nề nếp, cha mẹ luôn nhã nhặn, và ngược lại.

Cũng chính vì thế, những ngày đầu lẫm chẫm đến trường. Cha mẹ nào cũng muốn tìm một cô giáo thật hiền lành, nhân hậu, để mong con mình cũng sẽ được như vậy.

Tuy nhiên, một số phụ huynh lại nghĩ rằng, cô giữ trẻ chỉ là người giữ con hộ khi họ vắng nhà. Nếu suy nghĩ thầy, cô chỉ là “thợ dạy” được trả lương, thì bọn học trò chắc chắn cũng chỉ là một “thợ học” không hơn không kém.

Có một câu chuyện nhỏ mang đầy tính giáo dục: “Gia đình nọ rất giàu có và gia trưởng. Bố mẹ luôn dạy con tất cả những lễ nghi cần thiết trong cuộc sống để khi đối mặt với thực tế con ít phải ngỡ ngàng. Vì có địa vị khá cao trong xã hội, ông bố luôn hướng dẫn con đạt đến những tiêu chuẩn khá cao. Đứa con gái, dù chưa được khéo léo như bố vì chỉ mới 10 tuổi, nhưng rất ngoan ngoãn và thông minh. Ngày nhà giáo sắp đến, người bố gọi con đến và hỏi con xem cô giáo cần gì. Với kinh tế của gia đình, tặng gì cho cô giáo cũng không phải là điều quá khó.

Ông bố cũng nghiêm khắc nói với con rằng, nếu không được lòng cô giáo con sẽ khó có được kết quả tốt trong học tập. Đứa con gái sau một hồi suy nghĩ, đã rụt rè nói với bố thế này: “Con có biết nhà cô giáo và thấy cô ấy không khác gì nhà mình cả. Cô giáo quan tâm và chăm sóc chúng con rất tốt. Con nghĩ, nếu muốn tặng quà cô vào một dịp quan trọng, con sẽ tặng cô một đóa hoa hồng đỏ thắm, con thích hoa hồng và nghĩ rằng cô cũng sẽ yêu chúng như con đã yêu. Con luôn thích một ngôi nhà có nhiều hoa, dù nhà ta không cắm hoa được vì hoa sẽ héo vì máy lạnh…”

Thế đấy, nếu chỉ vì tiền mà theo nghề giáo thì hẳn xã hội sẽ chẳng còn ai đi dạy nữa. Lòng nhiệt tình mê say của những ai từng đứng trên bục giảng thì chỉ có ai đoạn trường mới hay. Có thể nhiều người phấn đấu dạy thật tốt, hướng dẫn học sinh thật giỏi thì không chỉ học sinh mà họ cũng sẽ có niềm vui lớn lao khi thấy học trò mình trưởng thành. Trong cuộc mưu sinh, biết bao nhiêu người đi dạy kiếm tiền, nhưng cũng biết bao người đi dạy vì tình yêu nghề nghiệp. Hãy thắp lên sự hy vọng và một nền giáo dục mới vào tình yêu non trẻ của con thơ. Trọng thầy mới được làm thầy, bạn sẽ nhận được sự tôn kính nếu chính mình là tấm gương đáng được tôn kính nhất cho con trẻ.

(Quỳnh Vũ)

Thực hiện: depweb

15/11/2004, 16:28